Với hai mươi tư giờ một ngày, cố nhớ những giây phút vốn là phép màu và thiêng liêng đó trong cuộc đời của bạn. Nhớ lại vài thời khắc đó và cố biến chúng thành nền tảng cuộc đời của bạn.

Bạn sẽ thấy rằng những gì bạn nhớ tới dường như diễn ra thường xuyên hơn và rằng điều bạn luôn mong đợi sẽ bắt đầu xuất hiện khắp nơi xung quanh bạn. Và rồi thế giới sẽ xuất hiện dưới ánh sáng khác hoàn toàn.

Showing posts with label Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại. Show all posts
Showing posts with label Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại. Show all posts

Chương 7: Cái đầu hay chiếc mũ?

Osho - Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại
Chương 7: Cái đầu hay chiếc mũ?


Osho yêu quý,
Sáng hôm nọ ông nói về một đứa trẻ bị buộc phải vâng lời. Đứa trẻ đó vẫn còn ngồi đây: tôi ghét bị sai bảo phải làm thế này thế kia. Tuy nhiên theo cách nào đó thì đấy chính là vấn đề của người sai bảo; thế nhưng tôi vẫn biến nó thành vấn đề của mình bằng cách phản ứng với sự giận dữ, phẫn nộ, và nhu cầu tự chứng tỏ mình. Rõ ràng là người sai bảo cũng ghét bị sai bảo. Dường như tất cả chúng ta đều mắc kẹt trong một mớ bòng bong, đóng những vai khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Là một người lớn, tôi phải làm gì để biến phản ứng thành sự hưởng ứng và trách nhiệm?
Trước tiên bạn cần phải hiểu rõ ý của tôi khi tôi dùng từ "không vâng lời". Nó không mang ý nghĩa như trong từ điển. Ý của tôi về việc không vâng lời không phải là chuyện bị sai bảo, hay trong phản ứng, làm ngược lại những gì người khác muốn mình làm.
Sự vâng lời không cần đến trí thông minh. Tất cả các loại máy móc đều biết vâng lời; chưa bao giờ có một loại máy móc nào bất phục tùng cả. Sự vâng lời cũng rất đơn giản. Nó nhấc cho bạn gánh nặng trách nhiệm. Không cần phải phản ứng, bạn chỉ việc đơn giản làm theo những gì người ta nói. Trách nhiệm là của người đưa ra mệnh lệnh. Theo một cách nhất định bạn rất tự do: bạn không thể bị lên án vì hành động của chính mình.
Sau Thế chiến thứ hai, tại tòa án Nuremberg, rất nhiều thuộc hạ cao cấp của Adolf Hitler cứ khăng khăng là họ không chịu trách nhiệm, và họ không cảm thấy mình có tội. Họ đơn giản chỉ tuân lệnh mà thôi - họ làm những gì người ta sai khiến, và họ làm những việ đó một cách hiệu quả nhất có thể.
Vậy nên nếu bạn muốn trừng phạt, hãy trừng phạt người đưa ra những mệnh lệnh kia. Thế nhưng người ta lại đang trừng phạt những kẻ chỉ đơn giản làm theo những điều được rao giảng và tuyên truyền - những kẻ phục tùng mệnh lệnh.
Phục tùng mệnh lệnh chỉ là sự ngu dốt; việc bất tuân mệnh lệnh mới cần đến một chút thông minh ở mức độ cao hơn. Bất kỳ một thằng ngốc nào cũng có thể tuân lệnh, trên thực tế thì chỉ có kẻ ngu dốt mới phục tùng mệnh lệnh thôi. Người khôn thì sẽ hỏi tại sao? - "Tại sao tôi lại phải làm việc đó?", và, "Trừ khi tôi được biết lý do và mục đích của việc đó, còn không thì tôi sẽ chẳng đụng chạm đến nó đâu". Rồi người đó sẽ chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Trách nhiệm không phải là trò đùa. Đó là một trong những cách sống thật nhất - mà cũng nguy hiểm nữa - nhưng nó không có nghĩa là bất tuân mệnh lệnh vì mục đích của những kẻ bất tuân. Như thế thì cũng chỉ là ngu dốt mà thôi.
Có một câu chuyện về một nhà thần học của giáo phái Sufi, Mulla Nasruddin. Ngay từ khi còn bé ông ấy đã bị coi là một kẻ ngược ngạo. Cha mẹ của ông ấy đã rất khó khăn với ông ấy. Nếu họ nói: "Rẽ phải đi", thì ông ấy sẽ rẽ trái. Rốt cục người cha già của ông ấy quyết định là không rầy la ông ấy về chuyện đó nữa mà tốt hơn hết là, nếu muốn rẽ trái thì cứ việc bảo ông ấy là rẽ phải - và chắc chắn ông ấy sẽ rẽ trái.
Một ngày nọ họ lội qua một dòng sông. Trên lưng lừa là một bao đường lớn, và cái bao ấy đang bị nghiêng sang bên phải và sắp sửa tuột xuống sông; họ phải xốc cái bao lên cho cân bằng trên lưng lừa. Nhưng nếu bảo Nasruddin rằng, "Xốc cái bao sang bên trái một chút", cũng có nghĩa là họ sẽ mất bao đường - ông ấy sẽ xốc nó sang bên phải.
Thế là cha ông ấy nói: "Con trai, cái bao bị tuột kìa; xốc nó sang bên phải đi". Và Nasruddin xốc nó sang phải thật.
Cha ông thốt lên: "Lạ quá, lần đầu tiên con làm theo lời cha đấy!".
Nasruddin đáp: "Lần đầu tiên con thấy cha khôn khéo như thế. Con biết cha muốn xốc cái bao sang bên trái; con có mắt chứ. Ngay cả với một cách tế nhị đến thế cha cũng không thể bắt con nghe lời đâu".
Thế nhưng với việc làm trái ngược những gì người ta sai bảo bạn cũng không thể nâng trí thông minh của mình lên một mức cao hơn được. Bạn vẫn ở cái tầm ấy thôi. Việc vâng lời hay không vâng lời chẳng thể thay đổi trí thông minh được. Đối với tôi bất tuân lại là một cuộc cách mạng vĩ đại.
Nhưng nó không có nghĩa là bạn sẽ nói không trong mọi tình huống. Đơn giản nó chỉ có nghĩa là bạn phải quyết định có nên làm việc đó hay không, liệu việc đó có ích hay không. Làm như vậy là bạn đã gánh lấy trách nhiệm rồi. Vấn đề không phải là bạn ghét cái người ra lệnh hay ghét bị sai bảo, vì với sự căm ghét đó bạn không thể hành động theo cách tuân lệnh hay bất tuân; thực ra là bạn đang hành động một cách vô thức đáy. Bạn không thể hành động một cách thông minh được.
Khi bạn bị sai bảo làm một việc gì, bạn có được cơ hội để đáp lại. Có thể những gì người ta sai bảo là đúng; thế thì hãy làm theo, và hãy biết ơn người đã nhắc bạn làm việc đó đúng lúc. Có thể những điều đó là không đúng - vậy hãy nói rõ. Hãy nói ra lý do của bạn, tại sao nó lại không đúng; rồi giúp người kia hiểu rằng anh ta đang suy nghĩ chệch đường rồi. Tuy nhiên, sẽ không có chỗ cho sự thù ghét đâu. Nếu đúng thì hãy làm theo bằng tình yêu.
Nếu nó không đúng, thì sẽ càng cần có nhiều tình yêu hơn nữa, vì bạn sẽ phải nói chuyện với người kia, giải thích cho người đó hiểu rằng như vậy là không đúng.
Bất tuân không phải là trí tuệ, không phải là làm ngược lại mọi mệnh lệnh và cảm thấy tức giận, căm ghét rồi trả thù người ra lệnh. Con đường bất tuân là con đường của trí tuệ tuyệt vời.
Vậy nên vấn đề cuối cùng không phải là tuân theo hay bất tuân. Nhìn sâu vào thực tế, nó đơn giản chỉ là vấn đề về sự thông minh - hãy cư xử một cách thông minh. Có khi bạn phải tuân theo, cũng có khi bạn phải nói: "Rất tiếc, tôi không làm vậy được". Tuy nhiên, không có chuyện căm ghét, phẫn nộ hay trả thù ở đây. Nếu lòng căm thù, sự giận dữ hay mong muốn trả thù phát sinh trong bạn, đơn giản nó có nghĩa là bạn hiểu rằng những gì người ta sai bảo là đúng, nhưng nghe theo là đi ngược với cái tôi của bạn; nó làm tổn thưong cái tôi của bạn. Và cảm giác bị tổn thưong đó sẽ bộc lộ dưới dạng thù ghét, căm phẫn.
Thế nhưng vấn đề không phải ở cái tôi của bạn; vấn đề là bạn phải hành động như thế nào - và bạn phải vận động hết trí thông minh của mình để xác định việc đó. Nếu nó đúng thì tuân theo; nếu nó sai thì không làm, thế thôi. Không có mâu thuẫn, không có cảm giác bị tổn thương.
Nếu tuân theo thì dễ hơn; bạn không phải giải thích với ai cả. Nhưng nếu bạn không tuân theo, bạn cần phải giải thích. Và có thể lời giải thích của bạn không đúng. Lúc đó bạn phải quay lại và làm theo. Một người cần phải sống một cách thông minh - thế thôi. Và như vậy tất cả những gì người đó làm đều là trách nhiệm của người đó.
Thực tế là ngay cả những người tài giỏi nhất cũng không biết sống một cách thông minh. Martin Heidegger, một trong những người trí thức vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, lại là một thuộc cấp của Adolf Hitler. Và sau khi Hitler thất bại và những hành động thú tính, dã man, sát nhân, bạo lực của hắn ta phơi bày thì ngay cả Martin Heidgeer cũng phải lùi lại mà nói: "Tôi chỉ đơn giản đi theo người lãnh đạo đất nước".
Thế nhưng công việc của một nhà triết học không phải là đi theo người lãnh đạo đất nước. Thực ra nhiệm vụ cơ bản của một vị triết gia là dẫn dắt những người lãnh đạo đất nước chứ không phải để cho họ dẫn dắt mình, bởi nhà triết học không tham gia vào các hoạt động chính trị nên có tầm nhìn rõ ràng hơn. Nhà triết học đứng nhìn từ xa và có thể thấy những thứ mà những người trong cuộc không thể thấy. Thế nhưng việc chối bỏ trách nhiệm dễ dàng hơn nhiều...
Nếu Adolf Hitler chiến thắng, tôi dám chắc là Martin Heidgeer sẽ nói rằng: "Ông ấy chiến thắng là nhờ đi theo triết lý của tôi". Và tất nhiên là ông ấy tài giỏi hơn nhiều so với Adolf Hitler. Adolf Hitler chỉ là một kẻ thiểu năng trí tụê. Thế nhưng quyền lực.
Chúng ta được dạy phải nghe theo những người có quyền lực - cha mẹ, thầy cô, mục sư, Thượng Đế. Và chúng ta được dạy là những người nắm giữ quyền lực thì luôn luôn đúng: "Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Và bạn phải tuân theo nó. Việc này thật đơn giản vì nó không cần đến trí thông minh. Nó đơn giản vì người ta không bao giờ có thể nói rằng đó là trách nhiệm của bạn, rằng những gì xảy ra là trách nhiệm của bạn.
Tất cả các quân đội trên khắp thế giới chỉ dạy một điều duy nhất trong chương trình huấn luyện nhiều năm của họ, đó là chấp hành mệnh lệnh. Ở Đức, trong Thế chiến thứ hai, có những người là người tốt, nhưng họ lại là những người đứng đầu các trại tập trung. Họ là những người cha, người chồng, người bạn tốt. Không ai có thể nghĩ được - khi thấy họ sống trong gia đình, với bạn bè, trong câu lạc bộ - rằng những người này đang thiêu sống hàng ngàn người Do Thái mỗi ngày.
Và họ không cảm thấy có tội chút nào, bởi họ chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Và họ đã được huấn luyện để làm như vậy, để phục tùng mệnh lệnh. Nó đã thấm vào máu thịt của họ. Khi mệnh lệnh được phát ra, cách duy nhất là phục tùng.
Đó là cách mà bấy lâu loài người vẫn sống cho đến nay, và chính vì thế mà tôi nói rằng phục tùng mệnh lệnh là một trong những tội ác lớn nhất, bởi tất cả các tội ác đều từ nó mà ra. Nó lấy đi trí khôn của bạn, nó lấy đi sự quyết đoán của bạn, trách nhiệm của bạn. Nó phá huỷ cá nhân của bạn. Nó biến bạn thành một con robot.
Chính vì thế mà tôi ủng hộ sự bất tuân. Thế nhưng bất tuân không đơn thuần là chống lại sự phục tùng.
Bất tuân mang ý nghĩa cao hơn phục tùng và cái gọi là sự bất tuân được định nghĩa trong tự điển. Đơn giản bất tuân là khẳng định trí khôn của bạn: "Tôi nhận lấy trách nhiệm, và tôi sẽ làm những điều đúng đối với trái tim và sự hiện tồn của tôi. Và tôi sẽ không làm bất cứ việc gì đi ngược lại trí khôn của tôi".
