Với hai mươi tư giờ một ngày, cố nhớ những giây phút vốn là phép màu và thiêng liêng đó trong cuộc đời của bạn. Nhớ lại vài thời khắc đó và cố biến chúng thành nền tảng cuộc đời của bạn.

Bạn sẽ thấy rằng những gì bạn nhớ tới dường như diễn ra thường xuyên hơn và rằng điều bạn luôn mong đợi sẽ bắt đầu xuất hiện khắp nơi xung quanh bạn. Và rồi thế giới sẽ xuất hiện dưới ánh sáng khác hoàn toàn.

Showing posts with label Osho Tự truyện. Show all posts
Showing posts with label Osho Tự truyện. Show all posts

Chương 14: Đạo sư Rolls-Royce

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 14: Đạo sư Rolls-Royce


Osho: Tôi muốn toàn thế giới sống thật xa hoa, đến nỗi người ta bắt đầu trở nên chán sự xa hoa. Bạn nên hỏi tôi, bằng cách nào mà tôi chán Rolls-Royce.
Hỏi: Ông chán Rolls-Royce như thế nào?
Đáp: 99 chiếc Rolls-Royce, bất cứ ai đều sẽ chán! Và những người của tôi sắp cố để có 365 chiếc. Họ quyết tâm làm cho tôi chán. Bạn có thể làm gì? Và toàn bộ trái đất lần đầu tiên có thể trở nên quá xa hoa, đến mức bạn không cảm thấy bất cứ nhu cầu vật chất nào. Khi mọi nhu cầu vật chất được thỏa mãn, thì bạn định làm gì? Không có gì khác ngoài thiền định. Đó là cánh cửa duy nhất mà vẫn còn để ngỏ. Tất cả những cánh cửa khác, bạn đều đã gõ vào, và bạn thấy không có gì ở đó.  Chỉ có một cánh cửa duy nhất còn bỏ ngỏ, đón mời.
Và bất cứ ai đã bước vào cánh cửa đó, sẽ không bao giờ trở lại mà bị phẫn chí, thất vọng – không có một trường hợp riêng lẻ nào trong toàn bộ lịch sử nhân loại, mà trong đó một người đã đạt tới trung tâm của bản thể mình, mà lại bị thất vọng, cảm thấy vô nghĩa, khốn khổ, để rồi tự vẫn. Không có một ngoại lệ riêng lẻ nào cả! Đó là lý do tại sao tôi nói thiền định là một điều khoa học. Đó là cách mà khoa học làm việc: Nếu bạn có thể tìm thấy một cái gì đó không có ngoại lệ, thì nó trở thành một qui luật. Thiền định là một phương pháp khoa học, bởi vì trong toàn bộ lịch sử, chưa từng có ai nói rằng nó không dẫn bạn tới phúc lạc tối hậu.
(Từ một cuộc phỏng vấn với Ted Viramonte, Madras Pioneer, Madra, Oregon)

1978. Pune, Ấn Độ.
Chỉ mới cách đây mấy hôm, tôi bảo thư ký của tôi, Laxmi, mua cái xe đắt nhất có thể được tại đất nước này. Một điều tốt về Laxmi, là cô ấy không bao giờ hỏi tại sao. Cô ấy đã mua nó. Nó tác dụng tốt – nó là một "mẹo vặt". Laxmi đang gõ cửa những ngân hàng để kiếm tiền cho công xã mới. Chúng tôi cần nhiều tiền; gần khoảng một triệu Mỹ kim sẽ được cần đến. Ai sẽ cho tôi vay món tiền đó? Cái ngày mà cô ấy mua chiếc xe, thấy rằng chúng tôi có tiền, những ngân hàng bắt đầu đến văn phòng của cô, mời chào, "Hãy lấy bao nhiêu mà cô muốn." Bây giờ, cô ấy bối rối: lấy từ ai? Mọi người đều muốn cho vay trên những điều kiện tốt hơn, và họ theo đuổi cô.
Tôi đã làm việc tại Ấn Độ liên tục trong 20 năm. Hằng nghìn người đã được chuyển hóa, hằng triệu người đã lắng nghe tôi nói, và thêm nhiều người đã và đang đọc cái mà tôi đang nói, nhưng tờ Times of India – tờ nhật báo “công thức” nhất của Ấn Độ, vẫn có tính "Anh quốc" nhất – chưa hề đăng tải một bài nào về tôi hay công trình của tôi. Nhưng cái ngày mà tôi mua chiếc xe, có một bài báo "nhớn" – về chiếc xe, chứ không phải về tôi!
Bây giờ tất cả họ đều quan tâm. Tin tức về chiếc xe được đăng tải khắp nước, trong mọi tờ nhật báo, bằng mọi thứ tiếng. Vậy, đây là loại người nào? Sự quan tâm của họ không phải là về tôi, không phải về thiền định, không phải về hằng nghìn người đang thiền định ở đây. Họ hoàn toàn không nhận biết về cái gì đang xảy ra ở đây, nhưng họ trở nên quan tâm đến chiếc xe.
Họ đến đây. Nhiều người đến văn phòng, không phải để thăm tôi hay cái công xã – họ dò hỏi, "Chúng tôi có thể xem chiếc xe được không?" Laxmi nói với họ, "Bạn có thể đến nghe bài nói chuyện buổi sáng, và bạn có thể thấy chiếc xe." Và những gã đáng thương – họ phải đến và lắng nghe 90 phút, chỉ để thấy chiếc xe. Thật là một cuộc tra tấn! Và đây là những người giàu có, được giáo dục. Bạn thử nghĩ xem, có đất nước nào "duy vật" hơn?
Và họ rất lo lắng, và những bài xã luận được viết về chiếc xe. Họ hỏi, "Tại sao? Tại sao ông không thể sống một cuộc sống giản dị chứ?" Cuộc đời tôi thì tuyệt đối giản dị – thực sự quá giản dị, đến mức tôi luôn thỏa mãn với những loại đồ vật tốt nhất. Nó tuyệt đối giản dị, còn gì giản dị hơn nữa? Có thể nói trong một câu ngắn gọn: những loại đồ vật tốt nhất. Không có sự phức tạp nào về nó cả. Tôi thích chất lượng. Tôi không quan tâm về việc nó giá bao nhiêu, mà tôi chỉ quan tâm về chất lượng. Tôi thích chất lượng trong con người, không phải số lượng. Tôi thích chất lượng trong mọi sự, chứ không phải số lượng. Chúng tôi đã có thể mua 30 chiếc xe Ấn Độ, thay vì chiếc này, nhưng có lẽ đó chỉ là số lượng – và dẫu có mua 30 chiếc, thì hẳn cũng đã không ích lợi gì.
Nhưng tại sao họ cứ thắc mắc, tại sao họ không hiểu được chuyện đó? Bởi vì họ làm ra vẻ mình là người “tôn giáo”, nhưng dưới sâu, toàn bộ sự ám ảnh của họ là có tính "duy vật". Họ mang giữ một thói đạo đức giả, và để chu toàn sự giả hình của họ, toàn bộ thế giới tôn giáo Ấn Độ phải thỏa hiệp. Nếu ai đó muốn trở thành một vị thánh, y phải sống trong sự nghèo nàn hoàn toàn. Nó gần như là một bệnh thống dâm; y phải tự tra tấn mình. Càng tra tấn mình bao nhiêu, người ta càng nghĩ rằng y “tôn giáo” bấy nhiêu: "Trông kìa, ông ta đang sống một cách tôn giáo làm sao!"
Sống một cách tôn giáo có nghĩa là sống một cách vui sướng, sống một cách tôn giáo có nghĩa là sống một cách thiền. Sống một cách tôn giáo có nghĩa là sống trong thế giới này như thể cuộc sống là một món quà của Thượng đế! Nhưng tâm trí họ bị ám ảnh và họ không thể hiểu. Một khi mục đích của chiếc xe được đạt tới, thì nó sẽ biến đi.
Tôi thậm chí có thể đến trong một cái xe bò. Có lẽ nó sẽ còn sặc sỡ hơn, và có lẽ tôi càng ưa ngồi trên đó hơn.
Họ đến đây và họ nhìn, và toàn bộ mối quan tâm của họ là, "Tại sao lại xây một cái ashram đẹp như thế?" Họ muốn một cái gì đó dơ bẩn, tồi tàn – một nơi nhếch nhác, và rồi thì nó là một ashram. Họ không thể tin rằng cái ashram có thể sạch sẽ, đẹp, với cây cối và hoa, và tiện nghi. Họ không thể tin điều đó. Và không phải là họ không muốn tiện nghi cho chính mình; họ đang khao khát nó. Thật ra, họ ghen tỵ. Cái đầu óc Ấn Độ đã trở nên "duy vật", duy vật một cách dung tục.
Một "tâm trí tâm linh" không chút nào phân biệt giữa vật chất và tinh thần; nó không phân chia. Toàn bộ sự hiện hữu là một – đó là một tâm trí tâm linh. Người "duy vật", cho dù y yêu một người đàn bà, giản lược cô ta thành một sự vật. Vậy thì ai là một người tâm linh? Một người tâm linh là một người mà, cho dù y sờ vào một vật, chuyển hóa nó thành một con người.
Bạn sẽ ngạc nhiên bởi định nghĩa của tôi. Một người tâm linh là một người mà, ngay cả nếu y lái một chiếc xe, chiếc xe trở nên một con người. Y "giao cảm" với  chiếc xe, y lắng tai để nghe tiếng rồ rồ của nó. Y dành cho nó tất cả sự yêu mến và quan tâm. Ngay cả một sự vật cũng bắt đầu trở thành một con người, sống động; y có mối giao cảm với sự vật ấy, nữa. Và một người duy vật là một người, cho dù y yêu một người đàn ông hay phụ nữ, một con người, thì ngay lập tức y giản lược người đó thành một sự vật. Người đàn bà trở thành một người vợ – người vợ là một sự vật. Người đàn ông trở thành người chồng – người chồng là một sự vật, một "định chế". Và mọi định chế đều xấu xa, chết cứng.
1981 – 1985. OREGON
Người Mỹ nghĩ rằng họ là những người giàu nhất trên thế giới. Nhưng tôi đã tạo ra một trò đùa đơn giản với 93 cái Rolls-Royce, và tất cả sự tự hào của họ biến mất. Ngay cả vị tổng thống cũng trở nên ghen tỵ, vị thống đốc trở nên ghen tỵ, giới tăng lữ trở nên ghen tỵ. Một lần, một giáo sĩ tại Wasco County, mọi chủ nhật có lẽ ông ta đã quên Jesus Christ hoàn toàn, nhưng ông ta không thể quên 93 cái Rolls – Royce. Ông ta thường tìm cách nào đó để kết án chúng. Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng, khi tôi được bảo lãnh ra khỏi nhà tù, ông viết một lá thư cho tôi. Ông hỏi, "Bây giờ ông sẽ trở lại vùng đất của riêng mình – ông sẽ hiến tặng ít nhất một cái Rolls – Royce cho nhà thờ của tôi chứ? Nó sẽ là một hành vi từ thiện lớn." Bây giờ bạn có thể thấy cái tâm trí… Tôi đã dạy thiền cho hằng nghìn người; nước Mỹ không quan tâm đến chuyện đó. Hằng nghìn người đang đến với công xã; nước Mỹ không quan tâm đến chuyện đó. Mỗi festival, có 20 nghìn người đang đến từ khắp thế giới; nước Mỹ không quan tâm đến chuyện đó. Toàn bộ giới truyền thông đại chúng đang liên tục nói về 93 cái Rolls – Royce.
Trước đây, tôi vẫn thường nghĩ, có lẽ trong một nước nghèo, điều này ắt phải diễn ra…  nhưng tôi đã tiêu hủy niềm tự hào của nước Mỹ! Tôi không cần 93 cái Rolls – Royce. Nó chỉ là một trò đùa giỡn chơi, một "cú chơi khăm".
Người ta buồn, ghen tỵ, và nghĩ rằng, những cái Rolls-Royce không thích hợp với tính tâm linh. Tôi không thấy có sự mâu thuẫn nào. Ngồi trong một cái Rolls-Royce tôi cũng từng "thiền" như… Thật ra, ngồi trong một cái xe bò thì thật khó mà thiền được; một cái Rolls-Royce là cái tốt nhất cho sự phát triển  tâm linh.
Xem tiếp Chương 15 Quay về Mục lục

