Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 3

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 3
1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregan, USA


Bây giờ công việc của tôi bắt đầu. Hài hước làm sao! Người hài hước nhất trong tất cả những người hài hước là Sosan, một hiền nhân người Trung Quốc, ông đã gõ lên ô cửa tâm thức tôi. Những nhà huyền môn đó thật quá lắm. Bạn không bao giờ biết vào thời điểm nào thì họ sẽ bắt đầu gõ lên ô cửa bạn. Bạn đang làm tình với bạn gái và Sosan xuất hiện và bắt đầu gõ. Họ xuất hiện mọi lúc, bất kỳ thời điểm nào, họ không tin vào bất kỳ nghi thức nào. Và ông ấy nói gì với tôi? Ông ấy nói, “Tại sao ông không tính đến cuốn sách của tôi?”
Chúa ôi, đúng vậy! Tôi đã không tính cuốn sách của ông trong danh sách của tôi vì lý do đơn giản rằng cuốn sách của ông chứa tất cả vốn là vậy. Nếu tôi tính cuốn sách của ông thì không cần gì thêm nữa, thế thì không còn cuốn sách nào là cần đến nữa. Sosan là đủ cho chính ông. Sách của ông được gọi là HSIN HSIN MING (TÍN TÂM).
HSIN không được viết như tiếng Anh ‘sin’ mà là h-s-i-n. Bây giờ bạn biết tiếng Trung Quốc: đó là một cách phạm tội! Hsin… HSIN HSIN MING.
Được thôi Sosan, tôi tính cả cuốn sách của ông nữa. Nó trở thành cuốn sách đầu tiên của tôi hôm nay. Tôi xin lỗi, nó nên là đầu tiên ngay từ ban đầu, nhưng tôi đã nói về mười hai cuốn khác. Không vấn đề gì. HSIN HSIN MING, cho dù tôi có nói hay không thì nó cũng là đầu tiên, cao nhất. Devageet, hãy viết chữ ĐẦU TIÊN bằng chữ in.
HSIN HSIN MING là cuốn sách rất mỏng, mỏng đến mức nếu Sosan biết rằng vào một ngày sau đó Gurdjieff sẽ viết cuốn TẤT CẢ VÀ MỌI THỨ, thì ông ấy hẳn sẽ cười, bởi vì tựa đề đó thuộc về cuốn sách của ông. Và Gurdjieff phải viết một nghìn trang, ngay cả một số từ của Sosan còn xuyên thấu hơn, ý nghĩa hơn. Chúng đi trực tiếp vào trái tim bạn.
Tôi có thể nghe thấy tiếng ồn – không phải những từ sẽ vào trái tim bạn, mà con chuột nào đó, quỷ dữ nào đó đang thực hiện công việc của mình. Hãy để nó làm công việc của nó.
Sách của Sosan quá ngắn, giống như ISA UPANISHAD, và còn ý nghĩa hơn. Khi tôi nói trái tim tôi tan vỡ, bởi vì tôi muốn cuốn ISA là cuốn tối thượng, nhưng tôi có thể làm gì? – Sosan đã đánh bại nó. Những giọt lệ lăn từ khóe mắt tôi bởi vì ISA đã bị đánh bại, và cũng vì Sosan là người chiến thắng.
Cuốn sách này rất ngắn, bạn có thể viết nó trong lòng bàn tay; nhưng nếu bạn thử, xin hãy nhớ… tay trái. Đừng viết nó lên tay phải, đó sẽ là hành động bất kính. Họ nói, “Phải là đúng và trái là sai.” Tôi nói trái là đúng, và phải là sai, bởi vì trái đại diện cho tất cả những gì đẹp trong bạn, và Sosan chỉ có thể vào thông qua trái. Tôi biết bởi vì tôi đã vào hàng nghìn trái tim thông qua tay trái, thông qua bên trái, thông qua phần nữ của họ, phần âm của họ – tôi ngụ ý âm Trung Hoa – tôi chưa bao giờ có khả năng vào bất kỳ ai thông qua dương của người đó. Chính ngôn từ là đủ để ngăn cản bất kỳ ai: dương. Dường như điều đó nói, “Hãy tránh xa!” Điều đó nói, “Dừng lại. Đừng có vào đây. Hãy tránh ra! Chú ý con chó!”
