Chương 2: Tâm hồn nổi loạn

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần I
Chương 2: Tâm hồn nổi loạn



Theo như tôi có thể nhớ được, thì tôi chỉ ưa thích một trò chơi duy nhất, tranh luận – tranh luận về mọi sự. Do vậy, ít người lớn nào có thể thậm chí chịu đựng được tôi – chứ còn hiểu tôi, đó là chuyện không thể được.
Tôi không bao giờ thiết đi tới trường. Đó là nơi chốn tồi tệ nhất. Sau cùng, tôi bị cưỡng bức đi học, nhưng tôi đã kháng cự ở mức có thể; bởi vì ở đó chỉ có những đứa trẻ không quan tâm đến những điều mà tôi quan tâm, và những điều mà tất cả chúng quan tâm, thì tôi lại chẳng thèm ngó ngàng.  Do vậy, tôi là một "kẻ ngoại cuộc”.
Mối quan tâm của tôi vẫn luôn trước sau như một: (tìm) biết chân lý tối hậu là cái gì, ý nghĩa cuộc đời là cái gì, tại sao tôi lại ở đây, và không ở nơi nào khác. Và tôi quyết tâm rằng, trừ khi tôi tìm ra câu trả lời, tôi sẽ không chịu yên nghỉ, và tôi sẽ không để cho bất cứ ai xung quanh tôi yên nghỉ.
1939 – 1951, GADARWADA, MADHYA PRADESH, ẤN ĐỘ.
Cái chết của ông tôi là cuộc đối mặt đầu tiên của tôi với cái chết. Vâng, một cuộc đối mặt, và một cái gì hơn thế nữa; không chỉ là một cuộc đối mặt, nếu không thế, có lẽ tôi đã bỏ mất cái ý nghĩa đích thực của nó. Tôi thấy cái chết, và một cái gì hơn nữa, mà không đang chết, và đang trôi bồng bềnh bên trên nó, thóat ra khỏi cơ thể… tứ đại. Cuộc đối mặt đó quyết định toàn bộ dòng đời của tôi. Nó cho tôi hướng đi, hay đúng hơn, một chiều kích, mà trước đó tôi chưa hề biết tới.
Tôi đã nghe nói về cái chết của những người khác, nhưng mà chỉ mới nghe thôi. Tôi chưa thấy, và cho dẫu tôi đã thấy, thì chúng cũng không có ý nghĩa nào với tôi. Trừ khi bạn yêu một ai đó và rồi người ấy chết; nếu không, thì bạn không thể thực sự đối mặt với sự chết. Hãy gạch chân điều đó:
Cái chết chỉ có thể được đối mặt trong cái chết của một kẻ thân yêu.
Khi tình yêu cộng với cái chết vây quanh bạn, sẽ có một sự chuyển hóa, và một đột biến bao la, cơ hồ như một hữu thể mới được ra đời. Bạn không bao giờ như cũ lại một lần nữa. Nhưng người ta không yêu thương, và bởi vì họ không yêu thương, họ không thể trải nghiệm cái chết trong cái cách mà tôi trải nghiệm. Không có tình yêu, cái chết không cho bạn những chìa khóa dẫn vào hiện hữu. Với tình yêu, nó trao cho bạn những chìa khóa dẫn vào tất cả những gì hiện hữu.
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về cái chết không phải là một cuộc đối mặt đơn giản. Nó phức tạp trên nhiều phương diện. Người đàn ông mà tôi yêu thương đang chết. Tôi đã biết ông như là cha tôi. Ông đã nuôi nấng tôi và cho tôi sự tự do tuyệt đối, không có sự cấm đoán nào, không có sự đè nén nào, và không có điều răn nào …
Tình yêu cộng thêm tự do – nếu bạn có cả hai, thì bạn là một vị vua hay vị nữ hoàng.  Đó là vương quốc đích thực của Thượng đế – tình yêu cộng thêm tự do. Tình yêu cho bạn những gốc rễ ăn sâu vào trong đất, và tự do cho bạn đôi cánh.
Ông tôi cho tôi cả hai. Ông cho tôi tình yêu, nhiều hơn là ông từng cho hoặc mẹ tôi, hoặc thậm chí bà tôi; và ông cho tôi tự do, đó là món quà to lớn nhất. Trong khi ông đang hấp hối, ông cho tôi chiếc nhẫn của ông, và với một giọt lệ trong mắt, ông bảo tôi, "Ta không có gì khác để tặng con."Tôi nói, "Nana ơi, ông đã cho con món quà quý giá nhất."
Ông mở mắt ra và nói, "Đó là cái gì thế?"
Tôi cười và nói, "Ông đã quên rồi sao? Ông đã cho con tình yêu của ông, và ông cho con tự do. Con nghĩ rằng, không có đứa trẻ nào có được sự tự do như thế – như ông đã cho con. Con cần gì thêm nữa? Ông có thể cho con cái gì hơn nữa? Con biết ơn. Ông có thể chết một cách bình an."
Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với cái chết, và đó là một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ. Nó không xấu trên bất cứ phương diện nào, như nó thường xảy ra ít nhiều đối với hầu hết mọi đứa trẻ khắp thế giới. May thay, tôi được ở cùng người ông đang hấp hối của mình trong nhiều giờ, và ông chết một cách chậm rãi. Nhưng chẳng bao lâu, tôi có thể cảm thấy cái chết đang xảy ra cho ông, và tôi có thể thấy sự tĩnh mịch vĩ đại của nó.
Tôi cũng may mắn, là Nani của tôi cùng hiện diện. Nếu không có bà, có lẽ tôi đã bỏ mất vẻ đẹp của cái chết, bởi vì tình yêu và cái chết thì quá đơn giản, có lẽ là một. Bà yêu thương tôi. Bà rải tình yêu như mưa lên tôi, và cái chết thì ở đó, xảy ra một cách chậm rãi. Một cái xe bò – giờ đây, tôi vẫn còn nghe văng vẳng âm thanh của nó – tiếng lạch cạch của những bánh xe lăn trên những hòn đá, người đánh xe liên tục quát to lên với những con bò đực, âm thanh của tiếng roi quất vào chúng… Những âm thanh đó vẫn như còn văng vẳng đâu đây.  Nó đã ăn rễ quá sâu trong trải nghiệm của tôi, đến nỗi, tôi nghĩ rằng, ngay cả cái chết của tôi cũng không thể xóa nhòa nó được. Ngay cả trong khi đang hấp hối, chắc hẳn tôi sẽ vẫn có thể nghe lại âm thanh của cái xe bò đó.
Nani tôi đang nắm lấy tay tôi, và tôi hoàn toàn choáng váng,  không biết cái gì đang xảy ra vào khoảnh khắc đó. Cái đầu của ông tôi tựa vào lòng tôi. Tôi giữ tay tôi trên ngực ông, và một cách chậm rãi, hơi thở biến đi. Khi tôi cảm thấy rằng ông không còn thở nữa, tôi nói với bà tôi: "Con rất tiếc, Nani, nhưng có vẻ như ông không còn thở nữa."
Bà nói, "Cái đó hoàn toàn tốt thôi. Con không cần phải lo lắng. Ông đã sống đủ, không cần phải hỏi xin thêm." Bà cũng bảo tôi, "Hãy ghi nhớ, bởi vì có những khoảnh khắc không được phép quên: đừng bao giờ hỏi xin thêm. Những gì đang hiện hữu, cũng đủ lắm rồi."
Bảy năm đầu tiên là những năm quan trọng nhất trong đời, bạn sẽ không bao giờ có lại cái cơ hội đó một lần nữa.  Bảy năm đó quyết định bảy mươi năm của đời bạn, tất cả những viên đá nền móng đã được đặt trong bảy năm đó. Do vậy, bởi một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, tôi được cứu thóat khỏi cha mẹ tôi – và vào lúc tôi về với họ, tôi hầu như đã độc lập, tôi đã bay rồi. Tôi biết tôi đã có cánh. Tôi biết rằng, tôi có thể bay mà không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Tôi biết rằng, toàn bộ bầu trời là của tôi.
Tôi không bao giờ hỏi xin sự hướng dẫn của họ, và nếu bất cứ sự hướng dẫn nào được cho tôi, tôi luôn vặn lại: "Đây là điều sỉ nhục. Có phải cha mẹ nghĩ rằng con không thể tự mình xoay xở? Con hiểu rằng, cho lời khuyên bảo không phải là một ý định xấu – con cám ơn về điều đó – nhưng cha mẹ không hiểu một điều, rằng con có khả năng làm nó, tự mình. Hãy đơn giản cho con một cơ hội để chứng tỏ cái khí phách của con. Xin đừng can thiệp vào."
Trong bảy năm đó, tôi đã thực sự trở nên một người theo "chủ nghĩa cá nhân" mạnh mẽ, trung kiên. Bây giờ, thật không thể nào xoay chuyển được tôi.
Cửa tiệm của cha tôi thì ở đằng trước nhà, nơi mà gia đình sống. Tại Ấn Độ, nhà và cửa tiệm thường ở cùng một nơi, nên dễ dàng quản lý. Tôi có thói quen đi băng qua cửa tiệm của cha tôi, với đôi mắt nhắm lại.
Ông hỏi tôi, " Đây là điều kỳ lạ. Bất cứ khi nào con băng qua cửa tiệm vào trong nhà, hay từ nhà đi ra" – khoảng cách chỉ độ 5 mét – "con đều nhắm mắt lại. Con đang thực tập nghi thức gì vậy?"
Tôi nói, "Con chỉ đang thực tập, để sao cho cái cửa tiệm này không hủy diệt con như nó đã hủy diệt cha. Con không muốn nhìn thấy nó chút nào cả; con tuyệt đối không quan tâm, hoàn toàn không quan tâm." Và nó là một trong những cửa tiệm vải vóc tầm cỡ nhất tại thành phố đó – những loại vải tốt nhất có thể có được ở đó – nhưng tôi không bao giờ nhìn phía nào, tôi chỉ đơn giản nhắm mắt lại và đi ngang qua.
Ông nói, " Nhưng mở mắt ra, cũng không hại gì mà."
Tôi nói, " Làm sao biết được – người ta có thể bị chia trí . Con không muốn bị xao lãng bởi cái gì cả."
Một cách tự nhiên – tôi là con trai cả của ông – ông muốn tôi giúp ông. Ông muốn tôi, sau khi học xong, trở về quản lý cửa tiệm. Ông đã quản lý tốt; cửa tiệm đã dần dần trở thành một nơi sầm uất. Ông nói, "Dĩ nhiên, ai khác sẽ trông coi nó? Cha mỗi lúc một già thêm; con muốn cha ở đây mãi mãi sao?"
Tôi nói, "Không, con không muốn, nhưng cha có thể về hưu. Cha có những em trai, họ quan tâm đến cửa tiệm, thật ra, họ rất quan tâm – thậm chí, họ còn sợ rằng cha sẽ chuyển giao cửa tiệm lại cho con. Con đã nói với họ, 'Đừng sợ tôi; cháu không phải là kẻ cạnh tranh của các vị.' Cha hãy chuyển giao cửa tiệm này cho những em trai của cha đi."
Nhưng tại Ấn Độ, theo truyền thống, thì đứa con trai cả thừa kế tất cả. Cha tôi là con trai cả; ông thừa hưởng tất cả. Tất cả những gì mà ông có bây giờ, được giả định là của tôi, để tôi trông coi. Đương nhiên, ông lo lắng… nhưng không có cách nào khác. Ông cố bằng mọi cách để làm cho tôi quan tâm.
Ông thường nói với tôi, "Cho dẫu con trở thành bác sĩ, thì con cũng không thể kiếm được nhiều tiền trong một tháng, như ta có thể kiếm trong một ngày. Nếu con trở thành kỹ sư, con sẽ có lương bổng bao nhiêu? Nếu con trở thành giáo sư đại học – ta có thể mướn những giáo sư của con, không có vấn đề gì. Và con biết, có quá nhiều, hằng nghìn những sinh viên tốt nghiệp, sau tốt nghiệp, những Ph.D, họ đều bị thất nghiệp."