Cả cuộc đời tôi, từ bé cho đến lớn, tôi cứ bị lên án bởi chuyện tôi không nghe lời. Và tôi vẫn luôn nói rằng: "Không phải là tôi không biết nghe lời. Đơn giản là tôi đang suy nghĩ bằng trí khôn của mình xem cái gì đúng, cái gì cần làm, và tôi nhận toàn bộ trách nhiệm cho việc làm của mình. Nếu có vấn đề gì thì đó là lỗi của tôi. Tôi không muốn phải đổ lỗi cho ai vì chính họ đã bảo tôi làm việc đó".
Nhưng điều này thật khó chấp nhận đối với cha mẹ và thầy cô tôi. Ở trường người ta bắt buộc học sinh phải đội mũ, còn tôi thì lúc nào cũng đi học mà không đội mũ. Lập tức thầy tôi gọi tôi lại và nói: "Trò có ý thức được việc đội mũ là bắt buộc hay không?".
Tôi đáp: "Một vật như cái mũ thì không thể nào là một việc bắt buộc được. Làm sao mà bắt buộc được chuyện đội mũ hay không đội mũ chứ? Cái đầu mới là bắt buộc chứ không phải cái mũ. Mà em đi học với cái đầu của em; chẳng lẽ thầy chỉ đến trường với cái mũ?".
Ông ấy nói: "Trò thật là loại học trò lạ lùng. Trong nội quy nhà trường, người ta viết là nếu không đội mũ thì học sinh không được vào trường".
Tôi nói: "Thế thì đã đến lúc người ta sửa bản nội quy đó rồi thầy ạ. Nó do con người chứ có phải Thượng Đế viết ra đâu; mà đã là con người thì không thể tránh khỏi sai lầm".
Thầy tôi không tin nổi. Ông nói: "Trò bị làm sao vậy? Tại sao trò lại không thể đội mũ được cơ chứ?".
Tôi đáp: "Vấn đề không phải là cái mũ; em muốn biết tại sao nó lại là bắt buộc, em muốn biết lý do và kết quả của việc ấy. Nếu thầy không giải thích được thì thầy cứ đưa em đến gặp thầy hiệu trưởng và chúng ta sẽ bàn về chuyện này". Và thế là thầy tôi đưa tôi lên phòng hiệu trưởng.
Ở Ấn Độ người Bengalis là dân tộc thông minh nhất; họ không đội mũ. Và người Punjabis là dân tộc kém thông minh nhất và họ đội khăn xếp. Thế là tôi nói với thầy hiệu trưởng rằng, "Thầy hãy nhìn xem - người Bengalis không đội mũ mà vẫn là dân tộc thông minh nhất nước ta, và người Punjabis đội khăn xếp quấn rất chặt, và họ là dân tộc kém thông minh nhất. Rõ ràng là cái mũ có liên quan đến trí thông minh, và em không dại gì mạo hiểm".
Thầy hiệu trưởng lắng nghe tôi, rồi ông nói: "Trò này thật cứng đầu, nhưng trò ấy có lý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này - mà điều đó đúng đấy chứ. Và chúng ta có thể bỏ quy định đội mũ đi. Ai muốn đội thì cứ đội; ai không thích đội thì không cần đội - vì nó chẳng dính dáng gì đến việc dạy và học cả".
Thầy giáo tôi không thể tin nổi. Trên đường về lớp ông hỏi tôi: "Trò nói gì với thầy hiệu trưởng vậy?".
Tôi đáp: "Có gì đâu, em chỉ đơn giản là giải thích tình huống. Em không chống đối, em sẵn sàng đội mũ. Nếu thầy nghĩ nó giúp tăng trí khôn, vậy thì tại sao chỉ đội cái mũ? Em có thể đội hai, ba cái, cái này chồng lên cái khác, nếu nó làm cho mình thông minh hơn...! Em không chống đối, chỉ là em muốn thầy chứng minh điều đó thôi".
Thầy tôi bảo tôi rằng - và tôi vẫn nhớ từng lời ông ấy nói: "Trò sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Trò sẽ chẳng hợp với ở đâu cả".
Tôi nói: "Được vậy thì tốt quá, em không muốn làm một tên ngốc và sống được ở khắp nơi. Tốt hơn là trở thành một kẻ 'không thích hợp' nhưng thông minh. Và em phải đến trường để học khôn, để em có thể trở thành một kẻ không thích hợp có trí khôn! Xin thầy đừng cố biến em từ một cá nhân thành một thứ ăn khớp với xã hội này".
Thế là hôm sau ở trường tôi học sinh không còn phải đội mũ nữa; chỉ có ông thầy đó là vẫn đội. Bước vào cổng trường, vì đã có quy định mới là học sinh không bắt buộc phải đội mũ, tất cả các giáo viên khác, kể cả thầy hiệu trưởng, đều đến trường mà không đội mũ. Trông ông ấy thật ngố. Tôi nói với ông: "Vẫn còn thời gian đó thầy. Thầy cất mũ đi". Và ông ấy làm theo!
Ông ấy nói: "Em nói đúng. Nếu mọi người không ai đội mũ... tôi chỉ đơn giản làm theo quy định thôi".
Tôi nói: "Chúng ta chính là người viết ra quy định. Chúng ta có thể thay đổi nó mà không khó khăn gì. Tại sao ta lại không thể nói chuyện một cách thông minh được?".
Thế nên hãy nhớ rằng, khi nói "bất tuân", tôi không có ý là thay thế phục tùng bằng bất tuân. Làm như vậy chẳng giúp bạn khá lên được. Tôi dùng từ 'bất tuân' để bạn hiểu rõ rằng chính bạn là người quyết định, rằng bạn phải là nhân tố quyết định cho mọi hành động trong cuộc đời bạn. Và điều đó sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vô song, bởi trong tất cả những việc bạn làm, bạn đều có lý do chính đáng cho nó.
Khi tôi mới bước chân vào cánh cổng đại học, câu hỏi đầu tiên tôi được ông hiệu phó hỏi là "Sao em để râu ria xồm xoàm vậy?". Và chuyện này cũng bình thường thôi, vì hồi đó trong trường chẳng ai làm thế cả.
Tôi đáp: "Em đến gặp thầy để xin học bổng, nhưng đối với e chuyện đó không quan trọng bằng cơ hội được tranh luận". Ông hiệu phó hỏi lại: "Em có ý gì?".
Tôi nói: "Ý em là em nên hỏi thầy tại sao thầy lại cạo râu của thầy đi? Em thì chẳng làm gì cả, râu của em chúng cứ tự mọc ra thôi. Còn thầy, thầy đã tác động đến chúng; thầy không để chúng mọc tự nhiên - thầy cạo chúng đi hai lần mỗi ngày. Thầy cần giải thích cho em rõ. Tại sao thầy lại làm như vậy?".
Ông ấy nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này... thì mọi người làm vậy và tôi tự nhiên làm theo thôi".
Tôi nói: "Đó không phải là một câu trả lời thông minh. Thầy cần suy nghĩ kỹ. Hàng ngày em sẽ đến đây, gõ cửa phòng thầy và khi nào thầy tìm ra câu trả lời, xin hãy nói cho em biết, và em sẽ cạo râu như thầy".
Ba ngày liên tiếp sau buổi hôm đó, ngày nào tôi cũng đến gõ cửa phòng làm việc của ông. Đến ngày thứ tư, ông ấy đành bảo tôi: "Em làm tôi mất ngủ mấy hôm nay rồi. Cả ngày tôi cứ nghĩ về bộ râu của mình, cả ngày tôi ngóng ra cửa xem em có đến gõ cửa không. Có khi tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng ra mở thì không có ai. Tôi bị ảo giác mất rồi! Em làm tôi ám ảnh quá! Em cứ việc nhận học bổng rồi thích làm gì với bộ râu của em thì làm. Có điều làm ơn quên câu trả lời của tôi đi".
Tôi nói: "Không dễ vậy đâu thầy ạ. Thầy không được cạo râu nữa, nếu không em sẽ tiếp tục đến mỗi ngày, gõ cửa phòng thầy và chờ câu trả lời".
Ông ấy thốt lên: "Trời ạ! Tôi đã cấp học bổng cho em rồi, mà học bổng đó lẽ ra em không được nhận vì em không phải là sinh viên trường này - em từ trường khác đến cơ mà, và theo quy định của chúng tôi thì ưu tiên số một là dànhc ho sinh viên tốt nghiệp từ trường này ra. Tôi đã bỏ qua quy định rồi; tôi cấp học bổng cho em đơn giản vì tôi muốn em đừng gõ cửa phòng tôi nữa".
Tôi đáp: "Thầy cứ giữ lấy suất học bổng đó và trao nó cho người khác, nhưng thầy phải ngưng cạo râu".
Ông ấy nói: "Đừng khắc nghiệt với một ông già như tôi - tôi làm thế rồi người ta sẽ nói tôi thế nào? Đừng biến tôi thành trò hề!".
Tôi nói: "Thầy sẽ thành trò hề nếu thầy không nghe em, vì em sẽ kể cho tất cả mọi người nghe những gì đã xảy ra trong suốt bốn ngày qua".
Và bạn không thể tin nổi đâu: ông ấy trao học bổng cho tôi và bắt đầu để râu! Cả trường vô cùng kinh ngạc, vì ông ấy là người hết sức chải chuốt - ông ấy từng dạy ở Oxford, là giáo sư sử học và là trưởng khoa sử của trường này. Người ta bắt đầu thắc mắc với ông: "Xảy ra chuyện gì vậy?".
Ông nói: "Không gì cả. Tôi chỉ nhận ra một điều là tôi đã phạm sai lầm gì đó mà không giải thích được. Chàng thanh niên đó đã giúp tôi hiểu ra rằng mình phải sống có lý. Tôi từng là kẻ chỉ biết bắt chước, tôi chỉ biết tuân theo mọi thứ quanh mình. Không ai nói với tôi điều này cả - rằng tôi chỉ biết phục tùng. Nhưng vì tôi không tìm ra lý do gì để phải cạo râu cả nên tôi để râu. Và dường như người thanh niên này đã nói đúng, rằng nếu phụ nữ để râu thì...".
Và việc này không khó. Người ta có thể tiêm cho phụ nữ một số hormones nào đó và râu họ sẽ mọc dài ra. Bạn hãy tưởng tượng xem thế giới có đẹp không nếu phụ nữ để râu còn đàn ông thì mày râu nhẵn nhụi? Phụ nữ mà có râu thì đàn ông phải sợ chết khiếp. Và đàn ông mà cạo râu thì cũng giống như phụ nữ để râu thôi; chỉ có phụ nữ mới giỏi chịu đựng. Họ chịu đựng được cả những người không có râu. Tôi dám nói là đàn ông không ai chịu được chuyện vợ mình mọc râu cả; hẳn là vậy rồi. Hoặc là anh chồng đó sẽ ném cô vợ ra ngoài đường, hoặc là anh ta thà treo cổ mà tự vẫn. Ấy thế mà hàng triệu phụ nữ đang phải chịu đựng những người đàn ông không râu.
Tự nhiên không bao giờ làm việc gì mà không có lý do. Tôi đã cố ngắm nhìn những người đàn ông không râu. Dường như những người ấy thiếu mất điều gì. Hãy nhìn Milarepa mà xem! Lần đầu tiên nhìn thấy ông ấy, tôi thực sự sửng sốt. Trông ông ấy thật đẹp với chòm râu của mình, thế mà giờ trông ông ấy cứ như là một kẻ ngố! Ông ấy đã đánh mất vẻ cao quý của mình. Các bạn hãy sống thông minh hơn
Nếu người khác muốn bạn làm điều gì, hãy suy nghĩ xem điều đó đúng hay sai, và bạn sẽ tránh được mọi cảm giác tội lỗi. Bằng không, nếu không làm theo, bạn sẽ cảm thấy mình có tội; nếu làm theo, bạn cũng thấy có tội. Nếu bạn làm theo, bạn cảm thấy rằng mình chỉ biết phục tùng, thấp kém, rằng mình không quyết đoán, rằng mình không phải là mình. Và nếu bạn không làm theo, bạn cũng cảm thấy mình có lỗi - bởi lẽ có thể việc đó đúng như bạn không chịu thực hiện nó.
Không nhất thiết phải lóng ngóng như thế. Hãy sống một cách đơn giản. Nếu người ta bảo bạn làm gì, hãy đáp lại một cách thông minh. Và dù trí thông minh của bạn quyết định như thế nào, hãy cứ làm - nhưng hãy nhớ là bạn chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Và như thế bạn sẽ không còn cảm giác mình có lỗi nữa.
Nếu bạn không làm theo, hãy giải thích cho người kia biết lý do tại sao. Và hãy giải thích một cách bình tĩnh, bởi đơn giản là sự giận dữ chứng tỏ bạn kém cỏi, bạn không thực sự có một câu trả lời thông minh. Sự nóng giận luôn là dấu hiệu của sự yếu kém. Bạn chỉ cần giải thích một cách đơn giản và thẳng thắn; có thế người kia sẽ hiểu ra là bạn đúng và biết ơn bạn. Hoặc cũng có thể người kia có lý do chính đáng hơn bạn; lúc đó bạn sẽ phải biết ơn người đó vì người đó đã giúp bạn nhận thức rõ hơn.
Hãy tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trí thông minh và nhận thức của bạn.
Thường thì những gì chúng ta làm là tận dụng cơ hội để tạo ra địa ngục cho chính mình. Chỉ có bạn là người phải chịu đau khổ, và vì bạn đau khổ nên bạn làm người khác đau khổ theo. Và nếu nhiều người cùng sống với nhau, và họ cùng gây đau khổ cho nhau thì đau khổ sẽ tăng theo cấp số nhân. Đó là cách mà cả thế giới này đã biến thành địa ngục. Chúng ta có thể thay đổi nó ngay lúc này.
Chỉ cần hiểu một điều cơ bản là, không có trí khôn thì không có thiên đàng.

