Osho
- Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần
II
Chương 11: Bhagwan tự phong
Những nhà phê bình mà đã viết chống lại tôi luôn nhấn mạnh rằng,
tôi là một "bhagwan tự phong". Và tôi vẫn luôn tự hỏi, họ có biết bất
cứ ai – Rama, Krishna, Buddha, Mohammed – mà được tấn phong bởi ai khác? Nếu
Rama được tấn phong bhagwan bởi ai khác, thì chắc chắn kẻ có thẩm quyền đứng ra
tấn phong phải cao hơn – và nếu bạn có thể được tấn phong, thì bạn cũng có thể
bị phế truất!
Điều này là tuyệt đối ngu xuẩn. Về cơ bản, bạn chưa hiểu ý
tưởng đó: bhagwan là một trạng thái kinh nghiệm – không dính dáng gì tới sự tấn
phong, sự bình chọn, một chức vị, hay một học vị. Nó là kinh nghiệm về bhagwatta,
về "Thượng đế tính", rằng toàn bộ hiện hữu thì đầy "Thượng đế
tính", rằng không có gì khác hơn là
"Thượng đế tính".
Không có Thượng đế nào, nhưng trong mọi bông hoa và mọi cái
cây, trong mọi hòn đá, có một cái gì đó mà chỉ có thể được gọi là "Thượng
đế tính". Nhưng mà bạn chỉ có thể
thấy nó khi bạn đã thấy nó bên trong chính bạn; ngược lại, bạn không biết cái
ngôn ngữ đó.
Về một phương diện, thì tôi rất kỳ lạ, bởi vì bạn không thể
phạm trù hóa được tôi. Có 3 phạm trù – hữu thần, vô thần, bất khả tri. Không có
phạm trù thứ tư – và tôi thuộc về phạm trù thứ tư, phạm trù không được định
danh. Tôi đã tìm kiếm, trông tìm. Tôi đã không tìm thấy Thượng đế, đúng, nhưng
tôi đã tìm thấy một cái gì đó có ý nghĩa hơn nhiều: "Thượng đế tính".
Tôi không phải là một kẻ hữu thần, tôi không phải là kẻ vô
thần, tôi không phải là một người bất khả tri. Lập trường của tôi thì tuyệt đối
rõ ràng.
Vậy, nếu không có Thượng đế, tại sao tôi được người của tôi
gọi là bhagwan?
Câu hỏi này hơi phức tạp. Bạn sẽ phải đi vào trong ngôn ngữ
học của cái từ bhagwan. Nó là một từ rất kỳ lạ. Trong những kinh điển Hindu,
bhagwan hầu như đồng nghĩa với Thượng đế. Tôi nói hầu như, bởi vì trong tiếng
Anh, chỉ có một từ, "God". Trong tiếng Sanskrit, người Hindu dùng ba
từ: một là bhagwan, hai là iswar, ba là paramatma. Những người Hindu dùng ba từ
này cho những lý do khác nhau.
Paramatma có nghĩa là "linh hồn tối thượng"; param
có nghĩa là "tối thượng", atma có nghĩa là "linh hồn". Do vậy,
những ai thực sự hiểu, đều dùng từ paramatma để chỉ Thượng đế.
Từ thứ hai là iswar. Nó là một từ đẹp. Iswar có nghĩa là
"người giàu có nhất"; theo nghĩa đen, là người có mọi thứ, là mọi thứ.
Điều đó chắc chắn là đúng. Cái khoảnh khắc mà bạn thể nghiệm "Thượng đế
tính", bạn có mọi thứ, mọi thứ có
giá trị. Có thể về vật chất bạn không có cái gì cả. Cái đó không quan trọng,
nhưng mà bạn có mọi thứ vốn có ý nghĩa với cuộc sống.
