Với hai mươi tư giờ một ngày, cố nhớ những giây phút vốn là phép màu và thiêng liêng đó trong cuộc đời của bạn. Nhớ lại vài thời khắc đó và cố biến chúng thành nền tảng cuộc đời của bạn.

Bạn sẽ thấy rằng những gì bạn nhớ tới dường như diễn ra thường xuyên hơn và rằng điều bạn luôn mong đợi sẽ bắt đầu xuất hiện khắp nơi xung quanh bạn. Và rồi thế giới sẽ xuất hiện dưới ánh sáng khác hoàn toàn.

Showing posts with label Osho Tự truyện. Show all posts
Showing posts with label Osho Tự truyện. Show all posts

Chương 19: Phật Zorba - Hữu thể người toàn bộ

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần III: Di sản
Chương 19: Phật Zorba - Hữu thể người toàn bộ


Hãy nhìn đời bằng ánh mắt đùa vui – rồi bạn có thể có cả hai thế giới một lượt. Bạn vừa có cái bánh cake, lại vừa ăn nó. Và đó là một nghệ thuật thực thụ! Thế giới này và thế giới kia, âm thanh và sự im lặng, tình yêu và thiền định, có mặt với mọi người, ở trong tương quan, và ở một mình. Tất cả những điều này phải được sống cùng nhau trong một loại đồng thời; chỉ lúc đó, bạn mới sẽ biết cái chiều sâu nhất của bản thể bạn và chiều cao tận cùng của bản thể bạn.
Một người luật sư đi tới bờ mép của cái hầm mỏ, nơi mà một tốp thợ đang làm việc và gọi tên của Timothy O' Toole.
"Ai đang cần gặp tôi?" một giọng nói ồ ồ dò hỏi.
"Ông Toole ạ," người luật sư hỏi, "có phải ông đến từ Castlebar, quận Mayo?"
"Đúng vậy."
"Và mẹ ông tên là Bridget và cha ông, Michael?"
"Đúng."
"Vậy thì nhiệm vụ của tôi," người luật sư nói, "là thông báo cho ông, O' Toole ạ,  rằng bà cô Mary của ông đã mất tại Iowa, để lại cho ông một bất động sản trị giá hai trăm ngàn Mỹ kim."
Có một khoảng im lặng ngắn bên dưới, và rồi một sự rung chuyển náo loạn.
"Ông đến chưa vậy, hả ông O' Toole ?" người luật sư gọi xuống.
"Đợi một phút," một giọng trả lời rống lên. "Tôi vừa mới ngừng lại để cho đo ván gã đốc công."
Chỉ cần sáu tháng ăn chơi phóng đãng, cũng đủ để O' Toole xài hết hai trăm ngàn Mỹ kim. Nỗ lực chủ yếu của anh ta là, thỏa mãn một cơn khát to lớn, cơn khát thừa kế. Rồi anh ta trở lại công việc của mình. Và ở đó, chẳng bao lâu sau, người luật sư lại tìm kiếm anh ta.
"Lần này là Bác Patric của ông, O' Toole ạ," người luật sư giải thích. "Ông ta đã chết tại Texas và để lại cho ông bốn trăm ngàn Mỹ kim."
O' Toole tựa một cách nặng nề lên cái cuốc chim của anh ta và lắc đầu một cách chán nản.
"Tôi không nghĩ rằng tôi có thể nhận nó," anh ta tuyên bố. "Tôi không còn khỏe như trước đây, và tôi không tin rằng tôi có thể xài hết món tiền ấy mà vẫn còn sống."
Đó là cái đã xảy ra tại phương Tây. Con người tại phương Tây đã thành công trong việc đạt tới tất cả cái sự giàu có mà toàn nhân loại đã từng khao khát qua nhiều nhiều thời đại. Phương Tây đã thành công về mặt vật chất, đã trở nên giàu có và bây giờ nó đang quá chán chường, quá mệt mỏi. Cuộc hành trình đã tước mất toàn bộ linh hồn nó. Cuộc hành trình đã "kết thúc" con người phương Tây. Bề ngoài, mọi thứ đều có thể đạt được, nhưng sự tiếp xúc với cái bên trong bị đánh mất. Bây giờ mọi thứ mà con người cần đều có thể đạt được, nhưng chính con người thì không còn ở đó. Những vật sở hữu thì ở đó, nhưng con người không đang cảm thấy giàu có chút nào; trái lại, con người đang cảm thấy bị bần cùng hóa, rất nghèo nàn.
Hãy nghĩ về sự nghịch lý này: Khi bạn giàu có bên ngoài, thì chỉ lúc đó bạn mới trở nên nhận biết về sự nghèo nàn bên trong – qua sự tương phản. Khi bạn nghèo bên ngoài, bạn không bao giờ trở nên nhận biết về sự nghèo nàn bên trong, bởi vì không có sự tương phản nào. Bạn viết với phấn trắng trên bảng đen, không phải trên tấm bảng trắng. Tại sao? Bởi vì chỉ trên bảng đen nó mới hiện ra rõ ràng. Sự tương phản được cần đến.
Khi bạn giàu có bên ngoài, thì bỗng nhiên một sự nhận biết sâu sắc xảy ra, rằng: "Bên trong tôi nghèo, tôi là một kẻ ăn xin." Và bây giờ, một trạng thái vô hy vọng đến như một cái bóng: "Mọi cái mà chúng ta nghĩ về đều đã được đạt tới – mọi tưởng tượng và "mơ tưởng" đều được thực hiện – và không có gì xảy ra từ nó, không có sự hài lòng, không có phúc lạc nào cả."
Phương Tây hoang mang. Từ sự hoang mang này, một ước vọng lớn khởi lên: làm thế nào để một lần nữa tiếp xúc với bản ngã của mình.
Thiền định không là gì khác hơn ngoài việc cắm rễ một lần nữa vào trong đời sống nội tâm, vào trong tính nội tại của bạn. Do vậy, phương Tây đang trở nên rất quan tâm đến thiền định và rất quan tâm đến những kho báu của phương Đông.
Phương Đông cũng quan tâm đến thiền định khi phương Đông giàu có; điều này phải được hiểu. Đó là lý do tại sao tôi không chống lại của cải và tôi không nghĩ rằng sự nghèo nàn có một chút tính tâm linh nào trong nó. Tôi hoàn toàn chống lại sự nghèo nàn, bởi vì bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo, nó đánh mất tất cả thiền định, tất cả những nỗ lực tâm linh. Bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo bên ngoài, nó không thể nhận biết về sự nghèo nàn bên trong.
Đó là lý do tại sao trên những khuôn mặt Ấn Độ, bạn có thể thấy một loại mãn nguyện mà không được tìm thấy tại phương Tây. Nó không phải là sự mãn nguyện thực thụ; nó chỉ là trạng thái bất thức về sự nghèo nàn nội tâm. Những người Ấn Độ nghĩ, "Hãy nhìn vào sự lo âu, sự thống khổ, và sự căng thẳng trên những khuôn mặt phương Tây. Mặc dù chúng ta nghèo, chúng ta rất mãn nguyện bên trong." Đó là sự ngây ngô, vớ vẩn cực kỳ; thực ra, họ không mãn nguyện. Tôi đã từng quan sát hằng ngàn người – họ không mãn nguyện. Một điều chắc chắn đúng, là họ không nhận biết về sự bất mãn, bởi vì để nhận biết sự bất mãn, thì phải cần đến sự giàu có bên ngoài. Không có sự giàu có bên ngoài, thì không ai trở nên nhận biết sự bất mãn bên trong của họ – và có thừa những chứng cớ về điều đó.
Tất cả những avatar của những người Hindu đều là vua hay là con trai của vua. Tất cả những tirtankara của đạo Jaina, những đạo sư Jaina, đều là vua; Đức Phật cũng vậy. Tất cả ba truyền thống lớn của Ấn Độ đã cung cấp đầy đủ chứng cứ. Tại sao Đức Phật trở nên bất mãn, tại sao Ngài bắt đầu một cuộc tìm kiếm thiền định? Bởi vì Ngài giàu có. Ngài sống trong xa hoa; Ngài sống với tất cả mọi tiện nghi vật chất. Bỗng nhiên Ngài trở nên nhận biết. Và Ngài còn khá trẻ khi nó xảy ra; Ngài chỉ mới 29 tuổi khi Ngài trở nên nhận biết rằng có một lỗ hổng đen bên trong. Ánh sáng ở bên ngoài; do vậy, nó cho thấy bóng tối bên trong của bạn. Chỉ một chút bẩn trên một sơ mi trắng, và nó hiện rõ. Đó là cái đã xảy ra. Ngài trốn thoát khỏi cung điện.
Đó là cái đã xảy ra cho Mahavira; Ngài cũng trốn khỏi một cung điện. Nó không đang xảy ra cho một kẻ hành khất. Cũng có những kẻ hành khất trong thời của Đức Phật. Thật ra, theo truyền thuyết, Đức Phật từ bỏ thế gian khi Ngài thấy một kẻ hành khất lần đầu tiên, và một ông già, một tử thi, và mộtsannyasin. Những người ăn xin có mặt ở đó.
Đức Phật, thái tử Siddartha, sắp tham dự vào một lễ hội dành cho giới trẻ, chàng phải khánh thành nó. Từ chiếc kim xa của mình, chàng thấy một kẻ hành khất – lần đầu tiên, bởi vì phụ vương chàng đã xoay xở suốt đời ông, sao cho Thái tử sẽ không bao giờ thấy một kẻ hành khất, hay một người bệnh, hay một người chết. Bởi vì khi Ngài đản sanh, những nhà chiêm tinh đã nói với vua cha: "Nếu thái tử thấy những người này, ngay lập tức thái tử sẽ từ bỏ thế gian, cho nên, đừng cho phép thái tử thấy họ." Do vậy, bất cứ nơi nào Thái tử thường đi tới, những kẻ hành khất được di chuyển đi nơi khác. Những người già sẽ bị di chuyển, hay bị buộc phải ở trong nhà họ, không được ra ngoài. Ngay trong khu vườn của Thái tử, không chiếc lá chết nào được cho phép. Mọi lá chết đều được thu dọn trong đêm, do vậy, vào buổi sáng khi Thái tử đi ra vườn, chàng chỉ có thể thấy sự trẻ trung, những chiếc lá non, những bông hoa mơn mởn. Chàng chưa bao giờ thấy một bông hoa héo tàn.
Khi chàng thấy một kẻ hành khất lần đầu tiên… Và câu chuyện ngụ ngôn này thật đẹp; nó nói rằng, chư thiên trở nên lo lắng; "Vua cha đang quá thành công. 29 năm đã trôi qua và Thái tử có năng lực trở nên một trong những kẻ chứng ngộ nhất trên thế gian." Chư thiên trở nên lo lắng: "Phụ vương chàng xoay xở quá thành công, đến mức có thể chàng sẽ không bao giờ gặp một kẻ hành khất hay một người già; chàng có thể bỏ lỡ." Do vậy, một vị thần hóa thành một kẻ hành khất, một vị  khác, một ông già, một vị  khác, một người chết, và một vị khác, một sannyasin.
Do vậy, trong thời của Đức Phật, những người hành khất có mặt ở đó – nhưng họ không từ bỏ thế gian. Họ không có gì để từ bỏ; họ mãn nguyện. Nhưng Thái tử Siddharta trở nên bất mãn.
Xưa kia, khi Ấn Độ giàu có, nhiều người quan tâm đến thiền định; thật vậy, tất cả mọi người đều quan tâm đến thiền định. Chẳng sớm thì muộn, họ buộc phải bắt đầu nghĩ về mặt trăng, về cái "bên kia", về cái bên trong. Bây giờ đất nước nghèo, quá nghèo đến mức không có sự tương phản nào giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Cái bên trong nghèo, cái bên ngoài cũng nghèo. Cái bên trong và cái bên ngoài ở trong sự hòa điệu hoàn hảo – cả hai đều nghèo! Đó là lý do tại sao bạn thấy một loại mãn nguyện trên khuôn mặt người Ấn, đó không phải là sự mãn nguyện thực thụ. Và do vậy, người ta đã trở nên quen với việc nghĩ rằng sự nghèo nàn có cái gì tâm linh trong nó.