Osho yêu quý,
Người ta gọi ông là "thiên tài lố bịch". Con đường của ông trên thế giới này ngày càng điên rồ đến nỗi khiến nhiều người - có lẽ là tất cả mọi người - thắc mắc, hoặc bối rối; và thậm chí có khi căm phẫn. Tuy nhiên việc nghị viện châu Âu bỏ phiếu và ra lệnh cấm ông không được đặt chân vào châu Âu vĩnh viễn cũng thật lố bịch và điên rồ. Tôi tự hỏi trong trường hợp này không biết ai lố bịch hơn ai? Chúng tôi tìm thấy sự thật nào trong sự lố bịch của ông?
Họ không lố bịch đâu; họ đang hành động một cách rất logic. Họ có thể thấy được mối nguy hiểm tiềm ẩn mà tôi có thể đem đến cho thế hệ trẻ, và mối nguy đó có thể phá sập những lợi ích thiết thân hàng thế kỷ qua của họ.
Họ không lố bịch đâu. Có vẻ như là họ lố bịch - cả thế giới chống lại một người - nhưng chuyện này lại rất logic. Họ thấy được những gì tôi nói đều là sự thật và họ không biết làm thế nào để bảo vệ nền đạo đức của họ, hôn nhân của họ, gia đình của họ, cấu trúc xã hội của họ. Hẳn nhiên là họ không muốn tôi tiếp xúc với lớp trẻ của họ, bởi lẽ lớp trẻ bây giờ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; và nếu lớp trẻ bùng lên với ngọn lửa ý tưởng của tôi thì ngày mai thế giới này sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Để bảo vệ cái cũ và chống lại cái mới, họ đã thử hết mọi biện pháp - và như thế cũng logic thôi. Tôi mới chính là kẻ lố bịch.
Bạn phải hiểu ý nghĩa của sự lố bịch. Trong cuộc sống hễ cái gì có ý nghĩa quan trọng thì đều lố bịch. Khi bạn yêu một người, điều đó là lố bịch chứ không logic. Bạn không thể đưa ra câu trả lời logic cho câu hỏi tại sao bạn lại yêu người đó. Đó là điều nằm ngoài tầm hiểu biết của bạn và chính nó đã tìm đến bạn. Bạn không cần làm gì cả. Thậm chí nếu bạn có muốn ngăn chặn nó cũng không được; trên thực tế bạn không thể làm gì để cưỡng lại được nó.
Niềm vui của bạn trong một thế giới đầy đau khổ là sự lố bịch. Nó chẳng có mối liên hệ nào với nhân loại đau khổ hết. Bạn hoàn toàn đơn độc. Mọi thứ có giá trị - bạn yêu âm nhạc, bạn rung động trước cái đẹp, bạn đi tìm thực tại, bạn muốn hiểu chính mình - những thứ này đều hết sức lố bịch.
Hành thiền là lố bịch; đi kiếm tiền tốt hơn và logic hơn nhiều chứ.
Ngay trước khi tôi rời Nepal, một nhóm sannyasin từ Delhi đến và đề nghị tôi ở lại Nepal hoặc Ấn Độ. Họ đã chuẩn bị xong mọi công việc cần thiết để mua một lâu đài lớn và xây dựng một cộng đồng. Nhưng tôi bảo họ rằng: "Ngay lúc này đây, các bạn đang hành động theo cảm tính. Các bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tòa lâu đài đó giá một triệu đô-la. Có thể các bạn quyên góp được đủ số tiền đó và nghĩ rằng nếu không mua được nó tôi sẽ không ở lại. Nhưng vấn đề không chỉ là tòa lâu đài; rồi đây còn có ít nhất 50 người cùng sống trong đó nữa, và các bạn sẽ không trang trải nổi.
"Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai, vậy nên các bạn hãy logic hơn một chút. Các bạn đề nghị tôi ở lại Ấn Độ vì các bạn yêu tôi, nhưng chuyện này thật lố bịch. Các bạn sẽ gây rắc rối cho cả tôi và chính các bạn. Vậy nên các bạn hãy quay về và suy nghĩ cho thật kỹ. Tôi sẽ ở đây chờ thêm 10 ngày nữa. Một tuần sau các bạn hãy quay lại và cho tôi biết các bạn quyết định thế nào".
Và họ đã không quay lại. Hẳn họ đã hiểu ngụ ý của tôi - họ sẽ không xoay xở nổi. Thế nhưng sự quả quyết của họ xuất phát từ trái tim chứ không phải lý trí.
Tôi lố bịch vì những gì tôi dạy cho các bạn đều đi ngược lại với những gì người ta đã dạy cho các bạn. Mà những điều đó người ta đã dạy các bạn quá lâu rồi và bạn đã hoàn toàn quên rằng chúng có vấn đề.
Chẳng hạn, mọi văn hóa trên thế giới đều dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng tình yêu là vĩnh cửu, rằng khi bạn yêu một người, bạn sẽ yêu người ấy mãi mãi. Ý tưởng này đã sống qua biết bao thế kỷ nay ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có vẻ như rất logic nếu bạn yêu một người thì chính hiện tượng tình yêu sẽ biến nó thành vĩnh cửu. Và tại sao mọi người chấp nhận nó - vì bạn cũng ước mong có được một tình yêu mãi mãi. Tất cả mọi người đều muốn như vậy.
Thế là ý tưởng truyền thống và mong ước của bạn cộng hưởng với nhau, và nó trở thành một chân lý. Nếu tình yêu của bạn thay đổi thì chính bạn và những người khác sẽ bắt đầu cho rằng, đó không phải là tình yêu - chính vì thế mà nó thay đổi. Bạn không thay đổi quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà lại cho rằng, "Mình tưởng đó là tình yêu nhưng không phải, vì nó thay đổi mất rồi - mà tình yêu thì có thay đổi bao giờ".
Hẳn là tôi lố bịch vì tôi muốn nói với các bạn rằng, trong cuộc sống mọi thứ đều thay đổi - dù bạn muốn hay không, dù bạn có ngồi bên bờ sông mà ước rằng "sông ơi hãy ngừng chảy, mùa ơi thôi đừng đi, hoa ơi xin đừng tàn, tuổi trẻ đừng giã biệt, tuổi già xin đừng đến, cuộc đời ơi xin chớ đưa ta đến nấm mồ".
Ước muốn của bạn là một chuyện, hiện hữu không nghe theo ước muốn của bạn, dù cho ước muốn đó có đẹp, có chân thành đến đâu. Hiện hữu đi theo con đường của nó. Mọi sự đều thay đổi - và tình yêu không phải ngoại lệ.
Giờ đây có lẽ tôi là người đầu tiên muốn tất cả mọi người hiểu rõ rằng, tình yêu cũng thay đổi: nó sinh ra, già đi và chết. Và tôi nghĩ như vậy là tốt. Nó cho bạn nhiều cơ hội hơn để yêu những người khác, để bạn có một cuộc sống phong phú hơn - bởi lẽ mỗi người đều có thể đem đến cho bạn một điều đặc biệt. Bạn càng yêu nhiều, bạn càng giàu tình cảm, càng giàu tình yêu.
Và nếu bạn vứt bỏ ý niệm về sự thường hằng thì tự động sự ghen tuông cũng ra đi; lúc đó ghen tuông trở nên vô nghĩa. Cũng giống như khi bạn yêu rồi thì bạn không thể cưỡng lại được, rồi sẽ có một ngày bạn hết yêu và bạn cũng không thể cưỡng lại được. Một cơn gió thổi vào cuộc đời bạn và ra đi. Cơn gió thật tuyệt, thật đẹp, thật thơm mát, và hẳn bạn muốn nó ở lại mãi bên bạn. Bạn đóng hết các cửa lại để giữ cơn gió trong lành, thơm mát ấy. Thế nhưng bằng việc đóng cửa bạn đã giết chết cơn gió, giết chết sự trong lành, sự thơm mát của nó; nó không còn sức sống nữa. Và hôn nhân cũng vậy.
Tôi lố bịch, vì tôi không muốn ép hiện hữu vào trong logic - một thứ do con người tạo ra. Bằng cách áp đặt logic lên hiện hữu, đơn giản là bạn đã đem lại đau khổ cho chính mình, bởi lẽ bạn sẽ thất bại; thất bại của bạn là điều không thể tránh khỏi. Hàng triệu người vẫn đang vờ vĩnh rằng họ vẫn yêu nhau. Họ đã từng yêu, nhưng giờ nó chỉ còn là kỷ niệm, và ngày càng phai nhạt đi. Thế nhưng chỉ vì cái quan niệm về tình yêu vĩnh cửu mà họ không dám nói ra sự thật.
Và đó không phải là sự giận dữ, căm thù; không phải việc chống lại người kia. Đơn giản đó là cuộc sống - tình yêu có thể thay đổi. Nó giống như mùa vậy, và thật tốt khi ta có hạ và có đông, có mưa và có nắng; có thu và có xuân.
Bạn cso thể sống cuộc đời mình theo logic hoặc theo hiện hữu. Hiện hữu thì lố bịch. Lúc này nó thế này, lúc khác nó thế khác, lúc nọ lại thế kia. Và bạn phải tự mình quyết định hoặc là vờ rằng mọi thứ vẫn không thay đổi, hoặc là thành thật mà thừa nhận rằng đó là thời khắc đẹp nhất nhưng đã qua rồi. Thiên đàng đã qua và giờ ta đang đứng giữa sa mạc, ta hiểu rằng mình đang đứng giữa sa mạc; không thể mừng vui.
Dù sao thì chúng ta vẫn gắn kết với nhau từ ý niệm về một tình yêu thường hằng. Tình yêu thường hằng đó chính là một ý niệm logic.
Tình yêu thực thụ là một bông hồng thực thụ: nó sẽ thay đổi. Từ sáng đến tối nó sẽ có những hình dáng, sắc thái khác nhau, và nó sẽ tàn khi đêm đến. Và tôi tin rằng điều đó chẳng có gì là sai trái cả.
Tình yêu chỉ là một ví dụ. Trong cuộc đời bạn sẽ gặp vô số những điều tương tự như vậy. Chẳng hạn, người ta dạy cho trẻ con phải biết kính trọng cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi hơn. Sự kính trọng là một kinh nghiệm đẹp đẽ, nhưng khi bạn bị buộc phải kính trọng người khác theo lễ nghi thì nó trở thành tệ hại.
Lúc bé tôi phải nghe đi nghe lại câu này: "Con phải lễ phép".
Tôi thường nói với cha tôi rằng: "Trước khi cha bảo con kính trọng một người, ít nhất cha cũng phải biết chắc là người đó có đáng được kính trọng không đã chứ; nếu không cha sẽ biến con thành đứa đạo đức giả. Con biết có những người không đáng kính chút nào, thế nhưng họ lớn tuổi hơn con và con phải kính trọng họ. Con sẵn sàng kính trọng người ta nhưng ít nhất họ phải có gì đó xứng đáng. Nếu không thì tại sao con lại phải kính trọng họ?".
Thế nhưng hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, cũng vẫn ý niệm đó được áp đặt lên những phương diện khác: phải kính trọng cha mẹ mình. Nhưng tại sao? Chỉ vì họ đã sinh ra bạn ư? Chẳng phải đó là niềm vui đối với họ sao? Nếu đối với họ đó là niềm vui thì hẳn họ đã nhận được phần thưởng xứng đáng. Và nếu họ muốn bạn phải kính trọng họ thì họ phải xứng đáng với điều đó.
Và cha tôi nói: "Con toàn nói ra những điều lố bịch. Chúng ta phải sống trong một xã hội, mà xã hội thì vận hành theo những quy tắc nhất định. Chúng ta phải làm theo những phong tục tập quán, nếu không con sẽ bị xã hội bài trừ. Con đừng lố bịch như thế nữa," và cha tôi cứ nhắc tôi mãi như thế.
Tôi nói: "Con không muốn bị xã hội bài trừ, nhưng con không thể cư xử theo logic được trong khi hiện hữu lại đi theo một hướng khác. Những gì cha nói là logic. Cha nói rằng: 'Đó là cách mà bấy lâu người ta vẫn sống; và người ta cần phải sống theo cách đó'".
Trong đó có một logic - rằng nếu bạn kính trọng người khác, họ sẽ kính trọng bạn; nếu bạn giúp đỡ xã hội, xã hội sẽ giúp lại bạn. Nhưng nếu bạn lên án xã hội, nếu bạn nhìn ra sai lầm khắp mọi nơi, bạn sẽ lạc lõng một mình và không thể thắng được số đông. Logic là cách duy nhất để chiến thắng xã hội.
Hãy sống một cách logic, và bạn sẽ leo lên những nấc thang một cách dễ dàng hơn.
Tôi nói: "Tôi muốn sống theo hiện hữu - mà hiện hữu thì lố bịch. Nó không có logic, không có ý nghĩa. Nó mang trong mình vẻ đẹp bao la, nó mang những triển vọng hạnh phúc, nhưng bạn không thể tạo ra một hệ thống logic từ nó được".
Vậy nên bạn hãy nhớ rằng: nghị viện châu Âu, chính phủ Mỹ - đều đang hành động rất logic - và các nước khác cũng sẽ sớm làm theo như thế. Nhưng tôi không phải là một người nhà logic học. Tôi là một người theo chủ nghĩa hiện sinh.
Tôi tin vào sự hỗn loạn vô nghĩa và đẹp đẽ này của hiện hữu, và tôi sẵn sàng đi theo nó đến bất kỳ đâu.
Tôi không có đích đến, vì hiện hữu không có đích đến. Đơn giản nó chỉ khai hoa và vui múa - nhưng xin bạn đừng hỏi tại sao. Chỉ căng tràn nhựa sống, và không có lý do gì cả. Tôi ở trong hiện hữu. Một sannyasin có nghĩa là: Ở trong hiện hữu.
Điều duy nhất bạn cần từ bỏ chính là lý trí logic của bạn.
Thế nên bạn hãy đi theo con đường hiện hữu phi logic. Thế giới có gọi bạn là kẻ điên rồ, lố bịch... thì đã sao?
Xem tiếp Chương 8 – Quay về Mục lục

