Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 10

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 10
1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregon, USA


Chà, tôi đã nói bao nhiêu cuốn sách trong phần tái bút – bốn mươi?
“Tôi nghĩ, ba mươi, thưa Osho.”
Ba mươi? Tuyệt. Một sự thư giãn tuyệt vời, bởi vì vẫn còn rất nhiều cuốn đang chờ. Bạn có thể hiểu sự thư giãn của tôi chỉ nếu bạn phải chọn một trong hàng nghìn cuốn, và đó là điều chính xác tôi đang làm. Phần tái bút vẫn tiếp tục.
Cuốn sách đầu tiên, BEING AND NOTHINGNESS (tạm dịch: BẢN THỂ VÀ CÁI KHÔNG) của Jean-Paul Sartre. Đầu tiên tôi phải nói tôi không thích người đàn ông đó. Tôi không thích ông ấy bởi vì ông là kẻ trí thức hợm hĩnh. Ông ấy là một trong những người hợm hĩnh nhất của thế kỷ này. Tôi gọi ông ấy là hợm hĩnh bởi vì ông đã trở thành người đứng đầu của thuyết hiện sinh mà không bao giờ biết trở nên hiện sinh có nghĩa là gì. Nhưng cuốn sách thì tốt – không phải cho những môn đệ của tôi mà cho những người đã có một chút gàn dở, chỉ một chút. Nó là cuốn sách không thể đọc.
Nếu bạn có một chút gàn dở thì cuốn sách sẽ mang bạn đến với các cảm giác của mình – chữa bệnh. Devaraj, ghi lại: chữa bệnh. Nó nên được kê đơn trong mọi nhà thương điên. Mỗi người điên nên bị ép đọc nó, nghiên cứu nó. Nếu nó không thể làm cho bạn trở nên lành mạnh thì không gì là có thể. Nhưng chỉ với mức độ gàn dở đầu tiên, như các nhà triết học, các vị giáo sư, các nhà toán học, các nhà khoa học – nhưng chỉ ở mức độ đầu tiên, không phải là những người điên nặng.
Thuyết hiện sinh mà Jean-Paul Sartre là đại diện chỉ là trò hề. Không biết gì về thiền mà ông ấy lại nói về ‘bản thể’, về cái ‘không’. Chao ôi, chúng là hai: bản thể và cái không; chính vì vậy mà Phật đã gọi bản thể là anatta – không cái tôi. Phật Gautam là người duy nhất trong lịch sử gọi cái tôi là ‘không-cái tôi’. Tôi yêu Phật vì hàng nghìn lẻ một lý do; đây là một trong những lý do đó. Tôi không thể tính một nghìn vì không có thời gian. Có lẽ vào một ngày tôi sẽ nói về một nghìn lý do đó…
Nhưng tôi không thích Jean-Paul Sartre – chỉ không thích, chứ không ghét, bởi vì ghét là từ nặng nề; tôi để dành nó cho cuốn thứ hai. Jean-Paul Sartre không biết gì về bản thể, nhưng lại đã tạo ra một biệt ngữ, biệt ngữ triết học, những bài thể dục trí tuệ. Và đó thực sự là những bài thể dục. Nếu bạn có thể đọc mười trang BẢN THỂ VÀ CÁI KHÔNG, hoặc là bạn sẽ trở nên lành mạnh, hoặc là tâm thần. Nhưng đọc mười trang là một việc khó. Khi tôi là giáo sư, tôi đã đưa nó cho các sinh viên của tôi, nhưng không ai từng đọc hết nó. Thậm chí không có ai đọc hết mười trang – một trang cũng là quá nhiều; thực tế một câu cũng là quá nhiều. Bạn không thể đọc bất kỳ đoạn đầu nào hay đoạn cuối. Và có một nghìn trang hay nhiều hơn. Đó là một cuốn sách dày.
Tôi nhớ đến nó trong phần tái bút của mình bởi vì, mặc dù tôi không thích người đàn ông đó, có thể tôi cũng không thích triết học của ông… đúng, tôi sẽ gọi nó là triết học, mặc dù ông ấy muốn nó được gọi là phản triết học. Tôi không thể gọi nó là phản triết học vì lý do đơn giản là mọi phản triết học cuối cùng đều chứng tỏ chỉ là triết học khác. Bản thể không là triết học hoặc không là phản-triết học. Nó là vậy.