Và từ thứ ba là bhagwan. Bhagwan là một từ rất khó hiểu, hay
khó giải thích trong bất cứ ngôn ngữ nào. Trong những kinh điển Hindu … hãy nhớ
cái đó, bởi vì bhagwan được dùng bởi hai loại người tại Ấn: một, những người
Hindu, và hai, những người Jaina, những người Phật giáo. Những người Jaina và
Phật giáo không tin vào một Thượng đế, nhưng họ vẫn dùng từ bhagwan.Dành cho Đức
Phật, những người Phật giáo dùng từ bhagwan – Bhagwan Gautama Buddha. Và những
người Jaina cũng không tin vào một Thượng đế, nhưng dành cho Mahavira, họ dùng
từ Bhagwan Vardhman Mahavira. Do vậy, với họ, nó có một nghĩa hoàn toàn khác…
Những người Hindu thì rất "thực tế". Bạn sẽ ngạc
nhiên, thậm chí bị sốc, nhưng trong đạo Hindu, cái căn ngữ của bhagwan là bhag
– bhag có nghĩa là "âm đạo". Có lẽ bạn đã không thể nào tưởng tượng
được! Và bhagwan có nghĩa là Đấng Sáng Tạo – "người đã dùng âm đạo của vũ
trụ để sáng tạo". Người Hindu thờ
phụng âm đạo của phụ nữ và biểu tượng dương vật, shivalinga. Nếu bạn đã thấy một
shivalinga, cái phiến cẩm thạch nhô lên chỉ là một biểu tượng của dương vật, và
nó đang đứng trong âm đạo. Bên dưới nó, nếu bạn đã nhìn, có một âm đạo bằng cẩm
thạch, từ đó nó nhô ra. Những người Hindu đã thờ phụng nó một cách tượng trưng,
và dường như sự ám chỉ của họ là rất có ý nghĩa: bất cứ sự sáng tạo nào đều bắt
buộc phải là sự gặp gỡ giữa nam và nữ, dương và âm.Do vậy, để chỉ "Đấng
Sáng Tạo," họ dùng từ bhagwan. Nhưng cái gốc của từ này thì rất kỳ lạ.
Những người Phật giáo và người Jaina không tin vào Thượng đế,
không tin rằng bất cứ ai đã sáng tạo ra thế giới, nhưng họ cũng dùng từ
bhagwan. Tuy nhiên, với họ, căn ngữ "bhag" có một nghĩa khác biệt. Đối
với người Jaina và Phật giáo, bhag có nghĩa là "sự may mắn", và
bhagwan có nghĩa là "kẻ may mắn, kẻ diễm phúc"; kẻ đã đạt tới vận mệnh
của mình, kẻ đã chín muồi.
Do vậy, khi tôi bắt đầu nói chuyện cách đây 34 năm, người ta
bắt đầu dùng nó… bởi vì tại Ấn Độ, nếu bạn kính trọng một người, bạn không dùng
tên của vị ấy; cái đó được xem là bất kính. Cho nên khi tôi bắt đầu nói chuyện,
và người ta bắt đầu cảm thấy một cái gì đó đối với tôi, họ tự mình gọi tôi
là"acharya. "Acharya có nghĩa là "vị đạo sư" – nhưng không
chỉ là đạo sư, nó là một cái gì hơn nữa. Thực ra, nó có nghĩa là người chỉ nói
cái mà ông ta sống, một người mà những hành động và ý nghĩ của ông là hoàn toàn
hòa điệu với nhau. Cho nên trong gần như 20 năm, người ta gọi tôi là acharya.
Đây là trước khi tôi bắt đầu điểm đạo cho dân chúng.
Trong nhiều năm, người ta vẫn thường nói với tôi rằng, họ muốn
được tôi điểm đạo để trở thành sannyasin, và tôi nói với họ, "Hãy đợi. Hãy
để cho cái khoảnh khắc ấy đến – khi mà tôi cảm thấy thích hợp." Cái ngày
đó đã đến. Lúc đó, tôi đang tổ chức một trại thiền sâu trong Hy Mã Lạp Sơn, tại
Kulu-Manali – nó là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Nó được gọi là
Thung Lũng của những vị Thần, nó hết sức đẹp, hết sức "siêu thế
gian". Một khi bạn bước vào Kulu-Manali, bạn bắt đầu cảm thấy rằng bạn
đang bước vào một thế giới khác. Vào ngày cuối cùng của trại thiền, tôi nói,
"Bây giờ khoảnh khắc thích hợp đã đến." Và tôi tuyên bố, "Bất cứ
ai muốn được điểm đạo, tôi sẵn sàng." 21 người lập tức đứng lên. Họ bước
vào sannyas. Bây giờ, câu hỏi với họ, là phải gọi tôi như thế nào. Mọi người
khác thường gọi tôi là acharya; bây giờ, đối với họ, cái đó là không đủ. Đối với
họ, tôi đã trở nên quan trọng hơn nhiều, có ý nghĩa hơn nhiều, thâm tình hơn
nhiều. Họ đã đến rất gần bản thể của tôi, và họ quyết định rằng, họ sẽ gọi tôi
là bhagwan.
