Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 11

Osho – Những cuốn sách tôi yêu - Chương 11
1984, tại nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregan, USA


Được thôi. Cho đến bây giờ tôi đã nói bao nhiêu cuốn ở phần tái bút rồi?
“Bốn mươi cuốn trong phần tái bút rồi, thưa Osho.”
Tốt. Tôi là gã cứng đầu.
Đầu tiên, cuốn THE OUTSIDER (NGƯỜI NGOÀI CUỘC) của Colin Wilson. Đó là một trong những cuốn sách ảnh hưởng nhất của thế kỷ này – nhưng người đàn ông đó lại là người bình thường. Ông ấy là một học giả rất có khả năng, và đúng, ông ấy cũng có một vài sự thấu suốt chỗ này chỗ kia – nhưng cuốn sách thì lại rất tuyệt.
Về Colin Wilson thì chính ông ấy không phải là người ngoài cuộc, ông ấy là người trần tục. Tôi là người ngoài cuộc, chính vì vậy mà tôi yêu cuốn sách. Tôi yêu nó bởi vì, mặc dù ông ấy không phải là một phần của bình diện tôi nói về, nhưng ông ấy viết rất, rất gần với sự thật. Nhưng nhớ rằng, ngay cả nếu bạn gần với sự thật thì bạn vẫn là giả. Bạn hoặc là thật hoặc là giả, không có gì ở giữa.
Cuốn sách NGƯỜI NGOÀI CUỘC đại diện cho nỗ lực lớn lao của Wilson để hiểu thế giới của người ngoài cuộc từ bên ngoài; từ bên ngoài nhìn vào người ngoài cuộc, giống như ai đó đang nhìn trộm qua lỗ khóa. Ông ấy có thể nhìn thấy một chút – và Colin Wilson đã nhìn thấy. Cuốn sách đáng giá để đọc – chỉ đọc chứ không nghiên cứu. Hãy đọc nó và quẳng nó vào sọt rác, bởi vì nếu cuốn sách không xuất hiện từ người bên ngoài thực thì nó sẽ chỉ là tiếng vọng rất xa… tiếng vọng của tiếng vọng, phản chiếu của phản chiếu.
Thứ hai, cuốn THE ANALECTS OF CONFUCIUS (VĂN TUYỂN CỦA KHỔNG TỬ). Tôi không thích Khổng Tử chút nào, và tôi không cảm thấy tội lỗi gì khi không thích ông. Nhưng tôi lại cảm thấy thực sự khuây khỏa rằng bây giờ nó đang được ghi chép. Khổng Tử và Lão Tử là những người cùng thời. Lão Tử già hơn một chút; thậm chí Khổng Tử còn đến gặp Lão Tử và run rẩy quay về, toát mồ hôi, run tới từng tế bào. Các môn đệ của ông ấy đã hỏi, “Điều gì đã xảy ra trong hang động đó?… Bởi vì ngoài hai người, không có ai ở đó.”
Khổng Tử nói, “Thật may là không có ai đã chứng kiến. Con người đó, Chúa ơi, ông ta là một con rồng! Hẳn ông ta sẽ tiêu diệt ta, nhưng ta đã trốn được. Ông ta thực sự nguy hiểm.”
Nội dung mà Khổng Tử tường thuật là đúng. Một người như Lão Tử có thể giết bạn chỉ để bạn tái sinh; và nếu con người không sẵn sàng chết thì không thể được tái sinh. Khổng Tử đã trốn khỏi sự tái sinh của mình.
Tôi đã chọn Lão Tử và chọn vĩnh viễn. Khổng Tử thuộc về thế giới rất bình thường, trần tục. Nhưng hãy ghi nhớ rằng tôi không thích ông ấy; ông ấy là kẻ hợm hĩnh. Thật ra là ông ấy không ra đời ở nước Anh. Nhưng dù sao thì Trung Quốc vào thời đó cũng LÀ nước Anh. Vào thời đó nước Anh còn rất man rợ, ở đó không có gì giá trị.
Khổng Tử là nhà chính trị, ranh mãnh, tinh quái, nhưng không thực sự thông minh; nếu không ông ấy đã phục xuống chân Lão Tử rồi, ông ấy hẳn đã không bỏ trốn. Ông ấy không chỉ sợ Lão Tử mà còn sợ sự tĩnh lặng… bởi vì Lão Tử và tĩnh lặng là một.