Tôi tính cuốn sách bởi vì ông ấy đã thực hiện một việc phi thường. Đó là một trong những cuốn sách đồ sộ nhất từng được viết, rất kỹ năng, rất logic. Và người đàn ông đó chỉ là người bình thường, một người cộng sản, bởi vì ông ấy sẽ biết rằng sự bình đẳng là điều không thể. Bất bình đẳng là cách để mọi thứ tồn tại. Không có gì là bình đẳng và không gì có thể từng là bình đẳng. Sự bình đẳng chỉ là giấc mơ, giấc mơ của những kẻ ngốc. Tồn tại là bất bình đẳng đa chiều, đa phương diện.
Thứ hai: Tôi sẽ chờ… mực của Devageet đã hết. Bút tự phun của bạn làm sao vậy! Chúa ơi, có vẻ như nó phải thuộc về Adam và Eve! Tiếng ồn của nó mới ghê làm sao! Nhưng người ta không thể hy vọng điều gì khác trong con thuyền Nô-ê này.
Thứ hai – vì tiếng ồn đã hết – cuốn thứ hai là của Martin Heidegger, TIME AND BEING (THỜI GIAN VÀ TỔN TẠI). Tôi ghét người đàn ông này. Ông ta không chỉ là cộng sản mà còn là phát xít, một người theo Adolf Hitler. Tôi không thể tin những gì người Đức có thể thực hiện! Ông ấy là người rất tài năng, một thiên tài, và còn là người ủng hộ cho kẻ đần độn lạc hậu Adolf Hitler. Tôi đơn giản là ngạc nhiên. Nhưng cuốn sách thì tốt – không phải cho các môn đệ của tôi mà cho những người tiên tiến về sự điên khùng. Nếu bạn thực sự tiên tiến về sự điên khùng thì hãy đọc THỜI GIAN VÀ TỒN TẠI. Nó tuyệt đối không thể hiểu. Nó sẽ đánh bạn như đập nhát búa lên đầu. Nhưng trong nó cũng có vài sự thoáng qua tuyệt đẹp. Đúng, khi ai đó gõ búa lên đầu bạn thì thậm chí ban ngày bạn cũng nhìn thấy những ngôi sao. Đây là cuốn sách giống như vậy: có một vài ngôi sao trong nó.
Cuốn sách chưa hoàn thiện. Martin Heidegger hứa sẽ cho ra phần hai. Ông ấy vẫn hứa đi hứa lại suốt cuộc đời mình, nhưng chưa bao giờ cho ra phần hai, đội ơn Chúa! Tôi nghĩ chính ông cũng không thể hiểu mình đã viết gì, cho nên làm sao tiếp tục được? Làm sao cho ra phần hai? Và phần hai sẽ là tột đỉnh triết học của ông ấy. Tốt hơn là đừng cho nó ra đời, và đừng trở thành trò cười. Ông ấy qua đời mà chưa có phần hai. Thậm chí phần một cũng tốt cho những người tiên tiến về sự điên khùng – và có rất nhiều người điên; chính vì vậy mà tôi đang nói về những cuốn sách đó và bổ sung nó vào danh sách của tôi.
Thứ ba: Đây là cuốn sách cho những người lão luyện về sự điên khùng, những người đã vượt lên mọi tâm thần học, phân tâm học, những người không thể cứu được nữa. Cuốn thứ ba lại là của một người Đức, Ludwig Wittgenstein. Nghe tiêu đề của nó xem: TRACTATUS LOGICO PHILOSOPHICUS. Chúng ta sẽ chỉ gọi nó là TRACTATUS. Nó là một trong những cuốn sách khó nhất trong tồn tại. Ngay cả một người như G.E.Moore, một nhà triết học Anh vĩ đại, và Bertrand Russell, một nhà triết học vĩ đại khác – không chỉ ở nước Anh mà là nhà triết học của thế giới – cả hai đều đồng ý rằng người đàn ông Wittgenstein này còn siêu đẳng hơn họ nhiều.
