Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 9

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 9
1984, tại Nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregan, USA


Bây giờ là thời gian của tôi. Tôi không nghĩ có bất kỳ ai đã nói trong chiếc ghế của vị nha sĩ. Tôi cảm nhận đặc quyền. Tôi nhìn thấy các vị phật ghen tỵ với tôi.
Tiếp tục tái bút…
Cuốn sách đầu tiên hôm nay: THE DESTINY OF MIND (SỐ PHẬN CỦA TÂM TRÍ) của Haas. Tôi không biết phát âm tên ông như thế nào: h-a-a-s – tôi phát âm là Haas. Cuốn sách không nổi tiếng lắm vì lý do đơn giản là nó quá sâu sắc. Tôi nghĩ người đồng nghiệp Haas này chắc phải là người Đức, cho nên ông đã sáng tạo nên cuốn sách vô cùng ý nghĩa. Ông ấy không phải là nhà thơ, ông viết như nhà toán học. Ông là người đã trao cho tôi từ philosia.
Philosophy-triết học có nghĩa là ‘yêu thích sự thông thái’; philo có nghĩa là tình yêu, và sophia là thông thái, nhưng nó không thể được áp dụng ở darshan, cách phương Đông nhìn vào cái toàn bộ. Philosophy là khắc nghiệt.
Trong cuốn sách SỐ PHẬN CỦA TÂM TRÍ,  Haas sử dụng từ philosia ở darshan thay vì dùng từ philosophy. Philo vẫn có nghĩa là tình yêu, nhưng osia có nghĩa là sự thật, điều thực, điều thực tối thượng – không phải là tình yêu kiến thức hoặc trí tuệ, mà là tình yêu đối với sự thật, có thể chấp nhận hoặc không thể chấp nhận, điều đó không thành vấn đề.
Đây là một trong những cuốn sách đã mang phương Đông và phương Tây đến gần với nhau hơn – chỉ gần hơn, chứ những cuốn sách không thể làm được gì hơn. Để cuộc gặp mặt diễn ra thì phải cần đến con người, mà không phải sách, và Haas không phải là người đó. Sách của ông tuyệt hay, nhưng bản thân ông lại là người bình thường. Với cuộc gặp mặt thực sự thì vị Phật, vị Bồ Đề Đạt Ma, vị Jesus, vị Mohammed hoặc Baal Shem là cần thiết. Nói tóm lại thiền là cần thiết, và tôi không nghĩ rằng cái ông Hass này đã từng thiền. Có thể ông ấy đã suy tưởng – người Đức biết nhiều về suy tư, những trại tập trung (ý nói những trại tập trung của phát xít – ND)… thật vĩ đại! Tôi đã tổ chức những trại thiền và họ đã tổ chức những trại tập trung! Tập trung là Đức, chứ không phải thiền. Đúng, tình cờ ở Đức đã xuất hiện thiền nhân, nhưng đó không phải là quy luật, chỉ là ngoại lệ, và ngoại lệ luôn chứng tỏ quy luật. Tôi biết Eckhart, và tôi biết Boehme…
Tên thứ hai của tôi hôm nay là Eckhart. Tôi thích ông ấy sinh ra ở phương Đông. Sinh ra giữa những người Đức và nói về điều tối thượng là một việc khó. Nhưng người đàn ông tội nghiệp đã làm việc đó, và đã làm một cách hoàn hảo. Người Đức là người Đức; dù họ làm gì thì họ cũng làm một cách hoàn hảo. Ngay cả hôm nay, có vẻ như có một sannyasin Đức vẫn đang gõ cửa. Hoàn hảo làm sao! Hãy lắng nghe những tiếng gõ của anh ta, âm thanh của chúng giữa sự tĩnh lặng này mới đẹp làm sao.