Nhưng tôi muốn tính đến một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của Khổng Tử, chỉ vì sự công bằng. VĂN TUYỂN là cuốn sách quan trọng nhất của ông. Theo tôi nó giống như rễ của cây, xấu xí nhưng rất cốt lõi – điều mà bạn gọi là cái xấu cần thiết. VĂN TUYỂN là cái xấu cần thiết. Trong đó ông ấy nói về thế gian, những vấn đề trần tục, chính trị và mọi thứ. Một môn đệ đã hỏi ông, “Thưa Bậc Thầy, sự tĩnh lặng là gì?”
Khổng Tử phát cáu, khó chịu. Ông ấy hét vào người môn đệ và nói, “Câm mồm! Tĩnh lặng ư? – ông sẽ có tĩnh lặng trong nấm mồ. Lúc sống không cần nó, có nhiều thứ còn quan trọng hơn nhiều.”
Đây là thái độ của ông ấy. Bạn có thể hiểu tại sao tôi không thích ông ấy. Tôi thương hại cho ông ấy. Ông ấy là người tốt. Than ôi, ông ấy đã đến rất gần với một trong những con người vĩ đại nhất, Lão Tử, nhưng lại bị lỡ! Tôi chỉ có thể rơi nước mắt tiếc cho ông.
Thứ ba: Kahlil Gibran đã viết nhiều sách bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Những cuốn này ông viết bằng tiếng Anh, rất nổi tiếng: THE PROPHET và THE MADMAN (NHÀ TIÊN TRI và NGƯỜI ĐIÊN)… và có nhiều cuốn khác nữa. Nhưng ông viết nhiều bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, một số trong chúng đã được dịch. Tất nhiên những bản dịch không thể như bản gốc, nhưng Kahlil Gibran quá vĩ đại đến mức ngay cả với bản dịch bạn cũng có thể tìm ra một cái gì đó giá trị. Hôm nay tôi sẽ nói đến một vài bản dịch. Thứ ba là cuốn THE GARDEN OF THE PROPHET (KHU VƯỜN CỦA NHÀ TIÊN TRI). Đó là bản dịch, nhưng nó lại nhắc tôi về Epicurus vĩ đại.
Không biết ngoài tôi có ai từng gọi Epicurus là vĩ đại. Ông đã bị lên án trong nhiều thời đại. Nhưng tôi biết rằng khi mà những đám đông lên án một con người thì trong con người đó buộc phải có một cái gì đó vĩ đại. Cuốn sách của Kahlil Gibran, KHU VƯỜN CỦA NHÀ TIÊN TRI nhắc tôi về Epicurus, bởi vì ông ấy từng gọi cộng đồng của mình là Khu vườn. Mọi thứ mà con người làm thì đều đại diện cho người đó. Plato đã gọi cộng đồng của ông ấy là Học viện – một cách tự nhiên; ông ấy là một viện sĩ, một nhà triết học có trí tuệ tầm cỡ.
Epicurus đã gọi cộng đồng của mình là Khu vườn. Họ sống dưới những lùm cây, những vì sao. Có một lần, một vị vua đã đến thăm Epicurus, bởi vì vị vua đó đã nghe những con người đó sống rất hạnh phúc. Ông ta muốn biết, ông ta tò mò vì sao những người đó lại quá hạnh phúc như vậy: nguyên nhân là gì? – bởi vì họ không có bất kỳ thứ gì. Ông ta đã bối rối, bởi vì họ thực sự hạnh phúc, họ đang ca hát và nhảy múa.
Vị vua nói, “Ta cảm thấy rất vui vì ông và những người của ông, Epicurus. Ông có muốn một món quà của ta?”
Epicurus nói với nhà vua, “Nếu lần sau ngài đến thì xin hãy mang một chút bơ, bởi vì trong nhiều năm người của tôi đã không biết đến bơ. Họ ăn bánh mì mà không có bơ. Và một điều nữa: nếu ngài có đến thì xin đừng đứng như một người bên ngoài; ít nhất ngay bây giờ ngài đang ở đây và trở thành một phần của chúng tôi. Hãy tham gia, hãy là một phần của chúng tôi. Hãy nhảy múa, ca hát. Chúng tôi không có gì khác để dâng tặng ngài.”
Cuốn sách của Kahlil Gibran nhắc tôi về Epicurus. Tôi xin lỗi vì đã không nhắc đến Epicurus, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về điều đó. Cuốn sách của ông ấy đã bị đốt, bị hủy hoại bởi người Cơ đốc. Tất cả những bản sao đã bị hủy hoại từ hàng trăm năm trước. Cho nên tôi không thể nói về cuốn sách của ông ấy, nhưng tôi đã mang ông đến thông qua Kahlil Gibran và cuốn sách của ông, KHU VƯỜN CỦA NHÀ TIÊN TRI.