Chương 13: Kẻ thích đùa

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 13: Kẻ thích đùa


Hỏi: Ai là "bầu sô" tốt hơn – trong thuật ngữ siêu hình, nếu ông thích – ông hay là tổng thống Ronald Reagan?
Đáp: Không ai có thể đánh bại tôi ! Tôi là "bầu sô" cừ nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.
Hỏi: Nếu điều này đúng, ông ưa thích loại "sô" nào? Đây là nhà hát, hay rạp xiếc?
Đáp: Đây là rạp xiếc của tôi, lễ hội carnival của tôi. Và tôi thích nó vô kể!
(Từ một cuộc phỏng vấn với Jeff McMulen, 60 phút, Australia)

Hỏi: Trong một cuộc họp báo, ông đã mô tả "công xã" của ông như là một gánh xiếc và chính ông là một "bầu sô" lớn, lớn nhất trên thế giới. Có phải là ông đang tự giễu cợt chính mình và công xã của mình? Tại sao ông nói như vậy?
Đáp: Bạn đang mang quá khứ lại đây. Hãy quên tất cả mọi thứ vớ vẩn đó. Tôi là một "bầu sô" ư? Và những người của tôi là một gánh xiếc? Tôi phủ nhận nó hoàn toàn.
Hỏi: Bây giờ ông sẽ mô tả nó như thế nào?
Đáp: Không có gánh xiếc nào ở đây cả. Đây là nơi duy nhất mà một gánh xiếc không đang diễn ra.
Hỏi: Và ông là một "vị  thầy"  nghiêm túc?
Đáp: Tôi là một ông thầy rất không nghiêm túc! Và tôi đã quên cái cuộc họp báo mà bạn đang nói về! Tôi chỉ đáp ứng lại bạn. Tại sao lại kéo người chết một cách vô ích ra khỏi những nấm mồ của họ? Hãy để cho họ ngủ yên. Bạn đang sống, tôi đang sống, chúng ta có thể có một gặp gỡ sống động, của người sống.
Và tôi thấy tính tiềm năng trong bạn, đó là lý do tại sao tôi đang nói điều đó. Có lẽ tôi đã không nói điều đó với một người khác. Tôi đã được phỏng vấn mọi buổi chiều tối, trong nhiều tuần, nhưng có lẽ tôi đã không nói điều đó với một nhà báo khác. Tôi không xem bạn chỉ như là một nhà báo, tôi xem bạn như là một kẻ tìm kiếm nhiều hơn. Tôi xem bạn như là một hữu thể người nhiều hơn. Và tôi thấy trái tim bạn đang đập phập phồng với tôi, đồng nhịp với tôi, đó là lý do tại sao tôi đang nói ra điều ấy. Nếu không, tôi có thể tiếp tục trả lời về quá khứ, bất cứ cái gì mà đến với tâm trí tôi, và không có vấn đề nào về nó cả.
Tôi yêu những chuyện đùa. Và đùa giỡn trên những người khác thì không tốt lắm, không dễ thương. Do vậy, thỉnh thoảng, tôi đùa giỡn trên chính mình, trên những người của tôi. Nó chỉ là một trò đùa, và những ký giả ngu xuẩn đó nghĩ rằng nó là một cái gì đó nghiêm túc. Bạn có nghĩ rằng một "bầu sô" sẽ ngồi ở đây trong một sa mạc? Phải chăng đây là nơi dành cho một "bầu sô"? Nếu đúng vậy, có lẽ tôi đã chọn Hollywood! Nhưng trái lại, tôi đã kéo những người từ Hollywood về đây, và biến họ thành người của tôi.
Trong cái sa mạc này, 126 dặm vuông, tôi đang ngồi suốt ngày trong phòng tôi. Tôi chỉ ra ngoài hai lần: vào buổi sáng, để nói chuyện với những sannyasin của tôi, và vào buổi chiều tối, để nói chuyện với một nhà báo. Bạn nghĩ tôi là loại "bầu sô" nào? Một "bầu sô" không làm theo cách đó.
Và tôi không có thời gian để làm "bầu sô". Tôi sẽ nói cho bạn biết cái lề thói hằng ngày của tôi, và bạn sẽ thấy: Tôi sẽ lấy thời gian ở đâu? Sáu giờ sáng, tôi thức dậy. Thêm vào đó, thị giả của tôi, Vivek, phải đánh thức tôi dậy; nếu không, tôi sẽ không thức dậy. Ai quan tâm đánh thức tôi một lần nữa? Tôi vẫn thức trong nửa thế kỷ, trở đi trở lại, đủ rồi!
Nhưng cô ấy đánh thức tôi, cho tôi một tách trà. Chỉ để tôn trọng cô ta, tôi uống trà. Trà của tôi không nhiều, chỉ có nước và lá trà. Không có đường, không có sữa – nếu loại trà đó được phục vụ trên thiên đường, thì tất cả các vị thánh sẽ bắt đầu di chuyển về phía địa ngục. Rồi – tôi vẫn luôn ưa thích nước, ngay từ thuở ấu thơ – trong một tiếng rưỡi vào buổi sáng, tôi ở trong phòng tắm, thưởng thức cái chậu tắm, cái vòi sen; và buổi chiều tối cũng tương tự, lại một tiếng rưỡi.
Tắm xong, ngay lập tức tôi phải vào trong xe và di chuyển đến thính đường nơi người của tôi đang chờ. Khi tôi trở về, đã là giờ ăn trưa. Tôi dùng bữa trưa vào lúc 11 giờ và lại đi ngủ, cái việc mà tôi đã làm phần lớn cuộc đời mình. Tôi đã phải bỏ những giờ học khi tôi là một sinh viên – và các ông thầy của tôi cho phép việc đó, bởi vì nếu họ không cho phép, thì tôi thường ngủ trong lớp. Tôi nói, "Không có cách nào khác… Em phải ngủ 2 giờ này."
Vào lúc 2 giờ chiều tôi thức dậy, và tôi lái xe dạo một vòng. Tôi ưa lái xe và chắc chắn tôi có một trong những con đường đẹp nhất, bởi vì nó được các sannyasin của tôi làm riêng cho duy nhất một mình tôi. Không có xe cộ, cho nên tôi không cần bận tâm là tôi đang lái bên phải hay bên trái. Toàn bộ con đường thuộc về tôi. Một giờ ở đó rồi trở về nhà.
Một tiếng rưỡi tôi chỉ đơn giản ngồi trong ghế, không làm gì cả, và "để cỏ tự mọc". Rồi đi tắm.
Sau khi tắm, tôi ăn bữa tối, và sau bữa ăn tối, tôi ở đây để trả lời phỏng vấn của báo giới. Tôi sẽ trở lại phòng mình vào khoảng 9 giờ, hoặc 9.30 đêm.  Rồi thư ký của tôi sẽ đến với những lá thư từ khắp thế giới; những mảnh cắt từ báo mới, viết về tôi từ khắp thế giới, bất cứ cái gì mà cô thư ký riêng cảm thấy tôi cần biết – bởi vì tôi không đọc. Tôi đã ngừng đọc bất cứ cái gì – sách, nhật báo, tạp chí, bất cứ cái gì. Những đoạn cắt mà thư ký riêng của tôi mang đến, cố ấy phải đọc; tôi chỉ đơn giản lắng nghe. Khoảng gần 11 giờ đêm, tôi lại đi ngủ. Như vậy, tôi sẽ kiếm đâu ra thời gian để là một "bầu sô"? Vâng, bạn có thể nhìn vào trang phục của tôi và nghĩ rằng nó trông giống như trang phục của một "bầu sô". Không phải vậy, đó là tình yêu thương của những người của tôi. Tôi đang "chưng diện” là vì họ. Họ làm ra những trang phục đẹp, họ ưa thích làm chúng cho tôi; tôi không thể từ chối họ. Và tôi định "chưng diện" cho ai nhìn? Tôi không bao giờ ra khỏi nơi này.
Bạn thấy cái đồng hồ của tôi chứ? Tôi có hằng trăm cái. Những người của tôi là những người thực sự thông minh – không có vị đạo sư nào trong toàn bộ lịch sử có thể có được một nhóm người thông minh như thế. Này nhé, cái đồng hồ này được làm bởi những sannyasin của tôi. Nó đã đánh bại Piaget – và nó thực sự được làm bằng đá, không phải kim cương.
Hỏi: Bằng đá ư?
Đáp: Đúng là đá, không phải kim cương. Cho nên đừng mang ý tưởng rằng, nó là một cái đồng hồ giả. Đá thực thì cũng thực như là kim cương thực, không có chuyện nó là đồ giả. Tôi vừa nghe trên TV rằng, một nhà báo ngu xuẩn bảo rằng tôi đã và đang dùng những chiếc đồng hồ giả. Tôi không thể hiểu: những hòn đá thực thụ như thế, mà bạn gọi nó là đồng hồ giả ư ? Nó chỉ giờ đúng một cách hoàn toàn chính xác; trong một năm, nó sẽ chậm chỉ một giây, và đó là mức tốt nhất mà bất cứ đồng hồ nào có thể làm được. Nó đẹp như bất cứ viên kim cương nào. Cái đồng hồ tương tự từ Piaget có giá nửa triệu Mỹ kim, chỉ vì cái ý tưởng ngu xuẩn rằng kim cương thì có giá trị nào đó. Cái đồng hồ này không tốn đồng xu nào cả, nhưng tôi sẽ không bán nó thậm chí với giá 10 triệu Mỹ kim, bởi vì nó là vô giá. Nó được làm với tình yêu quá lớn, đến nỗi nó không phải là một vật có thể bán. Tình yêu không thể bán được.
Nhưng tôi định phô trương cái đồng hồ cho ai? Những người của tôi biết những trang phục của tôi, những người của tôi biết những cái đồng hồ của tôi, những người của tôi biết tôi. Tôi không giao thiệp với bất cứ ai khác, tôi không đi nơi nào khác. Đối với riêng tôi, thì thế chiến thứ ba đã xảy ra, và chỉ có nơi này mới được cứu thoát. Không có nơi nào khác để đi.
Tôi chỉ đang đùa thôi. Và những người của tôi đang làm việc chăm chỉ, 12 – 14 tiếng một ngày, chuyển hóa một sa mạc thành ra một ốc đảo – bạn có nghĩ rằng những con người này tạo thành một gánh xiếc hay không? Bạn sẽ không tìm thấy bất cứ nơi đâu trên thế giới những con người cần cù như thế – và họ không đang được trả lương, bởi vì chúng tôi không tin tiền bạc cần được dùng bên trong công xã, trong bất cứ  cách nào. Không có nhu cầu nào cả. Chúng tôi thỏa mãn nhu cầu của chúng tôi, thực phẩm, y phục, mọi thứ, cho nên không ai cần tiền bạc. Bất cứ cái gì anh ta cần, anh ta có thể có. Những người này đang làm việc hết sức chăm chỉ, và vì mục đích gì? Để chiêu đãi cho một ai đó ư? Những người này là những con người sáng tạo. Họ yêu mến tôi và bây giờ họ muốn biến cái "thị kiến" của tôi thành hiện thực.
(Từ một cuộc phỏng vấn với William Sheer, Pers Unie, The Hague, Netherlands)