Sự nghèo nàn được thờ phụng tại Ấn Độ. Đó là một trong những lý do tại sao tôi bị kết án một cách liên tục, bởi vì tôi không ủng hộ bất cứ sự nghèo nàn nào. Sự nghèo nàn không phải là tính tâm linh, sự nghèo nàn là nguyên nhân gây ra sự biến mất của tính tâm linh.
Tôi muốn toàn thế giới trở nên giàu có càng nhiều càng tốt. Người ta càng giàu có, họ càng trở nên tâm linh. Họ sẽ phải trở nên tâm linh, họ sẽ không thể tránh nó. Và chỉ khi đó sự mãn nguyện thực thụ mới có thể khởi lên.
Khi bạn có thể tạo ra sự giàu có bên trong, thì sự hòa điệu lại xuất hiện – sự giàu có bên ngoài gặp sự giàu có bên trong – rồi, có sự mãn nguyện thực thụ. Khi sự nghèo nàn bên ngoài gặp sự nghèo nàn bên trong, thì có sự mãn nguyện giả dối. Sự hòa điệu là khả dĩ trong hai cách này. Cái bên ngoài và cái bên trong hòa điệu, và người ta cảm thấy mãn nguyện. Ấn Độ có vẻ mãn nguyện bởi vì có sự nghèo nàn ở hai phía của hàng rào. Có sự hòa điệu hoàn hảo, cái bên trong hòa điệu với cái bên ngoài; nhưng đây là sự mãn nguyện xấu xa, nó thực sự thiếu sự sống, thiếu sinh khí. Đây là một loại mãn nguyện nhạt phèo, chán ngắt.
Phương Tây bị buộc phải trở nên quan tâm đến thiền định, không có cách nào để tránh nó. Đó là lý do tại sao Kytô giáo đang đánh mất ảnh hưởng của nó trên tâm trí phương Tây, bởi vì Kytô giáo chưa phát triển khoa học thiền định trên bất cứ phương diện nào. Nó vẫn còn là một tôn giáo rất tầm thường; Do Thái giáo cũng vậy.
Phương Tây nghèo nàn khi những tôn giáo này được sinh ra, đó là lý do. Cho tới lúc đó, phương Tây đã sống trong nghèo nàn. Khi phương Đông giàu có, thì phương Tây nghèo nàn. Do Thái giáo, Kytô giáo, và Hồi giáo – tất cả ba tôn giáo phi Ấn Độ này, đều được sinh ra trong sự nghèo nàn. Chúng không thể phát triển những kỹ thuật thiền định, không có nhu cầu. Chúng vẫn còn là những tôn giáo của người nghèo.
Bây giờ phương Tây đã trở nên giàu và có một chênh lệch, cách biệt.
Những tôn giáo phương Tây đều được sinh ra trong sự nghèo khó; chúng không có gì để tặng cho những người giàu. Đối với những người giàu, chúng nom có vẻ trẻ con, chúng không mang lại thỏa mãn. Chúng không thể làm thỏa mãn. Những tôn giáo phương Đông được sinh ra trong sự giàu có; đó là lý do tại sao tâm trí phương Tây đang trở nên ngày càng quan tâm đến những tôn giáo phương Đông. Vâng, tôn giáo của Đức Phật đang có ảnh hưởng lớn; Zen đang lan tràn như lửa cháy rừng. Tại sao? Nó được sinh ra từ sự giàu có.
Có một sự tương đồng to lớn giữa tâm lý học phương Tây của con người hiện đại và tâm lý học của Phật giáo. Phương Tây ở trong trạng thái tương tự như Đức Phật khi Ngài trở nên quan tâm đến thiền định. Đó là cuộc tìm kiếm của một người giàu. Và cũng là trường hợp của Ấn Độ giáo, cũng là trường hợp của Jaina giáo. Ba tôn giáo lớn này của Ấn Độ đều được sinh ra từ sự giàu có; do vậy, phương Tây nhất thiết phải bị hấp dẫn bởi những tôn giáo phương Đông này.
Phương Đông đang mất liên hệ với những tôn giáo của chính mình. Ấn Độ không thể nào hiểu được Đức Phật – nó là một đất nước nghèo. Thực ra, những người Ấn nghèo đang cải đạo sang Kytô giáo. Những người Mỹ giàu đang cải đạo sang Phật giáo, Ấn Độ giáo, Vedanta – và những người "tiện dân", những người nghèo nhất của Ấn Độ, đang trở thành những người Kytô. Bạn có thấy cái điểm then chốt này không? Những tôn giáo này có một hấp dẫn nào đó đối với người nghèo. Nhưng chúng không có tương lai nào cả, bởi vì không sớm thì muộn, toàn thế giới sẽ trở nên giàu có.
Tôi không ca ngợi sự nghèo nàn, tôi không kính trọng sự nghèo nàn. Con người phải được hưởng cả hai loại giàu có. Tại sao không cả hai? Khoa học đã phát triển kỹ thuật làm cho bạn giàu có bên trong: đó là Yoga, Mật tông, Lão giáo, đạo Sufi, đạo Hassidi – có những kỹ thuật về cái bên trong.
Sau đây là một câu chuyện:
Nhân vật trung tâm của câu chuyện này là một trong những người chấp nhận mọi sự xảy ra như là sự biểu hiện của quyền lực thiêng liêng.
Ông ta nói, việc tra vấn những hành động của "thiên ý" không phải là việc của ông.
Suốt đời mình, ông gặp toàn bất hạnh, nhưng ông chưa một lần than van. Ông kết hôn, và vợ ông chạy theo người làm mướn. Ông có một con gái, và đứa con gái bị một tên vô lại lường gạt. Ông có một đứa con trai, và nó bị hành hình. Một trận hỏa hoạn thiêu cháy vựa lúa của ông, một trận cuồng phong thổi bay ngôi nhà của ông, một trận bão tuyết hủy hoại mùa màng của ông, và người chủ ngân hàng tịch biên mọi tài sản cầm cố của ông, lấy đi nông trại của ông. Thế nhưng, cứ mỗi cú đánh của bất hạnh, ông quỳ xuống và tạ ơn "Thượng đế Toàn Năng về lòng xót thương vô hạn của Ngài."
Sau một thời gian, không đồng xu dính túi, nhưng vẫn tuân phục những "sắc lệnh" từ trên cao, ông vào tá túc trong một trại tế bần vùng quê. Một hôm người giám thị phái ông ra ngoài để cày một cánh đồng khoai tây. Một cơn bão sấm nổi lên, nhưng khi nó đi ngang qua ông, thì, không báo trước, một lưỡi sét bổ xuống từ bầu trời. Nó làm chảy cái lưỡi cày, lột hết quần áo của ông, làm râu ông cháy xém, và khắc vào tấm lưng trần của ông với những chữ đầu tên của một người chăn bò vùng lân cận, và ném ông băng qua một hàng rào kẽm gai.

Ông tự mình khẳng định:
"Lạy Chúa," ông nói, "điều này đang trở nên hoàn toàn lố bịch!"
Đây là tình huống của phương Đông: "Điều này đang đi tới chỗ hoàn toàn lố bịch!" Nhưng phương Đông vẫn tiếp tục cám ơn Thượng đế, tiếp tục cảm thấy biết ơn. Không có gì để cảm thấy biết ơn nữa! Phương Đông đang cực kỳ nghèo nàn, bệnh hoạn, đói khát; không có gì để biết ơn. Nhưng phương Đông đã quên cái cách để đòi hỏi quyền lợi của mình, phương Đông đã quên cái cách để làm bất cứ cái gì để cải thiện tình trạng của nó.
Do vậy, phương Đông không thể thiền định. Phương Đông hầu như đang sống trong một loại "vô ý thức". Nó quá đói để mà thiền định, quá nghèo để mà cầu nguyện. Mối quan tâm duy nhất của nó là bánh mì, chỗ ở, y phục; cho nên, khi nhà truyền giáo Kytô đến và mở một bệnh viện hay một trường học, thì những người Ấn Độ rất cảm kích – đây là "tính tâm linh." Khi tôi khởi sự dạy về thiền định, họ không quan tâm – không những không quan tâm, mà họ còn chống lại nó: "Đây là loại tâm linh tính gì thế?" Và tôi hiểu – họ cần bánh mì, họ cần chỗ ở, họ cần y phục. Nhưng họ đang khổ bởi vì tâm trí họ. Một mặt, họ cần bánh mì, chỗ ở, y phục, những ngôi nhà tốt hơn, đường sá tốt hơn; và mặt khác, họ tiếp tục thờ phụng sự nghèo nàn. Họ ở trong cái tình trạng "một cổ hai tròng."
Phương Đông chưa thể thiền định. Trước hết, nó cần khoa học kỹ thuật để làm cho nó khá hơn một chút về vật chất. Y như phương Tây cần kỹ thuật về tôn giáo, phương Đông cần kỹ thuật về khoa học.
Và tôi hoàn toàn ủng hộ một thế giới, nơi mà phương Tây có thể thỏa mãn những nhu cầu của phương Đông, và phương Đông có thể thỏa mãn những nhu cầu của phương Tây. Phương Đông và phương Tây đã sống tách biệt khá lâu; không còn cần như vậy nữa. Phương Đông không còn nên là phương Đông, và phương Tây không còn nên là phương Tây nữa. Chúng ta đã đi tới cái khoảnh khắc "sinh tử" khi mà mà toàn bộ trái đất có thể trở thành một – nên trở thành một – bởi vì nó chỉ có thể sống sót nếu nó trở thành một.
Những tháng ngày khi mà thế giới phân chia ra thành những dân tộc đã qua, những ngày của sự phân chia đã qua, những ngày của những nhà chính trị đã qua. Chúng ta đang di chuyển trong một thế giới hết sức mới, một giai đoạn mới của nhân loại – trong cái giai đoạn mới này, chỉ có một thế giới độc nhất, chỉ có một nhân loại độc nhất. Và rồi, sẽ có một sự phóng thích năng lượng cực kỳ lớn.
Phương Đông có những kho báu, những kỹ thuật tôn giáo, và phương Tây có những kho báu, những kỹ thuật khoa học. Và nếu chúng có thể gặp gỡ, thì chính thế giới này sẽ có thể trở thành một thiên đường. Bây giờ không cần cầu xin một thế giới khác; chúng ta có khả năng tạo ra thiên đường trên trái đất này, lần đầu tiên. Và nếu chúng ta không tạo ra nó, thì ngoài chúng ta, không ai khác chịu trách nhiệm.
Tôi ủng hộ một thế giới độc nhất, một nhân loại độc nhất, và cuối cùng, một khoa học độc nhất mà sẽ chăm sóc cái bên ngoài và cái bên trong, cả hai.
Đó là cái mà tôi đang cố làm ở đây. Nó là một cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây; nó là cái tử cung nơi mà một nhân loại mới có thể được thai nghén, được sinh ra đời.
Đây là những "đối cực" trong cuộc sống, thiền định và tình yêu – đây là cái "đối cực" tối hậu.
Cái toàn bộ của cuộc sống gồm có những đối cực: cái tích cực và cái tiêu cực, sự ra đời và sự chết, đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, mùa hạ và mùa đông. Cái toàn bộ của cuộc sống bao gồm  những đối cực. Nhưng những đối cực đó không chỉ là những đối cực, chúng còn là những cái bổ sung cho nhau. Chúng đang giúp nhau, chúng đang hỗ trợ nhau.
Chúng giống như những viên gạch của một cổng vòm cung. Trong một vòm cung, những viên gạch phải được sắp xếp dựa vào nhau. Chúng nom có vẻ chống lại nhau, nhưng nhờ đối nghịch với nhau mà cái vòm cung được xây lên, đứng vững được. Sức mạnh của cái vòm cung tùy thuộc vào cái đối cực của những viên gạch được xếp đối nghịch nhau.
Đây là cái đối cực tối hậu: thiền định có nghĩa là nghệ thuật ở một mình, và tình yêu có nghĩa là nghệ thuật ở cùng nhau. Con người toàn bộ là người có khả năng di chuyển từ cái này sang cái kia càng dễ dàng càng tốt. Nó hệt như việc thở vào và thở ra – không có khó khăn nào. Chúng đối nghịch nhau – khi bạn thở vào có một tiến trình, và khi bạn thở ra, cái tiến trình thì ngược lại. Nhưng việc thở vào và thở ra làm thành một hơi thở hoàn chỉnh.