Thứ tư… tốt… bản dịch khác của Kahlil Gibran, THE VOICE OF THE MASTER (LỜI CỦA BẬC THẦY). Bản gốc của nó chắc phải là cuốn sách rất hay, bởi vì đây đó trong bản dịch vẫn còn những dấu hiệu của vẻ đẹp. Buộc phải như vậy. Ngôn ngữ mà Kahlil Gibran nói rất gần với ngôn ngữ của Jesus. Họ là những người hàng xóm. Nhà của Kahlil Gibran ở Lebanon. Ông ấy sinh ra ở vùng đồi Lebanon, dưới những cây tuyết tùng. Chúng là thứ cây hùng vĩ nhất trên thế giới. Nhìn cây tuyết tùng bạn có thể tin Van Gogh rằng, những cây đó là ước nguyện của trái đất vươn tới những vì sao. Chúng cao hàng trăm thước và sống hàng nghìn năm.
Kahlil Gibran đại diện cho Jesus theo cách nào đó; ông ấy thuộc về cùng một bình diện, mặc dù ông không phải là một dạng christ. Ông ấy đã có thể. Giống như Khổng Tử, ông ấy cũng đã bị lỡ. Có những người sống cùng thời với Gibran, mà với những người đó ông ấy có thể đã biến đổi, nhưng người đồng nghiệp tội nghiệp đi lang thang trên những con phố bẩn thỉu ở New York. Ông ấy nên tới Maharshi Ramana, là người vẫn đang còn sống, là một vị christ, một vị phật.
Thứ năm là cuốn sách của Maharshi Ramana. Nó không hẳn là cuốn sách, chỉ là cuốn sách nhỏ có tựa đề WHO AM I? (TA LÀ AI?)
Ramana không phải là một học giả, cũng không phải là người được giáo dục nhiều. Ông ấy đã rời gia đình khi chỉ mới mười một tuổi và không bao giờ quay trở về. Ai còn quay về ngôi nhà bình thường khi đã tìm ra ngôi nhà thực? Phương pháp của ông ấy là câu hỏi đơn giản đối với cốt lõi sâu thẳm của bạn, “Ta là ai?”. Ông là người sáng lập thực sự của chứng ngộ mãnh liệt, chứ không phải là người đồng nghiệp Mỹ nào đó, người giả vờ trở thành người sáng tạo ra nó.
Tôi đã nói đó không phải là cuốn sách tầm cỡ mà con người viết ra nó mới tầm cỡ. Thỉnh thoảng tôi nhắc đến những cuốn sách tầm cỡ lại được viết bởi những con người nhỏ bé, rất xoàng. Bây gờ tôi đang nói đến một người thực sự tầm cỡ, là người đã viết một cuốn sách rất mỏng, chỉ vài trang, một cuốn sách nhỏ. Ngược lại ông ấy luôn tĩnh lặng; ông nói rất ít, chỉ thỉnh thoảng. Kahlil Gibran hẳn sẽ rất được lợi nếu ông ấy đến với Maharshi Ramana. Thế thì ông ấy hẳn sẽ nghe được LỜI CỦA BẬC THẦY. Maharshi Ramana hẳn cũng được lợi từ Kahlil Gibran, bởi vì ông ấy có thể viết không giống ai khác. Ramana là một người viết xoàng; Kahlil Gibran bình thường nhưng lại là một người viết tầm cỡ. Cả hai cùng nhau thì hẳn sẽ là một ân phúc cho thế gian.
Thứ sáu, THE MIND OF INDIA (TÂM TRÍ ẤN ĐỘ), được viết bởi Moorhead và Radhakrishnan. Moorhead không biết gì về Ấn Độ, Radhakrishnan cũng vậy, nhưng thật kỳ lạ là họ đã viết một cuốn sách rất hay, gần như đại diện cho toàn bộ di sản Ấn Độ. Chỉ có những đỉnh cao là bị lỡ, cứ như chiếc xe ủi đã không ngừng san phẳng những đỉnh Himalaya và biến chúng thành bình địa. Đúng, cả hai người đồng nghiệp đó đã thực hiện công việc của chiếc xe ủi. Nếu ai đó biết tâm trí Ấn Độ – tôi không thể gọi đó là tâm trí – thế thì tựa đề của cuốn sách nên là VÔ TRÍ CỦA ẤN ĐỘ.