Bên phải giống như vậy. Bên phải thuộc về phần sai của ý thức bạn. Nó hữu dụng, nhưng chỉ như đầy tớ. Nó sẽ không bao giờ là người chủ. Cho nên nếu bạn viết HSIN HSIN MING của Sosan thì viết nó lên bàn tay trái bạn.
Đó là cuốn sách rất đẹp, mỗi một từ đều như vàng. Tôi không thể hình dung lại có thể xóa đi một từ. Nó chính xác như nó cần, yêu cầu, để nói lên sự thật. Sosan chắc phải là người rất logic, ít nhất là trong thời gian ông ấy viết cuốn HSIN HSIN MING.
Tôi đã nói về nó và tôi không bao giờ thích giảng giải nhiều hơn. Những thời điểm tuyệt vời nhất trong lúc nói của tôi là nói về Sosan. Nói và tĩnh lặng cùng nhau… nói mà như không nói, bởi vì Sosan chỉ có thể được giải thích thông qua không-nói. Ông ấy không phải là người của những lời nói, ông ấy là con người của sự tĩnh lặng. Ông ấy chỉ nói tối thiểu. Sosan, xin hãy tha thứ cho tôi, tôi đã quên ông. Chỉ vì ông mà tôi nhớ thêm một số người có thể gõ lên ô cửa tôi và quấy nhiễu giấc ngủ chiều của tôi, cho nên tốt hơn là tôi nên nhắc đến họ.
Đầu tiên là cuốn HSIN HSIN MING của Sosan.
Thứ hai là cuốn TERTIUM ORGANUM của P.D. Ouspensky. Thật kỳ lạ là ông ấy viết nó trước khi nghe về Gurdjieff. Ông ấy viết nó trước khi ông biết mình viết gì. Chỉ sau đó ông ấy mới hiểu nó, khi gặp Gurdjieff. Những câu đầu tiên ông ấy nói với George Gurdjieff là: “Nhìn vào mắt thầy tôi đã hiểu TERTIUM ORGANUM. Mặc dù tôi đã viết nó, bây giờ tôi có thể nói rằng nó đã được viết thông qua tôi bởi một sức mạnh vô danh nào đó mà tôi đã không nhận ra.” Có lẽ, đó là gã tinh quái Gurdjieff đã viết nó thông qua ông ấy, hoặc có thể ai đó khác mà các vị Sufi gọi là kẻ Tinh quái Tối thượng, là người đã thực hiện những điều ma thuật – những điều ma thuật giống như TERTIUM ORGANUM.
Tựa đề có nghĩa ‘cuốn thứ ba về tư tưởng’. Các vị Sufi trao cho sức mạnh tối thượng đó một cái tên; đó không phải là con người mà chỉ là một sự hiện diện. Tôi có thể cảm nhận sự hiện diện đó ngay bây giờ, ở đây… chính thời điểm này. Họ gọi nó bằng cái tên nào đó, bởi vì mọi thứ đều được trao cái tên nào đó, nhưng tôi sẽ không nói tên đó về sự hiện diện của vẻ đẹp này, về sự tráng lệ này... về sự chứa chan này... về sự đề cao này... về nhập định này.
Tôi đã nói, Ouspensky có thể viết cuốn TERTIUM ORGANUM  là một điều kỳ lạ, nó là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất trong bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới. Trong thực tế điều đó đã được nói, và rất đúng – nên nhớ, tôi nhấn mạnh và lặp lại, rất đúng – chỉ có ba cuốn sách vĩ đại: đầu tiên là cuốn ORGANUM được viết bởi Aristotle; thứ hai là cuốn THE SECOND ORGANUM được viết bởi Bacon, và cuốn thứ ba được viết bởi P.D. Ouspensky, TERTIUM ORGANUM. ‘Tertium’ có nghĩa là thứ ba. Và Ouspensky rất tinh quái – và chỉ có vị thánh mới có thể rất tinh quái – giới thiệu cuốn sách bằng việc nói, mà không có bản ngã, đơn giản và khiêm nhường rằng, “Cuốn đầu tiên tồn tại nhưng không trước cuốn thứ ba. Cuốn thứ ba tồn tại thậm chí trước khi cuốn đầu tiên xuất hiện trong tồn tại.”