Trước hết, ông cố thuyết phục tôi đừng vào đại học, bởi vì ông rất sợ rằng, việc sống xa nhà sẽ khiến cho tôi hoàn toàn độc lập trong 6 năm. Lúc đó, ông thậm chí sẽ không thể để mắt đến tôi. Ông đã và vẫn đang hối tiếc về 7 năm đó, mà ông đã để tôi sống với ông bà ngoại tôi. Tôi nói với ông, "Cha đừng sợ. Cái mà cha sợ, đã xảy ra với con: Con đã 'tốt nghiệp' rồi ! Bảy năm đó… Không trường đại học nào được cần đến để làm hỏng con thêm; con đã bị hỏng hoàn toàn – thoát khỏi bàn tay cha. Những phương tiện thuyết phục đó – tiền lương, sự nể trọng, tiền bạc – không có giá trị gì đối với con. Và con sẽ không trở thành bác sĩ hay kỹ sư, nên đừng lo lắng. Thực ra, con dự định sẽ vẫn là một kẻ lông bông suốt đời con."
Ông nói, "Cái đó thậm chí còn tệ hơn! Tốt hơn, con nên trở thành một kỹ sư hay bác sĩ, nhưng một kẻ lông bông? Đó không phải là một nghề mới. Nhưng con lại thích nghĩ về những điều như thế – con muốn trở thành một kẻ lông bông! Ngay cả những ai là kẻ bông lông, họ cũng cảm thấy bị sỉ nhục nếu con nói, 'Bạn là một kẻ lông bông; nhưng mà con đang nói với chính cha đẻ của mình, rằng suốt đời, con chỉ muốn mình là một kẻ lông bông!"
Tôi nói, "Đó là cái sắp xảy ra."
Ông nói, "Vậy, tại sao con lại muốn vào đại học?"
Tôi nói, "Con muốn là một kẻ lông bông có giáo dục, không phải là một kẻ lông bông do yếu đuối. Con không muốn làm bất cứ cái gì trong đời con chỉ vì sự yếu đuối. Bình thường, khi người ta không thể là bất cứ cái gì khác, họ trở thành một kẻ bông lông– nhưng đó không phải là cách của con. Trước hết, con muốn chứng tỏ cho thế giới rằng, con có thể là bất cứ cái gì mà con muốn trở thành, nhưng con vẫn muốn trở thành một kẻ bông lông – do sức mạnh. Rồi, cho dẫu mình là một kẻ lông bông, thì mình vẫn được nể trọng, bởi vì sự "khả kính" không dính dáng gì đến nghề nghiệp của mình; sự "khả kính"  nằm ở  hành động xuất phát từ sức mạnh, sự sáng suốt, trí tuệ.
"Do vậy, xin hãy nhận biết một cách rõ ràng, rằng con sẽ vào đại học, nhưng không phải để có thể tìm một chỗ làm tốt. Con không sinh ra để làm những điều ngu xuẩn như thế; vả lại, đã có nhiều người để làm những điều đó. Nhưng một kẻ lông bông rất có văn hóa, lịch lãm có giáo dục, thì rất được cần đến, bởi vì chưa ai từng thấy một người như thế. Có những kẻ lông bông, nhưng họ là những con người hạng ba, họ là những kẻ thất bại. Con muốn, trước hết, tuyệt đối thành công, và rồi đá vào tất cả sự thành công đó và để chỉ là một kẻ lông bông."
Ông nói, "Ta không thể hiểu cái logic của con, nhưng, nếu con đã quyết định trở thành một kẻ lông bông, thì ta biết không có cách nào để thay đổi con."
Bảy năm đó… ông cứ gợi tôi nhớ, lặp đi lặp lại, "Đó là lỗi lầm cơ bản của chúng ta. Đó là thời gian mà chúng ta có thể xoay xở để biến con thành một cái gì đó có giá trị. Nhưng Nana và Nani của con, hai vị đó, đã hủy hoại con hoàn toàn."
Và sau cái chết của Nana tôi, Nani không bao giờ trở lại ngôi làng; bà quá đau lòng. Tôi đã thấy hằng ngàn cặp vợ chồng rất thâm tình với nhau, bởi vì, lang thang vòng quanh Ấn Độ, tôi đã lưu lại với rất nhiều gia đình, nhưng tôi không bao giờ có thể tìm thấy bất cứ ai có thể so sánh với ông cụ, bà cụ đó: Họ thực sự yêu thương nhau.
Bà lưu lại trong thành phố của cha tôi, nhưng bà là một phụ nữ rất độc lập. Bà không thích cái đại gia đình, dính kết với nhau; những em trai của cha tôi, những người vợ của họ, con cái của họ – nó là một caravan khổng lồ. Bà nói, "Đây không phải là một nơi dành cho ta. Ta đã sống suốt đời với chồng ta, trong im lặng. Con chỉ ở đó trong 7 năm, nếu không, hẳn đã không có nhiều chuyện trò, bởi vì không có gì để nói. Chúng ta đã nói về tất cả những điều đó trước kia, nên không còn gì để nói – chúng ta chỉ đơn giản ngồi im lặng." Bà nói, "Ta muốn sống một mình." Do vậy,  họ tìm cho bà một ngôi nhà gần con sông, nơi mà bà thường tìm thấy sự tương tự nào đó với cái nơi mà bà đã sống với ông tôi; trong thị trấn này, chúng tôi không có hồ, nhưng chúng tôi có một con sông đẹp.
Suốt ngày tôi ở trường hay đi rong vòng quanh thị trấn hay làm một ngàn lẻ một thứ, và ban đêm, tôi luôn lưu lại với Nani tôi. Nhiều lần bà nói, "Cha mẹ con có thể cảm thấy khó chịu.  Chúng ta đưa con ra khỏi họ trong 7 năm, về chuyện đó, họ không thể tha thứ cho chúng ta. Chúng ta nghĩ, chúng ta nên trả con lại tinh khôi như khi chúng ta nhận con, không cố áp đặt bất cứ cái gì lên con. Nhưng mà họ tức giận; họ không nói ra như vậy, nhưng ta có thể cảm thấy điều đó, và ta nghe từ những người khác, rằng chúng ta đã làm hỏng con. Và bây giờ, con không ngủ ở nhà với cha mẹ con, và gia đình con; con đến đây mọi đêm. Họ sẽ nghĩ rằng, việc "làm hư hỏng" con vẫn đang tiếp tục – ông già đã ra đi, nhưng bà già thì vẫn còn đây."
Tôi nói với bà, "Nhưng nếu con không đến, bà có thực sự ngủ được không? Bà chuẩn bị cho ai cái giường thứ hai mọi đêm trước khi con đến? Bởi vì con không nói với bà rằng ngày mai con sẽ đến. Về ngày mai, ngay từ đầu, con đã không chắc chắn, bởi vì ai biết cái gì sẽ xảy ra ngày mai? Tại sao bà lại chuẩn bị cái giường thứ hai? Và không chỉ cái giường thứ hai…"
Tôi có một thói quen cố hữu, mà bác sĩ của tôi bằng cách nào đó phải tìm cách loại bỏ; ông ta phải mất hai, ba năm. Ngay từ thời thơ ấu, như tôi có thể nhớ được, thì tôi cần kẹo trước khi đi ngủ; nếu không, tôi không thể ngủ được.  Do vậy, bà không chỉ đang chuẩn bị cái giường của tôi, mà bà có thói quen đi ra ngoài mua thứ kẹo mà tôi thích. Và bà thường giữ những cái kẹo bên cạnh giường tôi, để tôi có thể ăn – ngay cả giữa đêm, nếu tôi lại cảm thấy thích ăn, thì tôi có thể ăn.
Tôi hỏi bà, "Bà giữ những cái kẹo này cho ai? Bà không ăn chúng; từ khi Nana mất, bà không động tới kẹo." Nana tôi ưa thích kẹo. Thật ra, có vẻ như ông đã truyền cái tật này cho tôi; ông cũng có thói quen ăn trước khi đi ngủ. Điều đó không xảy ra trong bất cứ gia đình Jaina nào. Người Jaina không ăn vào ban đêm; họ thậm chí không uống nước hay sữa, hay bất cứ cái gì. Nhưng ông sống trong một ngôi làng nơi mà ông là người Jaina duy nhất, nên không có vấn đề gì. Có lẽ, từ ông mà tôi có thói quen đó; hẳn là ông ăn và gọi tôi ăn cùng với ông. Hẳn tôi đã tham gia với ông, và dần dần, nó trở nên một lề thói. Trong 7 năm đó, ông đã huấn luyện tôi!
Cho nên, tôi không thể ngủ ở nhà vì hai lý do. Một, là vì những cái kẹo đó – bởi vì tại chỗ mẹ tôi, đó là điều không thể được: có quá nhiều trẻ con, đến nỗi, nếu cho phép một đứa, thì mọi đứa khác sẽ xin. Và dù sao đi nữa, điều đó đi ngược lại đạo Jaina, thậm chí, bạn cũng không được phép hỏi xin. Nhưng cái khó khăn của tôi, là tôi không thể đi ngủ, mà không có kẹo.
Thứ hai, tôi cảm thấy, "Nani  hẳn phải đang cảm thấy cô độc – và ở trong ngôi nhà này của cha, thật khó mà được ở một mình, quá nhiều người, nó luôn là một nơi họp chợ.  Không ai sẽ cảm thấy thiếu mình nếu mình không có mặt ở đây." Không ai từng (cảm thấy) thiếu vắng tôi; họ đơn giản chắc chắn rằng, tôi đang ngủ tại nhà Nani tôi, cho nên, cũng chẳng có vấn đề gì.
Do vậy, ngay cả sau 7 năm đó, tôi cũng không ở dưới ảnh hưởng của cha mẹ tôi. Thật tình cờ, ngay từ đầu, tôi đã độc lập. Làm đúng hay sai – đó không phải là điều quan trọng, nhưng làm một cách độc lập, tự mình. Và, một cách từ từ, cái đó trở thành kiểu sống của tôi, về mọi sự – thí dụ, về y phục.
Trong thị trấn của tôi, thì tôi là người phi Hồi giáo duy nhất ăn mặc giống như một người Hồi giáo. Cha tôi nói, "Con có thể làm bất cứ cái gì, nhưng ít nhất, đừng làm điều này, bởi vì cha phải sống trong xã hội,  cha phải nghĩ về những đứa con khác. Và con có ý tưởng này từ đâu thế?" Những người Hồi giáo trong thị trấn của tôi dùng một loại pajama được gọi là salvar, thay vì cái dhoti mà người Ấn thường dùng. Cái đó được dùng bởi những người Pakhtoon tại Afghanistan và Pakhtoonistan – những nơi xa xôi gần Hy mã lạp sơn, phía bên kia Hy mã lạp sơn. Nhưng nó là một bộ pajama đẹp, và không được may một cách hà tiện vải giống như một bộ pajama bình thường; nó có quá nhiều nếp gấp. Nếu bạn có một cái salvar thực thụ, thì bạn có thể may ít nhất 10 cái pajama từ nó, nó có quá nhiều nếp gấp. Những nếp gấp đó tạo cho nó vẻ đẹp của nó, khi tất cả chúng được gom lại với nhau. Và tôi mặc một cái kurtha (của người Pakhtoon), không phải loại kurtha của Ấn Độ. Kurtha kiểu Ấn thì ngắn, và những tay áo thì không quá rộng. Kurtha kiểu Pakhtoon có tay áo rất rộng, và cái kurtha thì rất dài; nó xuống tận đầu gối. Và tôi có một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ.
Cha tôi thường bảo tôi, "Con bước vào cửa tiệm với mắt nhắm, và nhắm mắt đi ra. Tại sao không dùng cửa sau?" Ông nói, "Con có thể đi vào từ cửa sau, con có thể đi ra từ cửa sau; con có thể có chìa khóa riêng, bởi vì không ai dùng cửa sau. Ít nhất, chúng ta sẽ khỏi phải mất công trả lời mọi khách hàng, 'Người Hồi giáo đang đi vào, mắt nhắm lại, là ai thế?' Thế mà con lại có những ý tưởng kỳ lạ này. Chúng ta có một cửa tiệm vải vóc – đủ loại vải đều có ở đây, y phục may sẵn đều có ở đây, con có thể có bất cứ kiểu nào, nhưng kiểu… Hồi giáo?"