Ludwig Wittgenstein thực sự là một người đàn ông đáng yêu. Tôi không ghét ông ấy, nhưng tôi cũng không phải không thích ông. Tôi thích ông và tôi yêu ông, nhưng không phải sách của ông. Sách của ông chỉ là những bài tập thể dục. Chỉ tình cờ sau nhiều trang bạn mới thấy một câu rõ ràng. Ví dụ: những gì không thể nói thì không nên nói; con người nên im lặng về nó. Bây giờ đây là câu nói hay. Ngay cả các vị thánh, các nhà huyền môn, các nhà thơ cũng có thể học được nhiều từ câu này. Những gì không thể được nói thì không được nói về.
Wittgenstein viết theo lối toán học, những câu ngắn, thậm chí không phải là những đoạn văn – những câu kinh. Nhưng với người rất tiên tiến trong điên khùng thì cuốn sách này có thể vô cùng có ích. Nó có thể đánh chính xác vào linh hồn bạn, chứ không phải vào đầu. Giống như chiếc đinh có thể xuyên vào chính bản thể của anh ta. Điều đó có thể thức tỉnh anh ta khỏi cơn ác mộng.
Ludwig Wittgenstein là người đàn ông đáng yêu. Ông ấy được đề nghị một trong những chiếc ghế hy vọng nhất của triết học tại Oxford. Ông đã từ chối. Chính vì vậy mà tôi yêu ông. Ông ấy đã trở thành người nông dân và ngư dân. Đây là điều đáng yêu trong con người. Điều này còn hiện sinh hơn Jean-Pual Sartre, mặc dù Wittgenstein chưa bao giờ nói về thuyết hiện sinh. Dù sao thì cũng không thể nói về thuyết hiện sinh; bạn phải sống nó, không có cách nào khác.
Cuốn sách này được viết khi Wittgenstein đang nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của G.E.Moore và Bertrand Russell. Hai nhà triết học Anh vĩ đại và một người Đức… điều đó cũng đủ tạo ra TRACTATUS LOGOCO PHILOSOPHICUS. Dịch nó ra có nghĩa là Wittgenstein, Moore và Russell. Tôi, hoặc phía tôi, muốn nhìn thấy, thà Wittgenstein ngồi dưới chân của Gurdjieff  còn hơn là nghiên cứu với Moore và Russell. Đó là nơi phù hợp cho ông, nhưng ông đã lỡ. Có lẽ lần sau, ý tôi nói là kiếp sau… với ông, không phải với tôi. Với tôi thì thế này là đủ, là cuộc đời cuối cùng. Nhưng với ông ấy, ít nhất một lần ông cần ở trong cộng đồng của người như Gurdjieff hoặc Trang Tử hoặc Bồ Đề Đạt Ma – nhưng không phải Moore, Russell, Whitehead. Ông ấy liên hệ với những người đó, những người sai. Một người đúng trong cộng đồng những người sai, điều đó hủy hoại ông.
Kinh nghiệm của tôi là, trong cộng đồng đúng, thậm chí người sai cũng trở thành đúng, và ngược lại: trong cộng đồng sai, thậm chí người đúng cũng trở thành sai. Nhưng điều này chỉ áp dụng cho những người chưa chứng ngộ, cả hai, đúng hoặc sai. Người chứng ngộ không thể bị ảnh hưởng. Người đó có thể liên hệ với bất kỳ ai – Jesus với Magdalena, một cô gái điếm; Phật với kẻ giết người, một kẻ giết người đã sát hại chín trăm chín mươi chín người. Gã ta đã thề giết một nghìn người, và sẽ giết Phật; đó là lý do gã ta liên hệ với Phật.
Tên của kẻ giết người là vô danh. Cái tên mà mọi người đặt cho gã ta là Angulimala, có nghĩa là ‘người đàn ông đeo vòng những ngón tay’. Đó là cách của gã. Gã ta sẽ giết người, cắt đứt những ngón tay và gắn chúng vào chiếc vòng của mình, chỉ để đếm số người mà gã ta đã giết hại. Chỉ còn thiếu mười ngón tay nữa là thành một nghìn; nói cách khác chỉ cần một người nữa… Thế rồi Phật xuất hiện. Người đang du hành từ làng này tới làng khác. Angulimana hét lên, “Dừng lại!”
Phật nói, “Tuyệt. Đó là điều tôi đã nói với mọi người: dừng lại! Nhưng bạn của tôi, ai nghe?”