Nhưng mặc dù cuốn sách không đại diện đỉnh cao nhất, nó vẫn đại diện cho cái thấp nhất, và cái thấp nhất là đa số, chín mươi chín phần trăm. Cho nên nó thực sự gần như đại diện cho toàn Ấn Độ. Nó được viết rất đẹp nhưng cũng chỉ là phỏng đoán. Một người là người Anh, còn người kia là một nhà chính trị Ý – một sự kết hợp tài tình! Và cả hai cùng nhau để viết cuốn sách này, TÂM TRÍ ẤN ĐỘ.
Thứ bảy. Bây giờ, tại điểm kết danh sách dài của chúng ta, tôi giới thiệu với bạn hai cuốn sách mà tôi nghĩ chắc bạn đã đọc: ALICE IN WONDERLAND (ALICE TRONG THẾ GIỚI THẦN TIÊN) của Lewis Carroll và cuốn thứ tám là ALICE THROUGH THE LOOKING GLASS (ALICE NHÌN QUA THẤU KÍNH). Cả hai đều không nặng nề, chính vì vậy mà tôi yêu chúng. Cả hai đều được viết cho trẻ con, chính vì vậy mà tôi vô cùng kính trọng chúng. Cả hai đều tràn đầy vẻ đẹp, sự cao quý, điều huyền bí và những câu chuyện ngụ ngôn ngắn mà chúng có thể được hiểu bởi rất nhiều tầng lớp. Tôi luôn yêu một chuyện ngụ ngôn, ví dụ…
Alice đến với nhà Vua – hoặc có lẽ đó là Nữ hoàng, điều đó không thành vấn đề – và nhà Vua hỏi Alice, “Trên đường con có nhìn thấy vị sứ giả đang đến với ta không?”
Alice nói, “Thưa ngài, con đã gặp không người nào-nobody.”
Thế rồi nhà Vua nói, “Thế thì ông ấy chắc đến đây ngay bây giờ.”
Alice không thể tin vào tai mình, nhưng vì sự kính trọng, ngạc nhiên, Alice vẫn giữ im lặng, giống hệt một mệnh phụ nước Anh.
Gudia, bạn có đó không? Vào ngày nọ bạn đã hỏi tôi, “Thưa Osho, liệu quý bà nước Anh có còn trong tôi không?” Chỉ một chút thôi, không nhiều – không có gì lo lắng về điều đó. Và một chút là tốt.
Alice chắc phải là một mệnh phụ Anh hoàn hảo. Và vì nghi thức trang trọng mà cô ấy không cười khúc khích. Cô ấy nói rằng cô đã gặp không người nào-Nobody, và nhà Vua nghĩ cô đã gặp ai đó có tên gọi là Không người nào-Nobody. Chúa ơi, ông ta nghĩ Không người nào-Nobody là con người, rằng Không người nào-Nobody là ai đó…! Alice lại nói, “Thưa ngài, con đã không nói với ngài rằng con đã gặp không người nào? Không người nào là không người nào!”
Nhà Vua cười và nói, “Đúng, tất nhiên không người nào là không người nào, nhưng tại sao ông ta lại chưa tới?”
Những câu chuyện ngụ ngôn ngắn rất hay trong cả hai cuốn sách, ALICE TRONG THẾ GIỚI THẦN TIÊN và ALICE NHÌN QUA THẤU KÍNH. Và thực tế kỳ lạ nhất để nhớ là Lewis Carroll không phải là tên thực… bởi vì ông ấy là nhà toán học và là một vị hiệu trưởng; do vậy mà ông dùng tên giả. Nhưng đó lại là tai ương, bút danh đã trở thành thực tại đối với cả thế giới và tên thực hoàn toàn bị lãng quên. Thật kỳ lạ là nhà toán học và vị hiệu trưởng lại có thể viết những cuốn sách quá đẹp như vậy.
Bạn sẽ tự hỏi tại sao tôi lại đang tính đến chúng. Tôi đang tính đến chúng bởi vì tôi muốn nói với thế giới rằng, với tôi BẢN THỂ VÀ CÁI KHÔNG của Jean-Paul Sartre và ALICE TRONG THẾ GIỚI THẦN TIÊN của Lewis Carroll hoàn toàn giống nhau. Không vấn đề gì. Thực tế, nếu tôi phải chọn một trong hai thì tôi sẽ chọn ALICE TRONG THẾ GIỚI THẦN TIÊN và quẳng cuốn BẢN THỂ VÀ CÁI KHÔNG xuống biển, rất xa ngoài Thái bình dương để không ai còn tìm thấy nó nữa. Theo tôi, hai cuốn sách ngắn đó có giá trị tinh thần rất lớn… Đúng, tôi đang không nói đùa…. Ý tôi nói như vậy.