Họ hỏi tôi. Tôi nói, "Cái đó hoàn toàn tốt, bởi vì đó
là một từ rất có ý nghĩa đối với tôi: kẻ diễm phúc."
Đối với tôi, nó không có nghĩa là Thượng đế, nó không có
nghĩa là Đấng Sáng Tạo, nó chỉ đơn thuần có nghĩa là “kẻ diễm phúc” – một kẻ ở
tại nhà, đã tới; một người đã tìm thấy, đã gặp gỡ chính mình. Và rồi, không có
gì khác ngoài những phúc lành, và những phúc lành tiếp tục mưa xuống người ấy.
Ngày lại ngày, những phúc lành tiếp tục mưa rào xuống. Cho nên, hãy nhớ,
bhagwan không dính dáng gì tới Thượng đế. Chắc chắn là nó có một cái gì đó dính
dáng tới "Thượng đế tính", bởi vì đó là nghĩa của việc đến đích: về tới
nhà. Đó là cái khiến cho bạn trở thành “kẻ được chúc phúc”.
Bhagwan là một thuật ngữ không có cấp độ so sánh, bạn không
thể nhiều "Thượng đế tính" hơn Thượng đế; bạn không thể. Nó là một
thuật ngữ không có cấp độ so sánh. Và nó không cho thấy bất cứ sự thành tựu
nào; nó đơn giản cho thấy bản tính của bạn. Không phải là người ta phải trở
thành Thượng đế; người ta đã là Thượng đế, người ta chỉ cần phải nhận ra điều
đó mà thôi.
Nó không cho thấy bất cứ tài năng nào. Có ai đó là một nhà
thơ lớn, một kẻ tiên tri, một kẻ "thấu thị" lớn – ai đó là một họa sĩ
lớn, nhạc sĩ lớn, vũ công lớn – tất cả đây đều là những tài năng. Tất cả mọi
người không thể là những vũ công lớn; tất cả các bạn không thể đều là những Van
Gogh. Và tất cả các bạn không thể đều là những nhà thơ lớn; tất cả các bạn
không thể đều là những Tagore, và Pablo Neruda.
Nhưng tất cả các bạn đều là bhagwan. Nó không cho thấy một sự
thành tựu; nó chỉ cho thấy tính đại đồng của bạn, chính bản chất của bạn. Bạn
đã là Thượng đế.
Khi người ta gợi ý muốn gọi tôi là bhagwan, tôi yêu cái thuật
ngữ đó. Tôi nói, "Cũng được. Ít nhất, cũng được, trong một số năm; rồi
chúng ta có thể bỏ nó."
Tôi chọn nó vì một mục đích riêng, và nó đã và đang phục vụ
tốt, bởi vì những người mà thường đến với tôi để thu thập kiến thức, họ đã ngừng
đến. Cái ngày tôi tự gọi mình là bhagwan, họ ngừng đến. Nó quá sức chịu đựng của
họ, quá sức đối với những cái ego của họ. Một ai đó tự gọi mình là bhagwan ư?
Nó làm thương tổn cái ego. Họ ngừng đến. Họ thường đến với tôi để thu thập kiến
thức. Bây giờ tôi đã thay đổi cái chức năng của tôi một cách tuyệt đối. Tôi bắt
đầu làm việc trên một cấp độ khác biệt, một chiều kích khác biệt. Bây giờ tôi
cho bạn "bản thể", không phải kiến thức. Trước đây, tôi đã là một
arachya và họ là những "học viên"; họ đang học tập. Bây giờ tôi không
còn là một "người dạy" và các bạn không phải ở dây như là những học
viên.
Nếu các bạn có mặt ở đây như là học viên, thì sớm hay muộn,
bạn sẽ phải rời, bởi vì bạn sẽ thấy mình ở nhầm chỗ; bạn sẽ không thích hợp ở đây. Chỉ nếu bạn là
một đệ tử, thì bạn sẽ thích hợp với tôi. Bởi vì bây giờ tôi đang trao tặng một
cái gì hơn nữa. Nếu bạn có mặt ở đây để lấy kiến thức, thì chẳng sớm thì muộn,
bạn sẽ thấy rằng bạn sẽ phải đi một nơi nào khác.