Eckhart là người thiếu học. Thật kỳ lạ là có nhiều nhà huyền môn lại thiếu học. Chắc phải có một cái gì đó với hệ thống giáo dục? Tại sao lại không có nhiều nhà huyền môn có học. Chắc giáo dục là một cái gì đó hủy hoại, và điều đó ngăn cản mọi người trở thành nhà huyền môn. Đúng, giáo dục hủy hoại. Hai mươi lăm năm liên tục, từ lớp mẫu giáo cho tới cử nhân ở trường đại học, những gì đẹp và thẩm mỹ trong bạn đều liên tục bị nó hủy hoại. Bông sen bị đè nát bởi học bổng, bông hồng bị kết liễu bởi cái gọi là các vị giáo sư, các thầy cô giáo, các vị hiệu phó, hiệu trưởng. Những cái tên đẹp mà họ đã chọn cho họ.
Nền giáo dục thực sự còn chưa bắt đầu. Nó phải bắt đầu. Nó sẽ là nền giáo dục của trái tim, chứ không phải của cái đầu; của tính nữ trong bạn chứ không phải của tính nam.
Thật đáng ngạc nhiên rằng Eckhart, giữa những người Đức, một chủng tộc sô vanh nhất trên thế giới, lại vẫn giữ mình trong trái tim, và đã nói từ đó. Thiếu học, nghèo nàn, không có địa vị chính trị, không có địa vị kinh tế, không có địa vị gì cả – chỉ là một kẻ khất thực, nhưng lại rất giàu có. Rất ít người đã từng rất giàu có. Giàu có trong bản thể mình – BẢN THỂ của người đó.
Hãy viết chữ BẢN THỂ bằng chữ hoa.
Hai từ đang tồn tại và sẽ trở thành phải được hiểu. Sẽ trở thành là quá trình không có khởi dầu và không có kết thúc, là một sự liên tục. Nhưng tồn tại không bao giờ là quá trình, nó đơn giản là vậy. Gọi nó là vậy, và bạn sẽ rất gần với nó.
Tồn tại không phải là thời gian hoặc không gian, nó là sự siêu việt. Siêu việt – lại viết bằng chữ hoa, SIÊU VIỆT. Chao ôi, bạn không thể viết nó bằng chữ vàng. Nó là từ nên được viết bằng vàng, vàng tinh khiết – không phải mười tám carat mà là hai mươi bốn carat, một trăm phần trăm vàng.
Eckhart chỉ nói một vài điều, nhưng chỉ thế cũng đủ để chọc tức giới tu sĩ xấu xa, giáo hoàng và những quỷ giữ quanh ông ta. Ngay lập tức họ bắt Eckhart dừng. Họ bắt ông ấy nói gì và không nói gì. Điều đó cần một người điên như tôi để không nghe những kẻ ngốc đó. Nhưng Eckhart là một người đàn ông giản dị; ông đã nghe, đã nghe theo quyền lực. Một người Đức sau tất cả những người Đức. Khi bạn nói “quay trái” ông ấy quay trái; khi bạn nói “quay phải” ông ấy quay phải.
Tôi đã bị trục xuất khỏi trại huấn luyện quân sự ở trường đại học bởi vì khi họ nói “quay phải” tôi lại nghĩ ngược lại.  Ngay lập tức mọi người quay, ngoài tôi. Viên sĩ quan quân đội đã bối rối. Ông ta nói, “Có vấn đề với bạn? Bạn không thể nghe sao? Tai bạn có vấn đề sao?”
Tôi nói, “Không, một cái gì đó sai với tôi. Tôi không nhìn thấy giá trị. Tại sao tôi lại quay trái hoặc quay phải? Không cần thiết, không có lý do nào. Và những kẻ ngốc tội nghiệp đó đã quay trái, quay phải rồi sẽ trở lại vị trí cũ như tôi thôi.”
Lẽ đương nhiên, tôi bị trục xuất – và tôi vô cùng thích thú. Mọi người nghĩ đó là điều tồi tệ, và tôi nghĩ đó lại là điều may mắn. Họ thì thầm rằng chắc có điều gì đó sai trong tôi: “Cậu ta bị trục xuất mà vẫn thích thú…” Tôi đã tổ chức bữa tiệt rượu với mọi người.