Chương 6: Cả cuộc đời trống rỗng

Osho - Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại
Chương 6: Cả cuộc đời trống rỗng


Osho yêu quý,
Tôi nhớ lúc ông ở đồn cảnh sát Crete, có hai phụ nữ Hy Lạp trẻ tuổi vận trang phục đen điển hình của người dân đảo Crete đến bên cửa sổ, nắm lấy tay ông và nói bằng thứ tiếng Anh chắp vá: "Osho, chúng tôi yêu ngài. Chúng tôi là người đảo Crete. Xin ngài hãy ở lại đây với chúng tôi". Dường như các chính phủ ngày càng tấn công ông dữ dội hơn - bất chấp tình yêu của thường dân giành cho ông rõ ràng ngày càng nhiều - một trong những phần rất quan trọng trong công việc của ngài sẽ là vạch trần sự thật rằng bọn quan liêu không hề đại diện cho quần chúng mà trên thực tế là hoàn toàn đối lập với quần chúng.
Tất nhiên là tôi vẫn nhớ hai cô gái trẻ ấy. Họ đã nắm tay tôi và cố thuyết phục tôi rằng "Chúng tôi, người dân của hòn đảo này, rất mong muốn ông ở lại đây. Chúng tôi yêu ông".
Vấn đề bạn nêu lên cho tôi đã xảy ra nhiều lần trong cuộc đời tôi rồi, hết lần này đến lần khác. Bộ máy quan liêu không đứng về phía người dân mà chống lại họ. Nó lợi dụng họ, bóc lột họ, thao túng họ; nó làm cho họ tin rằng nó đang phục vụ cho mục đích của họ. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Hồi trước Thế chiến thứ hai ở Nhật, người ta tin rằng Nhật Hoàng là thiên tử, mang dòng máu Thiên Hoàng, và những gì ông nói không phải là của con người mà là của thánh nhân; lệnh của ông phải được tuân theo. Hàng thế kỷ liền người Nhật tin rằng ông chính là Thiên Hoàng. Và họ đã chết trong hàng trăm cuộc chiến, sẵn sàng chết, vui sướng được chết, bởi họ đang hy sinh cho Thiên Hoàng. Người ta còn có thể khao khát cái chết nào cao đẹp hơn thế?
Nhật Bản là một nước nhỏ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục - kể cả Trung Hoa hay những nước lớn khác cũng không xâm lược nổi nước này. Trung Hoa rộng lớn là thế, hùng mạnh là vậy mà cũng chịu thất bại trước Nhật Bản nhỏ bé vì một lý do đơn giản là người Nhật Bản nhỏ bé vì một lý do đơn giản là người Nhật có niềm tin sâu sắc rằng Thượng Đế luôn bên họ, và chiến thắng thuộc về họ. Và dù ít nhiều ở các nước khác trên khắp thế giới người ta cũng ở trong tình trạng tương tự.
Ngày hôm đó, khi hai cô gái Crete đến nắm lấy tay tôi và nói với tôi bằng tình yêu rằng: "Chúng tôi không chống lại ông. Chúng tôi yêu ông và chúng tôi muốn ông ở lại đây", họ đại diện cho ý thức thực sự của người dân. Và rồi tôi lại thấy ngoài sân bay, 3 ngàn người tập trung đến đó - hẳn cả làng Saint Nicholas đã đến đó để thể hiện sự ủng hộ của họ và chứng tỏ rằng họ không ủng hộ sự dã man và những hành động độc tài mà cảnh sát đã làm đối với tôi, rằng họ ủng hộ tôi.
Vâng, hẳn là một trong những công việc của tôi là thức tỉnh con người ta trước tình trạng thực là: bạn đang bị bóc lột dưới những hình thức khác nhau. Những kẻ bóc lột thậm chí còn tự nhận mình là đầy tớ nhân dân để lừa bịp bạn rằng họ đang phục vụ bạn. Hàng ngàn năm qua chúng vẫn 'phục vụ' bạn đấy thôi - và người dân thì sống trong khổ sở, ngu dốt cùng cực. Họ chẳng có gì trong cuộc đời mình; họ sinh ra, sống lây lất, rồi chết. Không có sự kiện nào trong cuộc đời họ có thể gọi là sung sướng, là kinh nghiệm.
Rỗng không từ khi lọt lòng cho đến lúc chết, không khai hoa, không nở rộ... trong khi họ vẫn có đủ những tiềm năng thăng hoa của một bản hoan ca. Thế nhưng, những kẻ quan liêu ấy, từ tôn giáo đến chính trị, đều không cho phép điều đó xảy ra. Họ sợ quần chúng sung sướng.
Lúc đầu tôi thấy chuyện này thật lạ. Chưa bao giờ tôi nghĩ họ lại phải sợ quần chúng sung sướng. Dần dần tôi hiểu ra rằng niềm sung sướng chứa đựng nhiều nguy cơ. Người biết sung sướng thì không phải là người thiểu năng trí tuệ. Người sung sướng là người thông minh.
Người sung sướng là người hiểu được nghệ thuật của cuộc sống; nếu không họ làm sao sung sướng được. Và người sung sướng là kẻ đe dọa tất cả lợi ích thiết thân kia - những thứ chống lại nhân loại.
Những lợi ích đó muốn nhân loại phải mãi mãi sống trong địa ngục. Chúng đã làm mọi cách để kìm giữ bạn trong khốn khổ. Chúng tàn phá tất cả những thứ có khả năng đem lại cho bạn niềm vui, và chúng đem lại cho bạn những cơ hội đau khổ. Người đau khổ không nguy hại gì cho cái xã hội thối nát này.
Vâng, hẳn một trong những công việc căn bản của tôi là giúp người ta ý thức được rằng những kẻ nắm giữ quyền lực kia - dù là thuộc tôn giáo hay chính trị - đều không phải là những người bạn của bạn. Họ là kẻ thù của bạn. Và trừ phi toàn nhân loại thực hiện một cuộc nổi dậy chống lại tất cả các loại quan liêu, loài người sẽ mãi bị mắc kẹt, không tiến hóa được, không với được tới những tầm cao mà khi sinh ra họ có quyền làm được.