Tôi phải kể những câu chuyện đùa bởi vì, tôi e rằng, tất cả các bạn  đều là những người tôn giáo. Bạn có khuynh hướng ưa nghiêm túc. Tôi phải cù vào bạn để đôi khi bạn quên đi tính tôn giáo của bạn, bạn quên đi tất cả những triết gia của bạn, những lý thuyết, hệ thống của bạn, và bạn rơi xuống mặt đất. Tôi phải đem bạn trở lại mặt đất, lần này rồi lần khác; nếu không, bạn sẽ có khuynh hướng trở nên ngày càng nghiêm túc. Và tính "nghiêm túc" là một sự tăng trưởng có tính ung thư.
Bây giờ, ngay cả y học cũng nói rằng, tiếng cười là một trong những phương thuốc có tác dụng sâu xa nhất mà thiên nhiên đã cung cấp cho con người. Khi bạn bệnh, nếu bạn có thể cười, thì bạn sẽ bình phục sớm hơn. Nếu bạn không cười được, thì cho dù bạn khỏe mạnh, chẳng sớm thì muộn bạn sẽ đánh mất sức khỏe của mình và đổ bệnh.
Tiếng cười mang năng lượng nào đó từ cội nguồn nội tại của bạn lên bề mặt. Năng lượng bắt đầu tuôn chảy, nó theo sau tiếng cười như một cái bóng. Bạn đã quan sát điều đó chưa? Khi bạn thực sự cười, thì trong những khoảnh khắc ít ỏi đó, bạn ở trong một trạng thái thiền sâu. Sự suy nghĩ ngừng lại. Thật không thể cười và suy nghĩ cùng một lúc. Chúng hoàn toàn đối nghịch nhau: hoặc là bạn cười, hoặc là bạn suy nghĩ. Nếu bạn thực sự cười, thì sự suy nghĩ ngừng lại. Nếu bạn đang suy nghĩ, thì tiếng cười chỉ "vậy vậy", tụt lại phía sau. Nó sẽ là một tiếng cười tàn tật.
Khi bạn thực sự cười, bỗng nhiên tâm trí biến mất. Toàn bộ "giáo học pháp"  của Zen là làm thế nào để đi vào "vô - trí" – tiếng cười là một trong những cánh cửa đẹp dẫn tới đó.
Theo như tôi biết, khiêu vũ và tiếng cười là những cánh cửa tốt nhất, tự nhiên nhất, dễ dàng nhất – có thể tiếp cận được. Nếu bạn thực sự nhảy múa, sự suy nghĩ ngừng lại. Bạn cứ đi, đi mãi, xoay vòng và xoay vòng, và bạn trở nên một "xoáy nước" – mọi ranh giới, mọi phân chia biến mất. Bạn thậm chí không biết nơi nào cơ thể bạn kết thúc, và nơi nào sự hiện hữu bắt đầu. Và bạn chảy tan vào sự hiện hữu và sự hiện hữu chảy tan vào trong bạn; có một sự "gối lên nhau" của những ranh giới. Và nếu bạn đang thực sự nhảy múa – không "quản lý" nó mà cho phép nó "quản lý" bạn, cho phép nó chiếm hữu bạn – nếu bạn bị chiếm hữu bởi sự nhảy múa, thì sự suy nghĩ ngừng lại.
Cái tương tự xảy ra với tiếng cười. Nếu bạn bị chiếm hữu bởi tiếng cười, sự suy nghĩ ngừng lại. Và nếu bạn biết một ít khoảnh khắc của "vô trí", những thoáng nhìn đó sẽ hứa hẹn bạn thêm nhiều phần thưởng sắp đến. Bạn chỉ phải trở nên ngày càng thấm nhập vào phẩm chất của "vô trí". Càng ngày sự suy nghĩ càng phải được vứt bỏ.
Tiếng cười có thể là một dẫn nhập đẹp đẽ vào một trạng thái "không suy nghĩ".
Và tôi phải kể những câu chuyện đùa, bởi vì những điều mà tôi đang nói thì quá tinh tế, quá sâu xa, đến mức nếu tôi chỉ đơn thuần tiếp tục nói với bạn những điều này, thì bạn sẽ thiếp ngủ và bạn sẽ không có khả năng lắng nghe hay hiểu. Bạn sẽ cứ vẫn hầu như điếc.
Cái chân lý mà tôi nói với bạn càng sâu xa, thì lời nói đùa mà tôi chọn cho nó càng tồi tệ. Cái chân lý mà tôi đang cố trình bày càng cao, thì tôi phải tìm kiếm một chuyện đùa càng thấp. Đó là lý do tại sao ngay cả những chuyện đùa "bẩn thỉu"… tôi cũng không bận tâm. Ngay cả một chuyện đùa bẩn thỉu cũng có thể hữu ích – càng như thế, bởi vì nó có thể gây cho bạn sốc tới gốc rễ, tới gan ruột. Và đó là toàn bộ cái "chiến lược" của tôi! Nó giúp bạn – lặp đi lặp lại – đến với sự tỉnh táo của bạn. Khi tôi thấy bạn tỉnh táo, tôi lại tiếp tục kể với bạn những cái mà tôi muốn kể với bạn. Khi tôi lại thấy bạn đang trượt vào giấc ngủ của bạn, tôi lại phải đưa vào một câu chuyện đùa.
Nếu bạn thực sự lắng nghe với sự tỉnh táo, thì sẽ không cần – tôi có thể nói ra chân lý một cách trực tiếp. Nhưng thật khó. Bạn bắt đầu ngáp… và cười thì tốt hơn là ngáp.
Xem tiếp Chương 14 Quay về Mục lục