Thứ chín… tôi lại quay trở lại với Kahlil Gibran. Tôi đã yêu ông và muốn giúp ông. Tôi đã chờ ông, nhưng ông vẫn còn chưa chào đời. Ông sẽ phải tìm một Bậc Thầy khác trong tương lai. THE WANDERER (KẺ LANG THANG) là lựa chọn của tôi cho con số này.
KẺ LANG THANG của Kahlil Gibran là tuyển tập những câu chuyện ngụ ngôn. Ngụ ngôn là phương pháp cổ nhất để nói về những điều sâu sắc; những điều không thể nói lại luôn có thể nói bằng ngụ ngôn. Đó là một tuyển tập đẹp gồm những câu chuyện ngắn.
Tôi là một kẻ mới bội tín làm sao! Dù có nhắm mắt, tôi không chỉ đang cố nói nhiều điều, mà cũng còn đang quan sát Devageet – anh ấy thậm chí cũng đang dùng chân mình, điều đó không lịch sự cho lắm, và lại phía sau lưng Bậc Thầy…! Phải làm gì đây, thế gian là vậy.
Ashu, điều này thật đẹp. Hãy nhắc tôi về con số.
“Chúng ta đang nói về con số chín, thưa Osho.”
Thứ mười: Một cuốn sách khác của Kahlil Gibran, THE SPIRILUAL SAYINGS (NHỮNG CHÂM NGÔN TÂM LINH). Bây giờ tôi phải phản đối, mặc dù sự phản đối là nhằm vào Kahlil Gibran, một người tôi yêu. Ông ấy không thể được phép viết ‘những thuyết giảng tâm linh’. Tâm linh ư? – mặc dù cuốn sách là hay nhưng hẳn sẽ hay hơn nến ông ấy gọi nó là NHỮNG CHÂM NGÔN ĐẸP. Đẹp chứ không phải tâm linh. Gọi nó là tâm linh là ngớ ngẩn. Nhưng tôi vẫn yêu cuốn sách, giống như tôi yêu tất cả những điều ngớ ngẩn.
Tôi nhớ lại Tertullian, cuốn sách của ông – tha thứ cho tôi – tôi đã không tính đến nó. Với tôi, tính tất cả chúng là điều không thể được, nhưng ít nhất tôi có thể nói đến tên ông. Câu nói nổi tiếng của Tertullian là: credo quia absurdum – tôi tin bởi vì nó là ngớ ngẩn. Tôi không nghĩ lại có câu nói khác của mọi ngôn ngữ trên thế giới mà lại giàu sáng tạo hơn câu này. Và Tertullian là vị thánh Cơ đốc! Đúng, khi tôi thấy vẻ đẹp, tôi đánh giá cao nó – ngay cả với vị thánh Cơ đốc.
Credo quia absurdum – điều này nên được viết bằng những viên kim cương, chứ không phải bằng chữ vàng. Câu nói này, tôi tin bởi vì nó là ngớ ngẩn, là rất giá trị. Tertullian đã có thể viết cuốn sách nhan đề NHỮNG CHÂM NGÔN TÂM LINH chứ không phải là Kahlil Gibran.
Kahlil Gibran nên thiền. Đây là thời điểm để ông ấy thiền, cũng như thời điểm để tôi dừng nói… nhưng tôi không thể, vì lý do đơn giản là tôi phải hoàn thành con số năm mươi.
Thứ mười… Devageet, tôi có đúng không?
“Thực tế chúng ta đã thực hiện con số năm mươi rồi. Đó là số mười, thưa Osho.”
Thế thì tôi sẽ phải thực hiện con số năm mươi mốt, bởi vì tôi không thể để sót con số một này. Đó là điều không thể, con số hoặc không con số. Bạn có thể thực hiện như tôi đã thực hiện: lỡ con số ở đâu đó và đến cùng con số đó, như tôi đang làm.
Thứ mười một, cuốn sách WAITING FOR GODOT (CHỜ ĐỢI GODOT). Bây giờ không ai biết ‘Godot’ có nghĩa là gì, cũng như không ai biết ‘God’ có nghĩa là gì. Thực tế, Beckett đã thực hiện một việc đáng kể là phát minh ra từ Godot thay cho từ God. Mọi người đang chờ không vì điều gì bởi vì God không tồn tại. Mọi người đang chờ, đang chờ, chờ và chờ… và chờ không vì điều gì. Vì vậy mà, mặc dù con số đã hoàn thành nhưng tôi vẫn muốn tính thêm cuốn sách này, CHỜ ĐỢI GODOT.
Bây giờ hãy chờ trong hai phút… Cám ơn.
Xem tiếp Chương 12 - Quay về Mục lục