Dường như Oupensky đã sử dụng thì giờ, hoàn toàn và tuyệt đối sử dụng thì giờ vào TERTIUM ORGANUM, bởi vì ông ấy chưa bao giờ có thể đạt tới độ cao như vậy. Người ta nói rằng trong cuốn sách TÌM KIẾM ĐIỀU HUYỀN BÍ, Gurdjieff đã không đạt được độ cao đó. Khi ông ấy phản bội Gurdjieff, ông ấy đã cố và cuối cùng cũng đã tạo ra một cái gì đó tốt hơn TERTIUM. Với nỗ lực cuối cùng ông ấy đã viết cuốn CON ĐƯỜNG THỨ TƯ, nhưng đã hoàn toàn thất bại. Để giảng dạy ở bất kỳ trường đại học nào thì cuốn sách là tốt. Bạn có thể nhìn thấy tôi có những cách chỉ trích một vấn đề của riêng mình…
CON ĐƯỜNG THỨ TƯ có thể là một phần của chương trình giảng dạy chung ở trường đại học, nhưng hơn thế nữa thì nó lại không là gì. Mặc dù ông ấy đã thực hiện công việc một cách tốt nhất, nhưng đó lại là cuốn sách dở nhất mà Ouspensky đã viết. Đó là cuốn sách cuối cùng của ông.
Đó là khó khăn đối với tất cả những cái vĩ đại: nếu bạn cố, bạn lỡ. Cái vĩ đại xuất hiện bởi phi nỗ lực hoặc không bao giờ cả. Nó đã thăm viếng ông ấy trong cuốn TERTIUM ORGANUM và ông ấy đã không nhận ra nó. Ngôn từ trong TERTIUM quá quyền năng, người ta không thể tin tác giả lại chưa chứng ngộ, vẫn đang đi tìm bậc thầy, vẫn đang tìm kiếm sự thật.
Tôi từng là một sinh viên nghèo, làm việc cả ngày như một phóng viên – đó là công việc tồi tệ nhất mà tôi có thể làm, nhưng thời kỳ đó với tôi chỉ có công việc đó – và tôi có nhu cầu cấp bách phải tham gia lớp học ban đêm ở một trường đại. Cho nên cả ngày tôi làm việc như là phóng viên, và ban đêm tôi đến lớp. Vì thế mà tên tôi thuộc về ban đêm. Rajnesh có nghĩa là trăng: rajni có nghĩa là đêm, eesh có nghĩa là Thượng đế – Thượng đế của đêm.
Rất nhiều người từng cười và nói, “Đây là điều kỳ lạ: bạn làm việc cả ngày và đi học ban đêm. Bạn đang thực hiện ý nghĩa tên mình sao?”

Bây giờ tôi có thể trả lời họ, đúng – hãy viết bằng chữ in – ĐÚNG, tôi đã cố thực hiện điều đó cả cuộc đời mình. Còn gì đẹp hơn là trở thành trăng tròn? Vào thời đó, vì là sinh viên nghèo nên tôi đã làm việc cả ngày. Nhưng tôi là kẻ điên, nghèo hay giàu không thành vấn đề…
Tôi không bao giờ thích đọc những cuốn sách mượn. Thực tế, tôi ghét mượn những cuốn sách của thư viện, bởi vì thư viện sách giống như một ả điếm. Tôi ghét nhìn thấy những chỗ đánh dấu, những đoạn gạch dưới của người khác. Tôi luôn yêu thích sự mới mẻ, tinh khôi như tuyết trắng.
TERTINUM ORGANUM là cuốn sách đắt. Vào thời đó ở Ân Độ, lương của tôi hàng tháng chỉ bảy mươi rupi, và thật ngẫu nhiên là cuốn sách giá chính xác như vậy. Người bán sách đã ngạc nhiên. Ông ta nói, “Ngay cả người giàu có nhất trong cộng đồng chúng ta cũng không thể mua được cuốn sách đó. Trong năm năm tôi đã có ý muốn bán nó, nhưng không có ai mua. Mọi người đến và xem nó, rồi bỏ ý định mua. Làm sao mà một sinh viên nghèo như bạn, làm việc cả ngày và học ban đêm, làm việc gần như hai mươi giờ ngày, lại có thể mua được nó?”