Chương 12: Guru của người giàu

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 12: Guru của người giàu


Tôi luôn luôn chi tiêu trước khi tôi kiếm được tiền. Chỉ cần có ý tưởng rằng món tiền nào đó đang đến, là tôi bảo người của tôi: "Hãy chi tiêu! Bởi vì ai biết về ngày mai? Hãy chi tiêu hôm nay."  Chúng tôi chẳng có đồng xu nào cả, nhưng chúng tôi hoàn toàn đủ. Không có gì thiếu, mọi thứ đều hoàn toàn OK. Và tiền bạc tiếp tục đến. Tôi đã sống 35 năm mà không có chút tiền bạc nào cả. Nó vẫn luôn luôn đến. Một ai đó, ở một nơi nào đó cảm thấy muốn gửi tiền, và nó đến. Và bây giờ, tôi đã bắt đầu tin rằng sự hiện hữu chăm sóc, ngay cả một người tốn kém như tôi.
Bạn hỏi, "Há chẳng phải ông là guru của một người giàu?" Đúng vậy –  bởi vì chỉ một người giàu mới có thể đến với tôi. Nhưng khi tôi nói một người "giàu",  tôi ngụ ý hai loại người giàu.  Loại thứ nhất, là người chỉ "giàu" vật chất, nhưng rất nghèo bên trong – anh ta có mọi thứ mà thế giới có thể ban cho, và đã thấy rằng nó vô dụng. Loại thứ hai, là người "giàu" trí tuệ, dù nghèo về vật chất.
Vâng, chỉ một người "giàu" hoặc vật chất, hoặc trí tuệ mới có thể trở nên tôn giáo. Tôi không đang nói rằng, một người nghèo vật chất không thể trở nên tôn giáo, nhưng điều đó thì hiếm hoi, ngoại lệ – anh ta phải "giàu" trí tuệ. Một người nghèo vật chất tiếp tục hy vọng. Một người nghèo chưa biết của cải là cái gì, anh ta chưa bị phẫn chí vì nó. Làm thế nào anh ta có thể vượt lên của cải nếu anh ta không bị nó làm cho phẫn chí? Một người nghèo đôi khi cũng đến với tôi, nhưng lúc đó anh ta đến để tìm một cái gì đó mà tôi không thể cung ứng. Anh ta hỏi xin sự thành công. Con trai anh ta đang thất nghiệp; anh ta yêu cầu, "Xin hãy chúc phúc cho nó, Osho." Vợ anh ta lâm bệnh, hoặc anh ta đang sa sút trong việc làm ăn. Đây là những triệu chứng của một người nghèo, một người đang cầu xin những điều của thế gian này.
Khi một người giàu đến với tôi, anh ta có tiền bạc, anh ta có việc làm, anh ta có nhà cửa, có sức khỏe – anh ta có mọi thứ mà một người có thể có. Và bỗng nhiên anh ta nhận thức rằng, không có cái gì thành tựu. Rồi thì cuộc tìm kiếm Thượng đế bắt đầu.
Vâng, đôi khi một người nghèo cũng có thể là tôn giáo, nhưng để có điều đó, cần đến một trí tuệ lớn. Một người giàu, nếu anh ta không tôn giáo, là kẻ ngu xuẩn. Một người nghèo, nếu anh ta tôn giáo, thì phải vô cùng thông minh. Nếu một người nghèo không tôn giáo, thì anh ta có thể được tha thứ. Nhưng nếu một người giàu mà không tôn giáo, thì tội lỗi của anh ta là không thể tha thứ được.
Tôi là guru của một người giàu. Tuyệt đối là như vậy.
Nếu không nhờ có tiền bạc, thì bạn đã không có mặt ở đây. Bạn ở đây, bởi vì bạn phẫn chí với tiền bạc của bạn. Bạn ở đây bởi vì bạn phẫn  chí với sự thành công của bạn. Bạn ở đây bởi vì bạn phẫn chí với đời bạn. Một kẻ ăn xin không thể đến, bởi vì anh ta chưa bị phẫn chí vì những thứ đó.
Tôn giáo là một sự "xa hoa" – tôi gọi nó là sự xa hoa tối hậu, bởi vì nó là giá trị cao nhất. Khi một người bị đói, anh ta không thể bận tâm về âm nhạc – anh ta không thể. Và nếu bạn bắt đầu chơi đàn sitar trước mặt anh ta, thì anh ta sẽ giết bạn. Anh ta sẽ nói, "Bạn đang sỉ nhục tôi! Tôi đang đói, thế mà bạn lại đang chơi đàn sitar – phải chăng đây là lúc chơi đàn sitar? Trước hết, hãy cho tôi ăn! Và tôi quá đói, tôi chẳng thể nào hiểu được âm nhạc. Tôi đang chết đói!" Khi một người đang chết đói, thì có ích gì một bức họa của Van Gogh, hay một bài pháp của Phật, hay những Upanishad đẹp đẽ, hay âm nhạc? Vô nghĩa. Anh ta cần bánh mì.
Khi một người đang hạnh phúc với thân thể mình, có đủ ăn, có nhà tốt để ở, thì anh ta bắt đầu trở nên quan tâm đến âm nhạc, thi ca, văn học, hội họa, nghệ thuật. Bây giờ một cơn đói  khác nẩy sinh. Những nhu cầu thể xác được thoả mãn,  bây giờ, những nhu cầu tâm lý nẩy sinh. Có một đẳng trật trong những nhu cầu: nhu cầu thứ nhất là cơ thể; nó là cơ sở, nó là tầng móng của bản thể bạn. Không có tầng móng, thì tầng một không thể hiện hữu.
Khi những nhu cầu thể xác của bạn được thỏa mãn, thì những nhu cầu tâm lý khởi lên. Khi những nhu cầu tâm lý của bạn được thỏa mãn, thì những nhu cầu tâm linh của bạn khởi lên. Khi một người đã lắng nghe mọi âm nhạc mà có thể nghe được trên thế giới, và đã thấy tất cả cái đẹp, và đã thấy rằng tất cả đó đều chỉ là một giấc mơ – đã lắng nghe tất cả những nhà thơ lớn, và đã thấy rằng thi ca chỉ là một cách để tự quên mình, để tự "gây say" mình, nhưng nó không dẫn bạn tới đâu cả – đã thấy tất cả những bức họa và nghệ thuật vĩ đại, thú vị, dễ chịu … rồi, sao nữa? Hai bàn tay vẫn trống rỗng, càng trống rỗng hơn trước đây. Rồi âm nhạc và thi ca là không đủ. Rồi cái ước muốn thiền định, cái ước muốn cầu nguyện, sự khao khát Thượng đế, khao khát chân lý nảy sinh. Một nỗi đam mê lớn xâm chiếm lấy bạn, và bạn bắt đầu cuộc tìm kiếm chân lý bởi vì bạn biết: Trừ khi bạn biết đâu là cái chân lý huyền bí nhất của vũ trụ, thì không có gì có thể thỏa mãn. Tất cả mọi thứ khác bạn đều đã thử, và chúng đã thất bại.
Tôn giáo là sự xa hoa tối hậu. Hoặc là bạn phải rất giàu vật chất để đến với sự xa hoa này, hoặc là bạn phải hết sức thông minh. Nhưng trong cả hai trường hợp, bạn giàu có – giàu tiền bạc hoặc giàu trí tuệ. Tôi chưa bao giờ thấy một người thực sự nghèo – nghèo trí tuệ, nghèo của cải – mà đã từng trở nên tôn giáo.
Một Kabir trở nên tôn giáo. Ngài không phải là một triệu phú, nhưng ngài hết sức thông minh. Buddha trở nên tôn giáo bởi vì Ngài hết sức giàu có. Krishna và Ram và Mahavira trở nên tôn giáo bởi vì họ hết sức giàu có. Dadu, Raidas, Farid – họ trở nên tôn giáo bởi vì họ hết sức thông minh. Nhưng một loại giàu có nào đó được cần đến.
Vâng, bạn nói đúng. Tôi là guru của người giàu.
Xem tiếp Chương 13 Quay về Mục lục