Eckhart đã nghe theo. Người Đức không thể là người chứng ngộ thực sự, điều đó sẽ rất khó. Vimalkirti có thể là người Đức đầu tiên chứng ngộ. Nhưng Eckhart chỉ rất gần; chỉ một bước nữa và thế gian sẽ kết thúc… và sự mở ra, sự mở ra của những ô cửa, sự mở ra với bên kia. Nhưng ông ấy đã nói – mặc dù ông là người Đức, và dưới sức ép của giáo hoàng – ông ấy đã nói những điều tuyệt đẹp. Chỉ một chút sự thật đã đi vào những câu nói của ông, do vậy mà tôi tính cả ông.
Thứ ba, một người Đức khác: Boehme. Tôi không biết phát âm tên ông như thế nào, nhưng ai quan tâm! Nó được viết: B-o-e-h-m-e. Chắc người Đức phát âm khác, tôi bảo đảm rất khác. Nhưng tôi không phải là người Đức. Dù sao tôi cũng không phải thỏa hiệp với bất kỳ ai. Tôi đã luôn gọi ông là “Boomay.” Nếu ông ấy đến với tôi và nói, “Đó không chính xác là tên tôi,” tôi sẽ nói, “Xéo đi! Với tôi thì đây là tên của ông, và đây sẽ là tên ông, Boomay.”
Thật kỳ lạ, bất kỳ khi nào Arpita đến phòng tôi, tôi ngửi thấy Boehme, đột nhiên tôi nhớ Boehme. Có thể đó chỉ là sự liên hệ, bởi vì ông ấy chỉ là người thợ làm giầy và Arpita là thợ làm giầy của tôi. Nhưng Arpita, bạn được ban phúc vì bạn nhắc tôi về Boehme, một trong những người Đức tuyệt nhất. Ông ấy tuyệt đối nghèo. Có vẻ như người ta phải nghèo để trở nên trí huệ; cho đến bây giờ trường hợp đã là vậy. Nhưng không phải sau tôi. Sau tôi bạn phải trở nên giàu có để trở nên chứng ngộ. Hãy để tôi nhắc lại: bạn phải trở nên giàu có để trở nên chứng ngộ.
Jesus nói người giàu sẽ không được vào vương quốc Thượng đế của ông ấy. Ông ấy nói theo lối cũ. Tôi nhấn mạnh rằng, chỉ có người giàu nhất sẽ vào vương quốc của Thượng đế. Và nên nhớ, điều tôi đang nói cũng tương tự như Jesus đã nói, nó không đối nghịch. Người ‘nghèo’ theo cách dùng từ của Jesus và người ‘giàu’ theo cách của tôi có nghĩa chính xác như nhau. Ông ấy gọi người nghèo là người đã mất chính mình, bản ngã mình, và đó là người tôi gọi là giàu. Bạn càng vô ngã thì bạn càng giàu. Nhưng trong quá khứ, một người như Boehme sinh ra trong một gia đình giàu có là hiện tượng rất hiếm hoi, đặc biệt là ở phương Tây.
Ở phương Đông không như vậy. Phật là hoàng tử, Mahavira là hoàng tử; hai mươi bốn vị tirthankara của Jain đều là vua. Krishna là vua, Rama là vua. Tất cả đều giàu có, vô cùng giàu. Điều đó có ý nghĩa nào đó; ý nghĩa là tôi đang nói về sự giàu có. Một người là giàu khi bản ngã người đó không còn. Khi người đó không còn thì người đó tồn tại.
Boehem nói một vài điều, chỉ vài điều. Ông ấy không thể nói nhiều điều, cho nên đừng sợ hãi. Một điều tôi muốn nói đến là: trái tim là ngôi đền của Thượng đế. Đúng, Boehme, đó là trái tim chứ không phải cái đầu.
Thứ tư: Một người đàn ông, Idries Shah. Tôi sẽ không nói đến bất kỳ cuốn sách nào của ông bởi vì tất cả chúng đều tuyệt đẹp. Tôi đã nhận xét từng cuốn sách của người người đàn ông này.