Osho yêu quý,
Liệu đã có ai thực sự hiểu được thông điệp tình yêu của ông? Gần đây tôi cảm thấy thật đau lòng khi nhận ra rằng tôi chưa hiểu được, và tự hỏi chẳng phải chúng ta vẫn đang ca những bài ca cũ rích đó sao, dù chủ đề có chút ít khác biệt. Chỉ có việc sống cuộc sống bình dị và tự nhiên thôi mà cũng khó hiểu đến thế sao?
Vì nó quá bình dị, quá tự nhiên nên mới khó. Bạn không bình dị và bạn cũng không tự nhiên. Còn nó thì bình dị và tự nhiên.
Thông điệp tình yêu của tôi rất đơn giản, không gì đơn giản hơn thế. Nhưng lý trí của bạn thì lại phức tạp quá, rối rắm quá. Nó làm cho mọi thứ rối tung cả lên. - Đó là nhiệm vụ của nó. Và hàng thế kỷ qua nó đã được huấn luyện để làm chỉ một việc là: khiến mọi việc trở nên phức tạp đến mức bạn không sống nổi.
Lý trí của bạn đã rất nhuần nhuyễn trong việc phá hủy bạn, vì cuộc sống của bạn chứa đựng những điều quá đơn giảnn. Hiện hữu rất đơn giản, nhưng lý trí của con người đã bị gọt giũa, quy định, giáo dục, lập trình theo cách mà điều đơn giản nhất cũng bị bẻ cong đi. Ngay khi nó đi vào lý trí bạn là nó đã hết đơn giản rồi. Lý trí suy diễn nó, tìm ra những thứ không có trong nó, và lờ đi những thứ sẵn có trong nó rồi.
Và bạn nghĩ bạn đã nghe được những điều bấy lâu nay tôi vẫn nói với bạn? Không phải vậy. Tôi nói với bạn một đằng bạn nghe một nẻo vì việc nghe của bạn không trực tiếp. Có một kẻ trung gian - đó chính là lý trí của bạn. Nó hoạt động với chức năng kiểm duyệt, nó không để cho nhiều thứ thâm nhập vào bạn đâu.
Bạn sẽ phải ngạc nhiên nếu biết được nó đã ngăn chặn bao nhiêu - 98% đấy. Nó chỉ cho phép 2% những điều nghe được thâm nhập vào bạn, mà 2% đó cũng không còn là nguyên chất nữa. Đầu tiên 2% đó bị ô nhiễm do sự suy diễn của lý trí, của những trải nghiệm quá khứ, những quy định, và khi lý trí cho rằng nó đã hiểu thì những điều được nói ra và những điều bạn nghe được đã cách nhau hai nửa địa cầu rồi.
Đức Phật Cồ Đàm thường kể câu chuyện này, có một điều thật lạ là tất cả những vị thầy vĩ đại đều dựa vào những câu chuyện. Việc này có lý do của nó: lý trí thấy thư giãn khi nghe một câu chuyện, một câu đùa giỡn. Không nhất thiết phải căng thẳng, nghiêm trọng, chỉ nghe một câu chuyện thôi mà, và thế là bạn thấy thoải mái.
Tuy nhiên, khi nghe về những vấn đề như tình yêu, sự tự do hay tĩnh lặng, bạn lại bị căng thẳng. Chính vì thế mà các vị thầy phải sử dụng những câu chuyện đơn giản. Có lẽ khi câu chuyện kết thúc họ có thể thành công trong việc đưa một thông điệp nhỏ thâm nhập vào bạn qua đằng cửa sau thừa lúc bạn còn đang thư giãn.
Đức Phật Cồ Đàm thường nói với các đệ tử của mình rằng: đó là thói quen của ngài sau buổi nói chuyện ban tối - "Giờ các người hãy đi làm công việc cuối cùng trước khi đi ngủ. Và việc cuối cùng đó là thiền định".
Một buổi tối nọ, tham dự buổi thuyết pháp có một cô gái điếm và một tên trộm. Khi Đức Phật nói: "Giờ các người hãy đi làm công việc cuối cùng trước khi đi ngủ", thì tất cả các đệ tử của ngài đứng dậy đi thiền. Tên trộm thì bừng tỉnh. - "Mình làm gì ở đây thế nhỉ?". Đã đến giờ đi ăn trộm rồi. Cô gái điếm thì nhìn quanh và cảm thấy đức Phật thật mẫn cảm, vì khi nói điều đó đức Phật đã nhìn cô. Cô cúi xuống thật thấp với lòng biết ơn sâu sắc vì cô đã được nhắc nhở rằng, "Hãy đi làm công việc của mình trước khi ngủ".
Chỉ một câu nói mà ba loại người nghe được ba ý nghĩa khác nhau. Thực ra nó có nhiều ý nghĩa hơn thế, vì đối với người hành thiền này thì đó là niềm vui, đối với người hành thiền khác thì đó là việc mà họ phải làm; và như thế ý nghãi không còn giống nhau nữa. Thông điệp giành cho tất cả những người hành thiền là như nhau nhưng họ nghe không giống nhau.
Suốt cuộc đời tôi chưa bao giờ dạy điều gì phức tạp cho một người nào. Cuộc sống đã phức tạp rồi, và tôi không muốn chất thêm gánh nặng cho bạn. Nhưng có lẽ tôi là người bị hiểu sai nhiều nhất trong thế kỷ này, vì một lẽ đơn giản là tôi nói những điều đơn giản mà không ai nói. Tôi đang nói về những điều hiển nhiên mà tất cả mọi người đã làm ngơ, đã lãng quên. Không ai nói về những điều ấy cả.
Bạn có thể chìm vào những luận thuyết thần học của Thiên Chúa giáo, nhìn những tác phẩm tôn giáo vĩ đại của đạo Hindu, của đạo Hồi, đạo Do Thái - rất uyên bác nhưng rất khó hiểu. Chúng càng khó hiểu thì càng được nể trọng. Khi người ta không hiểu điều gì, họ cho rằng nó to tát, huyền bí ngoài tầm hiểu biết của họ. Và tự nhiên nó được người ta kính nể.
Người Hindu sử dụng tiếng Sanskrit để viết luận thuyết tôn giáo của họ, mà ngôn ngữ này đã là tử ngữ rồi. Ngoài chợ búa người ta không nói thứ ngôn ngữ này; nó là ngôn ngữ của các chuyên gia. Thế mà họ nhất quyết không chịu chuyển dịch kinh sách Hindu.
Tôi cứ tự hỏi tại sao họ lại phản đối chuyện này? Thực ra họ nên vui mới phải khi kinh sách của họ được chuyển dịch ra những ngôn ngữ khác và thông điệp của họ được truyền bá đến mọi ngõ ngách trên thế giới.
Nhưng khi tôi đọc kinh sách của họ, tôi đã hiểu tại sao.
Lý do là những kinh sách đó chẳng có gì cả. Chỉ là thứ ngôn ngữ khó hiểu, và người thường không hiểu được nó, chính vì thế mà họ tôn thờ nó. Một khi nó được dịch ra một thứ tiếng mà người dẫn vẫn sử dụng, nó sẽ không còn vầng hào quang, không còn linh thiêng nữa. Nó sẽ trở thành một thứ tầm thường bởi nó không còn là khó hiểu.
Các tôn giáo khác cũng vậy - chẳng hạn như Do Thái giáo. Các giáo sĩ Do Thái vẫn thích dùng tiếng Hebrew hơn. Tiếng Hebrew không còn là một sinh ngữ nữa, vậy tại sao lại cứ bám lấy nó? Lý do là, nó đem lại cho lý trí một cảm giác huyền bí, không thể lĩnh hội được, thần thánh ngoài tầm hiểu biết, và điều duy nhất bạn có thể làm là cúi đầu trước nó. Một khi nó được dịch ra rồi thì nó chẳng là gì. Và đặc biệt là, nó chẳng có thứ gì mà bạn cần cả.
Không có kinh sách nào dạy về tình yêu, về ý nghĩa của nó, về những bình diện khác nhau của nó. Không có kinh sách nào dạy về tự do. Không có kinh sách nào dạy về bạn; về cuộc sống của bạn, và làm sao để chuyển hóa cuộc đời mình thành một cuộc hỉ hoan. Kinh sách viết về Thượng Đế - chẳng ăn nhập gì cả. Thượng Đế thì liên quan gì đến ai? Thánh thần thì hề hấn gì đến ai? - toàn những thứ hoàn toàn không ăn nhập gì với sự hiện hữu của loài người.
Lý trí bị chất đầy những thứ hành lý không cần thiết. Tâm trí không còn chỗ trống cho những thực tế mà bạn phải sống. Thế nên ngay cả nhà thần học vĩ đại nhất của bạn cũng chỉ là một thằng ngốc không hiểu tình yêu bằng bạn, không hiểu chút gì về tự do, chưa bao giờ biết phân định giữa cá tính với cá nhân.
Tôi học môn tôn giáo với một vị giáo sư nọ. Sau mấy buổi học tôi đứng dậy nói với ông ấy rằng: "Tôi nghĩ thầy đang giảng về những thứ chẳng ăn nhập gì. Tôi chẳng thấy một sinh viên nào gặp khó khăn về Thượng Đế, và tôi cũng không thấy Thượng Đế có liên quan gì đến thầy cả" - vì hồi đó tôi ở đối diện nhà ông, và tôi thấy chính bà vợ của ông ấy mới có vấn đề.
Tôi nói với ông ấy: "Vợ của thầy mới là vấn đề thực sự; đó là vấn đề mà thầy nên bàn thảo. Thượng Đế hoàn toàn là trừu tượng. Tôi chưa bao giờ thấy thầy nghĩ về Thượng Đế khi thầy ở nhà. Và trong tất cả những điều thầy đang giảng cho chúng tôi không hề có chút trải nghiệm nào của thầy, nó không phải là vấn đề của thầy. Thầy đang nhồi nhét vào đầu những con người ngây thơ với những ý niệm vô ích. Xin thầy hãy dạy về tình yêu!".
Ông thầy rất giận. Ông nói: "Cậu đi gặp hiệu trưởng với tôi!".
Tôi nói: "Gặp Thượng Đế cũng được. Thầy không dọa tôi được đâu".
Trên đường đến phòng thầy hiệu trưởng, ông ấy nói: "Cậu không sợ thật à?".
Tôi đáp: "Tại sao tôi lại phải sợ? Chính thầy mới là người phải sợ! Tôi hiểu đám sinh viên; vấn đề của họ là về tình yêu, và vấn đề của thầy cũng là về tình yêu. Tôi sẽ nói với thầy hiệu trưởng là: "Nếu thầy không tin tôi, cứ gọi vợ ông ấy đến mà hỏi, và thầy sẽ hiểu tại sao tôi lại nói đó là vấn đề". Ông nói: "Cậu đang làm mọi chuyện phức tạp lên đấy".
Tôi đáp: "Tôi nói rất đơn giản và thực tế đấy chứ. Tôi có thể đưa tất cả sinh viên đến văn phòng thầy; thầy sẽ thấy tất cả bọn họ đều có vấn đề về tình yêu. Người thì theo đuổi một cô gái mà không thành công - đó là vấn đề của anh ta. Người thì có được cô ấy - và đó cũng là vấn đề của anh ta".
Ông nói: "Cậu về được rồi đấy. Không cần phải làm thế".
Tôi đáp: "Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Nếu thầy không làm thì tôi sẽ làm một mình".
Ông nói: "Tôi nói là không cần thiết...".
Tôi nói: "Có thể nó không cần thiết cho thầy nhưng là điều cần thiết đối với tôi. Rốt cục thì tôi vẫn phải quyết định, bởi lẽ đối với tôi tình yêu là một hiện tượng tôn giáo, còn Thượng đế chỉ là một giả thuyết. Nó chẳng có ý nghĩa gì bởi chẳng có gì tương ứng với nó cả".
Và tình yêu là một hiện tượng tôn giáo. Trừ khi người ta hiểu nó trọn vẹn, còn không họ sẽ phải đau khổ chỉ vì một thứ lẽ ra đã có thể làm cho cuộc sống của họ thăng hoa. Thứ lẽ ra có thể là thiên đàng của họ sẽ lại trở thành địa ngục chỉ vì họ không hiểu nó. Và tất nhiên đó là một nghệ thuật. Ai mà cần quan tâm tới Thượng Đế kia chứ? Thầy nói có lý. Chúng tôi đến đây là để hiểu tôn giáo, chứ không phải để hiểu những điều vô nghĩa".
"Nhưng", ông nói: "chương trình đào tạo không đề cập đến tình yêu, tự do, cá nhân hay tĩnh lặng... chúng tôi phải dạy đủ nội dung chương trình".
Các trường đại học dạy đủ nội dung trong chương trình đào tạo của họ mà không cần biết về cuộc sống thực sự của con người, về những vấn đề thực sự của họ. Vì tôi nói về những điều đơn giản, nhiều người đơn thuần cho rằng đó không phải là tôn giáo. Họ có một ý niệm về tôn giáo, về những giả thuyết trừu tượng phức tạp, bạn cứ suy ngẫm về chúng nhưng cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì khác biệt - bạn vẫn thế thôi. Có thể bạn là người Hindu, người Hồi giáo, người Thiên Chúa giáo, chẳng hề chi; những vấn đề thực sự của bạn vẫn không thay đổi. Những vấn đề tưởng tượng của mới khác nhau, nhưng chúng chẳng là gì khác hơn gánh nặng cho lý trí của bạn.
Bạn có thể hiểu được tôi nếu bạn gạt lý trí và cơ chế hoạt động rối rắm của nó sang một bên. Bạn không cần đến nó vì công việc của tôi là từ trái tim đến trái tim. Tôi đang nói bằng trái tim của mình.
Tôi không phải là một nhà lý thuyết, tôi không nói bằng lý trí. Tôi đang thổ lộ tim tôi với bạn, nhưng nếu bạn định nghe bằng lý trí thì bạn sẽ bỏ lỡ nó mất.
Nếu bạn sẵn sàng mở một cánh cửa vào sự hiện tồn của mình, nếu bạn sẵn sàng lắng nghe bằng trái tim thì dù tôi có nói gì đi nữa, những điều tôi nói vẫn đơn giản đến mức ban không cần phải đặt niềm tin vào nó bởi lẽ chắc chắn rằng không có cách nào hoài nghi nó được. Nó đơn giản đến mức không cách nào nghi ngại nó được.
Tôi phản đối niềm tin vì lẽ đơn giản là trong tất cả những lời dạy của tôi, bạn không cần đến nó. Tôi ủng hộ sự nghi ngờ vì bạn không thể nghi ngờ được những lời dạy đơn giản của tôi. Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đòi hỏi niềm tin, bởi vì những điều họ rao giảng có thể bị hoài nghi vì sự hoài nghi có thể phá sập toàn bộ dinh thự của họ.
Tôi đơn giản và thực tế. Tôi không siêu hình; vì thế mà bạn không cần phải đặt niềm tin vào tôi. Nếu bạn đã nghe tôi, một sự tín nhiệm chắc chắn sẽ nảy sinh trong bạn, nhưng nó không phải niềm tin, nó gần với tình yêu thậm chí nếu bạn có cố hoài nghi thì cũng không thể được. Và khi bạn đã không thể nghi ngờ một điều gì đó, đó chính là sự tín nhiệm thật sự, một sự tín nhiệm không lay chuyển. Nó chuyển hóa đơn giản bằng cách ở trong bạn.
Trong suốt quá trình lịch sử của loài người, duy chỉ có Mahavira là người đã làm nên sự khác biệt đáng nhớ - mà ở đây điều này là rất quan trọng. Ngài nói rằng có hai cách để đến được với thực tại. Cách thứ nhất là shravaka. Shravaka nghĩa là người biết lắng nghe bằng trái tim. Như vậy người đó không cần phải làm gì hết. Nghe là đủ, và rồi người đó sẽ được chuyển hóa. Cách kia là cách của các thầy tu, những người sẽ phải gian truân lắm mới đến được thực tại.
Tôi không định tạo ra các thầy tu. Chính vì thế mà tôi chọn cách thuyết giảng bởi chỉ cần biết nghe thôi bạn đã có thể lột xác rồi. Bạn chỉ cần có thiện chí mở cánh cửa trái tim của chính mình. Hãy để tôi vào và bạn sẽ khác.
Tôi đã thấy hàng ngàn người thay đổi mà không cần đến sự hiểu biết; họ đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc, nhưng sự thay đổi đó chỉ diễn ra ngầm mà thôi. Lý trí của họ không được phép tham gia vào chuyện đó - nó chỉ xảy ra trong tim họ.
Những người này không cần đến liệu pháp nào, không cần thiền định. Nếu họ đã lắng nghe, theo cách tôi đang nói với bạn thì đây chính là sự thiền định, liệu pháp, và sự chuyển biến toàn diện của họ.