Tại Ấn, kiểu (y phục) Hồi giáo được xem  là kiểu tồi tệ nhất. Tôi nói, "Đây là lý do tại sao, bởi vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng kiểu Hồi giáo là kiểu tồi tệ nhất. Con đang phản đối tất cả mọi người, con cho rằng y phục của người Hồi giáo là y phục đẹp nhất. Và người ta có thể thấy điều đó; bất cứ nơi nào con đi, chỉ có con là được chú ý, không ai khác được chú ý. Bất cứ khi nào con bước vào phòng học, con được chú ý; bất cứ nơi nào con đi, con được chú ý ngay lập tức."
Và cái cách mà tôi đang sử dụng cái trang phục đó… Nó thực sự là một cái trang phục đẹp, và với một cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ. Cái mũ lưỡi trai thì dài và có một cái tua treo lủng lẳng một bên; mọi người Thổ Nhĩ Kỳ giàu có đều dùng nó. Tôi còn quá bé, nhưng cái trang phục đó giúp tôi trong nhiều cách.
Tôi có thể đi gặp ông ủy viên hội đồng của thị trấn, và người gác cổng thường chỉ nhìn tôi và nói, "Mời vào," khi nhìn thấy cái trang phục đó… Có lẽ ta ông sẽ không cho phép tôi, một cậu trai nhỏ, bước vào, nhưng, "Với cái trang phục này, hẳn cậu ta là một sheik hay một ai đó rất quan trọng." Và ngay cả ông ủy viên hội đồng cũng thường đứng lên, khi nhìn thấy cái trang phục của tôi. "Sheik" được dùng cho những người rất đáng tôn trọng, và ông thường nói, "Sheikji, betye – Sheikji, mời ngồi xuống."
Tôi nói với cha tôi, " Cái trang phục này giúp con trên nhiều phương diện. Chỉ mới hôm kia, con đến gặp một ông mục sư; và ông cũng nghĩ rằng con là một sheik thuộc về một gia đình Ả Rập hay Ba Tư. Thế mà cha lại muốn con bỏ cái trang phục này, chỉ dùng một dhoti và kurtha, mà sẽ không có ai chú ý đến ư?"
Tôi tiếp tục mặc cái trang phục đó cho tới  kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Họ cố hết sức để tôi không mặc nó nữa, nhưng họ càng cố sức… tôi nói, "Nếu cha mẹ ngừng cố sức, thì có lẽ con có thể bỏ nó; còn như nếu cha mẹ tiếp tục cố sức, thì con là người cuối cùng bỏ nó."
Một hôm, cha tôi đặt tất cả salvar, kurtha và ba cái mũ lưỡi trai Thổ Nhĩ Kỳ của tôi thành một gói, và đi xuống nhà kho ở tầng hầm, và đặt chúng ở đó, nơi cất giữ mọi loại vật dụng bị vỡ, vô dụng. Khi ra khỏi phòng tắm, chẳng thấy quần áo đâu cả, nên tôi chỉ đơn giản trần truồng, mắt nhắm lại, cứ thế mà đi vào trong cửa tiệm. Trong khi tôi đang đi ra ngoài, cha tôi nói, "Hãy đợi! Hãy trở lại. Mặc áo quần vào đi."
Tôi nói, "Cha hãy mang chúng đến, bất kể chúng đang ở đâu."
Ông nói, "Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm điều này. Ta nghĩ rằng con sẽ nhìn quanh tìm áo quần và con sẽ không tìm thấy chúng, bởi vì ta đã đặt chúng trong một nơi mà con sẽ không tìm thấy chúng. Rồi, tự nhiên con sẽ mặc những y phục bình thường mà con được mong đợi sẽ mặc. Ta chưa bao giờ nghĩ rằng con sẽ làm việc này."
Tôi nói, "Con làm hành động trực tiếp. Con không tin vào lời nói không cần thiết."
Tôi thậm chí cũng không hỏi bất cứ ai, là áo quần của tôi ở đâu. Tại sao lại phải hỏi chứ? Sự trần truồng của tôi sẽ phục vụ mục đích tương tự. Ông nói, "Con có thể lấy lại quần áo của mình, và không ai sẽ quấy rầy con về chúng nữa. Nhưng, hãy làm ơn, đừng ở truồng, vì điều đó sẽ tạo ra thêm sự rắc rối – rằng một nhà buôn vải vóc, mà lại có một đứa con trai không có y phục để mặc. Con là người tai tiếng, và con sẽ làm cho chúng ta bị tai tiếng lây; 'Hãy nhìn đứa trẻ đáng thương!' Mọi người sẽ nghĩ rằng ta không cho con y phục."
Nó tiếp tục – tôi không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để mài sắc trí thông minh của mình. Tôi xoay mọi cơ hội khả dĩ về hướng mài sắc trí thông minh, tính cá nhân của tôi. Bây giờ bạn có thể hiểu, khi nhìn vào bức tranh toàn bộ, nhưng chỉ nhìn từng mảnh… (thì khó mà hiểu được). Dĩ nhiên, những người tiếp xúc với tôi thì không thể hiểu tôi thuộc loại người nào – điên, khùng – nhưng mà tôi đang tiến hành nó một cách có phương pháp.
Tôi nói với cha tôi: 'không'. Đó là cái từ đầu tiên của tôi trước khi bước vào trường tiểu học. Tôi nói với cha tôi, "Không, con không muốn bước vào chiếc cổng này. Đây không phải là một trường học, nó là một nhà tù." Chính cái cổng, và màu của tòa nhà… Thật kỳ lạ, đặc biệt tại Ấn Độ, những nhà tù và trường học được sơn cùng một màu, và chúng đều được xây bằng gạch đỏ. Thật khó mà biết một tòa nhà là một nhà tù hay trường học. Có lẽ xưa kia một kẻ thích đùa đã thành công trong việc làm một cú chơi khăm, nhưng ông đã chơi một cách hoàn hảo.
Tôi nói, " Hãy nhìn ngôi trường này – cha gọi nó là một ngôi trường ư? Hãy nhìn chiếc cổng này! Thế mà, cha lại ở đây để cưỡng bách con bước vào học ít nhất trong bốn năm."
Cha tôi nói, "Ta luôn e rằng…"  – lúc đó  chúng tôi đang đứng ở cổng,  dĩ nhiên ở phía bên ngoài, bởi vì tôi đã không cho phép ông dẫn tôi vào. Ông nói tiếp, "Ta luôn e rằng, ông của con, và nhất là người phụ nữ này, bà của con, sắp làm hỏng con."
Tôi nói, "Nỗi lo sợ của cha là đúng, nhưng công việc đã được làm xong rồi, và bây giờ không ai có thể hủy bỏ nó, nên chúng ta hãy đi về nhà thôi."
Ông nói, "Cái gì? Con phải được giáo dục."
Tôi nói, "Đây là loại khởi đầu gì vậy? Con thậm chí không được tự do để nói đồng ý hay không. Cha gọi nó là sự giáo dục à? Nhưng nếu cha muốn điều đó, thì làm ơn đừng yêu cầu con: Đây là bàn tay con, hãy lôi xệch con vào. Ít ra, con sẽ có sự thỏa mãn rằng, con không bao giờ tự mình bước vào cái "tổ chức" xấu xa này. Làm ơn, ít nhất hãy cho con ân huệ này."
Dĩ nhiên, cha tôi đang rất bực mình, nên ông lôi xệch tôi vào. Mặc dù ông là một người rất chất phác, ông lập tức hiểu rằng, điều đó là không đúng. Ông nói với tôi, "Mặc dù ta là cha của con, nhưng lôi xệch con vào, ta cảm thấy không đúng."
Tôi nói, "Xin đừng cảm thấy tội lỗi chút nào cả. Điều mà cha đã làm, là hoàn toàn đúng, bởi vì trừ khi một ai đó lôi con vào, con sẽ không tự ý quyết định đi vào. Quyết định của con là 'không'. Cha có thể áp đặt quyết định của mình lên con, bởi vì con phải lệ thuộc cha về y phục, nơi ở, và mọi sự. Tự nhiên, cha ở trong một vị thế có đặc quyền."
Việc đi vào trường là khởi đầu của một cuộc sống mới. Trong nhiều năm, tôi đã sống y hệt một con thú hoang dã. Vâng, tôi không thể nói là một con người hoang dã, bởi vì không có con người nào là hoang dã. Chỉ thỉnh thoảng một người trở thành một con người hoang dã. Bây giờ tôi là con người hoang dã; Buddha đã từng là con người hoang dã, Zarathustra, Jesus họ đã từng là những con người hoang dã – nhưng vào thuở đó,  hoàn toàn đúng khi nói rằng, trong nhiều năm, tôi đã sống như một con thú hoang dã.
Tôi không bao giờ đi học một cách tự ý. Và tôi hạnh phúc rằng tôi đã bị lôi xệch vào, rằng tôi không bao giờ vào một cách tự ý, do tự chọn. Trường học thực sự là xấu xa – mọi trường học đều xấu xa. Thực ra, tạo ra một tình huống nơi mà trẻ (có thể) học tập là tốt, nhưng giáo dục chúng là không tốt. Sự giáo dục tất yếu là phải xấu xa.
Và tôi đã thấy gì như là cái đầu tiên tại trường? Cái đầu tiên, là một cuộc "đụng độ" với ông thầy lớp một của tôi. Tôi đã thấy những người đẹp và những người xấu, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một cái gì giống như thế này, một lần nữa! Ông là ông thầy, và ông sắp dạy tôi. Tôi không thể thậm chí nhìn vào người đàn ông đó. Thượng đế chắc hẳn đã sáng tạo ra khuôn mặt ông trong một tình thế rất “khẩn trương”. Có lẽ cái bàng quang của Ngài đang đầy ắp, và chỉ để hoàn tất công việc, Ngài tạo ra người đàn ông này, và lao vội vào toilet.  Ngài đã sáng tạo ra một con người quái dị làm sao! Ông ta chỉ có một mắt, và một cái mũi khoẵm.  Một con mắt đó là đủ, nhưng cái mũi khoẵm đã thực sự làm tăng thêm vẻ xấu xí cho khuôn mặt ông. Và ông rất khổng lồ! Chắc hẳn ông phải cân nặng tới 400 pound (180kg), không kém hơn.
Ông là người "thầy" đầu tiên của tôi – tôi muốn nói là "giáo viên", bởi vì tại Ấn, những giáo viên được gọi là "thầy". Ngay cả bây giờ, nếu tôi thấy người đàn ông đó, chắc chắn tôi bắt đầu run rẩy. Ông không phải là một con người chút nào; ông là một con ngựa!
Người giáo viên đầu tiên đó – tôi không biết tên thực của ông, và không ai trong trường biết, nhất là lũ trẻ; chúng chỉ đơn giản gọi ông là Thầy Kantar. Kantar có nghĩa là 'một mắt'; chừng đó là đủ cho lũ trẻ, và nó cũng là một sự kết án đối với ông ta. Trong tiếng Hindi, kantar không chỉ có nghĩa là 'một mắt', nó còn được dùng như là một lời nguyền rủa. Nó không thể được dịch trong cách đó, bởi vì một vài sắc thái tinh tế bị mất trong khi dịch. Cho nên, tất cả chúng tôi gọi ông là Thầy Chột, trước sự hiện diện của ông, và khi ông không có mặt ở đó, chúng tôi chỉ đơn thuần gọi ông là Kantar – cái gã Chột.
Ông không chỉ xấu xí; mọi cái mà ông làm đều xấu xa. Và dĩ nhiên, vào chính ngày học đầu tiên của tôi, một cái gì đó bắt buộc phải xảy ra. Ông thường phạt lũ trẻ một cách tàn nhẫn. Tôi chưa bao giờ thấy hoặc nghe về ai khác đã làm những điều như thế với trẻ con.
Ông đang dạy số học. Tôi đã biết một ít bởi vì ông ngoại tôi thường dạy tôi ở nhà; đặc biệt, một chút về ngôn ngữ, và một chút số học. Do vậy, tôi đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn cây pipal đẹp đang lóng lánh trong nắng. Không có cây nào khác chiếu sáng quá đẹp như thế dưới mặt trời, bởi vì mỗi cái lá nhảy múa một cách riêng rẽ, và toàn bộ cái cây trở nên gần như một dàn đồng ca – hằng nghìn vũ công và ca nhân chói sáng cùng nhau. Nhưng cũng độc lập nhau. Tôi nhìn cái cây với những chiếc lá của nó đang nhảy múa trong gió nhẹ, và mặt trời đang chiếu sáng trên mỗi ngọn lá, và hằng trăm con vẹt đang nhảy từ cành nọ sang cành kia, hân hoan thích thú, không vì lý do nào cả. Sung sướng thay, chúng không phải đi học!