Trong thiền định, bạn thở vào, trong tình yêu bạn thở ra. Và với tình yêu và thiền định cùng nhau, hơi thở của bạn là hoàn chỉnh, trọn vẹn, toàn bộ.
Trong nhiều thế kỷ, những tôn giáo đã cố đạt tới một cực, loại trừ cực kia. Có những tôn giáo của thiền định, thí dụ, Jaina giáo, Phật giáo – chúng là những tôn giáo thiền định, chúng có gốc rễ trong thiền định. Và có những tôn giáo bhakti, những tôn giáo của sùng kính: đạo Sufi, Hassidi – chúng có gốc rễ trong tình yêu. Một tôn giáo có gốc rễ trong tình yêu cần Thượng đế như là "tha thể" để yêu, để cầu nguyện. Không có một Thượng Đế, một tôn giáo của tình yêu không thể tồn tại, nó là không thể quan niệm được – bạn cần một đối tượng của tình yêu. Nhưng một tôn giáo của thiền định thì có thể tồn tại mà không có khái niệm về Thượng đế; cái giả thiết đó có thể được bỏ đi. Do vậy, Phật giáo và Jaina giáo không tin vào bất cứ Thượng đế nào. Không cần một "tha thể". Bạn chỉ cần biết cách ở một mình, biết cách im lặng, tĩnh lặng, hoàn toàn bình thản, và lặng lẽ bên trong chính bạn. "Tha thể" phải hoàn toàn được bỏ đi, quên đi. Do vậy, đây là những tôn giáo không Thượng đế.
Khi lần đầu tiên những nhà thần học phương Tây tình cờ gặp Phật giáo và Jaina giáo, họ hết sức thắc mắc: làm thế nào gọi những triết học phi Thượng đế này là những tôn giáo? Chúng có thể được gọi là những triết học, nhưng làm sao gọi chúng là tôn giáo được? Thật khó quan niệm được với họ, bởi vì truyền thống Do Thái giáo và Kytô giáo nghĩ rằng muốn có tính tôn giáo, thì Thượng đế là giả thiết cốt yếu nhất. Con người tôn giáo là người "sợ-Thượng đế" và những người này nói rằng không có Thượng đế, do vậy, không có vấn đề sợ Thượng đế.
Tại phương Tây, trong hằng ngàn năm, người ta vẫn nghĩ rằng, người nào không tin vào Thượng đế, là một kẻ vô thần, y không phải là một người tôn giáo. Nhưng Đức Phật thì vô thần và tôn giáo. Điều đó rất kỳ lạ đối với những người phương Tây, bởi vì họ không hề nhận biết rằng, có những tôn giáo có gốc rễ trong thiền định.
Và điều tương tự cũng đúng về những người theo Phật và Mahavira. Họ cười nhạo sự ngu xuẩn của những tôn giáo khác vốn tin vào Thượng đế, bởi vì toàn bộ ý tưởng đó là phi lý. Nó chỉ là sự hão huyền, tưởng tượng, không có gì khác; nó là một sự phóng chiếu. Nhưng đối với tôi, cả hai đều cùng đúng.
Sự hiểu biết của tôi thì không có gốc rễ trong một cực; sự hiểu biết của tôi thì lỏng, uyển chuyển. Tôi đã nếm chân lý từ cả hai phía: tôi đã yêu một cách toàn bộ và tôi đã thiền định một cách toàn bộ. Và đây là kinh nghiệm của tôi: rằng một người chỉ toàn bộ khi y đã biết cả hai. Nếu không thế, y vẫn còn một nửa, một cái gì đó còn thiếu bên trong y.
Đức Phật là một nửa – Jesus cũng vậy. Jesus biết tình yêu là gì, Phật biết thiền định là gì, nhưng nếu họ gặp nhau, họ sẽ không thể nào truyền thông với nhau. Họ sẽ không hiểu ngôn ngữ của nhau. Jesus sẽ nói về vương quốc của Thượng đế, và Đức Phật sẽ bắt đầu cười: "Bạn đang nói về cái vớ vẩn gì thế? Vương quốc của Thượng đế?" Đức Phật sẽ chỉ nói, "Sự chấm dứt của cái tôi, sự biến mất của cái tôi." Và Jesus sẽ nói, "Sự biến mất của cái tôi? Sự chấm dứt của cái tôi? Cái đó là tự vẫn, sự tự vẫn tối hậu. Đây là loại tôn giáo gì vậy? Hãy nói về cái tôi tối cao!"
Họ sẽ không hiểu những lời nói của nhau. Nếu họ từng gặp nhau, họ sẽ cần một người giống như tôi để thông dịch; nếu không thế, không thể có sự truyền thông nào giữa họ. Và tôi sẽ phải thông dịch sao cho tôi sẽ "không trung thực" với cả hai! Jesus sẽ nói, "vương quốc của Thượng đế" và tôi sẽ dịch nó như là "niết bàn" – rồi Đức Phật sẽ hiểu. Phật sẽ nói "niết bàn", và tôi sẽ dịch cho Jesus là "vương quốc của Thượng đế" – rồi thì Ngài sẽ hiểu.
Bây giờ nhân loại cần một cái nhìn toàn bộ. Chúng ta đã sống với tầm nhìn một nửa quá lâu. Nó là một sự cần thiết tất yếu của quá khứ, nhưng bây giờ con người đã tới tuổi thành niên. Những sannyasin của tôi phải chứng minh rằng, họ có thể thiền định và cầu nguyện cùng một lúc, rằng họ có thể thiền định và yêu cùng một lúc, rằng họ có thể im lặng như có thể và họ có thể nhảy múa và lễ hội nhiều như có thể. Sự im lặng của họ phải trở thành lễ hội của họ, và lễ hội của họ phải trở thành sự im lặng của họ. Tôi đang giao cho họ nhiệm vụ khó khăn nhất đã từng được giao cho bất cứ đệ tử nào, bởi vì đây là cuộc gặp gỡ của những đối nghịch.
Và trong cuộc gặp gỡ đó, tất cả mọi đối nghịch khác sẽ chảy tan và trở thành một: Đông và Tây, đàn ông và đàn bà, vật chất và ý thức, thế giới này và thế giới kia, cuộc sống và cái chết. Mọi đối nghịch sẽ gặp gỡ và hợp nhất thông qua cuộc gặp gỡ này, bởi vì đây là đối cực tối hậu; nó chứa đựng tất cả mọi đối nghịch.
Cuộc gặp gỡ này sẽ tạo ra một hữu thể người mới – Phật Zorba. Đó là cái tên mà tôi dành cho con người mới. Và mỗi trong số những sannyasin của tôi phải làm mọi nỗ lực có thể được, để trở thành một "chất lỏng" như thế, một sự tuôn chảy, để cho cả hai cực đều thuộc về bạn.
Rồi bạn sẽ phải nếm được "hương vị" của sự toàn bộ. Và biết sự toàn bộ là cách duy nhất để biết cái gì là "linh thánh". Không có cách nào khác.
Thông điệp của tôi rất đơn giản. Thông điệp của tôi là một con người mới, Homo Novus. Khái niệm cũ về con người là hoặc là / hoặc là: duy vật hoặc duy tâm, đạo đức hoặc vô đạo đức, kẻ tội lỗi hoặc vị thánh. Nó được đặt nền trên sự chia chẻ, chia cắt. Nó tạo ra một nhân loại phân lập. Toàn bộ quá khứ của nhân loại vẫn bệnh hoạn, không mạnh khỏe, "điên rồ"… Trong ba ngàn năm, năm ngàn năm, những cuộc chiến tranh đã được tiến hành. Cái này là cực kỳ điên khùng; nó là không thể tin được. Nó ngu xuẩn, phi nhân, không thông minh.
Một khi bạn chia con người thành hai, bạn tạo ra sự khốn khổ và địa ngục cho y. Y không bao giờ có thể mạnh khỏe, và không bao giờ có thể toàn bộ; nửa kia – đã bị phủ nhận – sẽ tiếp tục tìm những cách thức và phương tiện để "khắc phục " cái phần mà bạn đã áp đặt lên chính mình. Bạn sẽ trở thành một bãi chiến trường, một nội chiến. Đó là trường hợp đã xảy ra trong quá khứ.
Trong quá khứ, chúng ta đã không có khả năng tạo ra những hữu thể người thực thụ, mà chỉ là những humanoids. Một humanoid là một kẻ trông giống như một con người người, nhưng hoàn toàn tàn phế, tê liệt. Y đã không được phép nở hoa trong tính toàn thể của mình. Y là một nửa, và bởi vì y là một nửa, y luôn ở trong sự thống khổ, và căng thẳng; y không thể "vui chơi" lễ hội.  Chỉ một con người toàn bộ mới có thể vui chơi. Sự vui chơi là hương thơm của trạng thái toàn bộ, không bị phân mảnh.
Chỉ cái cây nào mà đã sống toàn bộ thì mới nở hoa. Con người chưa nở hoa.
Quá khứ vẫn luôn tối tăm và ảm đạm. Nó vẫn luôn là một đêm đen của linh hồn. Và bởi vì nó có tính đè nén, nó buộc phải trở nên gây hấn. Nếu một cái gì đó bị đè nén, thì nó trở nên gây hấn, nó đánh mất tất cả những phẩm chất mềm mại của nó. Cho tới nay, nó vẫn luôn luôn là như vậy.  Chúng ta đã tới một điểm mà ở đó cái cũ phải được bỏ đi, và cái mới phải được báo hiệu.
Con người mới sẽ không hoặc là / hoặc là – y sẽ là vừa… vừa… Con người mới sẽ vừa trần thế vừa "thiêng liêng", vừa "thế tục" vừa "siêu thế". Con người mới sẽ chấp nhận tính toàn thể của mình, và y sẽ sống với nó mà không có bất cứ sự chia chẻ nội tâm nào, y sẽ không bị chia chẻ. Vị Thượng đế của y sẽ không chống đối với quỷ sứ, đạo đức tính của y sẽ không nghịch lại với vô đạo đức tính; y sẽ không biết đến sự chống nghịch nào. Y sẽ siêu việt nhị nguyên tính, y sẽ không bị tâm thần phân lập. Với con người mới, sẽ đến một thế giới mới, bởi vì con người mới sẽ tri giác trong một cách khác, khác về chất lượng. Y sẽ sống một cuộc sống hoàn toàn khác, mà trước đây chưa từng được sống. Y sẽ là một nhà thần bí, một nhà thơ, một nhà khoa học, tất cả gộp lại. Y sẽ không chọn lựa: Y sẽ là chính mình một cách không chọn lựa.
Đó là cái mà tôi dạy: Homo Novus, một con người mới, không phải là một humanoid. Một humanoid không phải là một hiện tượng tự nhiên. Humanoid được tạo ra bởi xã hội – bởi người tăng sĩ, nhà chính trị, nhà mô phạm. Humanoid được tạo ra, được sản xuất ra. Mỗi đứa trẻ chào đời như một hữu thể người – toàn vẹn, toàn bộ, sống động, không có sự chia chẻ nào. Ngay lập tức, xã hội bắt đầu bóp nghẹt nó, làm nó ngộp thở, cắt nó thành nhiều mảnh vụn. Bảo nó phải làm gì, và không làm gì, phải là gì và không là gì. Tính toàn bộ của nó chẳng bao lâu bị đánh mất. Nó trở nên cảm thấy tội lỗi về bản thể toàn bộ của mình. Nó phủ định nhiều cái tự nhiên, và ngay trong sự phủ nhận đó, nó trở nên không sáng tạo. Bây giờ nó sẽ chỉ là một mảnh, và một mảnh không thể nhảy múa, một mảnh không thể ca hát. Và một mảnh thì luôn có tính tự vẫn, bởi vì một mảnh không thể biết cuộc sống là cái gì. Humanoid không thể tự quyết định. Những người khác đã và đang quyết định thay cho y – cha mẹ, thầy cô giáo, những lãnh tụ, giới tăng sĩ; tất cả họ nắm lấy quyền quyết định của y. Họ quyết định, họ ra lệnh; y chỉ đơn giản đi theo. Humanoid là một tên nô lệ.