Osho yêu quý,
Tôi nghe ông ca tụng "chủ nghĩa cộng sản" là hình thái kinh tế cao nhất, của cải làm ra và sự giàu có được chia sẻ đồng đều trong một gia đình đầy tình thương con người. Tuy nhiên, tôi lại nghe ông nói rằng người nghèo nên được kéo lên ngang mức người giàu thì tốt hơn là người giàu bị lôi xuống cảnh nghèo khó, như những gì đã xảy ra trong tất cả các công xã đang tồn tại. Thế nhưng làm thế nào người giàu chia sẻ tài sản của họ được, và sống trong "chế độ cộng sản" mà không bị lôi xuống mức bình dân?
Điều đầu tiên là người giàu trên thế giới cần sống trong cộng đồng. Hãy để những cộng đồng ấy là cộng đồng của những người giàu! - như vậy họ sẽ không bị lôi ra khỏi tiêu chuẩn cuộc sống của họ, sự tiện nghi và giàu sang của họ. Hãy để trên thế giới xuất hiện hàng trăm cộng đồng của những người giàu - những cộng đồng giàu có.
Và đối với tôi, sự giàu có là một loại sáng tạo nhất định. Nếu năm ngàn người giàu tập hợp lại cùng nhau, họ có thể tạo ra số tài sản nhiều gấp triệu lần. Mức sống của họ sẽ không bị thấp đi mà nó có thể lên cao hơn nữa. Hoặc là họ sẽ bắt đầu việc chia sẻ. Có thể họ sẽ bắt đầu mời vào cộng đồng của họ những người không được giàu nhưng sáng tạo, những người dù nghèo nhưng có khả năng nâng cao đời sống của cộng đồng họ.
Năm ngàn người giàu tập hợp lại cùng với tài làm giàu của họ có thể tạo ra khối tài sản nhiều đến mức họ có thể mời vào cộng đồng của họ hàng ngàn người không giàu về vất chất nhưng giàu về tài năng như họa sĩ, nhà thơ, vũ sư hay ca sĩ.
Bạn định sẽ làm gì chỉ với sự giàu có? Bạn không thể chơi nhạc bằng tiền; bạn không thể khiêu vũ chỉ vì bạn có nhiều tiền mặt cất trong nhà băng. Và những cộng đồng giàu có này có thể sẽ ngày càng mở rộng, thu hút ngày càng nhiều người sáng tạo. Những thứ cộng đồng giàu có này sẽ phải cần đến nhiều thứ.
Nói về cộng đồng giàu có, tôi lại nhớ đến những người thuộc Kỳ-na giáo vì cộng đồng của họ rất nhỏ và toàn những người giàu có. Ở Ấn Độ bạn không thể tìm được một người ăn mày hay trẻ lang thang nào là người Kỳ-na. Ngày xưa người ta có một tục lệ là nếu có một người Kỳ-na nghèo đói thì tất cả những người Kỳ-na khác sẽ đơn giản là cùng nhau đóng góp mỗi người một ít, để giúp người kia.
Chẳng hạn, nếu người đó cần một ngôi nhà, đơn giản là cộng đồng đem lại cho người đó ngôi nhà. Người cho gỗ, người cho gạch, người cho ngói và cả cộng đồng quyên góp một ít tiền để giúp người đó bắt đầu cuộc sống mới của mình. Như vậy là họ đã biến một người nghèo thành một người giàu. Chẳng ai bị ép buộc làm việc đó cả, họ làm vậy từ lòng hảo tâm của mình. Và người kia cũng sẽ làm như vậy nếu cộng đồng có một người mới gia nhập.
Bạn hỏi tôi rằng người giàu nên làm gì. Họ nên vứt bỏ quyền sở hữu cá nhân và cùng nhau xây dựng cộng đồng giàu có ở bất cứ nơi nào có thể - và họ có thể làm điều đó ở mọi nơi, bất cứ đâu. Họ có thể xây dựng những vùng đất tươi đẹp trên khắp thế giới, và dần dần, dần dần những vùng đất đó sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều người khác nữa.
Chẳng hạn, bạn sẽ cần đến những người thợ sửa ống nước, dù cho bạn giàu đến thế nào; bạn sẽ cần đến thợ cơ khí; các kỹ sư; những người thợ đóng giày. Hãy mời những người này vào cộng đồng của bạn - và họ sẽ đến với bạn không phải với tư cách là những người phục dịch mà với tư cách là thành viên của cộng đồng. Họ sẽ làm giàu cho cộng đồng bằng những công việc mà họ có thể làm tốt nhất. Và chính cộng đồng sẽ có nghĩa vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đó lên ngang mức với mình.
Dần dần, dần dần chúng ta có thể chuyển hóa toàn thế giới - mà không cần đến những cuộc giết chóc hay nền chuyên chính nào cả.
Một cộng đồng xuất phát từ tình yêu, từ sự thông thái, từ sự rộng lượng, sẽ là cộng đồng có thật. Một cộng đồng xuất phát từ vũ lực chỉ là một cộng đồng ảo. Và tất cả mọi người trên thế giới này, dù nghèo đến đâu, vẫn có gì đó để đóng góp.
Tôi lại nhớ đến Abraham Lincoln, tôi rất thích câu chuyện này! Đó là bài diễn văn đầu tiên của ông trước Thượng viện với tư cách là tổng thống. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố ông là thợ đóng giày - ở Ấn Độ người làm nghề này bị coi là tiện dân. Ngay cả ở Mỹ người ta cũng rất khó chịu và tức giận khi con trai người thợ đóng giày trở thành tổng thống; tất nhiên giới quý tộc, người giàu và siêu giàu rất tức giận. Ngày đầu tiên ông đọc diễn văn trước họ là một ngày đầy căng thẳng.
Khi ông đứng dậy, một nhà quý tộc cũng đứng dậy với ông và nói: "Thưa ngài Tổng thống, trước khi ngài phát biểu, tôi muốn ngài nhớ rằng cha ngài từng đóng giày cho gia đình tôi. Hôm nay tôi đang đi đôi giày do cha ngài đóng đấy, thế nên xin ngài chớ quên điều đó. Trở thành tổng thống chưa là gì cả đâu. Đừng quên rằng ông là con trai người thợ đóng giày".
Cả hội trường im phăng phắc. Tất cả mọi người đều nghĩ hẳn Abraham Lincoln phải ngượng lắm, thế nhưng không, chính ông đã khiến cả Thượng viện phải cảm thấy xấu hổ.
Ông nói: "Tôi vô cùng cảm kích sự nhắc nhở của ông về cha tôi" - và mắt ông rướm lệ. Ông nói tiếp: "Làm sao tôi quên được cha tôi? Ông là người thợ giày hoàn hảo và tôi không bao giờ có thể hoàn hảo đến thế ở cương vị Tổng thống. Tôi không thể vượt qua ông cụ.
Ngài vẫn đi giày cha tôi đóng - nhiều người trong số các ngài hẳn vẫn đang đi giày do cha tôi đóng. Nếu nó không vừa với chân các ngài, nếu nó có chật và làm các ngài khó chịu, xin đừng lo lắng. Cha tôi mất rồi, nhưng ông đã truyền lại nghề của ông cho tôi đủ để sửa giày cho các ngài. Tôi không thể thay thế ông ấy; ông ấy là người thầy hoàn hảo. Tôi chỉ là kẻ nghiệp dư, nhưng tôi có thể sửa giày cho các ngài và tôi sẽ luôn nhớ rằng mình phải cố gắng để trở thành vị tổng thống giỏi như là cha tôi đã từng là người thợ giày giỏi vậy. Tôi không dám hy vọng sẽ giỏi hơn cha tôi - điều đó là không thể, tôi hiểu cha tôi mà".
Đến người nghèo nhất trên thế giới cũng có gì đó để đóng góp.
Tạo ra những cộng đồng giàu có và bạn sẽ thấy bạn cần nhiều loại người lắm chứ không riêng người giàu. Họ có thể tọa ra của cải, nhưng của cải không phải là tất cả. Cuộc sống còn nhiều thứ khác nữa ngoài của cải. Nó cần đến nhiều thứ đến nỗi hẳn nhiên bạn sẽ phải mời nhiều người khác vào cộng đồng của mình. Trên khắp thế giới, các cộng đồng giàu có sẽ phải cần đến nhiều người; và dần dần, dần dần cộng đồng của bạn sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.
Người giàu sẽ không biến thành người nghèo, nhưng người nghèo sẽ giàu lên, đáng được tôn trọng và bình đẳng - và không thấp kém hơn bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào - bởi họ cũng thực hiện chức năng của mình như những người khác vậy. Và dù họ làm nghề gì thì nghề của họ vẫn cần thiết như chuyên môn của bất kỳ ai.
Ý tưởng này hình thành trong tôi như một bông hoa nở, ngày càng nở to hơn - tất cả các cánh hoa đều mở ra. Một cộng đồng, như bông hoa mãn khai, hoàn chỉnh, không thiếu một thứ gì, sẽ không chỉ bao gồm những người giàu. Nhiều người nghèo sẽ phải được chuyển hóa thành người giàu. Và họ sẽ đóng góp - họ sẽ không phải là gánh nặng và những kẻ ăn mày. Họ sẽ có sự hãnh diện của mình. Bạn không thể tồn tại nếu thiếu họ.
Chúng ta có thể chuyển hóa cả trái đất này thành một xã hội giàu có, nhưng việc đó nên bắt đầu theo cách tôi đang nói với bạn: không phải thông qua các nền chuyên chế, mà thông qua những cộng đồng của người giàu.