Đừng sợ, tôi vẫn còn điên. Không gì có thể làm cho tôi lành mạnh. Nhưng một cuốn sách của Idries Shah vượt hẳn lên tất cả những cuốn khác. Tất cả chúng đều đẹp, tôi muốn nhắc đến tất cả chúng, nhưng cuốn THE SUFIS (NHỮNG VỊ SUFI) là viên kim cương. Giá trị mà ông ấy đã thực hiện trong cuốn sách NHỮNG VỊ SUFI là không thể đo lường.
Đừng ngắt lời, đây sẽ là điều tuyệt vời.
Với tôi, nói là điều quá dễ dàng. Tôi có thể nói ngay cả trong lúc ngủ, và lại rất có lý nữa. Tuyệt. Bất kỳ khi nào tôi nhận ra một cái gì đó giống như thế này tôi luôn đánh giá cao nó. Và đây là điều tuyệt vời – đây là điều mà bạn sẽ hiểu nếu bạn có thể hiểu cuốn sách NHỮNG VỊ SUFI của Idries Shah. Ông ấy là người đã giới thiệu Mulla Nasriddin với phương Tây, và ông đã thực hiện một việc không thể tin. Ông ấy không thể được đền đáp lại. Phương Tây phải mãi mãi đội ơn ông. Idries Shah đã làm cho những giai thoại ngắn về Nasruddin đẹp hơn. Người đàn ông này không chỉ có khả năng dịch chính xác những chuyện ngụ ngôn, mà còn làm cho chúng thêm đẹp, cảm động và sắc nét hơn. Tôi tính tất cả những cuốn sách của ông.
Con số của tôi có đúng không?
“Dạ đúng, thưa Osho.”
Thứ năm, tôi sẽ tính một người đàn ông khác, Alan Watts, cùng tất cả những cuốn sách của ông. Tôi vô cùng yêu con người này. Tôi yêu Phật vì những lý do khác; tôi yêu Solomon vì lý do khác. Họ là những người chứng ngộ, Alan Watts thì không. Ông ấy là người Mỹ… không sinh ra ở Mỹ, đó là hy vọng duy nhất của ông; ông đã định cư ở đó. Nhưng ông đã viết những cuốn sách vô cùng giá trị. THE WAY OF ZEN (CON ĐƯỜNG CỦA ZEN) nên được tính đến như là một trong những cuốn quan trọng nhất; THIS IS IT (NÓ LÀ THẾ ĐÓ) là một tuyệt tác về vẻ đẹp và sự hiểu biết – và lại là của một người đàn ông còn chưa chứng ngộ. Do vậy mà nó được đánh giá cao.
Khi bạn chứng ngộ, dù bạn nói gì thì cũng đều đẹp; nó phải như vậy. Nhưng khi bạn chưa chứng ngộ và còn mò mẫm trong bóng tối, và bạn tìm ra một cửa sổ nhỏ ánh sáng, điều đó cũng quá tuyệt, như mơ. Alan Watts là người say, nhưng ông đã rất gần.
Có một lần ông được phong chức tu sĩ Cơ đốc – thật không may! – nhưng ông đã từ chối. Rất ít người có đủ dũng khí để từ chối chức tu sĩ, bởi vì chức vị đó được hưởng rất nhiều thứ từ xã hội. Ông đã từ chối tất cả và trở thành gần như kẻ sống lang thang. Một kẻ sống lang thang! – điều đó gợi nhớ lại Bồ Đề Đạt Ma, Basho, hoặc Rinzai. Alan Watts không thể mãi không trở thành một vị phật. Ông ấy chết trước đó từ lâu; tới lúc đó, ông ấy chắc đã rời trường học… chắc sẵn sàng đến với tôi! Tôi đang chờ đợi tất cả những người đó. Alan Watts là một trong số họ – tôi đang chờ đợi ông ấy.
Thứ sáu… bây giờ, dù sao tôi cũng đã nhắc đến cái tên Rinzai. Cuốn thứ sáu là tác phẩm của ông, SAYINGS (NHỮNG PHÁT BIỂU), tuyển tập những bài nói của ông. Con số của tôi có đúng không?