Chương 11: Bhagwan tự phong

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 11: Bhagwan tự phong


Những nhà phê bình mà đã viết chống lại tôi luôn nhấn mạnh rằng, tôi là một "bhagwan tự phong". Và tôi vẫn luôn tự hỏi, họ có biết bất cứ ai – Rama, Krishna, Buddha, Mohammed – mà được tấn phong bởi ai khác? Nếu Rama được tấn phong bhagwan bởi ai khác, thì chắc chắn kẻ có thẩm quyền đứng ra tấn phong phải cao hơn – và nếu bạn có thể được tấn phong, thì bạn cũng có thể bị phế truất!
Điều này là tuyệt đối ngu xuẩn. Về cơ bản, bạn chưa hiểu ý tưởng đó: bhagwan là một trạng thái kinh nghiệm – không dính dáng gì tới sự tấn phong, sự bình chọn, một chức vị, hay một học vị. Nó là kinh nghiệm về bhagwatta, về "Thượng đế tính", rằng toàn bộ hiện hữu thì đầy "Thượng đế tính",  rằng không có gì khác hơn là "Thượng  đế tính".
Không có Thượng đế nào, nhưng trong mọi bông hoa và mọi cái cây, trong mọi hòn đá, có một cái gì đó mà chỉ có thể được gọi là "Thượng đế tính".  Nhưng mà bạn chỉ có thể thấy nó khi bạn đã thấy nó bên trong chính bạn; ngược lại, bạn không biết cái ngôn ngữ đó.
Về một phương diện, thì tôi rất kỳ lạ, bởi vì bạn không thể phạm trù hóa được tôi. Có 3 phạm trù – hữu thần, vô thần, bất khả tri. Không có phạm trù thứ tư – và tôi thuộc về phạm trù thứ tư, phạm trù không được định danh. Tôi đã tìm kiếm, trông tìm. Tôi đã không tìm thấy Thượng đế, đúng, nhưng tôi đã tìm thấy một cái gì đó có ý nghĩa hơn nhiều: "Thượng đế tính".
Tôi không phải là một kẻ hữu thần, tôi không phải là kẻ vô thần, tôi không phải là một người bất khả tri. Lập trường của tôi thì tuyệt đối rõ ràng.
Vậy, nếu không có Thượng đế, tại sao tôi được người của tôi gọi là bhagwan?
Câu hỏi này hơi phức tạp. Bạn sẽ phải đi vào trong ngôn ngữ học của cái từ bhagwan. Nó là một từ rất kỳ lạ. Trong những kinh điển Hindu, bhagwan hầu như đồng nghĩa với Thượng đế. Tôi nói hầu như, bởi vì trong tiếng Anh, chỉ có một từ, "God". Trong tiếng Sanskrit, người Hindu dùng ba từ: một là bhagwan, hai là iswar, ba là paramatma. Những người Hindu dùng ba từ này cho những lý do khác nhau.
Paramatma có nghĩa là "linh hồn tối thượng"; param có nghĩa là "tối thượng", atma có nghĩa là "linh hồn". Do vậy, những ai thực sự hiểu, đều dùng từ paramatma để chỉ Thượng đế.
Từ thứ hai là iswar. Nó là một từ đẹp. Iswar có nghĩa là "người giàu có nhất"; theo nghĩa đen, là người có mọi thứ, là mọi thứ. Điều đó chắc chắn là đúng. Cái khoảnh khắc mà bạn thể nghiệm "Thượng đế tính",  bạn có mọi thứ, mọi thứ có giá trị. Có thể về vật chất bạn không có cái gì cả. Cái đó không quan trọng, nhưng mà bạn có mọi thứ vốn có ý nghĩa với cuộc sống.
Và từ thứ ba là bhagwan. Bhagwan là một từ rất khó hiểu, hay khó giải thích trong bất cứ ngôn ngữ nào. Trong những kinh điển Hindu … hãy nhớ cái đó, bởi vì bhagwan được dùng bởi hai loại người tại Ấn: một, những người Hindu, và hai, những người Jaina, những người Phật giáo. Những người Jaina và Phật giáo không tin vào một Thượng đế, nhưng họ vẫn dùng từ bhagwan.Dành cho Đức Phật, những người Phật giáo dùng từ bhagwan – Bhagwan Gautama Buddha. Và những người Jaina cũng không tin vào một Thượng đế, nhưng dành cho Mahavira, họ dùng từ Bhagwan Vardhman Mahavira. Do vậy, với họ, nó có một nghĩa hoàn toàn khác…
Những người Hindu thì rất "thực tế". Bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí bị sốc, nhưng trong đạo Hindu, cái căn ngữ của bhagwan là bhag – bhag có nghĩa là "âm đạo". Có lẽ bạn đã không thể nào tưởng tượng được! Và bhagwan có nghĩa là Đấng Sáng Tạo – "người đã dùng âm đạo của vũ trụ để sáng tạo".  Người Hindu thờ phụng âm đạo của phụ nữ và biểu tượng dương vật, shivalinga. Nếu bạn đã thấy một shivalinga, cái phiến cẩm thạch nhô lên chỉ là một biểu tượng của dương vật, và nó đang đứng trong âm đạo. Bên dưới nó, nếu bạn đã nhìn, có một âm đạo bằng cẩm thạch, từ đó nó nhô ra. Những người Hindu đã thờ phụng nó một cách tượng trưng, và dường như sự ám chỉ của họ là rất có ý nghĩa: bất cứ sự sáng tạo nào đều bắt buộc phải là sự gặp gỡ giữa nam và nữ, dương và âm.Do vậy, để chỉ "Đấng Sáng Tạo," họ dùng từ bhagwan. Nhưng cái gốc của từ này thì rất kỳ lạ.
Những người Phật giáo và người Jaina không tin vào Thượng đế, không tin rằng bất cứ ai đã sáng tạo ra thế giới, nhưng họ cũng dùng từ bhagwan. Tuy nhiên, với họ, căn ngữ "bhag" có một nghĩa khác biệt. Đối với người Jaina và Phật giáo, bhag có nghĩa là "sự may mắn", và bhagwan có nghĩa là "kẻ may mắn, kẻ diễm phúc"; kẻ đã đạt tới vận mệnh của mình, kẻ đã chín muồi.
Do vậy, khi tôi bắt đầu nói chuyện cách đây 34 năm, người ta bắt đầu dùng nó… bởi vì tại Ấn Độ, nếu bạn kính trọng một người, bạn không dùng tên của vị ấy; cái đó được xem là bất kính. Cho nên khi tôi bắt đầu nói chuyện, và người ta bắt đầu cảm thấy một cái gì đó đối với tôi, họ tự mình gọi tôi là"acharya. "Acharya có nghĩa là "vị đạo sư" – nhưng không chỉ là đạo sư, nó là một cái gì hơn nữa. Thực ra, nó có nghĩa là người chỉ nói cái mà ông ta sống, một người mà những hành động và ý nghĩ của ông là hoàn toàn hòa điệu với nhau. Cho nên trong gần như 20 năm, người ta gọi tôi là acharya. Đây là trước khi tôi bắt đầu điểm đạo cho dân chúng.
Trong nhiều năm, người ta vẫn thường nói với tôi rằng, họ muốn được tôi điểm đạo để trở thành sannyasin, và tôi nói với họ, "Hãy đợi. Hãy để cho cái khoảnh khắc ấy đến – khi mà tôi cảm thấy thích hợp." Cái ngày đó đã đến. Lúc đó, tôi đang tổ chức một trại thiền sâu trong Hy Mã Lạp Sơn, tại Kulu-Manali – nó là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Nó được gọi là Thung Lũng của những vị Thần, nó hết sức đẹp, hết sức "siêu thế gian". Một khi bạn bước vào Kulu-Manali, bạn bắt đầu cảm thấy rằng bạn đang bước vào một thế giới khác. Vào ngày cuối cùng của trại thiền, tôi nói, "Bây giờ khoảnh khắc thích hợp đã đến." Và tôi tuyên bố, "Bất cứ ai muốn được điểm đạo, tôi sẵn sàng." 21 người lập tức đứng lên. Họ bước vào sannyas. Bây giờ, câu hỏi với họ, là phải gọi tôi như thế nào. Mọi người khác thường gọi tôi là acharya; bây giờ, đối với họ, cái đó là không đủ. Đối với họ, tôi đã trở nên quan trọng hơn nhiều, có ý nghĩa hơn nhiều, thâm tình hơn nhiều. Họ đã đến rất gần bản thể của tôi, và họ quyết định rằng, họ sẽ gọi tôi là bhagwan.
Họ hỏi tôi. Tôi nói, "Cái đó hoàn toàn tốt, bởi vì đó là một từ rất có ý nghĩa đối với tôi: kẻ diễm phúc."
Đối với tôi, nó không có nghĩa là Thượng đế, nó không có nghĩa là Đấng Sáng Tạo, nó chỉ đơn thuần có nghĩa là “kẻ diễm phúc” – một kẻ ở tại nhà, đã tới; một người đã tìm thấy, đã gặp gỡ chính mình. Và rồi, không có gì khác ngoài những phúc lành, và những phúc lành tiếp tục mưa xuống người ấy. Ngày lại ngày, những phúc lành tiếp tục mưa rào xuống. Cho nên, hãy nhớ, bhagwan không dính dáng gì tới Thượng đế. Chắc chắn là nó có một cái gì đó dính dáng tới "Thượng đế tính", bởi vì đó là nghĩa của việc đến đích: về tới nhà. Đó là cái khiến cho bạn trở thành “kẻ được chúc phúc”.
Bhagwan là một thuật ngữ không có cấp độ so sánh, bạn không thể nhiều "Thượng đế tính" hơn Thượng đế; bạn không thể. Nó là một thuật ngữ không có cấp độ so sánh. Và nó không cho thấy bất cứ sự thành tựu nào; nó đơn giản cho thấy bản tính của bạn. Không phải là người ta phải trở thành Thượng đế; người ta đã là Thượng đế, người ta chỉ cần phải nhận ra điều đó mà thôi.
Nó không cho thấy bất cứ tài năng nào. Có ai đó là một nhà thơ lớn, một kẻ tiên tri, một kẻ "thấu thị" lớn – ai đó là một họa sĩ lớn, nhạc sĩ lớn, vũ công lớn – tất cả đây đều là những tài năng. Tất cả mọi người không thể là những vũ công lớn; tất cả các bạn không thể đều là những Van Gogh. Và tất cả các bạn không thể đều là những nhà thơ lớn; tất cả các bạn không thể đều là những Tagore, và Pablo Neruda.