Angulimala nhìn kinh ngạc: người đàn ông này bị điên chăng? Và Phật tiếp tục bước tới Angulimana. Angulimana lại hét lên, “Dừng lại! Có vẻ như ông không biết ta là kẻ giết người, và ta đã thề giết một nghìn người. Ngay cả mẹ ta cũng đã không nhìn ta. Bởi vì chỉ còn thiếu một người… ta sẽ giết ông… nhưng ông nhìn quá đẹp đến mức nếu ta dừng và quay trở lại, có thể ta sẽ không giết ông.”
Phật nói, “Hãy quên điều đó đi. Trong cuộc đời mình tôi chưa bao giờ quay lại, liên quan đến việc dừng thì tôi đã dừng từ bốn mươi năm trước; kẻ từ đó không có ai còn lại để di chuyển. Và liên quan đến việc giết tôi, ông có thể thực hiện điều đó ngay. Mọi thứ sinh ra đều sẽ chết.”
Angulimana nhìn thấy người đàn đó, quỳ xuống chân người đó và đã được chuyển hóa. Angulimana không thể thay đổi Phật, Phật đã chuyển hóa Angulimana. Ả điếm Magdalena không thể thay đổi Jesus, nhưng Jesus đã chuyển hóa người đàn bà đó.
Cho nên, điều tôi nói chỉ có thể áp dụng cho cái gọi là nhân loại bình thường, điều đó không thể áp dụng cho những người thức tỉnh. Wittgenstein có thể trở nên thức tỉnh; ông ấy có thể trở nên thức tỉnh thậm chí trong cuộc đời này. Than ôi, ông ấy đã liên hệ với cộng đồng sai. Nhưng cuốn sách của ông có thể là sự trợ giúp lớn lao cho những người thực sự ở mức độ điên khùng thứ ba. Nếu họ có thể có bất kỳ cảm giác nào từ nó, họ sẽ trở lại lành mạnh.
Thứ tư: Trước khi tôi có thể thốt ra cái tên của người thứ tư, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn tồn tại… bây giờ tôi sẽ nói về một người đàn ông đã vượt lên những con số, Vimalkirti. Tên của cuốn sách là NIRDESH SUTRA (KINH NIRDESH). Vimalkirti của chúng ta không chỉ là Vimalkirti; thực tế tôi đã đặt tên cho ông vì Vimalkirti này mà tôi sẽ nói với bạn về ông ấy. Những phát biểu của ông được gọi là VIMALKIRTI NIRDESH SUTRA (KINH VIMALKIRTI NIRDESH). KINH NIRDESH có nghĩa là ‘những nguyên tắc hướng dẫn.’
Vimalkirti là một trong những người đàn ông kỳ diệu nhất; ngay cả Phật cũng phải ghen tỵ với người đàn ông này. Ông ấy là môn đệ của Phật, nhưng chưa bao giờ trở thành người môn đệ một cách chính thức, về bên ngoài ông ấy chưa bao giờ được Phật khai tâm. Và ông là một người đàn ông quá ghê gớm đến mức tất cả những môn đệ của Phật cũng sợ ông. Họ không bao giờ muốn ông ấy trở thành môn đệ. Nhìn thấy ông trên đường, hoặc gặp ông cũng đủ để ông ấy nói một cái gì đó gây sốc. Gây sốc là phương pháp của ông. Gurdjieff hẳn cũng yêu ông – hoặc ai biết, ngay cả Gurdjieff cũng có thể đã bị sốc. Một người đàn ông thực sự khủng khiếp, người đàn ông đích thực.
Người ta nói ông ấy bị ốm và Phật đã yêu cầu Sariputta đến thăm ông xem sức khỏe của ông ra sao. Sariputta nói, “Tôi chưa bao giờ nói không với thầy, nhưng lần này thì tôi nói, và tôi nhấn mạnh: không! Tôi không muốn đi. Thầy hãy cử người khác. Người đàn ông đó thực sự khủng khiếp. Ngay cả khi trên giường hấp hối ông ta cũng sẽ gây ra rắc rối cho tôi. Tôi không muốn đi.”