Tôi dạy sự tự do. Bây giờ, con người phải tiêu diệt mọi loại trói buộc và y phải ra khỏi tất cả mọi nhà tù – không còn nô lệ nữa. Con người phải trở nên cá thể. Y phải trở nên nổi loạn. Và bất cứ khi nào một người đã trở nên nổi loạn… Thỉnh thoảng một ít người đã thoát khỏi sự độc đoán của quá khứ, nhưng chỉ thỉnh thoảng – một Jesus đó đây, một Đức Phật đó đây. Họ là những ngoại lệ. Và ngay cả những người này, Jesus và Phật, cũng không thể sống một cách toàn bộ. Họ cố, nhưng toàn xã hội chống lại điều đó.
Khái niệm của tôi về con người mới, là y sẽ trở thành Zorba người Hy Lạp và cũng sẽ là Phật Gautama. Con người mới sẽ là Phật Zorba. Người ấy vừa "nhục cảm" vừa tâm linh – nhục cảm,  cực kỳ nhục cảm, trong thân thể, trong cảm quan, thưởng thức thân thể và tất cả những gì mà thân thể làm cho có thể, và vẫn là một ý thức vĩ đại, một sự chứng kiến vĩ đại sẽ ở đó. Người ấy sẽ là một Christ và Epicurus một cách đồng thời.
Lý tưởng của con người cũ là sự từ bỏ, lý tưởng của con người mới sẽ là vui hưởng. Và con người mới này đang đến hằng ngày, y đang đến hằng ngày. Thế nhưng người ta vẫn cứ chưa trở nên nhận biết y. Thật ra, y đã đã bắt đầu ló dạng rồi. Cái cũ đang chết, cái cũ đang nằm trên giường chết của nó. Tôi không than khóc nó, và tôi nói nó chết là tốt, bởi vì từ cái chết của nó, cái mới sẽ tự khẳng định chính mình. Cái chết của cái cũ sẽ là sự khởi đầu của cái mới. Cái mới chỉ có thể đến khi cái cũ đã hoàn toàn chết đi.
Hãy giúp con người cũ chết đi và con người mới ra đời – và hãy nhớ, con người  cũ có mọi sự khả kính, và toàn bộ quá khứ sẽ ủng hộ y, và con người mới sẽ là một hiện tượng rất kỳ lạ. Con người mới sẽ quá mới, đến nỗi y sẽ không được kính trọng. Mọi nỗ lực sẽ được làm để tiêu diệt con người mới. Con người mới không thể khả kính, nhưng cùng với con người mới là tương lai của toàn bộ nhân loại. Con người mới phải được trình diện.
Công trình của tôi gồm có việc tạo ra một Phật trường, một trường năng lượng, nơi mà cái mới có thể được sinh ra. Tôi chỉ là một bà đỡ giúp cái mới đi vào trong một thế giới mà sẽ không đang chấp nhận nó. Cái mới sẽ cần nhiều hỗ trợ từ những ai có trí tuệ và thức thời, từ những ai muốn cuộc cách mạng nào đó xảy ra. Và thời gian đã chín muồi, và nó chưa bao giờ chín muồi như thế. Đây là thời điểm thích hợp, nó chưa bao giờ thích hợp như thế. Cái mới có thể tự khẳng định mình, sự đột phá đã trở nên có thể được.
Cái cũ thì quá thối nát, đến mức ngay cả với tất cả sự ủng hộ, nó không thể sống sót; nó phải đến ngày tận số! Chúng ta có thể trì hoãn, chúng ta có thể tiếp tục thờ phụng cái cũ;  đó chỉ là trì hoãn cái tiến trình. Cái mới thì đang trên đường đi của nó. Tối đa, chúng ta có thể giúp nó đến sớm hơn, hoặc chúng ta có thể ngăn trở, kìm hãm nó và trì hoãn sự xuất hiện của nó. Trợ giúp  nó là tốt. Nếu nó đến sớm hơn, thì nhân loại sẽ vẫn còn có một tương lai, một tương lai lớn – một tương lai của tự do, một tương lai của tình yêu, một tương lai của niềm vui.
Tôi dạy một tôn giáo mới. Tôn giáo này sẽ không là Kytô giáo, không là Do thái giáo, và sẽ không là Hindu giáo. Tôn giáo này sẽ không có bất cứ tính từ nào thêm vào nó. Tôn giáo này sẽ tuyệt đối có tính toàn bộ.
Người của tôi sẽ phải trở thành những tia nắng đầu tiên mà sắp hiện lên bầu trời. Đó là một nhiệm vụ to lớn, đó là một nhiệm vụ hầu như bất khả, nhưng bởi vì nó là bất khả, nó sẽ khuyến dụ tất cả những ai có một chút linh hồn nào còn sót lại trong họ. Nó sắp tạo ra một hoài vọng lớn trong tất cả những người vốn có sự mạo hiểm ẩn giấu trong bản thể của họ, người dũng cảm, gan dạ, bởi vì nó thực sự sẽ tạo ra một thế giới diễm lệ mới.
Tôi nói về Đức Phật, tôi nói về Christ, tôi nói về Krishna, tôi nói về Zarathustra, để cho tất cả những gì tốt nhất và tất cả những gì tốt lành trong quá khứ có thể được bảo quản. Nhưng đây chỉ là một ít ngoại lệ. Toàn bộ nhân loại đã sống trong sự nô lệ to lớn, bị xiềng xích, bị chia chẻ, bị điên loạn.
Thông điệp của tôi thì đơn giản nhưng sẽ rất khó khăn, rất gay go để làm cho nó xảy ra. Nhưng nó càng khó khăn, nó càng bất khả, thì thách thức càng lớn. Và thời điểm đã đến, bởi vì tôn giáo đã thất bại, khoa học đã thất bại. Thời điểm đã đến, bởi vì phương Đông đã thất bại, phương Tây đã thất bại. Một cái gì đó của một tổng hợp cao hơn được cần đến, trong đó Đông và Tây có thể có một cuộc gặp gỡ, trong đó tôn giáo và khoa học có thể có một cuộc gặp gỡ.
Tôn giáo thất bại bởi vì nó thuộc về thế giới bên kia, và nó bỏ bê thế giới này. Và bạn không thể bỏ bê thế giới này; bỏ bê thế giới này là bỏ bê chính những gốc rễ của bạn. Khoa học đã thất bại bởi vì nó bỏ bê thế giới kia, thế giới bên trong, và bạn không thể bỏ bê những bông hoa. Một khi bạn bỏ bê những bông hoa, cái cốt lõi nội tại nhất của tồn tại, thì cuộc sống mất hết ý nghĩa. Y như cái cây cần những gốc rễ, con người cũng cần gốc rễ, và những gốc rễ chỉ có thể ở trong đất. Cái cây cần một bầu trời rộng mở để phát triển, để đi tới chỗ trổ ra những tán lá, và có hằng ngàn bông hoa. Lúc đó, và chỉ lúc đó, cái cây mới hoàn thiện, chỉ lúc đó, cái cây mới cảm nhận tầm quan trọng và ý nghĩa, và sự sống trở nên thiết thân.
Con người cũng ví như một cái cây. Tôn giáo đã thất bại bởi vì nó chỉ đang nói về những bông hoa. Những bông hoa đó vẫn còn mang tính triết học, trừu tượng; chúng không bao giờ hiện thực hóa. Chúng không thể trở thành hiện thực, bởi vì chúng không được hỗ trợ bởi đất. Và khoa học đã thất bại, bởi vì nó chỉ lưu tâm đến những gốc rễ. Những gốc rễ thì xấu xí, và có vẻ như không có sự nở hoa nào.
Phương Tây đang đau khổ vì quá nhiều khoa học; phương Đông đã đau khổ vì quá nhiều tôn giáo. Bây giờ, chúng ta cần một nhân loại mới mà trong đó tôn giáo và khoa học trở thành hai mặt của một hữu thể người. Và cây cầu sẽ là nghệ thuật. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng con người mới sẽ là một nhà thần bí, một nhà thơ và nhà khoa học.
Giữa khoa học và tôn giáo, chỉ nghệ thuật mới có thể là cây cầu – thi ca, âm nhạc, điêu khắc. Một khi chúng ta đã đưa con người mới này ra đời, thì trái đất có thể, lần đầu tiên, trở thành cái mà nó phải trở thành. Nó có thể trở thành một thiên đường: chính cái thân thể này là Phật, chính trái đất này là thiên đường.
Kết thúc quyển "Tự truyện Osho" – Quay về Mục lục

Chương 18: Tâm lí học thứ ba: Tâm lí học của chư Phật

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần III: Di sản
Chương 18: Tâm lí học thứ ba: Tâm lí học của chư Phật


Tại công xã, tôi có hằng trăm "trường phái" tâm liệu pháp đang làm việc, nhưng tôi đang làm việc để hủy bỏ mọi liệu pháp. Những nhà liệu pháp đang làm việc để tiêu diệt những vấn đề của bạn, và tôi đang cố tiêu diệt những liệu pháp và những nhà liệu pháp! – bởi vì một liệu pháp chỉ có thể là một sự giảm đau tạm thời, và nhà liệu pháp chỉ giúp ích rất hời hợt.
Sigmund Freund đưa phân tâm học vào thế giới. Nó có gốc rễ trong việc phân tích tâm trí. Nó bị giới hạn vào tâm trí. Nó không bước ra khỏi tâm trí, không, dù chỉ một phân. Trái lại, nó càng đi sâu hơn vào trong tâm trí, vào trong những tầng bị ẩn giấu của tâm trí, vào trong vô thức, để phát hiện ra những cách thức và phương tiện để cho tâm trí của con người có thể ít ra được bình thường.
Mục tiêu của phân tâm học Freud không lớn lắm. Mục tiêu đó là giữ cho con người được bình thường. Nhưng chỉ bình thường thôi, thì không đủ. Chỉ là bình thường thôi thì không có ý nghĩa gì; nó chỉ có nghĩa là "thích nghi" được với cái lề thói bình thường của cuộc sống và có năng lực đương đầu với nó. Nó không cho bạn ý nghĩa, nó không cho bạn "nghĩa lý". Nó không cho bạn "cái nhìn sâu” vào trong thực tại của sự vật. Nó không đưa bạn vượt lên thời gian, vượt qua cái chết. Tối đa, nó là một công cụ hữu ích cho những ai mà đã trở nên quá bất bình thường đến nỗi họ đã không còn có khả năng đương đầu với cuộc sống hằng ngày – họ không thể sống với người khác, họ không thể làm việc, họ đã trở nên vỡ vụn. Tâm liệu pháp cung cấp cho họ một "sự ở cùng nhau" nào đó – không phải là tính toàn vẹn, bạn nên lưu ý, nhưng chỉ là một "sự ở cùng nhau" nào đó. Nó gói họ lại thành một gói. Họ vẫn cứ bị phân mảnh; không có gì trở nên được kết tinh trong họ, không có linh hồn nào được sinh ra. Họ không trở nên phúc lạc, họ chỉ bớt đau khổ, bớt khốn  khổ.
Tâm lý học giúp họ chấp nhận khổ đau. Nó giúp họ chấp nhận rằng, đây là tất cả những gì mà cuộc đời có thể cho bạn, cho nên đừng đòi hỏi nhiều hơn. Trên một phương diện, nó nguy hiểm cho sự phát triển nội tại của họ – bởi vì sự phát triển nội tại chỉ xảy ra khi có một sự bất mãn "thần thánh". Khi bạn tuyệt đối bất mãn với những sự việc như chúng là, chỉ khi đó bạn mới đi tìm kiếm; chỉ lúc đó bạn mới khởi sự vươn cao hơn, chỉ khi đó bạn mới làm những nỗ lực để tự kéo mình ra khỏi bùn lầy.
Jung đi xa hơn một chút, vào trong vô thức; ông đi vào trong vô thức tập thể. Đây là ngày càng đi sâu hơn vào trong nước bùn, và cái này sẽ không giúp ích. Assagioli đi sang cực đoan khác. Thấy được sự thất bại của phân tâm học, ông phát minh ra tâm lý học tổng hợp. Nhưng nó có gốc rễ trong cùng một ý tưởng. Thay vì phân tích, ông nhấn mạnh sự tổng hợp.
Tâm lý học của chư Phật thì không phân tích cũng không tổng hợp; nó siêu việt, nó là sự đi vượt quá tâm trí. Nó không phải là sự làm việc bên trong tâm trí, nó là công việc đưa bạn ra bên ngoài tâm trí. Đó chính xác là nghĩa của từ tiếng Anh "ecstasy" – đứng ra ngoài.