“Đúng, thưa Osho.”
Điều đó là tốt. Bạn đã thì thầm một cái gì đó với Ashu, cho nên tôi đã ngạc nhiên. Xin lỗi vì đã can thiệp vào bạn. Bạn đang rất tập trung để ghi chép.
Rinzai… tên Trung Quốc của ông là Lin Chi; trong tiếng Nhật Bản là Rinzai. Tôi chọn tên Nhật, Rinzai. Rinzai đẹp hơn, thẩm mỹ hơn.
NHỮNG PHÁT BIỂU của Rinzai là một thùng thuốc nổ. Ví dụ ông ấy nói: bạn là kẻ ngốc, bạn là người theo Phật, từ bỏ với ông ấy! Nếu bạn không từ bỏ với ông ấy, bạn sẽ không nhận ra Người. Rinzai yêu Phật, chính vì vậy mà ông ấy đã nói điều này: trước khi bạn sử dụng tên Phật Gautam, nên nhớ rằng tên đó không phải là thực tại. Vị phật bên ngoài, trong chùa, không phải là phật thực. Vị đó ở bên trong bạn… bạn hoàn toàn không nhận biết về vị đó, bạn chưa bao giờ nghe về vị đó. Đó là vị phật thực sự. Hãy rũ bỏ vị phật bên ngoài để bạn có thể có được vị phật bên trong. Rinzai nói: không có học thuyết, không có thuyết giảng, không Phật. Và nên nhớ, ông ấy không phải là kẻ thù của Phật mà là người theo, là môn đệ.
Rinzai là người đã mang bông hoa Zen từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Ông ấy đã truyền tinh thần của Zen vào ngôn ngữ Nhật, và không chỉ cho ngôn ngữ mà cả cho văn hóa, để chuẩn bị cho sự nở hoa, cho thơ ca, cho sự làm vườn và những điều bình thường. Một người, chỉ một người đàn ông thôi, đã làm chuyển hóa toàn bộ cuộc sống của một đất nước.
Thứ bảy: Thứ bảy không phải là người chứng ngộ như Rinzai, mà rất gần với chứng ngộ. Hazrat Inayat Khan, là người đã giới thiệu truyền thống Sufi với phương Tây. Ông ấy không viết cuốn sách nào, nhưng tất cả những bài thuyết giảng của ông đã được tuyển tập thành hai mươi tập. Chúng đẹp, chỗ này chỗ kia. Hãy tha thứ cho tôi, tôi không thể nói chúng hoàn toàn đẹp, mà chỗ này chỗ kia, tình cờ, đặc biệt là khi ông ấy đang nói về câu chuyện Sufi, lúc đó ông thật đẹp.
Ông ấy cũng là nhạc sĩ nữa; về khía cạnh này thì ông là nhà soạn nhạc đại tài. Ông ấy không phải là Bậc Thầy trong thế giới tâm linh, nhưng trong thế giới âm nhạc thì chắc chắn ông là bậc thầy. Tình cờ ông đã bay đến tâm linh, ông đã vượt lên những đám mây… tất nhiên, để rồi ngã uỵch. Chắc ông ấy đã chịu đựng vì… Devaraj, bạn gọi là gì? Gẫy vụn? Có lẽ gẫy vụn là từ đúng.
Thứ tám: Người con trai của Hazrat Inayat Khan. Tên của ông ấy nổi tiếng trong giới những người tìm kiếm ở phương Tây: Hazrat Vilayat Ali Khan. Ông là một người đàn ông đẹp. Ông vẫn còn đang sống. Người cha đã chết, Vilayat còn sống, và khi tôi nói còn sống, tôi thực sự muốn nói – không chỉ thở… tất nhiên là còn thở, nhưng không chỉ thở. Vì thế, tất cả những cuốn sách của ông đều được tính. Vilayat Ali Khan cũng là nhạc sĩ, như cha ông, chỉ khác là phẩm chất cao hơn, có độ sâu hơn. Ông ấy sâu sắc hơn… và – lắng nghe khoảng tạm dừng này – cũng tĩnh lặng hơn.