Tôi nói, “Tôi có thẻ mua cuốn sách này thậm chí nếu tôi phải trả nó suốt cuộc đời mình. Chỉ cần đọc dòng đầu tiên cũng đủ. Tôi phải sở hữu nó bằng bất kỳ giá nào.”
Đây là dòng đầu tiên tôi đọc trong lời giới thiệu, “Đây là cuốn thứ ba về tư tưởng, và chỉ có ba. Cuốn đầu tiên là của Aristotle; cuốn thứ hai là của Bacon, và cuốn thứ ba là của tôi.” Tôi đã xúc động đến run lên bởi sự táo bạo của Ouspensky khi ông ấy nói, “Thậm chí cuốn thứ ba còn xuất hiện trước cả cuốn thứ nhất.” Câu nói đó đã thiêu đốt trái tim tôi.
Tôi đã trả cho người bán sách toàn bộ số tiền lương của tôi. Bạn không thể hiểu, bởi, vì cuốn sách đó mà tôi phải đói ăn cả tháng. Nhưng điều đó thật xứng đáng. Tôi có thể nhớ đó là một tháng tuyệt vời: không thực phẩm, không quần áo – thậm chí không nơi trú ngụ; bởi vì tôi không thể trả tiền thuê phòng trọ, tôi bị đuổi ra khỏi căn phòng trọ tồi tàn của mình. Nhưng tôi lại vui sướng với TERTIUM ORGANUM dưới bầu trời. Tôi đọc cuốn sách đó dưới ánh đèn đường – đó là sự thú nhận – và tôi đã sống cuốn sách đó. Cuốn sách đó quá tuyệt vời, và bây giờ tôi lại càng biết rằng người đàn ông đó không biết gì. Thế thì làm sao ông ấy có thể viết ra nó? Chắc đó phải là một âm mưa của các vị thần, một cái gì đó từ bên kia. Tôi không thể chịu đựng việc sử dụng cái tên mà các vị Sufi sử dụng thêm nữa; họ gọi nó là khidr. Khird là phương tiện trung gian hướng dẫn những người cần sự hướng dẫn.
TERTIUM ORANUM là cuốn sách thứ hai.
Thứ ba: GEET GOVIND – bài ca của Thượng đế. Cuốn sách này được viết bởi nhà thơ bị người Ấn Độ lên án rất nhiều, bởi vì trong GEET GOVIND, trong bài ca của Thượng đế của mình, ông ấy nói nhiều về tình yêu. Người Ấn Độ lại chống lại tình yêu kịch liệt đến mức họ không bao giờ đánh giá tác phẩm vĩ đại này.
GEET GOVIND là một cái gì đó nên được hát ca. Không gì có thể được nói về nó. Đó là bài ca Baul, bài ca của người điên. Nếu bạn nhảy múa và hát ca nó, bạn sẽ hiểu nó, không còn cách nào khác.
Tôi đang không nói đến tên của người đàn ông đã viết nó. Điều đó không quan trọng. X-Y-Z… không phải là tôi không biết tên ông, nhưng tôi sẽ không nhắc đến vì một lý do đơn giản rằng ông ấy không thuộc về thế giới của các vị Phật. Nhưng ông ấy đã thực hiện một công việc phục vụ lớn lao.
Thứ tư: Bây giờ hãy kiên nhẫn, bởi vì tôi phải hoàn thiện danh sách cho đến mười. Tôi không thể đếm nhiều hơn thế. Tại sao lại là mười? – bởi vì tôi có mười ngón tay. Đó là cách mà số mười đến với tồn tại: mười ngón tay. Con người bắt đầu đếm bằng đầu ngón tay mình cho nên mười trở thành con số cơ bản.
Thứ tư: SAMAYASAR của Kundkunda. Tôi chưa bao giờ nói về nó. Tôi đã quyết định nhiều lần nhưng luôn bỏ rơi ý tưởng. Đây là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mà người Jain từng viết, nhưng nó lại rất toán học; chính vì vậy mà tôi đã luôn bỏ nó. Tôi yêu thơ ca. Nếu nó là thơ ca thì tôi hẳn đã nói về nó. Tôi đã nói về những nhà thơ chưa chứng ngộ, nhưng lại chưa nói về nhà toán học và nhà logic học chứng ngộ nào. Toán học quá khô khan. Logic thì như sa mạc.