Khi bạn có khả năng đứng ra ngoài tâm trí bạn, khi bạn có khả năng tạo ra một khoảng cách giữa tâm trí bạn và "bản thể" bạn, thì bạn đã đi bước đầu tiên của tâm lý học chư Phật. Và một phép mầu xảy ra: khi bạn đang đứng ra ngoài tâm trí, tất cả những vấn đề của tâm trí biến mất bởi vì tâm trí chính nó biến mất; nó đánh mất sự "kiềm tỏa" của nó trên bạn.
Phân tâm học thì giống như tỉa lá của cây, nhưng những lá mới sẽ mọc ra. Đó không phải là việc chặt đứt rễ. Tâm lý học tổng hợp là dán những lá rụng vào lại trong cây – dán nó lại vào cây. Cái đó cũng sẽ không cho chúng sự sống. Chúng sẽ chỉ nom có vẻ xấu xí; chúng sẽ không sống, chúng sẽ không tươi xanh, chúng sẽ không là thành phần của cây, mà chỉ được dán vào một cách nào đó.
Tâm lý học của chư Phật thì chặt đứt rễ của cây, là cái tạo ra mọi loại bệnh loạn thần kinh, tạo ra con người phân mảnh, con người robot.
Phân tâm học phải mất nhiều năm, và con người vẫn giữ nguyên như cũ. Nó là sự cách tân cái cấu trúc cũ, vá chỗ này chỗ kia, quét vôi cái ngôi nhà cũ. Nhưng nó vẫn là cái nhà đó, không có cái gì thay đổi một cách nền tảng. Nó không chuyển hóa ý thức của con người.
Tâm lý học chư Phật không làm cái công việc bên trong tâm trí. Nó không quan tâm chút nào đến việc phân tích và tổng hợp. Nó đơn giản giúp bạn ra khỏi tâm trí, để cho bạn có thể có một cái nhìn từ bên ngoài. Và chính cái nhìn đó là sự chuyển hóa. Cái khoảnh khắc bạn nhìn vào tâm trí bạn như là một đối tượng, bạn trở thành tách rời ra khỏi nó, bạn không còn bị đồng hóa với nó; một khoảng cách được tạo ra, và những cái rễ được cắt đi.
Những cái rễ được cắt như thế nào trong cách này? – bởi vì chính bạn là người tiếp tục cảm nhận tâm trí. Nếu bạn bị đồng hóa, thì bạn nuôi dưỡng tâm trí; nếu bạn không bị đồng hóa, bạn ngừng nuôi dưỡng nó. Nó tự mình chết đi.
Sau đây là một câu chuyện đẹp. Tôi rất yêu nó…
Một hôm Đức Phật đang băng qua một khu rừng. Đó là một ngày mùa hè nóng nực, và Ngài đang cảm thấy rất khát nước. Ngài nói với Ananda, thị giả của ngài, "Ananda, con hãy quay lại phía sau. Chỉ ba hay bốn dặm, chúng ta đã băng qua một suối nước. Con hãy đi lấy một ít nước – cầm lấy bình bát của ta. Ta đang cảm thấy rất khát." Ngài đã già đi.
Ananda quay trở lại, nhưng vào lúc ông đến dòng suối, một vài cái xe bò đã băng qua nó, làm cho toàn bộ dòng suối đục ngầu. Những cái lá chết rơi xuống lòng suối, đã nổi lên; nước không còn uống được nữa – nó quá dơ bẩn. Ông trở lại, tay không, và nói, "Thế tôn sẽ phải đợi một chút. Con sẽ đi về phía trước. Con đã nghe nói rằng, chỉ hai, ba dặm đằng trước, có một con sông lớn. Con sẽ lấy nước từ đó."
Nhưng Đức Phật cương quyết. Ngài nói, "Hãy quay trở lại và lấy nước từ dòng suối đó."
Ananda không thể hiểu cái sự cương quyết này, nhưng thầy đã nói vậy, thì đệ tử phải vâng lời. Thấy sự vô lý của nó – rằng một lần nữa ông sẽ phải đi bộ ba, bốn dặm, và ông biết rằng nước đó không thể uống được – nhưng ông vẫn phải đi. Trong khi ông sắp đi, Đức Phật nói, "Và đừng trở lại nếu nước vẫn dơ. Nếu nó dơ, con chỉ đơn giản ngồi im lặng chờ trên bờ. Đừng làm gì cả, đừng bước vào dòng suối. Hãy ngồi im lặng trên bờ và quan sát. Không sớm thì muộn, nước sẽ trong trở lại. Con chỉ việc đổ nước đầy bình bát rồi trở về."
Ananda đi đến đó. Đức Phật nói đúng: những chiếc lá đã trôi đi, bụi đã lắng xuống. Nhưng nước chưa hoàn toàn trong, cho nên ông ngồi trên bờ, chỉ quan sát dòng suối chảy qua. Chầm chậm, chầm chậm, nó trở nên trong vắt. Rồi ông trở lại, nhảy múa. Rồi ông hiểu tại sao Đức Phật lại quá cương quyết như vậy. Có một thông điệp nào đó trong nó cho ông, và ông hiểu cái thông điệp đó. Ông trao nước cho Đức Phật, và cám ơn Đức Phật, sờ vào hai chân Ngài.
Đức Phật nói, "Con đang làm gì vậy? Ta nên cám ơn con đã mang nước về cho ta thì đúng hơn."
Ananda nói, "Bây giờ con có thể hiểu. Ban đầu, con tức giận; con không biểu lộ ra, nhưng con tức giận bởi vì quay lại là vô lý. Nhưng bây giờ con hiểu cái thông điệp đó. Đây là cái mà con đang cần vào khoảnh khắc này. Ngồi trên bờ dòng suối nhỏ đó, con trở nên nhận biết rằng, với tâm trí con, cũng như vậy. Nếu con nhảy vào dòng suối, con sẽ làm cho nó dơ bẩn trở lại. Nếu con nhảy vào tâm trí, thêm nhiều tiếng ồn sẽ được tạo ra, thêm nhiều vấn đề bắt đầu nổi lên bề mặt. Ngồi trên bờ, con đã học được cái kỹ thuật đó.
"Bây giờ con cũng sẽ ngồi bên bờ của tâm trí con, quan sát nó với tất cả sự dơ bẩn của nó, những vấn đề và những chiếc lá, những vết thương cũ của mình, những kỷ niệm, những dục vọng của mình. Một cách vô tư, con sẽ ngồi trên bờ và đợi chờ cái khoảnh khắc khi mọi sự sẽ trở nên trong trẻo."
Và nó tự mình xảy ra, bởi vì cái khoảnh khắc bạn ngồi trên bờ của tâm trí bạn, bạn không còn cung cấp năng lượng cho nó. Đây là thiền định thực thụ. Thiền định là nghệ thuật của sự siêu việt.
Freud nói về sự phân tích tâm lý, Assagioli nói về sự tổng hợp. Đức Phật vẫn luôn luôn nói về thiền định, về sự "nhận biết".
Thiền định, sự nhận biết, sự "tỉnh giác", sự chứng kiến – đó là sự độc đáo của tâm lý học thứ ba. Không cần đến nhà phân tâm học nào. Bạn có thể tự mình làm nó – thực ra, bạn phải tự mình làm nó. Không cần "đường lối" nào, nó là một quá trình cực kỳ đơn giản – đơn giản nếu bạn làm nó. Nếu bạn không làm nó, nó có vẻ như rất phức tạp. Ngay cả từ "thiền định" làm nhiều người khiếp sợ. Họ nghĩ nó là một cái gì đó rất khó khăn, gay go. Vâng, nếu bạn không làm nó, thì nó khó khăn và gay go. Nó giống như việc bơi. Nó khó khăn nếu bạn không biết bơi. Nhưng nếu bạn biết bơi, bạn biết rằng nó là một quá trình đơn giản. Không có gì đơn giản hơn là bơi lội. Nó chẳng phải là một nghệ thuật chút nào; nó quá tự phát và tự nhiên.
Hãy nhận biết nhiều hơn về tâm trí bạn. Và khi nhận biết về tâm trí bạn, bạn sẽ trở nên ý thức sự kiện rằng, bạn không phải là tâm trí, và cái đó là sự khởi đầu của cuộc cách mạng. Bạn bắt đầu chảy mỗi lúc một cao hơn. Bạn không còn bị buộc chặt vào tâm trí. Tâm trí vận hành giống như một tảng đá và kéo bạn xuống. Nó giữ bạn lại bên trong trường trọng lực. Cái khoảnh khắc bạn không còn bị trói buộc vào tâm trí, bạn bước vào Phật trường. Khi trọng lực mất quyền lực trên bạn, bạn bước vào Phật trường. Bước vào Phật trường có nghĩa là bước vào thế giới của "sự bay bổng". Bạn khởi sự bay lên. Tâm trí tiếp tục kéo bạn về phía dưới.
Cho nên, nó không phải là vấn đề phân tích hay tổng hợp. Nó đơn thuần là vấn đề trở nên nhận biết. Đó là lý do tại sao tại phương Đông chúng ta đã không phát triển một tâm liệu pháp nào giống như tâm liệu pháp của Jung, Freud, Adler – và bây giờ trên thị trường có quá nhiều tâm liệu pháp. Chúng ta đã không phát triển một tâm liệu pháp đơn lẻ nào, bởi vì chúng ta biết những tâm liệu pháp không thể chữa lành bệnh. Chúng có thể giúp bạn chấp nhận những vết thương của bạn, nhưng chúng không thể chữa lành. Sự hồi phục đến, khi bạn không còn bị ràng buộc vào tâm trí. Khi chúng ta được tách ra khỏi tâm trí, không bị đồng hóa, tuyệt đối không bị ràng buộc, khi sự trói buộc kết thúc, thì sự hồi phục xảy ra.
Sự siêu việt là liệu pháp thực thụ, và nó không chỉ là tâm liệu pháp. Nó không phải chỉ là một hiện tượng bị giới hạn vào tâm lý học của bạn, nó còn hơn thế rất nhiều. Nó có tính tâm linh. Nó chữa lành bạn ngay trong bản thể của bạn. Tâm trí chỉ là cái chu vi của bạn, không phải là trung tâm của bạn.
Có hai kiểu phương pháp để tăng trưởng tâm linh. Bạn có thể theo đuổi sự phát triển tâm linh của bạn một mình, hay bạn có thể làm việc thông qua một nhóm. Cả hai kiểu đã từng luôn tồn tại ở phương Đông. Những phương pháp Sufi là theo nhóm. Tại Ấn Độ cũng vậy, "phương pháp nhóm" đã tồn tại, nhưng chúng không bao giờ quá thịnh hành như trong phái Sufi.
Nhưng phương Tây hoàn toàn được định hướng theo phương pháp nhóm. Chưa bao giờ trước đây, đã có nhiều phương pháp nhóm như vậy, và có quá nhiều người đang làm việc thông qua chúng, như đang tồn tại ở phương Tây hiện nay. Do vậy, trên một phương diện, chúng ta có thể nói rằng, phương Đông đã nhấn mạnh những nỗ lực cá nhân và lưu lại với chúng, và phương Tây đã di chuyển nhiều hơn về phía phương pháp nhóm. Tại sao như vậy, và đâu là sự khác biệt? Và tại sao có sự khác biệt này?
Những phương pháp nhóm chỉ có thể tồn tại nếu cái ego tự ngã của bạn đã đến một điểm nơi mà việc mang giữ nó là một gánh nặng. Khi cái ego đã trở nên quá nặng nề đến nỗi ở một mình thì đau đớn, rồi thì  những phương pháp nhóm trở nên có ý nghĩa – bởi vì trong một nhóm, bạn có thể giải tan cái ego của bạn.
Nếu cái ego chưa được tiến hóa nhiều lắm, thì những phương pháp cá nhân có thể giúp bạn. Bạn có thể lên núi, bạn có thể sống cô lập, hay thậm chí sống trong một ashram với một đạo sư, bạn cũng có thể làm việc một mình: bạn thực hành thiền định của bạn, những người khác thực hành thiền định của họ. Bạn không bao giờ làm việc cùng với người khác.