Osho yêu quý,
Tôi thực sự cảm thấy ông giả tạo khi ông nói về Rajen trong buổi tối nọ, vì tôi thấy thương cho ông ấy, và tôi cảm thấy ông ấy vẫn yêu thương ông như trước. Tôi cảm thấy rằng với việc rũ bỏ chiếc áo đỏ và mala, ông ấy chỉ muốn trải nghiệm điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận là dù đã làm việc với ông ấy suốt những năm qua, nhưng trong cuộc thực nghiệm nhóm gần đây nhất với ông ấy cách đây mấy hôm, tôi lại cảm thấy chất lượng công việc của ông ấy rất khác: tôi thấy nhớ cảm giác có sự hiện diện của ông thông qua ông ấy. Xin ông hãy nhận xét.
Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời rồi đấy. Nếu ông ta yêu thương tôi, thế thì trong nhóm của ông ta sự hiện diện của tôi hẳn phải rõ ràng hơn. Nếu sự hiện diện của tôi trong nhóm của ông ta không còn nữa, thế thì cái mà ông ta gọi là tình yêu chỉ còn là một từ trống rỗng. Chuyện này thật đơn giản.
Chuyện rũ bỏ chiếc áo đỏ hay mala không quan trọng, bởi lẽ tôi đã cho phép chính mình làm việc đó. Thế nhưng trong nhóm của mình, ông ta lại nói rằng: "Tôi từng nhượng bộ phục vụ cho Osho. Tôi vẫn phục vụ ông ấy, thông qua việc giúp các bạn thoát khỏi Osho".
Cả thế giới này không ai lệ thuộc vào tôi cả. Thế nên chẳng cần ai phải nỗ lực để giúp người ta thoát khỏi tôi. Cả thế giới này vốn đã không lệ thuộc vào tôi rồi.
Thế nhưng tại sao người ta lại nhớ sự hiện diện của tôi? Ông ta đã đánh mất mối liên hệ với trái tim tôi; trái tim ông ta không còn đập chung nhịp với trái tim tôi nữa rồi. Mà việc này không chỉ xảy đến với Rajen. Nhiều nhà liệu pháp khác cũng rơi vào tình trạng như thế. Chỉ có một số ít là vượt qua được cuộc thử lửa, như Prasad. Anh ta không những không thay đổi mà còn ngày càng liên hệ sâu sắc với tôi hơn trên một nền tảng mới, một sự khai hoa mới của tình yêu. Trong nhóm của anh ấy, sự hiện diện của tôi ngày càng sâu sắc hơn. Và công việc của anh ấy đã thay đổi; liệu pháp của anh ấy đã thay đổi, ngày càng hiệu quả hơn.
Thế nhưng tất cả những người này đều không có ý thức. Tình yêu của họ không phải là thứ tình yêu mà tôi muốn ám chỉ. Có lẽ tình yêu của họ nhiều lắm cũng chỉ có nghĩa là họ không ghét tôi. Chỉ thế thôi nó đã rất tuyệt vời rồi, bởi hầu như tất cả bọn họ đều rất căm giận tôi chỉ vì một lý do đơn giản là họ đã quen với việc làm môn đệ. Toàn bộ trách nhiệm thuộc về tôi. Giờ tôi trao lại trách nhiệm cho họ; họ có thể tức giận - mà chắc chắn là họ sẽ tức giận. Có lẽ họ sẽ lải nhải mãi một câu giống như những con vẹt già, rằng: "Tôi yêu ông", nhưng hành động của họ thì lại không chứng tỏ điều đó.
Ananda Teertha và một số người khác đã mở một thiền viện ở Ý. Devageet cũng có ở đó. Để mở thiền viện, anh ta phải cố gắng rất nhiều, nhưng rốt cục đành chịu thất bại vì người ta không muốn cái thiền viện đó dính dáng đến tên tuổi tôi.
Devageet nói: "Tôi phải làm việc ngày đêm để xây dựng một thiền viện cho Osho, thế mà các người thậm chí còn không muốn nhắc đến tên của Ngài trong cuốn sách giới thiệu về cái viện này!". Ảnh của họ đều có trong cuốn sách giới thiệu, và họ không muốn có ảnh của tôi trong đó.
Thế mà Devageet ra đi với lòng kinh tởm. Tất cả bọn họ đều luôn miệng: "Chúng tôi yêu Osho", nhưng lại không nhắc đến tên tôi trong cuốn sách giới thiệu, không nhắc đến tên tôi trong nhóm của họ. Và các nhóm của họ thâu nhận rất nhiều sannyasin, trong khi các sannyasin ấy đến vì tôi. Devageet đã nói huỵch toẹt ra rằng, như thế là lợi dụng. "Những người này gia nhập nhóm của các ông là vì Osho chứ không phải vì các ông. Thế mà bây giờ các ông không còn theo Osho nữa".
Devageet đến gặp tôi ở Crete, và tôi bảo anh ấy: "Đừng buồn. Người vô ý thức chỉ có thể làm những việc đó. Nếu tốt thì tự động người ta sẽ đến với họ; còn không thì họ cũng tự động biến mất thôi!".
"Nhưng", anh nói: "Thật đau lòng, chính ông là người đã giúp họ trở thành những nhà liệu pháp tuyệt vời. Chính ông đã làm cho tên tuổi họ nổi tiếng trên khắp thế giới".
Tôi nói: "Anh không hiểu logic của lý trí vô thức rồi, họ đang trả thù đấy. Họ không thể tha thứ cho tôi được vì tôi đã tạo ra họ; họ thấy mình thấp kém và họ muốn chứng tỏ sự vượt trội của họ. Vậy nên cứ để họ làm điều đó - đừng lo lắng. Thế giới này vận hành theo cách ấy mà".
Đối với tôi chẳng có gì khác cả dù tên tôi có trong cái viện ấy hay không, vì trên thế giới còn có hàng ngàn nhà liệu pháp khác chẳng can hệ gì đến tôi, và những người này chỉ là một phần trong số đó. Hoặc là, có thể sớm muộn gì họ cũng sẽ nhận ra rằng những gì họ đang làm thật tồi tệ, không có chút yêu thương đối với một người đã làm cho họ nổi tiếng thế giới; nếu không thì sẽ chẳng ai biết đến họ, chẳng ai nghe nhắc đến tên của họ.
Nhưng đây mới chính là vấn đề: thật khó mà tha thứ cho người đã giúp bạn dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn không thể trả ơn tôi; bạn không thể đền đáp, và bạn thấy mình mắc nợ. Cảm giác thấp kém vì bạn không phải do chính mình tạo ra sẽ dẫn đến sự căm hận. Tuy nhiên tất cả những chuyện này rồi sẽ lắng xuống.
Hãy nhìn lại câu hỏi của bạn. Bạn nói rằng bạn đã ở bên Rajen và bạn cảm thấy "Ông ấy yêu ông như ông ấy đã từng". Mặc dù vậy bạn vẫn nhận thấy rằng tôi không còn hiện diện trong công việc của ông ta nữa; tôi đã biến mất.
Chẳng lẽ bạn không thấy sự mâu thuẫn sao? Nếu ông ta yêu tôi, lẽ ra tôi phải hiện diện nhiều hơn và ông ta hiện diện ít đi chứ. Nếu ông ấy yêu tôi trọn vẹn, chỉ có tôi là hiện diện còn ông ta biến mất; nếu không từ "yêu" chỉ là một từ mà mọi người vẫn dùng mà thôi.
Tuy nhiên họ sẽ sớm hiểu ra thôi. Sẽ mất một ít thời gian vì khi họ ở bên tôi và đồng thời làm việc với những người trong nhóm liệu pháp của họ, họ sẽ ấp ủ tình yêu của tôi.
Họ sẽ sớm nhận ra rằng sự ấp ủ đó không còn nữa bởi trái tim họ đã khép kín lại rồi, và họ sẽ thấy mệt mỏi, rã rời, vì tất cả những người đến điều trị ở đó sẽ có được sức mạnh của họ. Họ sẽ sớm hiểu ra rằng họ đã mất gốc rễ của mình, và giờ đây họ không còn có thể khai hoa được nữa. Tuy nhiên cần phải có thời gian. Bạn có cắt đi gốc rễ - và những bông hoa vẫn nở trong vài ngày, nhưng không thể tươi lâu được.
Chính vì thế mà hãy để họ tự hiểu ra, rằng ở đây họ từng làm việc với nhiều người - hàng ngàn người - nhưng họ chưa bao giờ có cảm giác là sức mạnh của họ bị hút cạn. Thế nhưng họ lại không ý thức được rằng, tại sao họ lại có cảm giác đó - bởi gốc rễ của họ là ở trong tôi.
Thế nhưng, dưới vỏ bọc tự do, họ đã nhổ hết gốc rễ của họ khỏi tôi rồi. Họ sẽ kiệt sức và hấp hối. Thật buồn nếu họ không hiểu được điều này.
Xem tiếp Chương 7 – Quay về Mục lục

Chương 5: Nhiều và không có gì

Osho - Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại
Chương 5: Nhiều và không có gì