Khi tôi đang nhìn ra ngoài cửa sổ, thì Thầy Chột nhảy bổ lên tôi.
Ông nói, "Tốt hơn, là nên chỉnh đốn mọi sự ngay từ lúc ban đầu."
Tôi nói, "Em  hoàn toàn đồng ý về điều đó. Em cũng muốn chỉnh đốn mọi thứ, ngay từ ban đầu."
Ông nói, "Tại sao mày nhìn ra cửa sổ khi tao đang giảng số học?"
Tôi nói, "Số học phải được nghe, chứ không phải để thấy. Em không cần phải thấy bộ mặt xinh đẹp của thầy. Em đang nhìn ra cửa sổ, để tránh điều đó. Chừng nào có liên quan đến số học, thầy có thể hỏi em; em nghe nó, và em biết nó."
Ông ta hỏi tôi, và cái đó là khởi đầu của một sự rắc rối rất lâu dài – không phải cho tôi, mà là cho ông. Cái rắc rối, là tôi trả lời đúng. Ông không thể tin điều đó, và nói, "Dù mày đúng hay sai, tao sẽ vẫn phạt mày, bởi vì  nhìn ra cửa sổ khi thầy đang giảng bài, là sai trái."
Tôi được gọi ra đằng trước mặt ông. Từ bàn giáo viên, ông lấy ra một hộp bút chì. Tôi đã nghe nói về những cây bút chì nổi tiếng này. Ông thường đặt một trong những cây bút chì này giữa mỗi trong số những ngón tay của bạn, rồi xiết chặt hai bàn tay bạn, và hỏi, "Có muốn thêm một chút nữa không? Có cần thêm không?" – với những đứa trẻ bé nhỏ!
Tôi nhìn những cây bút chì và nói, "Em đã nghe nói về những cây bút chì này, nhưng trước khi thầy đặt chúng giữa những ngón tay em, hãy nhớ rằng nó sẽ bắt thầy trả một giá rất đắt, có lẽ thậm chí là chỗ làm của thầy."
Ông cười lớn. Tôi có thể nói với bạn rằng, nó giống như một con quái vật trong một cơn ác mộng đang cười vào bạn. Ông nói, "Ai có thể ngăn cản tao?"
Tôi nói, "Đó không phải là điều then chốt.  Em muốn hỏi: nhìn ra ngoài cửa sổ có phạm nội qui không, khi số học đang được giảng? Và nếu em có thể trả lời những câu hỏi về những gì đang được dạy, và em sẵn sàng lặp lại từng từ một, thì nhìn ra cửa sổ là có gì sai, về phương diện nào? Vậy thì, tại sao cửa sổ trong phòng học được tạo ra? Vì mục đích gì? Bởi vì suốt ngày một ai đó đang dạy một cái gì đó, và cửa sổ thì không cần đến vào ban đêm, khi mà không có ai nhìn ra khỏi nó."
Ông ta nói, "Mày là một đứa gây rối."
Tôi nói, "Đúng chính xác như thế, và em sắp đi gặp thầy hiệu trưởng để xem, liệu thầy có hợp pháp không:  thầy phạt em khi em trả lời những câu hỏi của thầy một cách chính xác."
Ông trở nên "xuống nước" một chút. Tôi ngạc nhiên, bởi vì tôi đã nghe nói rằng, ông không phải là người mà có thể chịu khuất phục trong bất cứ cách nào.
Rồi tôi nói, "Và rồi em sẽ đi gặp ông chủ tịch hội đồng thành phố, là người điều hành ngôi trường này. Ngày mai, em sẽ đến với một cảnh sát trưởng, để cho ông ta có thể thấy tận mắt cái kiểu  tra tấn  đang diễn ra ở đây."
Ông rùng mình. Những người khác không thấy được, nhưng tôi có thể thấy những điều như thế, những điều mà những người khác có thể bỏ sót. Tôi có thể không thấy những bức tường, nhưng tôi không thể bỏ sót những cái bé nhỏ, gần như cực vi. Tôi bảo ông, "Thầy đang run rẩy, mặc dù thầy sẽ không dám thừa nhận điều đó. Nhưng, để rồi xem. Trước hết, hãy để cho em đi gặp thầy hiệu trưởng."
Tôi đến, và ông hiệu trưởng nói, "Ta biết người đàn ông này tra tấn trẻ con. Điều đó là trái pháp luật, nhưng ta không thể nói gì được, bởi vì ông ta là giáo viên già nhất trong thị trấn, và cha, ông của hầu hết mọi người đều đã một lần là học trò của ông. Do vậy, không ai dám nhấc một ngón tay lên chống lại ông."
Tôi nói, "Em không quan tâm. Cha em đã từng là học trò của ông, ông của em cũng vậy. Em không quan tâm hoặc về cha em, hoặc về ông em; thật ra, em không thực sự thuộc về gia đình đó. Em sống xa cách họ từ lâu. Em là một người lạ mặt ở đây."
Ông hiệu trưởng nói, "Ta có thể thấy ngay rằng trò hẳn là một người lạ ở đây, nhưng cậu trai ạ, đừng nên dây vào sự rắc rối không cần thiết. Ông ta sẽ tra tấn trò."
Tôi nói, "Điều đó không dễ đâu. Hãy để cho việc này là khởi đầu của cuộc đấu tranh của em chống lại mọi sự tra tấn. Em sẽ chiến đấu."
Và, với nắm tay – dĩ nhiên, chỉ là nấm đấm của một đứa trẻ nhỏ – tôi đấm lên bàn và tôi nói với ông, "Em không quan tâm về giáo dục hay bất cứ cái gì, nhưng em phải quan tâm về sự tự do của em. Không ai có thể sách nhiễu em một cách không cần thiết. Thầy phải cho em xem bộ luật giáo dục. Em không biết đọc, và thầy sẽ phải chỉ cho em xem, là nhìn ra cửa sổ có trái luật không, trong khi em có thể trả lời đúng mọi câu hỏi."
Ông nói, "Nếu trò trả lời đúng, thì việc nhìn ra chỗ nào cũng không thành vấn đề."
Tôi nói, "Thầy hãy đi với em."
Ông đến với bộ luật giáo dục, một cuốn sách cổ xưa mà ông luôn mang theo. Tôi không nghĩ rằng có ai đã từng đọc nó. Ông hiệu trưởng nói với Thầy Chột, "Tốt hơn là đừng sách nhiễu cậu bé này, bởi vì có vẻ như nó có thể dội ngược lại ông. Cậu ta không bỏ cuộc dễ dàng."
Nhưng Thầy Chột không phải là týp người dễ phục thiện. Sợ hãi, ông trở nên thậm chí càng gây hấn và bạo động hơn. Ông nói, "Tôi sẽ cho thằng bé này sáng mắt ra… – ông không cần lo lắng. Và ai quan tâm về cái bộ luật đó? Tôi đã là một giáo viên ở đây suốt đời tôi và phải chăng thằng bé này sắp dạy tôi về bộ luật giáo dục?"
Tôi nói, "Ngày mai, hoặc là em sẽ ở trong tòa nhà này hoặc là thầy, nhưng cả hai chúng ta không thể cùng nhau tồn tại ở đây. Hãy đơn giản đợi tới ngày mai."
Tôi lao vội về nhà, kể lại sự việc với cha tôi. Ông nói, "Ta lo lắng, liệu ta có đã đưa con vào trường chỉ để mang rắc rối đến cho kẻ khác và chính con, và cũng lôi kéo ta vào chuyện đó?"
Tôi nói, "Không, con chỉ đơn giản tường thuật sự việc,  để sau này cha sẽ không nói rằng cha không hề hay biết."
Tôi đi gặp ông cảnh sát trưởng, ông là một người đáng yêu; tôi đã không mong đợi rằng một cảnh sát lại có thể dễ mến như vậy. Ông nói, "Ta đã nghe nói về người đàn ông này. Thật ra, chính con trai ta cũng đã bị ông ta tra tấn. Nhưng không ai phàn nàn. Tra tấn là trái phép, nhưng nếu không có người khiếu nại, thì sẽ không làm được gì cả, và chính ta cũng không dám khiếu nại, bởi vì biết chắc rằng ông ta sẽ đánh trượt con ta. Do vậy, tốt hơn là cứ để cho ông ta tiếp tục tra tấn. Chỉ vài tháng nữa thôi, rồi con ta sẽ chuyển sang một lớp khác."
Tôi nói, "Cháu ở đây là để khiếu nại, và cháu không quan tâm đến việc chuyển sang lớp khác chút nào. Cháu sẵn sàng lưu lại trong lớp này suốt đời mình."
Ông nhìn tôi, vỗ nhẹ lên lưng tôi và nói, "Ta đánh giá cao cái mà cháu  đang làm. Ngày mai ta sẽ đến."
Rồi tôi lao đi gặp ông chủ tịch hội đồng thành phố, ông ta tự chứng tỏ mình chỉ là một đống phân bò. Ông nói với tôi, "Ta biết. Không thể làm gì được về chuyện đó. Trò phải sống với nó, hay trò phải học cách chịu đựng nó."
Tôi nói với ông, và tôi nhớ những lời của tôi một cách chính xác, "Cháu sẽ không tha thứ cho bất cứ cái gì mà lương tâm cháu thấy là sai trái." Ông nói, "Nếu sự việc đúng như thế, thì ta không thể đảm trách việc này. Hãy đi gặp ông phó chủ tịch, có lẽ ông ta sẽ trợ giúp hiệu quả hơn." Và tôi phải cám ơn cái đống phân này về điều đó, bởi vì ông phó chủ tịch của làng đó, Shambhu Dube, tỏ ra là người duy nhất có bản lãnh trong toàn làng, trong kinh nghiệm của tôi. Khi tôi gõ cửa – tôi chỉ mới tám, chín tuổi, và ông là phó chủ tịch – ông nói to, "Vâng, mời vào." Ông đang chờ đợi gặp một gentleman nào đó, và ngay khi thấy tôi, ông nom có vẻ hơi bối rối.
Tôi nói, "Cháu tiếc rằng, cháu không lớn tuổi hơn một chút – xin thứ lỗi cho cháu. Vả lại, cháu không được học hành chút nào, nhưng cháu phải khiếu nại về người này, Thầy Chột."
Ngay khi ông nghe câu chuyện của tôi – rằng người đàn ông này tra tấn trẻ nhỏ lớp một bằng cách đặt những cây bút chì giữa những ngón tay và rằng ông ta có những cái ghim mà ông ta kẹp vào dưới  những móng tay – ông không thể tin được.
Ông nói, "Ta đã nghe những lời đồn đại, nhưng tại sao không có ai khiếu nại?"
Tôi nói, "Người ta sợ rằng con cái họ sẽ bị tra tấn thêm nữa."
Ông nói, "Cháu  không sợ sao?"
Tôi nói, "Không, bởi vì cháu sẵn sàng bị đánh trượt. Đó là tất cả những gì mà ông ta có thể làm." Tôi nói rằng, tôi sẵn sàng chấp nhận bị trượt, và tôi không tha thiết sự thành công, nhưng tôi sẽ chiến đấu cho đến tận cùng: "Hoặc là người đàn ông này hoặc là cháu – cả hai không thể ở đó trong cùng một tòa nhà."
Shambhu gọi tôi đến sát bên ông. Nắm lấy tay tôi, ông nói, "Ta luôn luôn yêu mến những con người nổi loạn, nhưng ta không bao giờ nghĩ rằng một đứa trẻ ở tuổi cháu lại có thể là một kẻ nổi loạn. Ta chúc mừng cháu."