Phật yêu cầu mọi người và không ai sẵn sàng đi ngoại trừ một người, Manjushree, người môn đệ đầu tiên của Phật trở nên chứng ngộ. Ông ấy đã đi, và đó là cách mà cuốn sách này được hình thành. Đó là cuộc hội thoại. Vimalkirti nguyên thủy đang hấp hối trên giường, và Manjushree đang hỏi ông những câu hỏi, hoặc đúng hơn là đang trả lời những câu hỏi của mình. Đó là cách mà KINH VIMALKIRTI NIRDESH ra đời – một tác phẩm thực sự vĩ đại.
Có vẻ không có ai bận tâm về điều đó, bởi vì đó không phải là cuốn sách của bất kỳ tôn giáo cụ thể nào. Thậm chí nó cũng không phải là cuốn sách Phật giáo, bởi vì ông ấy chưa bao giờ là môn đệ chính thức của Phật. Mọi người quá tôn trọng vào hình thức mà quên mất tinh thần. Tôi giới thiệu cuốn sách cho tất cả những người tìm kiếm thực sự. Họ sẽ tìm thấy suối nguồn trong những viên kim cương.
Thứ năm, tôi muốn mang J.Krishnamurti trở lại với sự chú ý của bạn. Tên của cuốn sách là COMMENTARIES ON LIVING (NHỮNG LỜI BÌNH VỀ CUỘC SỐNG). Nó có nhiều tập. Nó được hình thành bởi cùng chất liệu mà những ngôi sao cấu thành.
NHỮNG LỜI BÌNH VỀ CUỘC SỐNG là nhật ký của ông. Tình cờ ông viết một cái gì đó trong nhật ký của mình… hoàng hôn đẹp, cây cổ thụ hoặc buổi tối… những chú chim bay về tổ… bất kỳ thứ gì… dòng sông đang đổ ra đại dương… bất kỳ điều gì ông cảm nhận, đôi khi ông ghi chép lại. Đó là cách cuốn sách ra đời. Nó không được viết một cách hệ thống, nó là nhật ký. Chỉ cần đọc nó cũng đủ để mang bạn tới thế giới khác – thế giới của vẻ đẹp, hoặc hơn nữa là phúc lành. Bạn có nhìn thấy những giọt nước mắt tôi?
Một lần nào đó, dù tôi không đọc nhưng chỉ nhắc đến cuốn sách này thôi cũng đủ để tôi rơi lệ. Tôi yêu cuốn sách đó. Đó là một trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất đã từng được viết. Tôi đã nói trước đây rằng cuốn TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG của Krishnamurti là cuốn sách tốt nhất của ông, là cuốn mà ông đã không thể vượt lên – tất nhiên không như là một cuốn sách, bởi vì NHỮNG LỜI BÌNH chỉ là nhật ký, thực sự không phải là cuốn sách, nhưng như tất cả, tôi vẫn tính đến nó.
Thứ sáu… con số của tôi có đúng không?
 “Đúng, thưa Osho.”
Chỉ cần nghe “đúng, thưa Osho” cũng là quá tốt rồi, như là một sự nuôi dưỡng, một sự tiếp sức. Tôi không thể đủ để cám ơn về điều đó. Và tôi có hàng nghìn sannyasin trên khắp thế giới đang ca “đúng, thưa Osho, đúng!” Tôi phải coi mình là người đàn ông may mắn nhất từng có mặt trên trái đất, hoặc bất kỳ hành tinh nào.
Thứ sáu… cuốn thứ sáu lại được gọi là COMMENTARIES (NHỮNG LỜI BÌNH), một tác phẩm lớn gồm năm tập của Maurice Nicoll. Nên nhớ, tôi luôn phát âm tên ông là Morris Nickoal. Mới tối nay tôi đã hỏi Gudia xem phát âm tiếng Anh phù hợp, chính xác, thực sự là gì – bởi vì ông ấy là người Anh. Cô ấy nói, “Nickle.’
Tôi nói, “Chúa ơi! Cả đời mình tôi đã gọi ông ấy là Nickaol, chỉ vì đánh vần: N-i-c-o-l-l. Tôi tự hỏi làm sao nó có thể phát âm là Nickle. Nickoal có vẻ là phát âm đúng. Nhưng đúng hay sai, nếu Gudia nói như vậy – cô ấy là một người tiếng Anh chuẩn – thì tôi sẽ nói được thôi. Tôi sẽ gọi ông ấy là Morris Nickle… và NHỮNG LỜI BÌNH của ông.