Thứ chín: Tôi cũng muốn đếm cuốn sách khác của Kahlil Gibran: JESUS, THE SON OF MAN (JESUS, CON TRAI CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG). Đó là một trong những cuốn sách gần như không được thừa nhận. Người Cơ đốc không thừa nhận nó bởi vì nó gọi Jesus là con trai của một người đàn ông. Họ không chỉ không thừa nhận nó mà họ còn lên án nó. Và tất nhiên, ai quan tâm đến Jesus? Nếu chính người Cơ đốc đang lên án mình thì không ai còn quan tâm về điều đó.
Kahlil Gibran là người Syri, rất gần với Jerusalem. Thực tế, trong những vùng đồi núi Syri, nhiều người – ít nhất là một số người – vẫn nói tiếng Aramaic, ngôn ngữ của Jesus. Giữa những đỉnh cao đó – tới những cây tuyết tùng, bất kỳ ai, thậm chí là một kẻ ngốc, cũng buộc phải ngạc nhiên, bối rối. Kahlil Gibran ra đời ở Syri, trong rừng cây tuyết tùng cao vút tới những vì sao. Ông ấy đến rất gần với sự hiện diện con người thực Jesus – gần hơn so với cái gọi là bốn môn đệ đã viết sách phúc âm. Họ còn tầm phào hơn sách phúc âm. Kahlil gần hơn, nhưng người Cơ đốc lại rất tức giận bởi vì ông ấy gọi Jesus là con trai của một người đàn ông. Tôi yêu cuốn sách đó.
Cuốn sách thuật lại những câu chuyện khác nhau về Jesus của mọi người: người lao động, nông dân, ngư dân, nhân viên thu thuế – đàn ông, đàn bà, tất cả. Dường như Kahlil Gibran đang hỏi nhiều người về Jesus – Jesus thực, chứ không phải Jesus Cơ đốc; Jesus thực, bằng xương bằng thịt… và những câu chuyện đó thật đẹp. Mỗi câu chuyện cần được thiền về. JESUS, CON TRAI CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG là sự lựa chọn thứ chín của tôi hôm nay.
Thứ mười: Một cuốn sách khác của Kahlil Gibran, THE MADMAN (KẺ ĐIÊN). Tôi không thể bỏ nó, mặc dù tôi thừa nhận tôi muốn điều đó. Tôi muốn bỏ nó lại bởi vì tôi là kẻ điên đó, người mà ông ấy đang nói đến. Nhưng tôi không thể để nó lại. Ông ấy nói một cách vô cùng ý nghĩa, vô cùng đích thực về chính cốt lõi sâu thẳm của người điên. Và người điên này không phải là người điên bình thường, mà là vị Phật, vị Rinzai, vị Kabir nào đó. Tôi ngạc nhiên – tôi đã luôn ngạc nhiên – làm sao mà Kahlil Gibran lại có thể làm được điều đó. Chính ông không phải là người điên, chính ông không phải là người chứng ngộ. Ông ấy ra đời ở Syri, nhưng thật không may lại sống ở Mỹ.
Nhưng có những sự ngạc nhiên và những điều kỳ diệu, những câu hỏi mà không có những câu trả lời. Làm sao ông ấy có thể? Có lẽ ông ấy không tự… có lẽ một cái gì đó – các vị Sufi gọi là Khird, và các nhà Thần trí gọi là K.H, Koothumi – chắc đã chiếm lĩnh ông. Ông ấy bị chiếm lĩnh, nhưng không thường xuyên. Khi ông ấy không viết, ông là người rất bình thường, thực tế còn bình thường hơn những người được gọi là bình thường: rất ghen tỵ, giận dữ, muốn chiếm lấy mọi thứ. Nhưng tình cờ ông ấy bị chiếm lĩnh, chiếm lĩnh từ bên trên, và thế rồi có một cái gì đó bắt đầu tuôn chảy thông qua ông… những bức họa, thơ ca, những câu nguyện ngụ ngôn.
Xem tiếp Chương 10 - Quay về Mục lục