Tôi có mặt ở đây để trao truyền cái "bản thể". Tôi ở đây để làm cho bạn thức tỉnh. Tôi không
định cho bạn "sự biết" – và cái đó là một chiều kích hoàn toàn khác
biệt. Việc tự gọi mình là bhagwan chỉ là biểu tượng – rằng bây giờ công trình của
tôi đã bước vào một chiều kích khác. Và nó đã vô cùng hữu ích. Tất cả những người
không thích hợp, họ tự động biến đi, và những con người với một phẩm chất hoàn
toàn khác bắt đầu đến.
Nó làm việc tốt, nó lựa chọn tốt. Chỉ những ai sẵn sàng đặt
sang một bên kiến thức của họ, những người ấy sẽ lưu lại, tất cả những người
khác sẽ trốn chạy. Họ tạo ra khoảng không gian xung quanh tôi. Nếu không thế,
thì họ đến quá đông đúc, và thật khó cho những kẻ tìm kiếm thực thụ đến gần tôi
hơn. Đám đông biến mất. Cái từ bhagwan vận hành như một vụ nổ nguyên tử.
Tôi vui sướng vì đã chọn nó.
Bây giờ những người đến với tôi không còn biện luận nữa. Bây
giờ những người đến với tôi là những kẻ mạo hiểm vĩ đại của linh hồn, và họ sẵn
sàng đánh liều – đánh liều bất cứ cái gì và mọi thứ.
Việc tự gọi mình là bhagwan là một phương sách. Chẳng sớm thì muộn, khi bạn đã trưởng thành
và bạn đã hiểu vấn đề, và khi sự hiện diện của bạn ở đây đã tạo ra một phẩm chất
rung động khác biệt, tôi sẽ ngừng gọi mình là bhagwan. Rồi sẽ không cần thiết nữa.
Rồi toàn bộ bầu khí sẽ phập phồng với "Thượng đế tính". Rồi những người nào sẽ đến, nó sẽ mưa rào xuống họ. Nó sẽ xuyên thấu trái tim họ. Sẽ không cần phải
gọi tôi bằng tên gọi nào cả – bạn sẽ biết. Nhưng ban đầu, nó được cần đến, và
nó đã có ích cực kỳ.
Điều sau cùng về nó:
Tôi không phải là một triết gia. Hãy luôn nhớ tôi như là một
nhà thơ. Cách tiếp cận của tôi với cuộc sống là cách tiếp cận của thi ca,
"tiểu thuyết lãng mạn". Nó lãng mạn, nó giàu tưởng tượng, sáng tạo.
Tôi muốn tất cả các bạn đều là những vị thần nam và thần nữ. Tôi muốn các bạn bộc
lộ bản thể đích thực của mình. Tự gọi mình là Thượng đế, là một thách thức. Nó
là một thách thức tinh tế. Chỉ có hai
cách để giải quyết sự việc. Một là, bạn nói, "Người đàn ông này không phải
là Thượng đế, vậy hãy bỏ đi – mình đang
làm gì ở đây? Nếu người đàn ông này không phải là Thượng đế, thì tại sao
mình lại lãng phí thời gian của mình?" Bạn bỏ đi. Hay bạn chấp nhận rằng
người đàn ông này là Thượng đế, và rồi bạn bắt đầu ở lại với tôi và "Thượng
đế tính" của riêng bạn bắt đầu nở hoa.
Một ngày nào đó bạn cũng sẽ là một nam thần và nữ thần. Việc
chấp nhận tôi như là Thượng đế, thực ra ở tận đáy sâu, là việc chấp nhận khả
tính rằng, bạn cũng có thể là một "thượng đế", chỉ có thế. Chính sự
chấp nhận rằng, người đàn ông này có thể là một Thượng đế, sẽ khuấy động một
cái gì đó mà vẫn hằng ngủ say bên trong bạn. Rồi bạn không thể cứ mãi giữ
nguyên như bạn đang là; một cái gì đó phải được làm. Một cái gì đó phải được
chuyển hóa, một cái gì đó phải được biết …
Nếu bạn quyết định đi với tôi, bạn sẽ trở nên ngày càng tỉnh
giác hơn. Và bạn càng trở nên tỉnh giác, bạn sẽ càng có khả năng hiểu tôi, bạn
càng có khả năng hiểu cái đã xảy ra, cái đã trải qua bên trong linh hồn tôi. Bạn
ngày càng trở nên tham dự vào sự xảy ra này, trong vũ điệu này, trong sự ca hát
này.