Nicoll là môn đệ của Gurdjieff, và không giống như Ouspensky, ông ấy chưa bao giờ phản bội, ông ấy không phải là Judas. Một người môn đệ thực sự cho tới hơi thở cuối cùng và còn hơn thế nữa. NHỮNG LỜI BÌNH của Nicoll rất đồ sộ – tôi không nghĩ có bất kỳ ai đọc chúng – hàng nghìn và hàng nghìn trang. Nhưng nếu người nào gặp rắc rối thì người đó sẽ được lợi rất nhiều. Theo quan điểm của tôi NHỮNG LỜI BÌNH của Nicoll nên được coi là một trong những cuốn sách hay nhất thế giới.
Thứ bảy: Lại là cuốn sách của một môn đệ khác của Gurdjieff, Hartmann. Cuốn sách OUR LIFE WITH GURDJIEFF (CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TÔI VỚI GURDJIEFF). Hartmann – tôi không biết phát âm chính xác… bởi vì tôi nghe thấy tiếng rúc rích đâu đó. Nhưng đừng bận tâm về cách phát âm. Hartmann và vợ ông đều là môn đệ của Gurdjieff. Hartmann là nhạc công và đệm nhạc cho những điệu vũ của Gurdjieff. Gurdjieff sử dụng nhảy múa như là thiền, không chỉ cho các môn đệ mà còn cho những người xem các môn đệ đang nhảy múa.
Ở New York, khi lần đầu tiên ông ấy trình diễn, Hartmann chơi piano, các môn đệ nhảy múa, và thời điểm khi Gurdjieff hét lên “Dừng!” – đó là bài tập dừng. Không phải cho bạn đâu Devageet, bạn phải liên tục viết. Khi Gurdjieff hét lên “Dừng!” các vũ công thực sự dừng, ở giữa điệu vũ! Họ đang ở bên mép sàn diễn. Tất cả họ đều ngã chồng lên nhau trên sàn, và không có ai nhúc nhích! Khán giả đã kinh hoàng. Họ không thể tin rằng mọi người lại có thể quá tuân lệnh như vậy. Hartmann đã viết cuốn sách CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TÔI VỚI GURDJIEFF và lời giới thiệu tuyệt hay của một môn đệ. Nó sẽ rất hữu ích cho bất kỳ ai đang trên con đường.
Số mấy rồi?
“Đó là số bảy thưa Osho.”
Tốt, các bạn đang nghe.
Thứ tám… bạn có nhìn thấy cách tôi nói không? Và bạn có nhìn thấy rằng khi tôi cố chọc tức bạn thì đó chỉ là giảng cho bạn một cái gì đó mà có thể bạn không nhận ra ngay bây giờ không? Nhưng vào một ngày nào đó bạn sẽ cảm nhận lòng biết ơn.
Thứ bảy… đúng không?
“Số tám, thưa Osho.”
Được điều chỉnh bởi môn đệ là điều quá tốt, vô cùng tốt. Bậc thầy luôn cảm thấy được ban phúc nếu môn đệ điều chỉnh cho ông ấy. Và đó chỉ là câu hỏi về con số. Khi tôi đang cố chỉnh sửa tất cả các bạn, ít nhất tôi có thể cho phép bạn có một chút khoái trá liên quan đến những con số. Cho nên bây giờ là số mấy?
“Số tám, thưa Osho.”
Tốt. Đôi khi tôi muốn cười… Thứ tám? Tốt.
Cuốn sách thứ tám mà tôi sẽ nói được viết bởi Ramanuja, một nhà huyền môn Hindu. Nó được gọi là SHREE PASHA. Nó là bình luận về KINH BRAHMAN. Có nhiều bình luận về KINH BRAHMAN – tôi đã nói về KINH BRAHMAN của Badrayana. Ramanuja bình luận về ông ấy theo cách duy nhất.