Có lẽ ông ấy quanh đây trong số các sannyasin của tôi… nhưng ông ấy không thể. Kundkunda là một bậc thầy chứng ngộ, ông ấy không thể tái sinh. Sách của ông ấy quá đẹp, tôi chỉ có thể nói đến như vậy. Tôi sẽ không nói gì thêm bởi vì nó là toán học… Toán học cũng có vẻ đẹp của nó, nhịp điệu của nó, chính vì vậy mà tôi đánh giá cao nó. Nó có sự thật của riêng nó, nhưng rất hạn chế, và rất hợp tay phải.
SAMAYSAR có nghĩa là cốt lõi. Nếu tình cờ bạn gặp cuốn sách SAMAYSAR của Kundkunda thì xin đừng cầm nó bằng tay trái. Hãy cầm nó bằng tay phải. Đó là cuốn sách thuận tay phải, bên phải theo mọi cách. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ tôi đã không nói về nó. Nó quá bên phải đến mức tôi cảm thấy một chút ác cảm về nó – tất nhiên là cùng với những giọt lệ trên khóe mi tôi, bởi vì tôi biết vẻ đẹp của người đàn ông đã viết nó. Tôi yêu Kundkunda, và cũng vì bản chất khí phách mà tôi cũng ghét sự biểu lộ toán học của ông.
Gudia, bạn có thể có một chút tự do bởi vì tôi phải nói về bốn cuốn sách nữa. Nếu bạn muốn bạn có thể lại ra ngoài.
Thứ năm: Cuốn TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG của J.Krishnamurti. Tôi yêu người đàn ông này, và tôi ghét người đàn ông này. Tôi yêu ông ấy bởi vì ông ấy thuyết giảng sự thật, nhưng tôi ghét ông bởi trí tuệ của ông. Ông ấy là người lý lẽ, lý trí. Tôi tự hỏi, có lẽ ông ấy là hiện thân của lão phải gió Hy Lạp Aristotle. Logic của ông ấy là cái thứ tôi ghét, tình yêu của ông ấy là phẩm chất tôi tôn kính – sách của ông thật đẹp.
Đây là cuốn sách đầu tiên của ông sau khi ông chứng ngộ, và cũng là cuốn cuối cùng. Mặc dù nhiều cuốn khác đã xuất hiện, nhưng chúng chỉ là sự lặp lại nghèo nàn của cùng một thứ. Ông ấy đã không có khả năng sáng tạo bất kỳ thứ gì hay hơn TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG.
Đây là hiện tượng kỳ lạ: Kahlil Gibran đã viết tác phẩm quan trọng của mình khi ông ấy chỉ mới mười tám tuổi, và cũng đã vật lộn cả cuộc đời mình để tạo ra một cái gì đó hay hơn nhưng không thể. Ouspensky đã không thể vượt lên cuốn TERTIUM ORGANUM,  mặc dù ông đã gặp Gurdjieff, sống và làm việc với người Thầy của mình trong nhiều năm. Đó cũng là trường hợp của J.Krishnamurti: cuốn TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG  thực sự là đầu tiên và cũng là cuối cùng.
Thứ sáu. Thứ sáu là cuốn sách Trung Quốc khác, KINH của Huang Po. Đó là một cuốn sách mỏng, không phải là luận thuyết, chỉ là những phân đoạn. Sự thật không thể được biểu đạt bởi luận thuyết, bạn không thể viết luận án tiến sĩ Triết học về nó. Tiến sĩ triết học là học vị nên trao cho những kẻ ngốc. Huang Po viết bằng những phân đoạn. Nhìn vẻ bề ngoài thì dường như chúng không liên kết với nhau, nhưng không phải vậy. Bạn phải thiền và rồi bạn có thể nhận ra sự liên kết. Đó là một trong những cuốn sách thiền định nhất từng được viết.
Cuốn KINH của Huang Po được dịch sang tiếng Anh như là NHỮNG THUYẾT GIẢNG CỦA Huang Po. Thậm chí tiêu đề cũng sai. Những người như Huang Po không thuyết giảng. Không có thuyết giảng trong nó. Bạn phải thiền, trở nên tĩnh lặng để hiểu nó.