Nhưng tất cả các bạn đều là bhagwan. Nó không cho thấy một sự thành tựu; nó chỉ cho thấy tính đại đồng của bạn, chính bản chất của bạn. Bạn đã là Thượng đế.
Khi người ta gợi ý muốn gọi tôi là bhagwan, tôi yêu cái thuật ngữ đó. Tôi nói, "Cũng được. Ít nhất, cũng được, trong một số năm; rồi chúng ta có thể bỏ nó."
Tôi chọn nó vì một mục đích riêng, và nó đã và đang phục vụ tốt, bởi vì những người mà thường đến với tôi để thu thập kiến thức, họ đã ngừng đến. Cái ngày tôi tự gọi mình là bhagwan, họ ngừng đến. Nó quá sức chịu đựng của họ, quá sức đối với những cái ego của họ. Một ai đó tự gọi mình là bhagwan ư? Nó làm thương tổn cái ego. Họ ngừng đến. Họ thường đến với tôi để thu thập kiến thức. Bây giờ tôi đã thay đổi cái chức năng của tôi một cách tuyệt đối. Tôi bắt đầu làm việc trên một cấp độ khác biệt, một chiều kích khác biệt. Bây giờ tôi cho bạn "bản thể", không phải kiến thức. Trước đây, tôi đã là một arachya và họ là những "học viên"; họ đang học tập. Bây giờ tôi không còn là một "người dạy" và các bạn không phải ở dây như là những học viên.
Nếu các bạn có mặt ở đây như là học viên, thì sớm hay muộn, bạn sẽ phải rời, bởi vì bạn sẽ thấy mình ở nhầm chỗ;  bạn sẽ không thích hợp ở đây. Chỉ nếu bạn là một đệ tử, thì bạn sẽ thích hợp với tôi. Bởi vì bây giờ tôi đang trao tặng một cái gì hơn nữa. Nếu bạn có mặt ở đây để lấy kiến thức, thì chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ phải đi một nơi nào khác.
Tôi có mặt ở đây để trao truyền cái "bản thể".  Tôi ở đây để làm cho bạn thức tỉnh. Tôi không định cho bạn "sự biết" – và cái đó là một chiều kích hoàn toàn khác biệt. Việc tự gọi mình là bhagwan chỉ là biểu tượng – rằng bây giờ công trình của tôi đã bước vào một chiều kích khác. Và nó đã vô cùng hữu ích. Tất cả những người không thích hợp, họ tự động biến đi, và những con người với một phẩm chất hoàn toàn khác bắt đầu đến.
Nó làm việc tốt, nó lựa chọn tốt. Chỉ những ai sẵn sàng đặt sang một bên kiến thức của họ, những người ấy sẽ lưu lại, tất cả những người khác sẽ trốn chạy. Họ tạo ra khoảng không gian xung quanh tôi. Nếu không thế, thì họ đến quá đông đúc, và thật khó cho những kẻ tìm kiếm thực thụ đến gần tôi hơn. Đám đông biến mất. Cái từ bhagwan vận hành như một vụ nổ nguyên tử.
Tôi vui sướng vì đã chọn nó.
Bây giờ những người đến với tôi không còn biện luận nữa. Bây giờ những người đến với tôi là những kẻ mạo hiểm vĩ đại của linh hồn, và họ sẵn sàng đánh liều – đánh liều bất cứ cái gì và mọi thứ.
Việc tự gọi mình là bhagwan là một phương sách.  Chẳng sớm thì muộn, khi bạn đã trưởng thành và bạn đã hiểu vấn đề, và khi sự hiện diện của bạn ở đây đã tạo ra một phẩm chất rung động khác biệt, tôi sẽ ngừng gọi mình là bhagwan. Rồi sẽ không cần thiết nữa. Rồi toàn bộ bầu khí sẽ phập phồng với "Thượng đế tính".  Rồi những người nào sẽ đến,  nó sẽ mưa rào xuống họ.  Nó sẽ xuyên thấu trái tim họ. Sẽ không cần phải gọi tôi bằng tên gọi nào cả – bạn sẽ biết. Nhưng ban đầu, nó được cần đến, và nó đã có ích cực kỳ.
Điều sau cùng về nó:
Tôi không phải là một triết gia. Hãy luôn nhớ tôi như là một nhà thơ. Cách tiếp cận của tôi với cuộc sống là cách tiếp cận của thi ca, "tiểu thuyết lãng mạn". Nó lãng mạn, nó giàu tưởng tượng, sáng tạo. Tôi muốn tất cả các bạn đều là những vị thần nam và thần nữ. Tôi muốn các bạn bộc lộ bản thể đích thực của mình. Tự gọi mình là Thượng đế, là một thách thức. Nó là một thách thức tinh tế.  Chỉ có hai cách để giải quyết sự việc. Một là, bạn nói, "Người đàn ông này không phải là Thượng đế, vậy hãy bỏ đi – mình đang  làm gì ở đây? Nếu người đàn ông này không phải là Thượng đế, thì tại sao mình lại lãng phí thời gian của mình?" Bạn bỏ đi. Hay bạn chấp nhận rằng người đàn ông này là Thượng đế, và rồi bạn bắt đầu ở lại với tôi và "Thượng đế tính" của riêng bạn bắt đầu nở hoa.
Một ngày nào đó bạn cũng sẽ là một nam thần và nữ thần. Việc chấp nhận tôi như là Thượng đế, thực ra ở tận đáy sâu, là việc chấp nhận khả tính rằng, bạn cũng có thể là một "thượng đế", chỉ có thế. Chính sự chấp nhận rằng, người đàn ông này có thể là một Thượng đế, sẽ khuấy động một cái gì đó mà vẫn hằng ngủ say bên trong bạn. Rồi bạn không thể cứ mãi giữ nguyên như bạn đang là; một cái gì đó phải được làm. Một cái gì đó phải được chuyển hóa, một cái gì đó phải được biết …
Nếu bạn quyết định đi với tôi, bạn sẽ trở nên ngày càng tỉnh giác hơn. Và bạn càng trở nên tỉnh giác, bạn sẽ càng có khả năng hiểu tôi, bạn càng có khả năng hiểu cái đã xảy ra, cái đã trải qua bên trong linh hồn tôi. Bạn ngày càng trở nên tham dự vào sự xảy ra này, trong vũ điệu này, trong sự ca hát này.
Và dần dần, bạn sẽ  thấy – vị đạo sư đang đến. Nó không đến từ bên ngoài, nó đến từ cốt lõi nội tại nhất của bạn, nó đến từ những đáy sâu của bạn. Tôi đã nhìn vào bên trong, và tôi đã phát hiện ông ta ở đó. Thông điệp của tôi thì đơn giản – rằng tôi đã tìm thấy vị thần – bên trong tôi. Toàn bộ nỗ lực của tôi là thuyết phục bạn nhìn vào bên trong. Vấn đề duy nhất là việc trở nên một kẻ quan sát trên đồi. Trở nên một kẻ chứng kiến – tỉnh giác, quan sát – và bạn sẽ được thành tựu viên mãn.
Tiện thể, việc tôi tự gọi mình là bhagwan chỉ như là một thách thức – đối với người Kytô, người Hồi giáo, người Hindu. Họ vẫn kết án tôi, nhưng không ai đủ can đảm để giải thích sự kết án đó. Từ những "nguồn" xa xôi, đã có những bài báo và những lá thư gửi cho tôi, nói, "Tại sao ông tự gọi mình là bhagwan?" Và tôi đã cười to, bởi vì tại sao Ram tự gọi mình là bhagwan? Phải chăng là ông được tấn phong bởi một ủy ban? Và một bhagwan được bầu bởi một ủy ban thì sẽ không mấy là một bhagwan, bởi vì cái ủy ban đó không bao gồm những bhagwan. Họ có quyền gì?
Phải chăng Krishna được người ta tấn phong cho là bhagwan? Phải chăng nó là một vấn đề bầu chọn? Ai đã tấn phong những vị này? Không người Hindu nào có câu trả lời. Và một người giống như Krishna, đã đánh cắp 16 ngàn phụ nữ từ những con người khác nhau – họ là những người mẹ, họ đã kết hôn, chưa kết hôn, không phân biệt – và thế nhưng, không có người Hindu nào đủ can đảm để phản đối rằng, một người đàn ông với một tính cách như thế, thì không có quyền được gọi là bhagwan. Họ có thể thậm chí gọi vị thần Kalki của họ – một con ngựa – là bhagwan. Những con người kỳ lạ! Và người ta hỏi tôi, tại sao tôi tự gọi mình là bhagwan. Tôi không có chút kính trọng nào đối với cái từ này. Thực ra, tôi hoàn toàn kết án nó. Nó không phải là một từ đẹp – mặc dù tôi đã cố gắng trong cách riêng của mình để chuyển hóa cái từ đó, song những người Hindu ngu xuẩn không cho phép nó. Tôi đã cố cho nó một cái tên mới, một nghĩa mới, một ý nghĩa mới. Tôi đã nói rằng, nó có nghĩa là một “kẻ diễm phúc”, một người với một bản thể được chúc phúc, mặc dù nó là sự phát minh của tôi.
Từ bhagwan là một từ rất xấu xa. Song những người Hindu giáo thậm chí không nhận biết điều đó. Họ nghĩ rằng nó là một cái gì đó rất đặc biệt. Cái nghĩa gốc của nó – bhag có nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Và wan có nghĩa là bộ phận sinh dục nam. Một cách tượng trưng, bhagwan có nghĩa sáng tạo – một người mang lại sự sáng tạo, qua sự giao hợp giữa năng lượng "sô vanh" nam tính của ông và năng lượng nữ tính của sự tồn tại.
Tôi ghét cái từ đó! Tôi đã và đang chờ đợi một người Hindu ngu xuẩn nào đó xuất hiện, nhưng họ nghĩ rằng nó là một cái gì đó rất tôn nghiêm và tôi không có quyền tự gọi mình là bhagwan. Hôm nay, tôi nói một cách tuyệt đối, "Vâng, nhưng tôi có mọi quyền để tố giác cái từ đó." Không ai có thể ngăn tôi. Tôi không muốn bị gọi là bhagwan một lần nữa. Đủ là đủ! Trò đùa đã chấm dứt!
Xem tiếp Chương 12 Quay về Mục lục