Cuốn sách gốc rất khô khan, như sa mạc. Tất nhiên sa mạc cũng có vẻ đẹp và sự thật của nó, nhưng trong cuốn SHREE PASHA, Ramanuja lại biến nó thành khu vườn, mảnh đất màu. Ông ấy biến nó thành vị ngọt. Tôi yêu cuốn sách Ramanuja viết. Tôi không thích Ramanuja bởi vì ông ấy là người theo chủ nghĩa truyền thống. Tôi ghét những người theo chủ nghĩa truyền thống, người chính thống, tôi nói điều đó từ ruột gan mình. Tôi coi họ là những người cuồng tín – nhưng tôi có thể làm gì, cuốn sách thật tuyệt; tình cờ người cuồng tín có thể làm một cái gì đó đẹp. Cho nên hãy tha thứ cho tôi vì tính đến nó.
Thứ chín. Tôi đã luôn yêu những cuốn sách của P.D. Ouspensky, mặc dù tôi chưa bao giờ yêu con người ông. Ông ấy nhìn giống như một vị hiệu trưởng, chứ không giống Bậc Thầy, và liệu bạn có thể yêu vị hiệu trưởng được không? Tôi đã thử khi tôi còn đi học và đã thất bại; ở trường cao đẳng, tôi đã thất bại; ở trường đại học, tôi cũng đã thất bại. Tôi không thể làm được điều đó, và tôi không nghĩ có bất kỳ ai lại có thể yêu được vị hiệu trưởng – đặc biệt nếu vị hiệu trưởng đó lại là phụ nữ; đó là điều không thể! Có một vài kẻ ngốc đã kết hôn với những người phụ nữ là hiệu trưởng! Chắc chắn họ phải chịu đựng thứ bệnh được các nhà phân tâm học gọi là ‘khổ nhục’; chắc họ đang tìm kiếm người nào đó để hành hạ họ.
Tôi không thích Ouspensky. Ông ấy chính xác là một vị hiệu trưởng, ngay cả khi ông đang giảng những thuyết giảng của Gurdjieff. Ông ấy đứng trước bảng đen với viên phấn trong tay, đeo kính trắng, điều đó giống chính xác như người giảng viên. Và cách ông ấy giảng – tôi có thể nhìn thấy tại sao lại có một số ít người lại từng trở nên thu hút tới ông ấy, mặc dù ông mang đến một thông điệp vàng.
Thứ hai, tôi ghét ông ấy bởi vì ông là Judas. Tôi không thể yêu bất kỳ ai phản bội. Phản bội là tự sát, tự sát tinh thần. Ngay cả Judas cũng phải tự sát hai mươi bốn giờ sau khi Jesus bị đóng đinh. Ouspensky không phải là tình yêu của tôi, nhưng tôi có thể làm gì? – ông ấy có khả năng viết, một tài năng, một thiên tài. Cuốn sách mà tôi sẽ nói đến được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Ông ấy không bao giờ muốn nó được xuất bản khi ông còn sống. Có thể ông ấy sợ. Có thể ông ấy nghĩ nó không chứng tỏ được sự kỳ vọng của ông.
Đó là cuốn sách mỏng, và tên của nó là THE FUTURE PSYCHOLOGY OF MAN (TƯƠNG LAI TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI). Ông ấy đã viết với quyết tâm rằng cuốn sách sẽ chỉ được xuất bạn khi ông không còn nữa. Tôi không yêu con người này, nhưng tôi phải nói, dù vậy, trong cuốn sách này ông ấy gần như dự đoán tôi và các sannyasin của tôi. Ông ấy đã dự đoán tâm lý tương lai và đó là điều tôi đang thực hiện ở đây – con người tương lai, Con Người Mới. Với mọi sannyasin, cuốn sách này phải trở thành nhu cầu nghiên cứu.
Thứ mười… tôi có đúng không?
“Đúng, thưa Osho.”
Tốt.
Cuốn sách mà tôi sẽ nói về là của một vị Sufi, THA BOOK OF BAHAUDDIN (KINH  BAHAUDDIN). Là một vị Sufi nguyên thủy, Bahauddin đã sáng tạo ra truyền thống Sufi. Mọi thứ đều được chứa trong cuốn sách mỏng của ông. Nó giống như hạt mầm. Tình yêu, thiền, sống, chết… ông ấy không để sót điều gì. Hãy thiền về nó.
Thế là đủ cho hôm nay.
Xem tiếp Chương 11 - Quay về Mục lục