Thứ bảy là cuốn KINH CỦA HUI HI. Trong tiếng Anh nó lại được dịch thành CÁC THUYẾT GIẢNG CỦA HUI HI. Những người Anh tội nghiệp đó. Họ nghĩ trong cuộc sống không có gì hơn thuyết giảng. Tất cả những người Anh đó là thầy dạy. Và hãy nhận ra những phụ nữ Anh; nếu không bạn sẽ bị mắc với một người có vẻ là thầy giáo!
Hui Hi và Huang Po đều là những Bậc Thầy. Họ ảnh hưởng, họ không thuyết giảng. Do vậy mà tôi gọi nó là cuốn KINH CỦA HUI HI, mặc dù bạn sẽ không tìm ra nó trong các thư viện. Trong các thư viện bạn sẽ tìm ra cuốn CÁC THUYẾT GIẢNG CỦA HUI HI.
Thứ tám: Cuốn cuối cùng – ít nhất là của hôm nay, bởi vì người ta không bao giờ biết về ngày mai. Những con quỷ khác có thể bắt đầu gõ lên những ô cửa của tôi. Chắc tôi phải đọc nhiều hơn bất kỳ con người còn sống nào trên trái đất, và nên nhớ tôi đang không nói khoác mà chỉ đơn giản nói rõ thực tế. Chắc tôi phải đọc ít nhất một trăm nghìn cuốn sách, có thể nhiều hơn, nhưng không ít hơn thế, bởi vì sau con số một trăm nghìn tôi dừng đếm. Cho nên tôi không biết về ngày mai, nhưng với cuốn thứ tám hôm nay… Tôi đang cảm thấy một chút tội lỗi về GEET GOVIND bởi vì tôi đã không nói với bạn tên của tác giả. Tôi sẽ nói với bạn, nhưng đầu tiên hãy để tôi kết thúc cuốn thứ tám.
Cuốn thứ tám đã gây ấn tượng mạnh lên tôi, rõ ràng đó là một điều kỳ lạ; nếu không nó hẳn sẽ không bao giờ gây ấn tượng lên tôi cả. Bạn sẽ bị sốc! Hãy đoán xem cuốn thứ tám có thể là… tôi biết bạn không thể đoán nó – không phải nó được viết bằng tiếng Sanskrit hoặc tiếng Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Ả rập. Bạn đã nghe về nó, có thể bạn đã có nó trong nhà mình. Đó là cuốn BÀI CA CỦA SOLOMON trong KINH CỰU ƯỚC. Đây là cuốn sách tôi yêu hết lòng. Tôi ghét tất cả những cuốn sách Do Thái ngoại trừ cuốn BÀI CA CỦA SOLOMON.
Cuốn BÀI CA CỦA SOLOMON đã bị hiểu sai rất nhiều vì cái gọi là các nhà phân tâm học, đặc biệt là những người theo Frued – the frauds (những kẻ lừa lọc). Họ đã diễn giải BÀI CA CỦA SOLOMON theo cách tồi nhất có thể; họ biến nó thành bài ca tình dục. Nó không phải vậy. Nó gợi sự khoái cảm, đúng vậy, rất gợi cảm, nhưng không gợi dục. Nó rất sống động, chính vì vậy mà nó gợi cảm. Nó tràn đầy vị ngọt, chính vì vậy mà nó gợi cảm… nhưng không gợi dục. Tình dục có thể là một phần của nó, nhưng đừng có làm cho loài người lạc lối. Ngay cả những người Do Thái cũng trở nên sợ hãi nó. Họ nghĩ nó được bao gồm trong KINH CỰU ƯỚC chỉ vì tình cờ. Thực tế bài ca này là thứ duy nhất xứng đáng được bảo tồn; tất cả những thứ khác nên ném vào lửa.
Thời gian của tôi hết rồi phải không? Tệ quá. Bạn nói, “Vâng” nhưng tôi phải làm gì? – đây chính là vẻ đẹp. Cám ơn cả hai.

Om Mani Padme Hum.
Dừng ở vẻ đẹp này mới đẹp làm sao. Không, không, không. Cái ‘không’ này là điều người Ấn Độ nói khi họ đạt được chứng ngộ. Thế rồi họ không muốn tái sinh nữa. Họ nói, “Không, không, không…” Sau trải nghiệm tuyệt đẹp này, còn gì đáng giá để tiếp tục nữa?
Xem tiếp Chương 4 - Quay về Mục lục