Chúng tôi trở thành "bạn" của nhau, và tình bạn này kéo dài cho đến khi ông mất. Ngôi làng đó có dân số hai mươi ngàn người, nhưng tại Ấn, nó vẫn là một làng. Tại Ấn, trừ khi một thị trấn có một trăm ngàn người, nó không được xem là một thị trấn. Khi có trên một triệu rưỡi người, thì nó là một thành phố. Trong suốt đời tôi, tôi không bao giờ gặp được một ai khác trong làng đó có cùng tầm cỡ, phẩm chất, hay tài năng như Shambhu Dube. Nếu bạn hỏi tôi, thì tôi sẽ nói rằng, trong toàn bộ Ấn Độ, tôi chưa bao giờ tìm thấy một Shambhu Dube thứ hai – thoạt nghe, có vẻ như là một sự phóng đại, nhưng thật đúng như vậy. Thật hiếm có một người như ông.
Khi tôi đang du hành khắp Ấn Độ, ông thường đợi hằng tháng để chờ tôi đến thăm ngôi làng đó chỉ trong một ngày. Ông là người duy nhất mà đã từng đến để nhìn tôi khi xe lửa tôi chạy qua làng. Dĩ nhiên, tôi không bao gồm trong đó cha tôi hay mẹ tôi; họ phải đến. Nhưng Shambhu Dube không phải là bà con thân thích của tôi; ông chỉ đơn giản yêu mến tôi. Và tình yêu này khởi đầu ở buổi tao ngộ đó, vào ngày đó, khi tôi đến để phản đối Thầy Chột.
Shambhu Dube là phó chủ tịch hội đồng thành phố, và ông nói với tôi, "Đừng lo lắng, cái gã đó sẽ bị trừng phạt; thật ra, thời gian phục vụ của ông ta đã hết. Ông làm đơn xin gia hạn, nhưng chúng ta sẽ không duyệt cho ông. Từ ngày mai, cháu sẽ không còn thấy ông ta trong cái trường đó nữa."
Tôi nói, "Đây có phải là một lời hứa không?"
Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Ông cười thành tiếng và nói, "Ừ, đó là một lời hứa."
Ngày kế đó, Thầy Chột biến đi. Sau đó, ông ta không dám nhìn mặt tôi.  Tôi cố liên hệ với ông, gõ cửa nhà ông nhiều lần, chỉ để nói lời tạm biệt, nhưng mà ông ta thực sự là một kẻ hèn nhát, một con cừu dưới lốt hổ. Nhưng ngày đầu tiên đó tại trường hóa ra là khởi đầu của nhiều, nhiều chuyện khác…
Điều đầu tiên mà cha tôi đã dạy tôi – và điều duy nhất mà ông đã từng dạy tôi – là một tình yêu dành cho con sông nhỏ chảy dọc theo thị trấn của tôi. Ông dạy tôi mỗi một việc này – bơi trên sông. Đó là tất cả những gì mà ông đã từng dạy tôi, nhưng tôi vô cùng biết ơn ông, bởi vì cái đó mang lại quá nhiều thay đổi trong đời tôi. Y hệt như Siddharta, tôi phải lòng con sông này.
Cái thói quen hằng ngày của tôi, là ở cùng con sông ít nhất từ 5 đến 8 tiếng mỗi ngày. Từ ba giờ sáng, tôi thường ở cùng con sông; bầu trời thường đầy sao, và những ngôi sao phản chiếu trên mặt nước. Và đó là một con sông đẹp; nước sông quá ngọt, đến nỗi người ta đã đặt tên nó là Shakkar – shakkar có nghĩa là "đường". Nó là một hiện tượng đẹp.
Tôi đã nhìn thấy nó trong bóng đêm với những vì sao, nhảy múa chảy về đại dương. Tôi đã nhìn thấy nó với bình minh. Tôi đã nhìn thấy nó – ngồi một mình trên bờ, hay với những người bạn, thổi sáo, nhảy múa hay thiền định trên bờ nó, bơi xuồng trong nó, hay bơi lội băng qua nó. Dưới cơn mưa, vào mùa đông, vào mùa hạ.
Tôi có thể hiểu Siddharta của Hermann Hesse và kinh nghiệm của nhân vật này với con sông. Nó đã xảy ra với tôi: quá nhiều cái diễn ra, bởi vì một cách chậm rãi, chậm rãi, với tôi, toàn bộ hiện hữu trở thành một con sông. Nó mất vẻ rắn chắc của nó; nó trở nên lỏng, dễ thay hình đổi dạng.
Và tôi vô cùng biết ơn cha tôi. Ông không bao giờ dạy tôi toán, ngôn ngữ, địa lý, ngữ pháp, lịch sử. Ông không bao giờ quan tâm nhiều đến sự giáo dục của tôi. Ông còn có 10 đứa con khác…
Và tôi đã thấy xảy ra nhiều lần, khi mà người ta thường hỏi, "Con trai ông đang học lớp mấy?" Và ông thường phải hỏi một ai đó, bởi vì ông không biết. Ông không bao giờ quan tâm đến việc giáo dục của tôi, và sự giáo dục duy nhất mà ông đã cho tôi, là niềm giao cảm với con sông.
Chính ông cũng yêu sâu sắc con sông đó.
Bất cứ khi nào bạn yêu những sự vật đang tuôn chảy, những sự vật đang di động, bạn có một nhãn quan khác biệt về cuộc đời. Con người hiện đại sống với những con đường nhựa, những tòa nhà xi măng cốt sắt. Đây là những danh từ, hãy nhớ, đây không phải là những động từ. Những tòa nhà chọc trời không tiếp tục phát triển; con đường vẫn là một (như cũ) dù ngày hay đêm, dù là một con trăng rằm hay là một đêm tối mịt. Bất luận cái gì xảy ra, nó không thành vấn đề đối với con đường nhựa, nó không thành vấn đề đối với những tòa nhà xi-măng cốt sắt.
Con người đã tạo ra một thế giới của những danh từ, và rồi dính kẹt vào trong thế giới của chính mình. Hắn đã quên đi thế giới của cỏ cây, của sông suối, núi non, và của những vì sao. Ở đó, chúng không biết về bất cứ danh từ nào, chúng chưa từng nghe về những danh từ; chúng chỉ biết có những động từ. Mọi sự là một tiến trình. Thượng đế không phải là một sự thể, mà là một tiến trình.
Trong thị trấn của tôi chỉ có một nhà thờ. Có rất ít người Kytô giáo, có lẽ bốn, năm gia đình, và tôi là người phi Kytô duy nhất thường viếng thăm nhà thờ đó. Nhưng đó không phải là (trường hợp) đặc biệt; tôi có thói quen viếng thăm những đền thờ Hồi giáo, gurudwara, những ngôi đền Hindu, những ngôi đền Jaina. Tôi luôn có ý tưởng rằng, mọi thứ đều thuộc về tôi. Tôi không thuộc về nhà thờ nào, tôi không thuộc về bất cứ ngôi đền nào, nhưng bất cứ ngôi đền, nhà thờ nào hiện hữu trên trái đất, đều thuộc về tôi.
Thấy một người phi Kytô chủ nhật nào cũng đến, ông linh mục trở nên quan tâm đến tôi. Ông nói với tôi, "Con có vẻ rất quan tâm. Thật ra, trong toàn cộng đồng của ta – nó là một cộng đồng quá bé nhỏ – con là người quan tâm nhất. Những người khác thì đang ngủ, đang ngáy, nhưng mà con thì quá tỉnh táo và chú ý lắng nghe và quan sát mọi sự. Con có muốn trở nên giống như Jesus Christ không?" và ông cho tôi xem hình Chúa Jesus, dĩ nhiên là của ông, đang treo trên thánh giá.
Tôi nói, "Không, tuyệt đối không! Tôi không có ước vọng bị đóng đinh. Và một người bị đóng đinh, hẳn có một cái gì đó không ổn với ông ta; nếu không thế, thì ai quan tâm đến việc đóng đinh ai? Nếu toàn đất nước ông ta, nhân dân ông ta quyết định đóng đinh ông ta, thì điều đó có nghĩa là, trong người đàn ông này phải có một cái gì đó không ổn. Ông có thể là một người dễ mến, có thể là người tốt, nhưng hẳn một cái gì đó đã dẫn ông đến việc bị đóng đinh. Có lẽ ông có một bản năng tự vẫn. Những người có bản năng tự vẫn thường không đủ can đảm để tự vẫn; nhưng họ có thể xoay xở thành công để người khác mưu sát họ. Và rồi ta sẽ không bao giờ phát hiện ra rằng họ có một bản năng tự vẫn, rằng họ xúi giục ta giết họ, để cho trách nhiệm đổ xuống ta."
Tôi nói, "Tôi không có bản năng tự vẫn nào trong tôi. Có lẽ ông ta không phải là một người muốn tự vẫn, nhưng chắc chắn ông ta là một loại người có bệnh thống dâm. Chỉ đơn giản nhìn vào khuôn mặt ông ta – và tôi đã thấy nhiều bức hình ông ta – tôi thấy ông ta nom quá khốn khổ, vô cùng khốn khổ, đến nỗi tôi đã thử đứng trước một tấm gương soi và làm ra vẻ khốn khổ như ông ta, nhưng tôi đã thất bại. Tôi đã gắng sức nhiều, nhưng tôi đã không thể thậm chí bắt chước khuôn mặt của ông ta; làm thế nào tôi có thể trở thành Jesus Christ được? Cái đó dường như không thể được. Và tại sao tôi lại phải trở thành Jesus Christ chứ?"
Ông bị sốc. Ông nói, "Ta nghĩ rằng con quan tâm đến Chúa Jesus."
Tôi nói, "Tôi chắc chắn quan tâm, quan tâm hơn ông, bởi vì ông chỉ là một giảng sư, được trả lương. Nếu ông không nhận lương trong ba tháng, ông sẽ bỏ đi, và tất cả lời giảng của ông sẽ biến mất." Và sau cùng, đó là điều đã xảy ra, bởi vì những gia đình Kytô giáo đó không phải là cư dân thường trú của thị trấn – tất cả họ đều là những công nhân đường sắt, nên chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị thuyên chuyển. Ông bị bỏ lại một mình với một nhà thờ nhỏ mà họ đã xây lên. Bây giờ, không có ai để tài trợ, để chu cấp cho ông, không có ai để lắng nghe ông trừ tôi.
Vào những ngày chủ nhật, ông thường nói, "Các bạn thân mến."
Tôi thường nói, "Xin hãy đợi! Đừng dùng số nhiều. Không có "những" người bạn, chỉ "bạn thân mến" cũng đủ rồi. Nó gần như đôi tình nhân đang tâm tình với nhau; nó không phải là một cộng đồng. Ông có thể ngồi xuống – không có ai ở đó. Chúng ta có thể có một cuộc tán gẫu vui vẻ.
Tại sao lại cứ đứng một cách không cần thiết trong một giờ, la to, và…?"
Và đó là cái đã xảy ra. Trong vòng ba tháng, ông bỏ đi, bởi vì nếu bạn không trả lương cho ông… Mặc dù Jesus nói, "Con người không thể chỉ sống bằng bánh mì thôi", con người cũng không thể sống mà không có bánh mì. Ông cần bánh mì. Nó có thể là không đủ, ông cần nhiều thứ khác nữa, nhưng nhiều thứ khác là chuyện sau này; trước nhất, phải có bánh mì.  Con người chắc chắn có thể chỉ sống bằng bánh mì. Y sẽ chưa thành ra một con người – nhưng mà ai mới ra một con người? Nhưng không ai có thể sống mà không có bánh mì, ngay cả Jesus.
Tôi thường đi vào trong đền thờ Hồi giáo, và họ cho phép tôi. Những người Kytô, Hồi giáo – những người này đang cải đạo người khác; họ muốn những người từ những tôn giáo khác đến với tôn giáo của họ. Họ rất hạnh phúc thấy tôi ở đó – nhưng lại vẫn câu hỏi tương tự. "Con có muốn trở nên giống như Hazrat Mohammed?" Tôi ngạc nhiên khi biết rằng không ai quan tâm đến việc chỉ đơn giản là chính mình, giúp tôi trở thành chính mình.
Mọi người quan tâm đến một ai đó khác, lý tưởng, lý tưởng của họ, và tôi chỉ phải là một bản copy? Phải chăng Thượng đế đã không cho tôi một khuôn mặt gốc? Tôi phải sống với một khuôn mặt vay mượn, với một mặt nạ, biết rằng tôi không có khuôn mặt nào cả? Như vậy, làm thế nào đời bạn là một niềm vui được? Ngay cả khuôn mặt bạn cũng không phải là của bạn.