Chương 10: Kẻ lừa bịp

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 10: Kẻ lừa bịp


Tôi phải làm việc trên hai cấp độ: một là cấp độ nơi mà bạn đang sống, nơi mà bạn có mặt, và một là cấp độ nơi mà tôi có mặt và muốn bạn cũng ở đó.
Từ đỉnh của một ngọn đồi, tôi phải đi xuống thung lũng nơi mà bạn có mặt; nếu không thế, bạn sẽ không lắng nghe, bạn sẽ không tin đỉnh đồi rực nắng. Tôi phải cầm lấy tay bạn trong tay tôi và thuyết phục bạn – và trên đường, kể những câu chuyện không có thật! Nhưng chúng giữ cho bạn chú ý tham dự, và bạn không tạo ra sự rắc rối nào trong khi bước đi; bạn tiếp tục đi, chú ý đến câu chuyện. Và khi bạn đã tới đỉnh đồi, bạn sẽ biết tại sao tôi đã kể những câu chuyện dài, và bạn sẽ cảm thấy biết ơn rằng tôi đã kể những câu chuyện; nếu không thế, có lẽ bạn đã không có khả năng leo lên đỉnh đồi , một quãng đường xa như vậy, dài như vậy.
Đây là điều cần phải được ghi nhớ: Tất cả những vị đạo sư của thế giới có lẽ đã và đang kể những câu chuyện, những ngụ ngôn – tại sao? Chân lý có thể được nói ra một cách giản dị, không cần gì phải kể cho bạn quá nhiều câu chuyện. Nhưng đêm thì dài, và bạn phải được giữ cho tỉnh thức; không có những câu chuyện, bạn sẽ ngủ thiếp đi.
Cho đến khi buổi sáng đến,  cần thiết phải giữ cho bạn "dấn thân"  và những câu chuyện mà các vị đạo sư đã và đang kể, là những điều có tính "chiến lược"  nhất có thể được.
Chân lý không thể được nói ra, nhưng bạn có thể được dẫn dắt tới cái điểm mà từ đó bạn có thể thấy nó.
Tôi nhớ lại một câu chuyện:
Một vị vua thường hằng đêm đi một vòng vào trong thành phố, để xem dân tình như thế nào – dĩ nhiên, bằng cách cải trang. Ông rất thắc mắc về một người đàn ông, một chàng trai rất trẻ, rất xinh trai,  anh ta luôn luôn đứng dưới một gốc cây bên vệ đường, đêm nào cũng dưới cái cây đó.
Sau cùng, không nén được sự tò mò, vị vua dừng ngựa, và hỏi chàng trai, "Tại sao anh không đi ngủ?"
Chàng trai nói, "Người ta đi ngủ, bởi vì họ không có gì để canh giữ; còn tôi  thì  có những kho báu quá quý giá, nên tôi không thể đi ngủ, tôi phải canh giữ chúng."
Vị vua nói, "Thật kỳ lạ, tôi chẳng thấy kho báu nào ở đây cả."
Chàng trai nói, "Những kho báu ở bên trong tôi, ông không thể thấy chúng đâu. "
Nó trở thành một thói quen của vị vua, mỗi đêm ông đều dừng lại đó, bởi vì anh ta rất xinh trai, và bất cứ điều gì anh ta nói đều khiến cho nhà vua suy ngẫm trong nhiều giờ. Vị vua trở nên quá lưu luyến và quan tâm đến chàng trai, đến nỗi ông bắt đầu cảm thấy anh ta thực sự là một vị thánh, bởi vì sự "nhận biết", tình yêu, sự bình an, sự im lặng, thiền định và sự chứng ngộ, đây là những kho báu của anh ta mà anh ta đang canh giữ; anh ta không thể ngủ, anh ta không dám ngủ. Chỉ có những kẻ ăn xin mới an tâm mà ngủ.
Câu chuyện bắt đầu chỉ do sự tò mò, nhưng dần dần, dần dần, vị vua bắt đầu kính nể và tôn vinh chàng trai như là một người hướng đạo tâm linh. Một hôm, ông nói với anh ta, "Tôi biết rằng anh sẽ không đến cung điện với tôi, nhưng tôi nghĩ về anh, ngày lại ngày. Anh hiện lên trong tâm trí tôi quá nhiều lần, nên tôi  rất mong muốn anh sẽ là một vị khách trong cung điện của tôi."
Vị vua đang nghĩ rằng anh ta sẽ không đồng ý – ông có một định kiến rằng những vị thánh thường từ bỏ thế gian – nhưng chàng trai trẻ nói, "Nếu ngài quá lưu luyến tôi, tại sao trước đây ngài không nói? Vậy, hãy mang đến một con ngựa khác, và tôi sẽ đến với ngài."
Vị vua trở nên ngờ vực, "Anh ta thuộc loại thánh gì thế, mà ưng chịu quá dễ dàng như vậy?" Nhưng bây giờ thì đã quá muộn, ông đã mời anh ta. Ông dành cho anh ta căn phòng tốt nhất trong cung điện, vốn chỉ được dành cho những bậc thượng khách, những vị hoàng đế khác. Và ông đang nghĩ rằng người chàng trai sẽ từ chối, rằng anh ta sẽ nói, "Tôi là một vị thánh, tôi không thể sống trong sự xa hoa này. "Nhưng anh ta không nói điều gì như thế này. Anh ta nói, "Rất tốt."
Suốt đêm vị  vua không ngủ, và ông nghĩ, "Có vẻ như gã này đã lừa gạt mình; anh ta chả phải là vị thánh hay là cái gì cả." Hai, ba lần ông đến bên cửa sổ, nhìn vào trong – vị thánh đang ngủ. Và trước đây, anh ta chưa bao giờ ngủ – anh ta luôn đứng dưới gốc cây. Bây giờ anh ta không đang canh giữ. Nhà vua nghĩ, "Mình đã bị lừa. Đây là một tay bịp thực thụ."
Ngày thứ hai anh ta ăn với vị vua – tất cả những sơn hào hải vị, không khổ hạnh – và anh ta thưởng thức những món ăn. Vị vua tặng anh ta những trang phục mới, xứng tầm với một hoàng đế, và anh ta ưa thích chúng. Và vị vua nghĩ, "Bây giờ, làm thế nào để tống khứ gã này đi?" Chỉ trong 7 ngày, ông đâm chán và nghĩ, "Đây là một gã đại bịp, anh ta đã gạt mình."
Vào ngày thứ bảy, ông nói với gã đàn ông kỳ lạ này, "Tôi muốn hỏi một câu hỏi."
Và người khách lạ nói, "Tôi biết câu hỏi của ngài. Ngài  muốn hỏi câu đó 7 ngày trước đây, nhưng chỉ do lịch sự, mà ngài kìm nén lại – tôi đang quan sát. Nhưng tôi sẽ không trả lời ngài  ở đây. Ngài có thể hỏi câu hỏi đó, và rồi chúng ta sẽ đi dạo một vòng buổi sáng, trên lưng ngựa, và tôi sẽ chọn cái nơi thích hợp để trả lời nó."
Vị vua nói, "Được. Câu hỏi của tôi là, bây giờ đâu là sự khác biệt giữa tôi và anh? Anh đang sống giống như một hoàng đế, nhưng trước đây anh vốn là một vị thánh. Bây giờ anh không còn là một vị thánh nữa."
Chàng trai nói, "Xin chuẩn bị ngựa sẵn sàng!" Họ đi ra ngoài, và vị vua nhiều lần nhắc anh ta, "Chúng ta sẽ đi bao xa ? Anh có thể trả lời được rồi. "
Sau cùng, họ đến con sông, là đường ranh giới của vương quốc ông. Vị vua nói, "Bây giờ, chúng ta đã đến biên giới. Phía bên kia là vương quốc khác. Đây là nơi thích hợp để trả lời."
Anh ta nói, "Vâng, tôi sắp trả lời. Ngài  có thể lấy cả hai con ngựa, hay nếu ngài muốn, ngài có thể đến với tôi."
Vị vua nói, "Anh định đi đâu?"
Anh ta nói, "Kho báu của tôi ở cùng tôi. Bất cứ nơi nào tôi đi, kho báu của tôi sẽ ở cùng tôi. Ngài có đi với tôi hay không?"
Vị vua nói, "Làm sao tôi đi với anh được? Vương quốc của tôi, cung điện của tôi, công việc trọn đời của tôi đang ở phía sau tôi."
Người khách lạ cười to và nói, "Bây giờ, ngài thấy sự khác biệt không? Tôi có thể đứng trần truồng dưới một gốc cây, hay tôi có thể sống trong một cung điện giống như một vị hoàng đế, bởi vì kho báu của tôi nằm ở bên trong tôi. Bất luận cái cây ở đó hay cung điện ở đó, không có gì khác biệt. Vậy ngài có thể quay về; tôi sẽ đi sang vương quốc khác. Bây giờ vương quốc của ngài không xứng đáng để tôi lưu lại trong đó."
Nhà vua cảm thấy hối hận. Ông sờ vào hai bàn chân người khách lạ và nói, "Hãy tha thứ cho tôi. Tôi đã nghĩ những điều sai về ngài. Ngài thực sự là một vị thánh vĩ đại. Xin đừng bỏ đi và bỏ tôi lại như thế này; nếu không, vết thương này sẽ làm tôi đau đớn suốt đời."
Người lạ nói, "Không có khó khăn nào cho tôi; tôi có thể trở lại với ngài. Nhưng tôi muốn ngài hãy cảnh giác. Cái khoảnh khắc mà chúng ta đến cung điện, câu hỏi sẽ lại khởi lên trong tâm trí ngài. Vậy – tốt hơn, hãy để cho tôi đi.
"Tôi có thể để cho ngài một thời gian suy nghĩ. Tôi có thể trở lại. Đối với tôi, nó không tạo ra sự khác biệt nào. Nhưng đối với ngài, tốt hơn, tôi nên rời vương quốc; như vậy tốt hơn. Trong cách này, ít nhất ngài sẽ nghĩ về tôi như là một vị thánh. Khi về lại cung điện, ngài sẽ lại bắt đầu ngờ vực: 'Đây là một gã bịp bợm.' Nhưng nếu ngài nài nỉ, tôi sẵn sàng. Tôi có thể lại bỏ đi sau 7 ngày khi câu hỏi trở nên quá nặng nề với ngài."
Xem tiếp Chương 11 Quay về Mục lục