Tại Ấn Độ, những người Hindu giáo không bao giờ cầu nguyện trong nhóm. Chỉ với Hồi giáo, sự cầu nguyện trong nhóm mới đi vào Ấn Độ. Những người Hồi giáo cầu nguyện trong nhóm. Những người Hindu giáo luôn cầu nguyện một mình; cho dù họ đi tới đền thờ, họ thường đi một mình. Đó là một quan hệ một – một – bạn và Thượng đế của bạn.
Điều này là có thể được nếu cái ego chưa được trợ giúp để phát triển tới một điểm nơi mà nó đã trở thành một gánh nặng. Tại Ấn Độ, nó chưa bao giờ được trợ giúp để phát triển – ngay từ đầu, chúng ta đã chống lại cái ego. Do vậy, bạn có đôi chút phát triển cái ego, nhưng cái ego vẫn còn mờ nhạt; bạn vẫn cứ khiêm cung, bạn không thực sự là một kẻ vị kỷ. Nó không phải là một chóp đỉnh trong bạn, nó là mặt đất bằng. Bạn vị kỷ, bởi vì mọi người phải là thế, nhưng không tuyệt đối vị kỷ. Bạn luôn nghĩ rằng, nó là sai trái, và bạn tiếp tục tự kéo mình xuống. Trong những tình huống nhất định, bạn có thể bị khiêu khích, và cái ego của bạn nhô lên thành một chóp đỉnh –nhưng bình thường nó không phải là một cái chóp đỉnh, nó là mặt đất bằng.
Tại Ấn Độ, cái ego thì giống y như sự giận dữ – nếu ai đó chọc tức bạn, bạn trở nên giận dữ; nếu không ai chọc tức bạn, bạn không giận dữ. Tại phương Tây, cái ego đã trở thành một vật cố hữu. Nó không giống như sự giận dữ, bây giờ nó giống như hơi thở. Không cần phải khơi dậy nó – nó ở sẵn đó, nó là một hiện tượng thường trực.
Bởi vì cái ego này, nhóm trở nên một điều hữu ích. Trong nhóm, làm việc với một nhóm, hòa mình với nhóm, bạn có thể dễ dàng đặt cái ego của bạn sang một bên. Đó là lý do tại sao không chỉ trong lãnh vực tâm linh, mà cả trong chính trị, một ít hiện tượng chỉ có thể tồn tại ở phương Tây: chủ nghĩa Phát xít có thể tồn tại, chẳng hạn, có thể trở nên khả dĩ tại Đức, là nước egoist nhất ở phương Tây. Không có gì có thể so sánh được với cái ego Đức quốc, bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao, Hitler có thể trở nên khả dĩ; bởi vì mọi người đều quá egoist, mọi người đều có nhu cầu hòa nhập.
Những cuộc mít-tinh lớn của Đức Quốc xã, hằng triệu người đi diễu hành – bạn có thể đánh mất chính mình, chính bạn không cần phải ở đó. Bạn trở thành cuộc diễu hành, ban nhạc tấu lên, âm nhạc, tiếng động, "Hitler thôi miên", một nhân vật có sức hút mạnh mẽ… Mọi người đang nhìn Hitler, toàn bộ khối người xung quanh bạn như một đại dương, bạn trở nên chỉ là một con sóng. Bạn cảm thấy dễ chịu, bạn cảm thấy tươi mát, bạn cảm thấy trẻ trung, bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn quên đi nỗi khổ sở, nỗi thống khổ, nỗi cô đơn của bạn, sự vong thân của bạn. Bạn không cô độc. Một khối người lớn như thế đang ở với bạn, và bạn ở với nó. Những nỗi lo lắng cá nhân, riêng tư của bạn rơi rụng. Bỗng nhiên, có một khoảng hở – bạn cảm thấy nhẹ nhàng, như thể là bạn đang bay.
Hitler đã trở nên thành công không phải bởi vì ông ta đã có một triết lý có ý nghĩa cho lắm – triết lý của ông ta là vớ vẩn; nó trẻ con, chưa chín. Không phải bởi vì ông ta đã có thể thuyết phục nhân dân Đức rằng ông ta đúng – đó không phải là điểm then chốt. Thật rất khó mà thuyết phục nhân dân Đức, một trong những điều khó khăn nhất, bởi vì họ là những nhà logic học. Họ có logic trong tâm trí họ, hợp lý tính trên mọi phương diện. Thật khó mà thuyết phục họ, và việc bị Hitler thuyết phục có lẽ là bất khả. Không, ông không bao giờ cố thuyết phục họ. Ông tạo ra một hiện tượng nhóm có tính thôi miên. Và chính cái đó đã thuyết phục họ.
Vấn đề không phải là Hitler đã nói cái gì; vấn đề là, họ đang cảm thấy gì khi họ đang ở trong nhóm, trong "đám đông quần chúng". Đó là một kinh nghiệm quá thoải mái – như trút gánh nặng –  đến nỗi đi theo người đàn ông này thật là "đáng đồng tiền bát gạo".  Bất luận ông ta đang nói gì – đúng hay sai, logic hay phi logic, ngốc nghếch – việc đi theo ông ta gây cảm giác thoải mái. Họ quá mệt mỏi với chính mình, họ muốn được thẩm thấu vào đám đông quần chúng. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa Phát xít, Quốc xã, và mọi kiểu điên tập thể trở thành khả dĩ tại phương Tây.
Tại phương Đông, chỉ có Nhật bản có thể làm theo, bởi vì Nhật bản là "cái tương ứng" của Đức quốc tại phương Đông. Nhật bản là đất nước "Tây phương" nhất tại phương Đông. Hiện tượng tương tự tồn tại ở đó, cho nên Nhật bản có thể trở thành một đồng minh với sự điên rồ kiểu Hitler.
Cái tương tự đang xảy ra trong những lãnh vực khác nữa – trong tôn giáo, trong tâm lý học. Thiền theo nhóm đang xảy ra, và chỉ thiền nhóm mới là cái sẽ xảy ra trong một giai đoạn dài sắp đến. Khi một trăm người ở cùng nhau – bạn sẽ ngạc nhiên, nhất là những ai không biết tâm trí phương Tây sẽ ngạc nhiên – chỉ đơn giản nắm tay, một trăm người đang ngồi, chỉ đơn giản nắm tay, xúc chạm nhau, và họ cảm thấy phấn chấn.[75]
Không có người Ấn Độ nào sẽ cảm thấy phấn chấn. Anh ta sẽ nói, "Thật vớ vẩn! Chỉ đơn giản nắm tay nhau – với 100 người ngồi thành một vòng tròn –  làm thế nào nó tạo ra sự phấn chấn được? Làm thế nào bạn trở nên xuất thần được? Tối đa, bạn chỉ có thể cảm nhận mồ hôi tay của người khác."
Nhưng tại phương Tây, một trăm người nắm tay nhau thì rất phấn chấn, xuất thần. Tại sao? Bởi vì ngay cả việc nắm tay cũng đã trở thành bất khả do cái ego. Ngay cả vợ chồng cũng không ở cùng nhau. Cái đại gia đình là một hiện tượng nhóm, nó đã biến đi. Xã hội đã biến mất. Tại phương Tây hiện nay, không có xã hội tồn tại một cách thực sự. Bạn di chuyển một cách cô độc.
Tại Mỹ – tôi đang đọc những số liệu thống kê – cứ 3 năm mọi người di chuyển tới một thị trấn khác. Bây giờ, một người trong một làng ở Ấn Độ vẫn ở đó – không chỉ anh ta, mà cả gia đình anh ta đã lưu lại đó hằng trăm năm. Anh ta cắm rễ sâu trong mảnh đất ấy. Anh ta có quan hệ với mọi người, anh ta biết mọi người, mọi người biết anh ta. Anh ta không phải là một kẻ xa lạ, anh ta không cô độc. Anh ta sống như là thành phần của ngôi làng, anh ta luôn luôn sống như vậy. Anh ta sinh ra ở đó, anh ta sẽ chết ở đó.
Tại Mỹ, trung bình cứ mỗi 3 năm, người ta di chuyển. Đây là nền văn minh du mục nhất mà đã từng hiện hữu, những vagabond – không nhà cửa, không gia đình, không thành phố, không làng mạc, không quê hương – thực sự là như vậy. Trong 3 năm, làm thế nào bạn có thế cắm rễ được? Bất cứ nơi nào bạn đi, bạn là một kẻ xa lạ. Đám đông ở xung quanh bạn, nhưng bạn không có quan hệ với nó. Khi người ta "vô quan hệ", toàn bộ gánh nặng đổ xuống mỗi cá nhân.
Ngồi trong một nhóm, trong một "nhóm đối mặt" hay trong một "nhóm tăng trưởng", chạm vào cơ thể người khác, bạn trở thành một phần của cộng đồng. Chạm tay nhau và nắm tay nhau, chỉ đơn giản nằm gần nhau, hay nằm lên nhau thành một "đống", bạn cảm thấy "tính nhất thể" – một sự phấn chấn có tính tôn giáo xảy ra! Một trăm người nhảy múa, chạm vào nhau, di chuyển xung quanh nhau, trở thành một. Họ hòa tan, cái ego được giải tan trong vài khoảnh khắc. Cái "sự hòa nhập" đó trở thành một điều giống như sự cầu nguyện.
Những nhà chính trị có thể dùng nó cho những mục đích có tính hủy diệt. Tâm linh có thể dùng nó một cách rất sáng tạo – nó có thể trở thành thiền định.
Tại phương Đông, người ta ở trong cộng đồng quá nhiều. Do vậy, bất cứ khi nào họ muốn ở trong một không gian tâm linh, thì họ muốn đi tới Hy Mã Lạp Sơn. Xã hội thì quá tràn ngập, quá sức chịu đựng ở xung quanh. Họ không chán ngấy chính mình, họ chán ngấy xã hội! Đây là sự khác biệt.
Tại phương Tây, bạn chán ngấy chính mình, và muốn một cầu nối nào đó, làm thế nào để giao tiếp với xã hội, với người khác; làm thế nào để di chuyển tới người khác, để cho bạn có thể quên đi chính mình. Tại phương Đông, người ta chán ngấy xã hội. Họ đã sống với nó quá lâu, và xã hội thì quá tràn ngập, đến nỗi họ không cảm thấy chút tự do nào. Do vậy, bất cứ khi nào ai đó muốn tự do, muốn im lặng, thì anh ta chạy tới Hy Mã Lạp Sơn.
Tại phương Tây, bạn chạy tới xã hội; tại phương Đông, người ta chạy khỏi xã hội. Đó là lý do tại sao những phương pháp cá nhân đã tồn tại ở phương Đông; những phương pháp nhóm tồn tại ở phương Tây.
Tôi đang làm cái gì? Phương pháp của tôi là một tổng hợp. Trong những bước đầu tiên của Thiền năng động, bạn là một phần của nhóm; trong phần cuối cùng, nhóm biến đi, bạn cô độc một mình. Tôi đang làm việc này vì một lý do đặc thù, bởi vì bây giờ ranh giới giữa phương Đông và phương Tây đã trở nên không còn rạch ròi nữa. Phương Đông đang quay sang phương Tây; phương Tây đang quay sang phương Đông. Chẳng bao lâu, sẽ không có Tây và Đông – chỉ còn một thế giới.
Sự phân chia địa lý này đã tồn tại quá lâu; nó không còn có thể tồn tại nữa. Kỹ thuật đã giải tan nó, nó đã biến đi, nhưng bởi do thói quen trong tâm trí, nó cứ vẫn tiếp tục. Nó tiếp tục chỉ như một hiện tượng tâm trí, nó thực sự không tồn tại nữa. Chẳng bao lâu, sẽ không có Đông, không có Tây – chỉ là một thế giới. Nó đã có mặt ở đó. Những ai có con mắt tinh tường, họ có thể thấy nó đã ở đó.
Một sự tổng hợp sẽ được cần đến – cả phương pháp nhóm và phương pháp cá nhân. Bạn làm việc trong một nhóm vào lúc ban đầu; cuối cùng, bạn trở nên hoàn toàn chính bạn. Khởi đi từ xã hội, và đạt tới chính bạn. Đừng chạy trốn khỏi cộng đồng – hãy sống trong thế gian nhưng đừng thuộc về nó. Hãy quan hệ, nhưng hãy cô độc một mình. Hãy yêu và hãy thiền định; thiền định và yêu – nhưng đừng lựa chọn. Tình yêu cộng với thiền định là "phương pháp" của tôi.