Nếu bạn không là chính mình, làm sao hạnh phúc được?
Toàn bộ sự hiện hữu thì đầy phúc lạc, bởi vì tảng đá là tảng đá, cây là cây, sông là sông, đại đương là đại dương. Không cái nào đang bận tâm muốn trở nên một cái khác; nếu không, tất cả chúng đều sẽ phát khùng. Và đó là cái đã xảy ra với con người.
Ngay từ thơ ấu, bạn đã được dạy để không là chính mình, nhưng cái cách mà nó được nói ra thì rất khôn khéo, tinh ranh. Họ nói, "Con phải trở nên giống như Krishna, Buddha," và họ vẽ Buddha và Krishna trong một cách thức sao cho nó khơi dậy trong bạn ước muốn trở thành một Buddha, một Jesus, một Krishna. Ước vọng này là nguyên nhân gốc rễ của sự khốn khổ của bạn. Tôi cũng đã được dạy bảo cùng một điều như bạn được dạy bảo, nhưng ngay từ thơ ấu, tôi đã nhấn mạnh rằng, dù bất cứ hậu quả nào xảy ra, tôi sẽ không để cho mình đi chệch khỏi chính mình. Đúng hay sai, tôi sẽ vẫn cứ là chính mình. Cho dù tôi kết thúc tại địa ngục, tôi sẽ ít nhất có sự thỏa mãn rằng tôi đi theo dòng chảy của đời tôi. Nếu nó dẫn về địa ngục, thì nó cứ về địa ngục. Theo lời khuyên của người khác, lý tưởng, những pháp môn tu tập của người khác, thì cho dù kết thúc tại thiên đường, tôi sẽ không hạnh phúc ở đó, bởi vì tôi bị cưỡng bách chống lại ý muốn của mình.
Hãy cố hiểu cái điểm then chốt đó. Nếu nó trái với ý muốn của bạn, thì ngay cả khi ở trên thiên đường, bạn cũng sẽ thấy đó là địa ngục. Nhưng đi theo cái dòng hiện hữu tự nhiên của bạn, thì ngay cả khi bạn ở địa ngục, bạn vẫn thấy như ở trên thiên đường.
Thiên đường là nơi mà sự tồn tại đích thực của bạn nở hoa.
Địa ngục là nơi mà bạn bị chà đạp và một cái gì khác bị áp đặt lên bạn.

Tại làng tôi, như khắp miền Đông Ấn,  hằng năm vở kịch Ram-leela – đời của Rama – được diễn.  Người đàn ông thường đóng vai Ravana – kẻ thù của Rama, đánh cắp vợ của Rama – là một tay đô vật có hạng. Anh ta là vô địch của toàn địa hạt, và năm tới, anh ta sắp thi đấu để tranh chức vô địch toàn quốc gia. Chúng tôi thường tắm trên sông hầu như đồng thời vào buổi sáng, nên chúng tôi trở thành bạn của nhau. Tôi bảo anh ta, "Hằng năm anh đóng vai Ravana, và hằng năm anh bị lừa gạt. Ngay lúc mà anh sắp bẻ gãy cây cung của Shiva, để có thể cưới Sita, con gái của Janaka, thì một người đưa tin chạy đến, báo tin rằng thủ đô Sri Lanka của anh đang bốc cháy. Cho nên anh phải đi, vội vã trở lại đất nước. Và trong khi đó, Rama thành công bẽ gãy cây cung và cưới cô gái. Anh không thấy chán, năm nào cũng chừng đó chuyện ư?"
Anh ta nói, "Nhưng câu chuyện nó như vậy mà."
Tôi nói, "Câu chuyện là ở trong tay chúng ta, nếu anh nghe theo những gợi ý của tôi. Anh hẳn đã thấy rằng, hầu hết mọi người đều ngủ gục bởi vì họ đã xem đi xem lại cùng một điều, năm này sang năm nọ, thế hệ này sang thế hệ nọ – hãy làm cho nó thú một chút."
Anh ta nói, "Ý cậu là gì?"
Tôi nói, "Lần này, anh làm một điều mà tôi nói ..." Và anh ta đã làm đúng như thế!
Khi người đưa tin đến với với thông điệp: "Thủ đô của ngài, Sri Lanka vàng son, đang bốc cháy; ngài phải về ngay." Thì anh ta nói, "You shut up, idiot" (im mồm đi, đồ ngốc) – anh ta nói bằng tiếng Anh!
Đó là cái mà tôi đã xúi anh ta làm! Tất cả mọi người đang ngủ bỗng tỉnh dậy: "Ai đang nói tiếng Anh trong vở Ramleela thế nhỉ?"
Và Ravana nói, "Ngươi hãy đi đi. Ta cóc cần nghe. Ngươi đã lừa gạt ta hằng năm. Lần này, ta sẽ cưới Sita."
Rồi anh ta đi và bẻ gãy cây cung của Shiva thành từng mảnh, và ném nó vào những ngọn núi – nó chỉ là một cây cung bằng tre. Và anh ta hỏi Jankana, "Con gái ngươi đâu? Hãy mang lại đây! Máy bay của ta đang đợi!"
Thật là buồn cười, vui nhộn!  Ngay cả sau 40 năm, bất cứ khi nào tôi gặp một ai đó từ làng tôi, họ đều nhớ cái vở kịch Ramleela đó. Họ nói, "Chưa từng có cái gì như thế xảy ra."
Người quản lý phải cho màn hạ. Và người đàn ông này (đóng vai Ravana) là một nhà đô vật to con, ít nhất 12 người đã phải khiêng anh ta ra ngoài.
Ngày đó, Ramleela không thể diễn được. Và ngày kế, họ đã phải đổi Ravana; họ tìm một người khác.
Bên bờ sông, "Ravana" gặp tôi. Anh ta nói, "Cậu làm xáo trộn hết mọi sự."
Tôi nói, "Nhưng anh có thấy, người ta vỗ tay, thích thú? Trong nhiều năm, anh đã diễn vai đó, nhưng không ai vỗ tay, không ai cười lớn. Thật bõ công!"
Tôn giáo cần một phẩm chất tôn giáo. Một vài phẩm chất bị thiếu. Một trong những phẩm chất quan trọng nhất là một cảm thức hài hước.
Người ta ngăn không cho tôi gặp những diễn viên của họ. Họ làm rõ với mọi diễn viên, rằng nếu bất cứ ai nói chuyện với tôi hay gặp tôi, thì người đó sẽ không được phép diễn. Nhưng họ quên nói với một người, anh ta không phải là một diễn viên …
Anh ta là thợ mộc. Anh cũng thường đến làm một công việc nào đó trong nhà tôi. Do vậy, tôi nói với anh, "Tôi không thể đến gần những diễn viên năm nay. Năm ngoái là đủ! Mặc dù tôi không làm hại ai – mọi người yêu thích nó, cả thành phố đánh giá cao nó. Nhưng bây giờ họ đang canh gác mọi diễn viên, và họ không cho phép tôi đến gần diễn viên. Nhưng anh không là diễn viên, chức năng của anh là công việc khác. Anh có thể giúp tôi."
Anh ta nói, " Bất cứ cái gì tôi làm được, tôi sẽ làm, bởi vì năm ngoái nó thật là tuyệt. Tôi có thể giúp một chút chứ?"
Tôi nói, "Chắc chắn rồi." Và anh ta đã làm nó!
Trong chiến tranh, Lakshmana, em trai của Rama, bị thương bởi một mũi tên độc. Nó rất nguy kịch. Những y sĩ nói rằng, nếu không mang về một loại dược thảo nào đó từ núi Arunachal, thì anh ta không thể được cứu sống, và vào trước buổi sáng anh ta sẽ chết. Anh ta đang nằm xuống bất tỉnh trên sân khấu. Rama đang kêu khóc.
Hanuman, kẻ thuộc hạ tận tụy nhất của anh ta, nói, "Đừng lo lắng. Tôi sẽ đi ngay lập tức đến Arunachal, tìm dược thảo, mang về trước buổi sáng. Tôi chỉ cần một y sĩ cho một số chỉ dẫn, làm thế nào để tìm nó, hình dáng nó ra sao. Có thể có quá nhiều loại dược thảo trên núi Arunachal, và thời gian thì quá gấp rút, sắp tối rồi."
Vị y sĩ nói, "Không có gì khó khăn. Loại dược thảo đặc biệt đó có một tính chất độc đáo. Ban đêm, nó phát xạ và rực sáng, đến mức ngươi có thể thấy nó. Do vậy, bất cứ nơi nào ngươi thấy một loại cỏ phát sáng, ngươi có thể mang về."
Hanuman đi tới núi Arunachal, nhưng hắn bị bối rối, bởi vì toàn bộ núi Arunachal đầy những dược thảo phát sáng. Không chỉ một loại cỏ có tính chất đặc biệt đó. Nhiều loại cỏ khác cũng có đặc tính phát sáng trong đêm.
Bây giờ Hanuman đáng thương – hắn chỉ là một con khỉ – bối rối không biết phải làm gì. Do vậy, hắn quyết định mang toàn bộ ngọn núi về, và đặt núi ở đó, đằng trước vị y sĩ để ông tìm ra thứ dược thảo cần thiết.
Người thợ mộc thì đang ở trên chóp mái nhà. Anh ta phải kéo sợi dây thừng mà trên đó Hanuman đến với một ngọn núi bằng các-tông với những ngọn nến đang cháy. Và trước đó, tôi đã bảo anh ta, "Hãy ngừng ngay giữa chừng. Hãy để cho nó treo lủng lẳng ở đó, với ngọn núi và mọi thứ." Và anh ta làm đúng như thế!
Người quản lý lao vụt ra ngoài. Toàn bộ đám đông xôn xao hào hứng trước những gì đang xảy ra. Và Hanuman đang đầm đìa mồ hôi, bởi vì "hắn" đang treo lủng lẳng trên những sợi dây thừng cùng với ngọn núi, ở bàn tay kia. Người quản lý lao vụt lên sân khấu. Ông ta hỏi người thợ mộc, và anh ta nói, "Tôi không biết cái gì bị trục trặc. Sợi dây thừng bị kẹt ở một nơi nào đó."
Một cách vội vã, không tìm thấy gì, người quản lý cắt những sợi dây thừng và Hanuman với ngọn núi của hắn rơi xuống trên sân khấu. Và đương nhiên, "hắn" rất tức giận. Nhưng hằng ngàn người thì vô cùng vui sướng. Nó càng khiến cho anh ta (người diễn vai Hanuman) thêm tức giận.
Rama tiếp tục lặp lại những lời thoại  của vai diễn. Anh ta nói, "Hanuman, người bạn tận tụy của tôi …
Hanuman nói, "Quỷ tha ma bắt những người bạn của ông! Có lẽ tôi bị gãy xương."
Rama tiếp tục nói, "Em trai tôi đang hấp hối."
Hanuman nói, "Anh ta muốn chết lúc nào, cứ việc chết! Cái mà tôi muốn biết, là ai đã cắt sợi dây thừng? Tôi sẽ giết hắn ta!"
Một lần nữa, màn phải được hạ xuống, Ramleela phải dừng lại. Và người quản lý và những người đang tổ chức cho vở diễn, tất cả đến gặp cha tôi và nói, "Con trai ông đang phá hủy mọi sự. Nó đang bêu rếu tôn giáo của chúng tôi."
Tôi nói, "Tôi không bêu rếu tôn giáo của quý vị. Tôi chỉ đơn giản đem lại cho nó một chút hài hước."
Tôi muốn mọi người cười lớn. Cứ lặp lại hằng năm một câu chuyện cổ để làm gì? Rồi thì, mọi người đều ngủ gật bởi vì họ biết rõ câu chuyện, họ biết mọi lời thoại của nó. Nó hoàn toàn vô nghĩa."
Nhưng thật khó cho những kẻ theo chủ nghĩa truyền thống già nua, những người chính thống, chấp nhận được tiếng cười. Bạn không thể cười lớn trong một nhà thờ.