Chương 9: Giáo chủ thời thượng

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần II
Chương 9: Giáo chủ thời thượng


Hỏi: Những cái đã "mọc lên"  xung quanh ông đã được các nhật báo trình bày như là một "sự sùng bái", một giáo phái. Nó có phải là thế không? Và nếu không, ông có thể giải thích nó là cái gì không?
Đáp: Nó chỉ đơn giản là một phong trào; không phải là một "sự sùng bái" hay một giáo phái hay một tôn giáo, mà là một phong trào xiển dương thiền định, một nỗ lực để tạo ra một khoa học về cái bên trong. Nó là một khoa học của "ý thức". Y như khoa học tự nhiên có đối tượng nghiên cứu là thế giới khách quan, phong trào này đang chuẩn bị một khoa học về thế giới chủ quan.
Nhà khoa học sẽ nghiên cứu mọi sự bên ngoài, và chúng tôi dự định nghiên cứu nhà khoa học.
Nếu không thế, thì ông ta bị bỏ ra ngoài! Ông ta sẽ có khả năng biết mọi thứ trừ chính ông. Và sẽ là một sự đáng tiếc thật sự, rằng Albert Einstein biết quá nhiều về vật lý, đến nỗi trên toàn thế giới chỉ có 12 người hiểu được lý thuyết của ông, nhưng ông không biết gì về chính mình. Đây là một tình trạng rất xấu xa.
Do vậy, công trình của tôi là một phong trào, nó không nhằm tạo ra một tôn giáo, mà nhằm tạo ra "tính tôn giáo”. Tôi xem tính tôn giáo như là một phẩm chất – không phải như một "tư cách hội viên” –  trong một tổ chức, mà như là một kinh nghiệm nội tại của bản thể một người.
(Từ một cuộc phỏng vấn với Private National Network, Italy)
Chắc chắn là bạn bị "tẩy não". Tôi dùng một cái máy tẩy khô, tôi không "cổ lỗ." Và tự nhiên là bạn bị nghiện. Ai sẽ không bị? Sự nghiện không phải luôn luôn xấu. Nếu bạn bị nghiện cái đẹp, thi ca, kịch nghệ, điêu khắc, hội họa, thì không ai bảo bạn phải bỏ sự nghiện đó. Sự nghiện phải được bỏ, chỉ khi nào nó khiến cho bạn không ý thức. Những người nghiện rượu được khuyên nên cai nghiện, nhưng ở đây lời dạy của tôi là về "ý thức" – hãy nghiện nó ngày càng nhiều hơn.
Và có gì sai khi bị "tẩy não?" Hãy rửa nó hằng ngày, hãy giữ nó sạch sẽ. Bạn có thích những con dán không? Khi tôi "tẩy não" người ta, tôi phát hiện ra những con dán. Dán là những con vật rất đặc biệt. Khoa đọc đã phát hiện ra rằng, bất cứ nơi nào bạn tìm thấy con người, thì bạn tìm thấy dán, và bất cứ nơi nào bạn tìm thấy dán, bạn tìm thấy con người. Người và dán luôn luôn ở cùng nhau, là những bạn đồng hành xa xưa nhất.
Bạn có gì trong não bạn? Do vậy, hãy tẩy rửa nó một cách triệt để. Nhưng người ta đã gán cho nó một hàm nghĩa rất sai; đó là những người sai trái.
Những người Kytô giáo sợ một ai đó tẩy não những người Kytô, bởi vì rồi thì họ sẽ không còn là người Kytô nữa. Những người Hindu giáo sợ, bởi vì rồi thì những người đó sẽ không còn là người Hindu. Những người Hồi giáo sợ, những người cộng sản sợ. Mọi người đều sợ bị tẫy  não. Tôi hoàn toàn ủng hộ nó.
Có một câu ngạn ngữ xưa, "Ngay sau Thượng đế là sự sạch sẽ." Bây giờ không có Thượng đế, do vậy, chỉ còn lại sự sạch sẽ. Sự sạch sẽ là Thượng đế.
Tôi không sợ sự tẩy não, bởi vì tôi không đang đặt những con dán vào trong tâm trí bạn. Tôi đang cho bạn một cơ hội để trải nghiệm một tâm trí sạch sẽ, và một khi bạn biết một tâm trí sạch sẽ, thì bạn sẽ không bao giờ để cho bất cứ ai ném rác rưởi và nhồi nhét nó vào trong tâm trí bạn.
Họ là những tội phạm.
Việc tẩy não không phải là một tội ác – ai đã làm cho nó dơ bẩn? Làm dơ bẩn tâm trí người khác là một tội ác, nhưng khắp thế giới tất cả những tôn giáo, tất cả những lãnh tụ chính trị, đang sử dụng tâm trí bạn như thể nó là một cái toilet. Những gã xấu xa này đã kết án việc tẩy não; ngược lại, việc tẩy não là một công việc hoàn toàn tốt.
Tôi là một kẻ tẩy não.
Và tất cả những ai đến với tôi, nên đến với khái niệm rõ ràng rằng, họ đang đến gặp một người mà y bắt buộc phải tẩy não họ,  làm sạch tâm trí họ khỏi mọi loại dán. Những người  Hindu, Kytô, Hồi giáo – tất cả họ đều chống lại tôi, vì lý do đơn giản: họ tiếp tục đặt vào những con dán của họ, và tôi thì cứ tiếp tục tẩy rửa tâm trí của con người.
Nó chỉ là một "tiệm giặt ủi tôn giáo" kiểu mới, được "cập nhật hóa."
Nỗ lực của tôi là cất bỏ tất cả mọi truyền thống, mọi chủ nghĩa chính thống, những mê tín, và những tín ngưỡng khỏi tâm trí bạn, để mà bạn có thể đạt tới một trạng thái "vô-trí", trạng thái im lặng tối hậu, nơi mà thậm chí không có một tư tưởng nào di động – không có ngay cả một gợn sóng lăn tăn trong cái hồ của ý thức bạn.
Và toàn bộ sự việc phải được làm bởi chính bạn. Tôi không đang nói, "Chỉ đơn giản đi theo tôi, tôi là kẻ cứu chuộc. Tôi sẽ cứu rỗi bạn. "Tất cả mọi thứ đó chỉ là rác rưởi. Không ai có thể cứu rỗi bạn cả, ngoài chính bạn. Và sự độc lập tâm linh là sự độc lập duy nhất đáng gọi là sự độc lập. Mọi sự độc lập khác – chính trị, kinh tế – chỉ là tàm tạm, bề mặt. Sự độc lập thực thụ và đích thực là, bạn không lệ thuộc vào bất cứ ai về sự tăng trưởng nội tại của bạn.
Những ai đã đến với tôi đều trở thành càng ngày càng độc lập, càng ngày càng là chính mình hơn. Đó là lý do tại sao họ yêu mến tôi. Tôi không đang biến họ thành một đám đông, tôi đang làm cho họ trở thành những cá nhân, tuyệt đối cá nhân.  Tôi thậm chí sẽ không cho họ những ý thức hệ để thực hành, những kỷ luật để thực tập – tôi chỉ đang chia sẻ kinh nghiệm của riêng tôi. Từ cái kinh nghiệm đó, họ phải tìm kiếm cái kỷ luật của riêng họ.
Đây là một cộng đồng, không phải của vị thầy và những đệ tử, đây là một cộng đồng của đạo sư và những đạo sư tiềm năng.
Xem tiếp Chương 10 Quay về Mục lục