Những phương pháp thiền định cổ xưa, tất cả đều được phát triển tại phương Đông. Chúng không bao giờ tính đến con người phương Tây; người phương Tây bị loại trừ. Tôi đang tạo ra những kỹ thuật mà không chỉ dành cho người phương Đông, mà là cho mọi người – Đông hay Tây. Có một khác biệt giữa truyền thống phương Đông và truyền thống phương Tây – và chính truyền thống là cái tạo ra tâm trí. Chẳng hạn, tâm trí phương Đông thì rất kiên nhẫn – trong hằng ngàn năm, người phương Đông được dạy phải giữ kiên nhẫn, dù bất cứ cái gì xảy ra. Cùng những kỹ thuật không thể được áp dụng cho cả hai.
Tâm trí phương Đông đã được điều kiện hóa để giữ một quân bình nào đó trong thành công hay thất bại, trong cảnh giàu hay nghèo, bệnh tật hay khỏe mạnh, trong đời sống hay cái chết. Tâm trí phương Tây không có khái niệm nào về cái quân bình đó; nó trở nên quá bị xáo động. Với thành công nó trở nên bị xáo động; nó bắt đầu cảm thấy mình ở chóp đỉnh của thế giới, bắt đầu cảm thấy một mặc cảm tự tôn. Trong thất bại, nó đi sang một thái cực khác; nó rơi xuống địa ngục thứ bảy. Nó khốn khổ, trong nỗi thống khổ sâu xa, và nó cảm thấy một mặc cảm tự ty to lớn. Nó bị xé rách thành hai mảnh.
Và cuộc sống bao gồm cả hai. Có những khoảnh khắc đẹp đẽ, và có những khoảnh khắc xấu xí. Có những khoảnh khắc khi mà bạn ở trong tình yêu, có những khoảnh khắc bạn giận dữ, thù hận. Tâm trí phương Tây đơn giản đi với tình huống. Nó luôn ở trong sự xáo động. Tâm trí phương Đông đã học tập… nó là một sự điều kiện hóa, nó không phải là một cuộc cách mạng, nó chỉ là một sự rèn luyện, một kỷ luật, nó là một sự tu tập. Bên dưới nó thì giống nhau, nhưng sự điều kiện hóa sâu dày làm cho nó giữ được một sự quân bình nhất định.
Tâm trí phương Đông thì rất chậm bởi vì không cần gì phải vội vã; cuộc sống đi theo con đường của riêng nó và mọi sự được qui định bởi định mệnh, cho nên cái mà bạn có được, thì bạn không có được bởi tốc độ của bạn, sự vội vàng của bạn. Cái mà bạn có được, bạn có được là bởi vì nó đã được tiền định. Do vậy, không có vấn đề phải vội vàng. Bất cứ khi nào một cái gì đó sắp xảy ra, thì nó sắp xảy ra – không sớm một giây, không muộn một giây.
Điều này đã tạo ra một dòng chảy rất chậm tại phương Đông. Như thể là dòng sông không đang trôi; nó quá chậm, đến nỗi bạn không thể phát hiện ra cái dòng chảy. Vả lại, sự điều kiện hóa của phương Đông là, bạn đã sống hằng triệu kiếp sống, và có hằng triệu kiếp sống đằng trước mặt để sống, cho nên cái khoảng thời gian sống không chỉ là 70 năm; cái khoảng thời gian sống thì rất bao la và dài vô tận. Không có gì phải vội vã; còn quá nhiều thời gian: Tại sao bạn lại phải vội vàng chứ? Nếu nó không xảy ra trong kiếp sống này, thì nó có thể xảy ra trong một kiếp nào đó.
Tâm trí phương Tây thì rất vội vã, nhanh, bởi vì sự điều kiện hóa chỉ dành cho một kiếp sống – 70 năm – và quá nhiều thứ để làm. 1/3 cuộc đời của bạn đi vào trong giấc ngủ, 1/3 cuộc đời bạn đi vào trong việc học hành, rèn luyện – còn lại cái gì?
Nhiều thời gian đổ vào việc kiếm sống. Nếu bạn đếm mọi thứ, bạn sẽ ngạc nhiên: trong 70 năm, bạn thậm chí không thể có được 7 năm còn lại để làm một cái gì đó mà bạn muốn. Một cách tự nhiên, có sự vội vàng, một sự lao vụt điên cuồng, quá điên cuồng đến mức người ta quên là mình đang đi đâu. Tất cả những gì mà bạn nhớ, là bạn có đi nhanh hay không. Phương tiện trở thành cứu cánh.
Một cách tương tự, trong những chiều hướng khác nhau… tâm trí phương Đông đã tự phát triển mình một cách khác biệt với tâm trí phương Tây. 112 phương pháp thiền định đó – được phát triển tại phương Đông – chưa bao giờ tính đến con người phương Tây; chúng không được triển khai cho con người phương Tây. Thuở đó, "con người phương Tây" chưa xuất hiện. Cái thời mà Vigyan Bhairva Tantra được viết ra – trong đó 112 kỹ thuật đó đã đi tới chỗ hoàn thiện – là gần 5 ngàn năm trước chúng ta.
Vào thời đó, không có con người phương Tây, xã hội phương Tây, văn hóa phương Tây. Phương Tây vẫn còn man dã, bán khai, không xứng đáng được tính đến. Phương Đông là toàn bộ thế giới, ở đỉnh cao của sự phát triển của nó, sự giàu có của nó, văn minh của nó.
Những phương pháp thiền của tôi đã được phát triển từ một tất yếu tuyệt đối. Tôi muốn sự phân biệt giữa Tây và Đông được giải tan.
Sau Viogyan Bhairva Tantra của Shiva, trong 5 ngàn năm này, không ai đã phát triển một phương pháp nào. Tôi vẫn hằng quan sát những khác biệt giữa Đông và Tây: cùng một phương pháp không thể được áp dụng tức thì cho cả hai. Trước hết, tâm trí phương Đông và tâm trí phương Tây phải được đưa tới cùng một trạng thái. Những kỹ thuật Thiền Động này, Thiền Kundalini, và những loại khác, tất cả đều có tính thanh tẩy; cơ sở của nó là sự thanh tẩy.
Bạn phải ném ra ngoài tất cả cái phế tạp mà đang đầy ắp tâm trí bạn. Trừ khi bạn trút bỏ chúng,  bạn không thể ngồi im lặng. Nó y như thể bạn bảo một đứa trẻ ngồi im lặng trong một góc phòng. Thật khó khăn, nó quá đầy năng lượng. Bạn đang đè nén một cái núi lửa! Cách tốt nhất, là trước hết bảo nó, "Hãy ra ngoài, chạy xung quanh nhà mười vòng; rồi hãy trở lại ngồi xuống trong góc."
Rồi thì việc đó là khả dĩ, bạn đã làm cho việc đó thành khả dĩ. Bây giờ chính nó muốn ngồi xuống, thư giãn. Nó mệt, nó kiệt sức; bây giờ, ngồi ở đó, nó không đang đè nén năng lượng của mình, nó đã giải tỏa năng lượng của mình bằng cách chạy quanh nhà mười vòng. Bây giờ nó dễ chịu hơn.
Những phương pháp thanh tẩy chỉ đơn giản là ném đi tất cả sự mất kiên nhẫn của bạn, sự vội vã của bạn, sư vụt chạc, những ức chế của bạn.
Phải nhớ thêm một yếu tố nữa, rằng những cái này là tuyệt đối cần thiết cho con người phương Tây trước khi anh ta có thể làm một cái gì đó như vipassana – chỉ đơn giản ngồi im không làm gì cả và "để cỏ tự mọc." Nhưng bạn phải ngồi im lặng, không làm gì cả – đó là điều kiện cơ bản cho cỏ tự mọc. Nếu bạn không thể ngồi im lặng, không làm gì cả, bạn sẽ "quấy rầy" cỏ.
Tôi vẫn luôn yêu những khu vườn, và bất cứ nơi nào tôi sống, tôi đều tạo ra những khu vườn, những bồn cỏ đẹp. Tôi thường nói chuyện với hội chúng đang ngồi trên bồn cỏ của tôi, và tôi trở nên nhận biết rằng tất cả họ đều đang nhổ cỏ…  chỉ là biểu hiện của năng lượng cuồng nhiệt. Tôi đã phải bảo họ, "Nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy, thì bạn sẽ phải ngồi trong phòng. Tôi không thể cho phép bạn hủy hoại bồn cỏ của tôi."
Họ thường tự ngăn mình lại trong một lát, và khi họ bắt đầu lắng nghe tôi, hai bàn tay họ lại bắt đầu bứt cỏ, một cách vô thức. Do vậy, ngồi im lặng không làm gì cả thì không phải thực sự chỉ ngồi im lặng và không làm gì cả. Đó là đang ban cho cỏ một ân huệ lớn! Trừ khi bạn không đang làm gì cả, thì cỏ không thể mọc; bạn sẽ ngăn chặn nó, bạn sẽ nhổ nó lên, bạn sẽ quấy rầy nó.
Do vậy, những phương pháp này là tuyệt đối cần thiết cho tâm trí phương Tây. Nhưng một yếu tố mới cũng bước vào: nó cũng đã trở thành cần thiết cho tâm trí phương Đông nữa. Cái loại tâm trí – mà dành cho nó, Shiva đã viết 112 phương pháp thiền đó – đã không còn tồn tại, thậm chí tại phương Đông bây giờ. Ảnh hưởng của phương Tây đã hết sức to lớn. Những sự thể đã thay đổi. Trong thời của Shiva, không có nền văn minh phương Tây. Phương Đông đang ở đỉnh điểm vinh quang; nó được gọi là "con chim vàng". Nó đã có mọi xa hoa và tiện nghi: Nó thực sự giàu có.
Bây giờ tình huống đã bị đảo ngược. Phương Đông đã bị nô lệ trong 2000 năm, bị khai thác bởi hầu hết mọi người trên thế giới, bị xâm lăng bởi một tá nước, bị cướp bóc, tước đoạt một cách liên tục, bị hãm hiếp, bị đốt phá. Bây giờ nó là một kẻ ăn xin.
Và 300 năm dưới ách thống trị của người Anh tại Ấn Độ đã hủy diệt hệ thống giáo dục của riêng Ấn Độ – một nền giáo dục hoàn toàn khác biệt. Họ cưỡng bách tâm trí phương Đông theo những tiêu chuẩn phương Tây. Họ đã hầu như biến cái intelligentsia (tầng lớp trí thức) phương Đông thành một intelligentsia hạng hai của phương Tây. Họ đã truyền cho phương Đông căn bệnh của họ: chạy quá tốc độ, sự vội vã, sự mất kiên nhẫn, sự lo âu liên tục.
Nếu bạn thấy những ngôi đền của Khajuraho hay những ngôi đền của Konarak, bạn có thể thấy phương Đông trong những màu sắc thực thụ của nó.
Ngay tại Khajraho, có 100 ngôi đền; chỉ còn sống sót 30; 70 ngôi đền kia đã bị người Hồi giáo phá hủy. Hằng ngàn ngôi đền vô cùng đẹp và những công trình điêu khắc hùng vĩ đã bị hủy diệt bởi người Hồi giáo. Và cũng là ngẫu nhiên, mà 30 ngôi đền này còn sống sót – bởi vì chúng nằm trong một khu rừng. Có lẽ những kẻ xâm lược đã quên về chúng.
Nhưng ảnh hưởng của người Anh trên tâm trí Ấn Độ thì quá lớn, đến nỗi ngay cả một người như Mahatma Gandhi cũng muốn 30 ngôi đền này được “che đậy”, để không ai có thể thấy chúng. Hãy đơn giản nghĩ về những người đã tạo ra 100 ngôi đền… mỗi ngôi đền phải mất hằng thế kỷ để xây nên. Chúng nó quá tinh tế trong cấu trúc, quá cân xứng và quá đẹp, đến nỗi trên trái đất không có gì sánh được với chúng.
Và bạn có thể tưởng tượng rằng, những ngôi đền không tồn tại một mình; nếu có 100 ngôi đền, hẳn phải có một thành phố hằng ngàn người; nếu không, thì 100 ngôi đền là vô nghĩa. Những người đó ở đâu? Cùng với những ngôi đền, những người đó đã bị tàn sát.