Ông nội tôi rất yêu tôi, chỉ vì những trò nghịch ngợm của tôi. Thậm chí trong tuổi già của mình, ông vẫn rất nghịch ngợm. Ông không bao giờ thích cha tôi hay những ông chú tôi, bởi vì họ chống lại cái tính nghịch ngợm của ông lão này. Tất cả họ đều nói với ông, "Bây giờ cha đã 70 rồi, cha phải hành xử đúng đắn. Bây giờ những con trai của cha đều đã 50, 55, con gái cũng đã 50, con cái họ đều đã thành gia thất, cháu của họ cũng đang ở đó – thế mà cha vẫn cứ tiếp tục làm những điều khiến cho chúng con cảm thấy xấu hổ."
Tôi là bạn "tri kỷ" duy nhất của ông, và tôi yêu cụ già này, vì lý do đơn giản, là ông đã không đánh mất tuổi thơ của mình. Thậm chí ở tuổi 70, ông vẫn nghịch ngợm như bất cứ đứa trẻ nào. Và ông thường nghịch ngợm với chính con trai, con gái của mình, với cả con rể, và họ đều bị sốc.
Tôi cũng người "tâm phúc" duy nhất của ông, bởi vì chúng tôi âm mưu cùng nhau. Dĩ nhiên, nhiều điều ông không thể làm – tôi phải làm các thứ đó. Thí dụ, con rể ông đang ngủ trong phòng, và ông không thể leo lên mái nhà, nhưng tôi có thể. Do vậy, chúng tôi cùng âm mưu với nhau; ông sẽ giúp tôi, ông trở thành một "cái thang" để tôi leo lên mái nhà và giở một tấm ngói. Và ban đêm, chỉ với một cây tre và một cái bàn chải gắn vào nó, chạm vào mặt của người con rể… Anh ta sẽ hét lên, và cả nhà sẽ chạy đến đó… "Có chuyện gì thế?" Nhưng vào lúc đó, chúng tôi đã biến đi, và anh ta sẽ nói, "Có một con ma nào đó, hoặc một ai đó chạm vào mặt tôi. Tôi cố chụp bắt nó, nhưng không thể; trời quá tối."
Ông tôi vẫn còn hoàn toàn hồn nhiên, và tôi thấy sự tự do lớn lao mà ông có được. Trong gia đình tôi, ông là niên trưởng. Lẽ ra, ông phải là người nghiêm túc nhất, và bị chất đầy với quá nhiều vấn đề và lo lắng, nhưng không có gì chạm được tới ông. Mọi người đều nghiêm trang và lo lắng khi có những vấn đề; chỉ có ông là không lo lắng. Nhưng một điều mà tôi không bao giờ thích, đó là ngủ chung với ông. Ông có thói quen ngủ che kín mặt, và tôi cũng sẽ phải ngủ che kín mặt, rất ngột ngạt.
Tôi nói với ông một cách rạch ròi, "Về mọi sự, thì con đồng ý, nhưng chuyện này thì con không thể chịu được. Ông ngủ, che kín mặt; con không thể ngủ che kín mặt – nó làm cho con ngộp thở. Ông có cử chỉ rất trìu mến – ông thường giữ tôi sát bên quả tim ông và che kín tôi hoàn toàn. Cái đó thì hoàn toàn tốt, nhưng vào buổi sáng, quả tim con sẽ không còn đập! Ý định của ông là tốt, nhưng vào buổi sáng thì ông sẽ còn sống, còn con thì sẽ tắt thở. Do vậy, tình bạn của chúng ta là ở ngoài cái giường."
Ông muốn tôi ở đó, bởi vì ông yêu thương tôi và ông  nói, "Tại sao con không đến ngủ với ta?"
Tôi nói, "Ông biết hoàn toàn rõ, rằng con không muốn bị ngộp thở bởi bất cứ ai, cho dù ý định của họ là tốt." Chúng tôi cũng thường đi dạo – một cuộc đi dạo dài – vào buổi sáng, và đôi khi ban đêm, lúc có trăng. Nhưng tôi không bao giờ cho phép ông nắm tay tôi. Và ông thường nói, "Nhưng tại sao? Con có thể ngã, con có thể vấp vào một hòn đá hay một cái gì đó."
Tôi nói, "Như vậy tốt hơn. Hãy để cho con va vấp, điều đó sẽ không giết chết con. Nó sẽ dạy cho con làm sao để khỏi va vấp, làm sao để cảnh giác, làm sao để nhớ là nơi nào có những tảng đá. Nhưng ông lại nắm tay con – ông còn có thể nắm tay con bao lâu nữa? Ông định ở với con bao lâu nữa? Nếu ông có thể bảo đảm rằng ông sẽ luôn luôn ở cùng con, thì dĩ nhiên, con sẽ sẵn lòng."
Ông là một người rất thành thật. Ông nói, "Ta không thể bảo đảm điều đó; ta không thể thậm chí nói về ngày mai. Và một điều chắc chắn, là con sẽ còn sống lâu và ta sẽ chết trước, do vậy, ta sẽ không thể ở đây mãi mãi để nắm tay con."
"Vậy thì," – tôi nói – "tốt hơn, con nên học từ bây giờ, bởi vì một ngày nào đó, ông sẽ rời bỏ con giữa chừng, không ai trợ giúp. Cho nên, hãy cứ để con một mình, cứ để cho con té ngã. Con sẽ cố đứng dậy. Ông cứ đợi; ông chỉ cần quan sát, và cái đó sẽ từ bi đối với con, hơn là việc nắm tay con."
Và ông hiểu. Ông nói, "Con nói đúng – một ngày nào đó, ta sẽ không còn ở đó nữa."
Thật là tốt khi ngã một vài lần, bị đau, lại đứng lên – đi lạc đường một đôi lần. Không có hại gì cả. Cái khoảnh khắc mà bạn phát hiện ra rằng bạn đã đi lạc đường, hãy quay trở lại. Cuộc đời phải được học thông qua thử nghiệm và sai lầm.
Tôi thường nói với cha tôi, "Đừng cho con bất cứ lời khuyên nào, ngay cả nếu con hỏi xin. Cha phải rất thẳng thắn về chuyện đó. Cha chỉ cần nói, 'Hãy tự tìm lấy đường mà đi.' Xin đừng cho con lời khuyên." Bởi vì khi có thể có một lời khuyên với giá rẻ, thì ai còn bận tâm tìm kiếm con đường riêng của mình?
Tôi vẫn luôn nói một cách nhất quán với những thầy giáo của tôi, "Làm ơn nhớ một điều: em không cần sự khôn ngoan của quý vị – xin cứ đơn thuần dạy môn học của quý vị." Với giáo viên địa lý: "Thầy là giáo viên địa lý, thế mà Thầy lại đang cố dạy em về đạo đức à? Đâu là mối liên hệ giữa đạo đức và địa lý?"
Tôi nhớ người đàn ông đáng thương là giáo viên địa lý của tôi. Ông bị rắc rối bởi vì tôi đã lấy một cái gì đó từ cái túi của một học sinh ngồi cạnh tôi. Tôi đã lấy tiền của cậu ta, và ông thầy bảo tôi,
"Đừng làm thế."
Tôi nói, "Đó không phải là việc của Thầy. Thầy là giáo viên địa lý, và đây là một vấn đề đạo đức. Nếu Thầy muốn, em sẵn sàng đi tới phòng hiệu trưởng; Thầy cùng đi với em. Không có chỗ nào trong chương trình địa lý… Em đã đọc nó, và không có chỗ nào nói rằng bạn không thể lấy tiền của một ai đó khác. Và tiền bạc chỉ là tiền bạc; bất cứ ai có nó, nó là của người ấy. Ngay lúc này nó là của em. Cậu ta phải cảnh giác hơn. Nếu Thầy muốn cho lời khuyên, thì hãy cho cậu ta."
"Trước hết, có cần phải đem quá nhiều tiền tới giờ học địa lý không? Không có gì để mua; sẽ không có chuyện mua sắm ở đây. Tại sao bạn ấy đem tiền đến đây? Rồi, nếu đã đem theo tiền, thì bạn ấy nên cảnh giác. Đó không phải là lỗi của em, mà là lỗi của bạn ấy, và em chỉ đơn giản lợi dụng thời cơ, đó là quyền của em. Tận dụng tình huống là quyền của mọi người."
Tôi còn nhớ người đàn ông đáng thương này. Ông luôn gặp khó khăn, và luôn gặp khó khăn với tôi. Ông thường gặp tôi bên ngoài lớp, và nói, "Trò có thể làm bất cứ cái gì mà trò muốn, chỉ đừng mang quá nhiều triết lý vào trong môn địa lý khốn khổ. Và tôi không biết gì về triết lý – tôi chỉ biết về địa lý. Và trò xoay hướng câu hỏi, đến mức mà thậm chí trong đêm, tôi cứ mãi suy nghĩ, không biết nó thuộc về địa lý, tôn giáo, hay triết học."
Ngay trước trường tôi có hai cây kadamba đẹp. Cây kadamba có hoa rất thơm, và tôi thường ngồi trên cây đó bất cứ khi nào tôi có thể trốn thoát khỏi những giờ học. Đó là nơi tốt nhất, bởi vì những giáo viên thường đi qua bên dưới – ông hiệu trưởng cũng thường đi qua, và không ai nghĩ rằng tôi có thể đang nấp trong cây. Những cây này có thân rất to. Nhưng bất cứ khi nào ông thầy địa lý này đi qua, tôi không thể cưỡng lại việc ném ít nhất một hai hòn đá vào đầu ông ta. Và ông thường nhìn lên, và nói, "Trò đang làm gì ở đó?"
Một hôm, tôi nói, "Đây không phải là giờ địa lý. Thầy quấy rầy việc thiền định của em."
Và ông ta nói, "Còn hai hòn đá rơi trên đầu ta thì sao?"
Tôi nói, "Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Em đã ném những hòn đá; thật kỳ lạ, làm sao mà thầy lại xuất hiện chính xác vào lúc đó. Bây giờ, em đang tự hỏi về điều đó. Chắc Thầy cũng đang tự hỏi về điều đó, làm sao mà nó xảy ra một cách chính xác như vậy."
Ông thường đến mách với cha tôi. "Sự việc đang đi quá xa." Ông là một người hói đầu; và trong tiếng Hindi, người hói đầu gọi là munde. Tên ông ta là Chotelal, nhưng ông được biết đến như là Chotelal Munde. Chotelal thì hiếm khi được dùng, chỉ Munde là đủ, bởi vì ông là người duy nhất hói đầu hoàn toàn.  Khi ở ngay trước cửa nhà ông, tôi thường gõ cửa và vợ ông hay một ai đó thường mở cửa, và họ thường nói, "Tại sao trò tra tấn ông ta? Trò tra tấn ông tại trường, trò tra tấn ông tại chợ, trò tra tấn ông trên sông khi ông đi tắm."
Một hôm vợ ông mở cửa và nói, "Trò có chịu ngừng tra tấn ông Hói hay không?" – lúc ấy, ông ta ở đó, đằng sau bà!
Ông túm lấy vợ và nói, "Bà cũng gọi tôi là Hói! Cậu trai này đã loan truyền khắp thành phố cái ý tưởng rằng tên tôi là Chotelal Hói – và bây giờ, chính vợ tôi cũng bị cậu ta cải đạo. Tôi có thể tha thứ mọi người khác, nhưng chính vợ tôi, ngay trong nhà tôi…"
Nhưng tôi nhấn mạnh với những ông giáo viên của tôi: "Xin vui lòng đi theo lối đi của quý vị và đừng cho em bất cứ lời khuyên nào mà không thuộc về môn học của quý vị, để cho em có thể thám hiểm đời em trong cách của riêng em. Vâng, em sẽ phạm nhiều sai lầm, nhiều khuyết điểm. Em sẵn sàng phạm lỗi lầm, bởi vì đó là cách duy nhất để học hỏi."