Và dần dần, bạn sẽ thấy
– vị đạo sư đang đến. Nó không đến từ bên ngoài, nó đến từ cốt lõi nội tại nhất
của bạn, nó đến từ những đáy sâu của bạn. Tôi đã nhìn vào bên trong, và tôi đã
phát hiện ông ta ở đó. Thông điệp của tôi thì đơn giản – rằng tôi đã tìm thấy vị
thần – bên trong tôi. Toàn bộ nỗ lực của tôi là thuyết phục bạn nhìn vào bên
trong. Vấn đề duy nhất là việc trở nên một kẻ quan sát trên đồi. Trở nên một kẻ
chứng kiến – tỉnh giác, quan sát – và bạn sẽ được thành tựu viên mãn.
Tiện thể, việc tôi tự gọi mình là bhagwan chỉ như là một
thách thức – đối với người Kytô, người Hồi giáo, người Hindu. Họ vẫn kết án
tôi, nhưng không ai đủ can đảm để giải thích sự kết án đó. Từ những "nguồn"
xa xôi, đã có những bài báo và những lá thư gửi cho tôi, nói, "Tại sao ông
tự gọi mình là bhagwan?" Và tôi đã cười to, bởi vì tại sao Ram tự gọi mình
là bhagwan? Phải chăng là ông được tấn phong bởi một ủy ban? Và một bhagwan được
bầu bởi một ủy ban thì sẽ không mấy là một bhagwan, bởi vì cái ủy ban đó không
bao gồm những bhagwan. Họ có quyền gì?
Phải chăng Krishna được người ta tấn phong cho là bhagwan?
Phải chăng nó là một vấn đề bầu chọn? Ai đã tấn phong những vị này? Không người
Hindu nào có câu trả lời. Và một người giống như Krishna, đã đánh cắp 16 ngàn
phụ nữ từ những con người khác nhau – họ là những người mẹ, họ đã kết hôn, chưa
kết hôn, không phân biệt – và thế nhưng, không có người Hindu nào đủ can đảm để
phản đối rằng, một người đàn ông với một tính cách như thế, thì không có quyền
được gọi là bhagwan. Họ có thể thậm chí gọi vị thần Kalki của họ – một con ngựa
– là bhagwan. Những con người kỳ lạ! Và người ta hỏi tôi, tại sao tôi tự gọi
mình là bhagwan. Tôi không có chút kính trọng nào đối với cái từ này. Thực ra,
tôi hoàn toàn kết án nó. Nó không phải là một từ đẹp – mặc dù tôi đã cố gắng
trong cách riêng của mình để chuyển hóa cái từ đó, song những người Hindu ngu
xuẩn không cho phép nó. Tôi đã cố cho nó một cái tên mới, một nghĩa mới, một ý
nghĩa mới. Tôi đã nói rằng, nó có nghĩa là một “kẻ diễm phúc”, một người với một
bản thể được chúc phúc, mặc dù nó là sự phát minh của tôi.
Từ bhagwan là một từ rất xấu xa. Song những người Hindu giáo
thậm chí không nhận biết điều đó. Họ nghĩ rằng nó là một cái gì đó rất đặc biệt.
Cái nghĩa gốc của nó – bhag có nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Và wan có nghĩa là
bộ phận sinh dục nam. Một cách tượng trưng, bhagwan có nghĩa sáng tạo – một người
mang lại sự sáng tạo, qua sự giao hợp giữa năng lượng "sô vanh" nam
tính của ông và năng lượng nữ tính của sự tồn tại.
Tôi ghét cái từ đó! Tôi đã và đang chờ đợi một người Hindu
ngu xuẩn nào đó xuất hiện, nhưng họ nghĩ rằng nó là một cái gì đó rất tôn
nghiêm và tôi không có quyền tự gọi mình là bhagwan. Hôm nay, tôi nói một cách
tuyệt đối, "Vâng, nhưng tôi có mọi quyền để tố giác cái từ đó." Không
ai có thể ngăn tôi. Tôi không muốn bị gọi là bhagwan một lần nữa. Đủ là đủ! Trò
đùa đã chấm dứt!
Xem tiếp Chương 12 – Quay về Mục lục