Và tôi đan cử những ngôi đền đó, như là một thí dụ, là bởi vì những bức tượng điêu khắc của chúng có vẻ như là khiêu dâm đối với tâm trí phương Tây; đối với Mahatma Gandhi, nó cũng nom có vẻ khiêu dâm.
Ấn Độ mắc nợ Rabindranath Tagore quá nhiều. Ông là người đã ngăn cản Mahatma Gandhi và những chính trị gia khác, họ muốn "che đậy" những bức tượng điêu khắc của những ngôi đền, sẵn sàng che giấu chúng khỏi đôi mắt mọi người. Rabindranath Tagore nói, "Đây là điều tuyệt đối ngu xuẩn.Chúng nó không khiêu dâm, chúng hoàn toàn đẹp."
Đây là một ranh giới rất tinh tế giữa sự khiêu dâm và cái đẹp. Một người phụ nữ trần truồng thì không nhất thiết là khiêu dâm; một người đàn ông trần truồng thì không nhất thiết là khiêu dâm. Một người đàn ông đẹp, một người đàn bà đẹp, trần truồng, có thể là những thí dụ của cái đẹp, của sức khỏe, của sự cân đối. Họ là những sản phẩm vinh quang nhất của thiên nhiên. Nếu một con nai có thể trần truồng và đẹp – và không ai nghĩ rằng con nai khiêu dâm – vậy thì, tại sao một người đàn ông hay phụ nữ trần truồng lại không được xem là đẹp như vậy?
Có những quý bà ở thời đại Victoria tại Anh quốc, họ phủ chân ghế bằng vải, bởi vì những cái chân không nên để trần – những cái chân ghế! Nhưng bởi vì chúng được gọi là "cẳng chân", người ta nghĩ rằng, sẽ là thiếu văn minh, thiếu văn hóa, nếu chúng được để trần. Trong thời Victoria, có một phong trào: ai dẫn chó đi dạo, phải che nó bằng vải. Chúng không nên ở truồng… như thể là sự trần truồng tự nó là khiêu dâm. Chính cái tâm trí của họ mới là dâm ô.
Tôi đã đến Khajuraho hằng trăm lần, và tôi chưa hề thấy một bức tượng điêu khắc nào là có tính khiêu dâm cả. Một bức tranh khỏa thân hay một bức tượng khỏa thân trở thành sự khiêu dâm, nếu nó khêu gợi dục tình. Đó là tiêu chí duy nhất: nếu nó gợi dục, nếu nó là một "khêu gợi" cho bản năng tình dục của bạn. Nhưng đó không phải là trường hợp với Khajruraho. Thực ra, những bức tượng của  những ngôi đền này được xây nên cho mục đích hoàn toàn ngược lại.
Chúng được tạo ra để thiền định trên người đàn ông và đàn bà đang làm tình. Và những hòn đá đã sống dậy. Những người đã tạo ra chúng hẳn đã là những nghệ sĩ vĩ đại nhất mà thế giới đã từng biết. Chúng được tạo ra để thiền định, chúng là những đối tượng cho thiền định.
Nó là một ngôi đền, và những thiền giả đang ngồi vòng quanh chỉ nhìn vào những bức điêu khắc, và quan sát bên trong chính mình, xem có một ham muốn dục tình nào khởi lên hay không – nó là một tiêu chí: khi họ thấy không có ham muốn tình dục nào khởi lên, nó là một "chứng nhận" cho phép họ bước vào ngôi đền. Tất cả những bức điêu khắc này đều ở ngoài ngôi đền, trên những bức tường bên ngoài; bên trong không có bức tượng khỏa thân nào.
Nhưng cái này là cần thiết cho người ta thiền định, và rồi họ thấy rõ rằng mình không có ham muốn dục tình nào; ngược lại, những bức tượng đó khiến cho ham muốn dục tình của họ rút lui.  Rồi họ được phép bước vào trong đền thờ; nếu không, họ không nên bước vào ngôi đền. Cái đó sẽ là một sự phạm thánh – có một ham muốn dục tình bên trong và bước vào ngôi đền. Nó sẽ làm cho ngôi đền dơ bẩn – bạn sẽ đang sỉ nhục ngôi đền.
Những người đã tạo ra những ngôi đền này, cũng đã tạo ra một nền văn học to lớn nữa. Từ khởi thủy, phương Đông thường không bao giờ đè nén tình dục. Trước Đức Phật và Mahavira, phương Đông không bao giờ đè nén tình dục. Chính là với Đức Phật và Mahavira, mà lần đầu tiên sự độc thân trở nên tâm linh. Ngược lại, trước Đức Phật và Mahavira, tất cả những "nhà tiên tri" của Upanishad, của Vệ đà, đều là những người kết hôn; họ không độc thân, họ có con cái.
Và họ không phải là những người từ bỏ thế gian; tất cả họ đều đã có những thứ xa hoa và tất cả mọi tiện nghi thoải mái. Họ đã sống trong rừng, nhưng họ có mọi thứ, được cúng dường bởi những học trò của họ, những vị vua, những người thân yêu của họ. Và những cái ashram của họ, những trường học của họ, những academy của họ trong rừng đều rất tiện nghi.
Với Đức Phật và Mahavira, phương Đông bắt đầu một truyền thống độc thân bệnh hoạn, sự đè nén bệnh hoạn. Và khi Kytô giáo đến Ấn Độ, có một xu hướng đè nén rất mạnh mẽ. 300 năm của Kytô giáo này đã làm cho tâm trí phương Đông hầu như bị đè nén như tâm trí phương Tây. Do vậy, bây giờ những phương pháp của tôi có thể áp dụng cho cả hai. Tôi gọi chúng là những phương pháp "sơ khởi". Chúng phải  hủy diệt mọi thứ mà có thể ngăn cản, không cho bạn  đi vào một thiền định im lặng. Một khi Thiền Động hay Thiền Kundalini thành công, bạn được sạch sẽ. Bạn đã xóa bỏ sự đè nén. Bạn đã xóa bỏ sự vụt chạc, sự vội vã, sự thiếu kiên nhẫn. Bây giờ bạn có thể bước vào ngôi đền.
Chính vì lý do này mà tôi nói về sự chấp nhận tình dục, bởi vì không chấp nhận tình dục, bạn không thể diệt trừ được sự ức chế. Và tôi muốn bạn hoàn toàn sạch sẽ, tự nhiên. Tôi muốn bạn ở trong một trạng thái mà ở đó 112 phương pháp đó có thể áp dụng cho bạn.
Đây là lý do tại sao tôi đã chế tác ra những phương pháp này –đây là những phương pháp thuần túy có tính thanh tẩy.
Tôi cũng đã bổ sung thêm những tâm liệu pháp phương Tây, bởi vì tâm trí phương Tây, và dưới ảnh hưởng của nó, tâm trí phương Đông, cả hai đều đã trở nên bệnh hoạn. Ngày nay, tìm thấy một tâm trí lành mạnh là một hiện tượng hiếm hoi. Mọi người đang cảm thấy một loại nôn mửa nào đó, một loại nôn mửa tinh thần, một sự trống rỗng nào đó, nó giống như một vết thương làm đau nhức. Mọi người đang tự biến đời mình thành một ác mộng. Mọi người đang lo lắng, quá sợ hãi cái chết; không chỉ sợ cái chết, mà còn sợ sự sống.
Người ta đang sống một cách nửa vời, người ta đang sống một cách nhợt nhạt: không nồng nàn như Zorba người Hy Lạp, không với hương vị mạnh khỏe mà với một tâm trí bệnh hoạn. Người ta phải sống, cho nên họ đang sống. Người ta phải yêu, cho nên họ đang yêu. Người ta phải làm cái này, phải giống cái này, cho nên họ đang rập khuôn theo; nếu không, không có động lực nào đến từ bản thể của riêng họ.
Họ không đang trào dâng với năng lượng. Họ không đánh liều bất cứ cái gì để sống một cách toàn bộ. Họ không mạo hiểm – và không mạo hiểm, người ta không khỏe mạnh. Sự mạo hiểm là một tiêu chí, sự thăm dò vào trong “cái-chưa-biết”, là tiêu chí. Người ta không trẻ trung, từ tuổi thơ, họ đã trở nên già cỗi.  Tuổi trẻ không bao giờ xảy ra.
Những tâm liệu pháp phương Tây không thể giúp bạn tăng trưởng về tâm linh, nhưng chúng có thể chuẩn bị mảnh đất. Chúng không thể gieo những hạt giống hoa, nhưng chúng có thể chuẩn bị đất – và đây là một sự cần thiết. Đây là một lý do tại sao tôi bổ sung thêm những tâm liệu pháp.
Cũng có một lý do khác: Tôi muốn một sự gặp gỡ của Đông và Tây.
Phương Đông đã phát triển những phương pháp thiền; phương Tây chưa triển khai những phương pháp thiền, nhưng phương Tây đã triển khai những tâm liệu pháp. Nếu chúng ta muốn tâm trí phương Tây quan tâm đến những phương pháp thiền định, nếu bạn muốn tâm trí phương Đông đến gần hơn với tâm trí phương Tây, phải có cái gì đó để cho và nhận. Nó không nên chỉ có tính phương Đông – một cái gì đó từ sự tiến hóa của phương Tây nên được bổ sung. Và tôi thấy những liệu pháp đó là vô cùng hữu ích. Chúng không thể đi xa, nhưng với chặng đường mà chúng đã đi, chúug là tốt. Nơi mà chúng ngừng lại, thiền định có thể đảm trách.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ đó, trong cái hợp nhất đó, tâm trí phương Tây nên cảm thấy một cái gì đó từ sự phát triển của riêng nó đã được đưa vào; cái hợp nhất đó không nên một chiều. Và những tâm liệu pháp phương Tây rất có ý nghĩa; chúng không thể tác hại, chúng chỉ có thể giúp ích mà thôi.
Và tôi đã dùng chúng với thành công cực lớn. Chúng đã giúp người ta thanh tẩy "bản thể" của họ, chuẩn bị họ sẵn sàng bước vào đền thờ của thiền định. Nỗ lực của tôi là giải tan sự chia cách giữa phương Đông và phương Tây. Trái đất nên là một, không chỉ về mặt chính trị mà còn về mặt tâm linh nữa.
Và một số người nghĩ rằng đây là một cách "tẩy não" khéo léo. Thật ra, không chỉ có vậy: nó là việc thanh tẩy tâm trí, không phải là tẩy não. Tẩy não thì rất hời hợt. Bộ não là cái cơ chế mà tâm trí sử dụng. Bạn có thể tẩy bộ não một cách rất dễ dàng – bất cứ bộ máy nào cũng đều có thể được thanh tẩy và bôi trơn. Nhưng nếu cái tâm trí đằng sau bộ não bị ô nhiễm, dơ bẩn, thì chẳng bao lâu bộ não sẽ đầy những thứ xấu xa.
Và tôi không thấy có gì sai trái trong nó – việc rửa ráy luôn luôn tốt. Tôi tin vào việc tẩy khô. Tôi không dùng những phương pháp tẩy cổ lỗ.
Vâng, người ta sẽ cảm thấy bị lừa gạt, rằng tâm trí họ đã bị lấy đi, và đó là cái quý giá duy nhất mà họ có. Nhưng điều này chỉ xảy ra vào lúc ban đầu. Một khi tâm trí đã được lấy đi, người ta sẽ ngạc nhiên rằng, đằng sau tâm trí là kho báu thực thụ của họ. Và tâm trí chỉ là một tấm gương soi, nó đang phản chiếu cái kho báu, nhưng trong bản thân nó không có kho báu nào. Kho báu ở đằng sau tâm trí – đó là bản thể của bạn.
Nhưng một tấm gương soi có thể lừa dối bạn. Nó có thể cho bạn ý tưởng rằng cái được phản ánh trong nó là một thực tại. Do vậy, khi tâm trí được lấy đi – và đó chính là cái mà thiền định là – thì nó là một trạng thái "vô–trí". Nó đang lấy đi tâm trí và cho bạn một cơ hội để thấy, không phải cái phản ảnh của cái kho báu của bản thể bạn, mà là chính cái kho báu đó.
Xem tiếp Chương 19 Quay về Mục lục