Ông nội tôi không phải là một người tôn giáo, không chút nào. Ông gần gũi với Alexis Zorba hơn: ăn, uống, và vui chơi; không có thế giới nào khác, tất cả mọi thứ đó đều là vớ vẩn. Cha tôi là một người rất tôn giáo; có lẽ vì ông tôi – một phản ứng, khoảng cách thế hệ. Nhưng mà có một sự lộn ngược trong gia đình tôi: Ông tôi là một người vô thần và có lẽ bởi vì sự vô thần của ông, cha tôi trở thành người hữu thần. Và bất cứ khi nào cha tôi đi lễ đền, ông tôi thường cười to và nói, "Lại nữa! Hãy cứ tiếp tục, hãy cứ lãng phí thời gian của con đằng trước những bức tượng ngu xuẩn đó!"
Tôi yêu Zorba vì nhiều lý do; một trong những lý do, là qua Zorba, tôi tìm thấy lại ông tôi. Ông quá yêu thực phẩm, đến nỗi ông thường không tin cậy bất cứ ai; ông thường tự mình nấu nướng thức ăn. Trong đời tôi, tôi đã từng là một vị khách trong hằng ngàn gia đình tại Ấn, nhưng tôi chưa bao giờ nếm một cái gì quá ngon lành như những cái do ông tôi nấu. Và ông quá yêu nó, đến mức hằng tuần nó là một tiệc tùng cho tất cả những người bạn của ông – và ông thường nấu nướng suốt ngày.
Mẹ tôi, các cô tôi và những tôi tớ, đầu bếp – tất cả đều bị ném ra khỏi bếp. Khi ông tôi đang nấu nướng, không ai được quấy rầy ông. Nhưng ông rất thân thiện với tôi; ông cho phép tôi quan sát và ông nói, "Hãy học, đừng nương nhờ vào người khác. Chỉ có mình mới biết được khẩu vị của mình. Ai khác có thể biết nó chứ?"
Tôi nói, "Cái đó thì quá sức con; con quá lười biếng, nhưng con có thể quan sát. Nấu nướng suốt ngày ư? Con không thể làm chuyện đó." Cho nên, tôi đã không học được cái gì, nhưng chỉ quan sát đã là một niềm vui – cái cách mà ông làm việc, hầu như là một nhà điêu khắc hay một nhạc sĩ hay họa sĩ. Nấu nướng không chỉ là nấu nướng, nó là nghệ thuật với ông. Và nếu một cái gì đó dưới tiêu chuẩn một chút, ông thường ném đi ngay. Ông thường nấu nó lại, mặc dù tôi thường nói, "Nó hoàn toàn ngon mà."
Ông thường nói, "Con biết rằng nó không ngon một cách hoàn hảo, nó chỉ tàm tạm thôi; nhưng ta là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Chừng nào nó chưa đạt tiêu chuẩn của ta, ta sẽ không mời ai ăn. Ta yêu thực phẩm của ta."
Ông thường làm nhiều loại thức uống… và bất cứ cái gì ông làm, cả gia đình đều chống lại ông: Họ nói rằng ông là một kẻ gây phiền hà. Ông không cho phép bất cứ ai ở trong bếp, và vào buổi chiều tối, ông tụ họp tất cả những kẻ vô thần của thị trấn. Và chỉ để thách thức đạo Jaina, ông thường ngồi cho đến khi mặt trời lặn. Ông thường không ăn trước đó, bởi vì đạo Jaina nói: hãy ăn trước khi mặt trời lặn; sau khi mặt trời lặn, không được phép ăn. Ông thường sai tôi đi xem, xem là mặt trời đã lặn hay chưa.
Ông làm cho cả nhà bực mình. Và họ không thể giận ông – ông là gia trưởng, niên trưởng – nhưng họ giận tôi. Cái đó dễ hơn. Họ nói, "Tại sao con cứ chốc chốc lại đi xem là mặt trời đã lặn hay chưa? Ông già đó đang làm cho con cũng bị ‘mất linh hồn’, hoàn toàn mất."
Tôi rất buồn bởi vì tôi tình cờ gặp một cuốn sách là Zorba người Hy lạp ngay vào lúc ông tôi đang hấp hối. Điều duy nhất mà tôi cảm thấy tại lễ hỏa táng của ông là, có lẽ ông đã yêu nó, nếu tôi dịch và đọc nó cho ông nghe. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách cho ông nghe.  Ông không được học hành. Ông chỉ có thể viết chữ ký của mình, chỉ chừng đó. Ông không biết đọc, biết viết – nhưng ông rất tự hào về điều đó.
Ông thường nói, "Thật tốt là cha của ta không cưỡng bách ta đi học, nếu không, có lẽ ông cụ đã làm hỏng ta. Những cuốn sách này đã làm hỏng người ta quá nhiều." Ông thường nói với tôi, "Hãy nhớ, cha của con đã bị làm hỏng, chú con bị làm hỏng; họ đang liên tục đọc những cuốn sách tôn giáo, kinh điển, và tất cả chúng đều là rác rưởi. Trong khi họ đang đọc, thì ta đang sống; và thật tốt khi biết thông qua kinh nghiệm sống."
Ông thường bảo tôi, "Họ sẽ gửi con đến trường đại học – họ sẽ không chịu nghe ta. Và ta không thể giúp nhiều, bởi vì nếu cha con và mẹ con cứ khăng khăng, họ sẽ gửi con vào đại học. Nhưng hãy cẩn thận: Đừng để bị lạc lối trong những cuốn sách."
Ông khoái những vật nhỏ bé. Tôi hỏi ông. "Mọi người tin vào Thượng đế, tại sao ông không tin, Baba?" Tôi gọi ông là baba; tại Ấn, ông nội được gọi là baba.
Ông nói, "Bởi vì ta không sợ."
Một câu trả lời rất đơn giản: "Tại sao ta lại phải sợ? Không cần gì phải sợ; ta không làm điều gì sai trái, ta không làm hại ai. Ta chỉ đơn giản sống đời ta một cách vui sướng. Nếu có một Thượng đế, và ta gặp Ngài một lúc nào đó, thì Ngài không thể giận ta. Ta sẽ giận Ngài: 'Tại sao Ngài lại tạo ra cái loại thế giới này?' Ta không sợ."
Khi ông đang hấp hối, tôi lại hỏi ông, bởi vì những bác sĩ nói rằng ông chỉ còn sống thêm vài phút nữa thôi. Mạch của ông đang trở nên yếu hơn, quả tim ông đang lụi dần, nhưng ông hoàn toàn minh mẫn. Tôi hỏi ông, "Baba, một câu hỏi …"
Ông mở mắt ra, và nói, "Ta biết câu hỏi của con: 'Tại sao ông không tin vào Thượng đế?' Ta biết rằng con sắp hỏi ta câu hỏi đó khi ta đang hấp hối. Có phải con nghĩ rằng cái chết khiến cho ta sợ? Ta đã sống quá vui sướng và quá hoàn toàn, ta chết mà không có gì phải nuối tiếc.
"Ngày mai ta sẽ làm cái gì khác? Ta đã làm hết mọi thứ, và không còn sót lại gì. Và nếu mạch của ta đang chậm lại và tiếng đập quả tim ta đang chậm lại, ta nghĩ mọi sự sẽ hoàn toàn tốt đẹp, bởi vì ta đang cảm thấy rất bình an, rất trầm tĩnh, rất im lặng. Bất luận ta chết một cách vĩnh viễn hay tiếp tục sống, ta không thể nói ngay bây giờ. Nhưng một điều mà con nên nhớ: Ta không sợ."
Khi tôi đỗ kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cả gia đình tôi nháo nhào cả lên, bởi vì tất cả đều muốn một cái gì đó. Một ai đó muốn tôi trở thành bác sĩ, một ai đó muốn tôi là nhà khoa học, một ai đó muốn tôi là kỹ sư – bởi vì tại Ấn, đây là những công việc được trọng vọng, lương cao. Bạn trở nên giàu có, bạn trở nên nổi tiếng, bạn được tôn vinh. Nhưng tôi nói, "Con sẽ học triết học."
Tất cả họ đều nói, "Chỉ vớ vẩn! Không người nào có tâm lý bình thường mà lại đi học triết. Con sẽ làm gì sau đó? Sáu năm lãng phí ở đại học, học những thứ chả có ích lợi gì. Chúng không có giá trị gì, con thậm chí sẽ không có được một chỗ làm nho nhỏ."
Và họ có lý. Tại Ấn Độ, nếu bạn nộp đơn xin công việc nhỏ nhất, giống như một thư ký tại bưu điện, thì chỉ cần chứng chỉ trúng tuyển đại học là đủ. Nhưng, nếu bạn có bằng MA triết học, bạn xếp hạng ưu ở đại học, bạn có một huy chương vàng – thì bạn sẽ bị từ chối. Chỉ vì bạn đã có những cái đó! Đây là những cái "phản tác dụng", cho thấy bạn là một con người "khó gần"! Một thư ký không nên là một triết gia; nếu không, tất yếu phải có những khó khăn.
Cho nên họ nói, "Con sẽ chịu khổ suốt đời. Hãy suy nghĩ kỹ lại."
Tôi nói, "Con không bao giờ suy nghĩ, các vị  biết điều đó. Con chỉ đơn giản nhìn thấy. Và không có vấn đề lựa chọn, con biết con sẽ học cái gì. Đó không phải là vấn đề cân nhắc là công việc nào sẽ có nhiều lợi nhuận hơn. Cho dẫu con trở thành một kẻ hành khất, con cũng sẽ học triết."
Họ bối rối. Tất cả đều hỏi tôi, "Nhưng tại sao con lại muốn học triết?"
Tôi nói, "Lý do là, suốt đời con, con sẽ chiến đấu chống lại những triết gia. Con phải biết mọi thứ về họ."
Họ nói, "Trời ơi! Đây là ý tưởng của con? Chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng rằng một người học triết bởi vì anh ta sẽ chiến đấu chống lại những triết gia suốt đời mình." Nhưng họ biết rằng tôi 'điên điên'. Họ nói, "Chúng ta cũng đã đoán trước một cái gì như thế này."  Tuy nhiên, họ vớt vát: "Vẫn còn thời gian, con có thể suy nghĩ lại về chuyện đó. Những trường đại học sẽ khai giảng trong vòng một tháng nữa; con vẫn còn có thể thay đổi ý định của mình."
Tôi nói, "Một tháng, một năm, một đời cũng thế thôi, bởi vì con không có bất cứ sự lựa chọn nào khác. Nó là trách nhiệm tất yếu của con – không có lựa chọn nào khác."
Một trong những ông chú tôi, đã tốt nghiệp đại học, nói, "Thật không thể nào nói chuyện với nó – nó dùng những từ có vẻ như không mang ý nghĩa gì. Trách nhiệm… tất yếu, không có lựa chọn nào khác… những thứ này thì có dính dáng gì tới cuộc sống? Người ta sẽ cần tiền bạc, sẽ cần một cái nhà, sẽ cần phải chu cấp cho một gia đình."
Tôi nói, "Cháu sẽ không có một gia dình. Cháu sẽ không có một cái nhà, và cháu sẽ không chu cấp cho một ai cả!" Và quả thực, tôi đã không chu cấp cho bất cứ ai, không xây bất cứ cái nhà nào. Tôi là người nghèo nhất thế giới!
Họ không thành công trong việc cưỡng bách tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, nhưng tất cả họ đều tức giận. Và khi tôi trở thành một "du sư" vòng quanh đất nước – làm cái công việc mà vì nó tôi đã nghiên cứu logic và triết học bởi vì tôi muốn hoàn toàn quen thuộc với kẻ thù – chẳng bao lâu không có lấy một người sẵn sàng chấp nhận sự thách thức của tôi. Rồi gia đình tôi bắt đầu cảm thấy tội lỗi, cảm thấy rằng, thật tốt là họ đã không thể buộc tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Tôi đã chứng minh rằng, họ đã sai lầm. Họ bắt đầu yêu cầu tôi, "Hãy tha thứ cho chúng ta."
Tôi nói, Không có vấn đề gì, bởi vì con không bao giờ xem trọng tất cả lời khuyên của các vị. Con không bao giờ bận tâm! Bất cứ cái gì mà con muốn làm, thì con sẽ làm, mặc dù mọi sự đi ngược lại con.  Cho nên, đừng cảm thấy tội lỗi. Con chưa bao giờ xem trọng lời khuyên của các vị; con nghe các vị nói, nhưng không nghe theo. Con đã có một quyết định riêng, không lay chuyển."
Xem tiếp Chương 3 Quay về Mục lục