Osho yêu quý,
Ông có thể cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra với ông kể từ lần cuối cùng chúng ta gặp nhau vào buổi sáng đẹp trời ấy ở Crete mấy tuần trước?
Nhiều - và không có gì. Bên ngoài thì nhiều, còn trong tôi thì chẳng có gì. Điều đầu tiên tôi nhận ra là con người chẳng tiến hóa được chút nào, rằng có lẽ khái niệm tiến hóa là sai, vì hàng ngàn năm rồi mà loài người vẫn cư xử theo một khuôn mẫu.
Buổi sáng đẹp trời ấy trên hòn đảo Crete, những con người đó và sự ngược đãi mà họ giành cho tôi và bạn bè của tôi, những người ủng hộ tôi, nhắc tôi nhớ đến Socrates. Vẫn là những con người này, và thật lạ, vẫn là cái tội mà ngày ấy người này, và thật lạ, vẫn là cái tội mà ngày ấy người ta cáo buộc Socrates: làm vẩn đục tâm trí của giới trẻ, phá hoại đạo đức của họ. Cáo buộc của họ đối với tôi cũng giống như thế.
Hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, con người vẫn kẹt lại, không hề tiến hóa. Cách hành xử của họ vẫn dã man, vô nhân đạo. Họ có thể yêu cầu tôi ra khỏi đất nước của họ - không cần thiết phải dùng đến bạo lực như thế, ném đá vào cửa kính nhà tôi như thế. Họ đột nhập vào nhà tôi từ trên nóc mà tôi nghe như là bom nổ vậy. Họ mang theo thuốc nổ, và họ dọa là sẽ cho nổ tung toàn bộ ngôi nhà. Dường như đuổi tôi ra khỏi đất nước của họ chỉ là một dịp để họ thể hiện sự dã man này, nếu không, đơn giản chỉ cần nói với tôi một tiếng là tôi không được chào đón ở đất nước này.
Người cấp visa 4 tuần cho tôi là một anh cảnh sát trưởng; và người hủy cái visa đó sau 15 ngày lại là anh phó cảnh sát trưởng. Nó có vẻ chẳng hợp lý tí nào - rằng người cho phép là trưởng còn người hủy nó lại là phó.
Ngoài sân bay Athens có không dưới 40 tay cảnh sát, chỉ để đối phó với một người không vũ khí, và vị phó cảnh sát trưởng kia cũng có mặt. Nhà báo, phóng viên phát thanh, truyền hình với máy ảnh chớp tắt liên tục xô đẩy nhau để phỏng vấn tôi. Và tôi nói: "Tôi không muốn nói gì nhiều, ngoại trừ một điều là hình như loài người chưa bao giờ văn minh cả".
Báo giới thì đằng trước, 40 tay cảnh sát cấp cao bao quanh, và tay phó kia đi kèm một bên tôi. Khi tôi nói: "Với loại cảnh sát này, loại chính phủ này, các anh đang phá hủy tương lai của nhân loại, của chính đất nước các anh. Mấy người này chính là kẻ đã giết hại Socrates...".
Khi tôi nói vậy và chỉ vào mặt tên phó cảnh sát trưởng, ông ta liền can thiệp.
Lần đầu tiên trong 35 năm tôi vờ cáu giận. Tôi không thành công vì trong lòng tôi đang cười ngất. Thế nhưng tôi bảo tay cảnh sát nọ, "Ông câm đi. Ông hãy đứng đúng vị trí của ông. Đừng lại gần tôi".
Và tôi quát: "Câm đi!" to đến nỗi ông ta phải ngậm miệng và lùi lại. Sau này tôi đọc được bài báo người ta tường thuật lại vụ này: họ cho rằng tôi đang điên tiết - tôi chẳng là gì! Thế nhưng đó là thứ ngôn ngữ duy nhất mà những con người đó có thể hiểu được. Và khi bạn nói chuyện với một người, bạn phải dùng thứ ngôn ngữ mà người đó hiểu được.
Nhưng tôi thích như thế. Bạn có thể diễn vai giận dữ - bạn có thể giữ tâm mình hoàn toàn tĩnh lặng và bề ngoài thì vô cùng cáu giận. Và chẳng có gì mâu thuẫn cả, vì sự cáu giận đó chỉ là diễn kịch mà thôi.
Lúc trên máy bay tôi nhớ đến George Gurdjieff, người đã được huấn luyện theo những phương pháp khác nhau trong rất nhiều trường thuộc giáo phái Sufi. Ở trường này thì người ta áp dụng phương pháp diễn kịch - khi bạn không tức giận thì bạn tỏ ra tức giận; khi bạn thấy hạnh phúc thì bạn tỏ ra đau khổ. Phương pháp này hàm chứa nhiều ý tứ.
Nó có nghĩa là khi bạn đau khổ bạn sẽ có thể tỏ ra hạnh phúc; khi bạn giận dữ bạn sẽ có thể diễn vai bình tĩnh. Không chỉ có thế, nó còn hàm ý rằng bạn không phải là nỗi khổ, cũng không phải niềm hạnh phúc. Đó chỉ là những gương mặt mà bạn có thể tạo ra: còn bản thân bạn thì khác, sự hiện hữu của bạn không liên quan đến nó. Người ta sử dụng những phương pháp kỳ lạ để hành thiền, để khám phá sự hiện hữu của mình, để tách mình ra khỏi những cảm xúc, hành động. Và Gurdjieff thì rất giỏi trong chuyện này, ngôi trường đó đã huấn luyện cho ông theo cách đó...
Gurdjieff thuần thục đến độ nếu ông ấy ngồi giữa hai người, đối với người này ông có thể tỏ ra cực kỳ bình an và tĩnh lặng - với một nửa gương mặt của mình, mặt nghiêng phía bên kia người ấy. Và đối với người kia ông sẽ biểu hiện sát khí, nham hiểm - vô đạo đức - với nửa gương mặt còn lại, mặt nghiêng phía bên này. Và nếu cả hai người này cùng nói chuyện với nhau về Gurdjieff, làm sao họ có thể đồng tình với nhau được? Họ sẽ tranh cãi: đối với người này thì con người mà anh ta đã gặp là một người bình an, tĩnh lặng, còn đối với người kia thì đó là một kẻ đầy sát khí, nguy hiểm, vô lại.
Nếu được hỏi, Gurdjieff sẽ trả lời rằng: "Cả hai người đó đều đúng. Tôi không những có thể chia nhỏ bản thân và hành động của tôi mà còn có thể chia gương mặt mình thành hai phần khác nhau".
Tôi được tặng một tượng Phật từ Nhật Bản - một bức tượng đẹp nhưng rất lạ. Một tay ngài cầm thanh gươm trần, tay kia là một chiếc đèn nhỏ. Ở phương Đông người ta dùng đèn bùn, đó là những chiếc đèn làm bằng những chiếc tách nhỏ đựng đầy bùn trong đó. Trông chúng gần giống những ngọn nến đang cháy. Chiếc đèn tỏa ánh sáng chiếu lên một nửa gương mặt của ngài; nó tỏa sáng, tĩnh lặng, bình an. Và thanh gươm cũng phản chiếu lên nửa kia của gương mặt ngài - một chiến binh, kẻ nổi loạn, nhà cách mạng.
Ở sân bay Athens, tôi nhìn 40 tay cảnh sát kia... hẳn họ là những người chức cao vọng trọng - ngoại trừ vị cảnh sát trưởng, vì ông ta không đủ can đảm đến. Nếu không tôi hẳn đã hỏi ông ta rằng: "Làm sao tấm visa ông cấp lại có thể bị cấp dưới của ông hủy được?" - nhưng ông ta không có đó.
Còn những người khác... thật lạ: họ cư xử một cách hết sức vô nhân đạo, nhưng họ đều là những kẻ hèn nhát. Khi tôi quát: "Câm đi!" thì tay phó cảnh sát trưởng kia đã vội lùi lại như một đứa trẻ, sợ rằng truyền hình có thể sẽ ghi lại được hình ảnh và lời nói của tôi, và ông ta với những sao và vạch trên vai áo cùng cây sung lục đeo bên hông. Thế nhưng bên trong ông ta chỉ là một đứa con nít, một đứa con nít nhát gan.
Quả là một kinh nghiệm - nền dân chủ ra đời ở Athens cơ mà.
Nền dân chủ bắt nguồn từ Hy Lạp, ấy thế mà kẻ đưa ra ý tưởng về những giá trị dân chủ ấy lại bị hạ độc thủ bởi những người Anthens - lịch sử kể lại như vậy. Thế nhưng những gì xảy ra hôm ấy khiến tôi bắt đầu nghi ngờ lịch sử.
Socrates không phải do người dân Athens hạ độc thủ mà do bọn quan chức ở đó. Và ta nên phân định rõ như vậy, vì tôi bị bọn cảnh sát ngược đãi trên hòn đảo Crete. Nhưng người dân ở ngôi làng mà tôi tá túc, làng Saint Nicholas, thì không hùa theo bọn quan chức kia. Và khi một nhà báo hỏi tôi: "Ông có muốn nhắn nhủ gì với dân làn Saint Nicholas không?", tôi đáp: "Hãy bảo họ đến sân bay để cho cảnh sát thấy rằng họ ủng hộ tôi chứ không phải ủng hộ chúng".
Ba ngàn người đã đến sân bay trong đêm, đứng chật kín nơi mặt tiền sân bay. Họ chờ ở đó hàng giờ. Cả làng vắng tanh; những người chậm chân phải đi bộ vì không bắt được taxi hay xe bus - tất cả xe cộ đều đã đi ra sân bay rồi. Thế nhưng những người ấy vẫn đi bộ một quãng đường dài đến sân bay chỉ để chứng minh một thực tế đơn giản: họ không đồng ý với sự dã man và hành động cực đoan của chính quyền; họ ủng hộ tôi.
Người dân luôn phải gánh chịu trách nhiệm thay cho đám quan chức và sự dã man của chúng. Tôi không tin là Socrates bị người dân Athens giết hại. Ông là một người đáng kính, không bao giờ có ý tỏ ra mình cao trọng hơn người khác.
Sáng sáng ông đem rau đi bán, và mãi đến tối mới về nhà - vì ngoài đường, trong chợ, ông nói chuyện với mọi người về những điều ngoài tầm của một người bình thường. Ông là vị thầy của cả Athens. Chỉ một mình ông thôi đã đủ biến Athens thành một trong những thành phố thông thái nhất từng tồn tại trên thế giới này - đơn thương độc mã, ông cứ đi và gặp gỡ. Bạn cất tiếng chào ông cũng có nghĩa là bạn đã bước vào một cuộc đối thoại - không cần biết bạn là ai. Có thể bạn đang vội - nhưng Socrates thì không.
Những người này không thể là kẻ giết Socrates được. Bọn quan chức bắt đầu lo sợ. Kinh nghiệm ở Crete khiến tôi phải nhìn lại lịch sử. Sách vở đều dối trá - Socrates không phải do người dân giết hại. Họ thậm chí còn không thể tưởng tượng được chuyện đó. Nhưng còn chính quyền... và tại sao chính quyền lại giết ông ấy? - vì ông ấy làm cho quần chúng ngày càng thông minh, độc lập, yêu tự do, và cá nhân chủ nghĩa đến mức chính quyền sợ rằng điều đó sẽ gây rắc rối cho mình. Chính quyền sẽ không thể điều khiển được những con người này, nó sẽ không thể nô dịch hóa nổi họ.
Tốt nhất là giết quách Socrates đi còn hơn là để ông ta gọt giũa tư tưởng của người dân đến khi họ nhận ra những tên quan lại chỉ là những kẻ ngốc! Tốt hơn hết là thủ tiêu ông ta trước khi chuyện đó xảy ra. Ấy thế mà tất cả các sách sử toàn kể lại rằng chính người dân Athens Nicholas đã giết Socrates. Giờ tôi thấy dân làng Saint Nicholas đổ về phi trường để chứng minh họ không ủng hộ cảnh sát. Thậm chí khi tôi đã rời khỏi đất nước của họ rồi, làng Saint Nicholas còn cử đại biểu đến gặp ông tổng thống để phản đối về chuyện đã xảy ra ở ngôi làng của họ.
Tôi chỉ ở đó hai tuần lễ, và tôi chẳng rời khỏi nhà; nhưng họ có thể thấy người của tôi - ít nhất là 500 sannyasin quy tụ từ khắp châu Âu về đây. Họ đã quen với khách du lịch, vì đây là một điểm du lịch, nhưng họ chưa bao giờ thấy những con người nồng hậu đến thế. Và các sannyasin của tôi ở làng Saint Nicholas, dù họ không thể hiểu được tôi - ngôn ngữ là một rào cản lớn - nhưng một số người trong làng vẫn đến chỉ để được ngồi bên tôi. Và điều này xúc phạm đến trật tự tôn giáo.
Vị tổng giám mục giận điên vì không ai chịu đi lễ; mà mới chỉ ở đó có 15 ngày, tôi đã mở được một buổi lễ lớn. Buổi lễ của ông ta chỉ có 6-12 bà già có mặt nghe ông giảng.
Ông ta bắt đầu lo lắng, gửi điện cho tổng thống, cho thủ tướng, cho các bộ trưởng, cho ông cảnh sát trưởng, trả lời phỏng vấn với toàn những lời dối trá - vì ông ta chẳng biết tí gì về tôi cả. Và nỗi sợ của ông ta lây lan: cả chính phủ cũng bắt đầu lo ngại.
Một sannyasin của tôi, Amrito - người mời tôi đến Hy Lạp - là bạn thân của tổng thống và thủ tướng. Bà ấy có quan hệ tốt với tất cả những quan chức cao cấp, vì 20 năm trước bà đã được chọn là nữ hoàng sắc đẹp: "Hoa hậu Hy Lạp", và bà bắt đầu nổi tiếng từ ấy. Bà làm người mẫu, và tất cả các đạo diễn, doanh nhân... mọi loại người đều liên quan đến bà ấy. Bà chẳng bao giờ phải hẹn trước; bà có thể đến nhà họ bất cứ lúc nào - kể cả nhà tổng thống hay thủ tướng.
Thế nhưng hôm đó bà đến gặp tổng thống, bà chờ ở đó 6 tiếng đồng hồ liền mà không được phép vào nhà. Tại sao ông tổng thống lại sợ người phụ nữ mà ông quen từ lâu, người vẫn thường đến thăm ông và là bạn của ông...? Nỗi sợ đó là vì... Ông ấy sẽ nói thế nào nhỉ? Ông ta không có câu trả lời cho những gì chính phủ ông ta đã làm đối với tôi và người của tôi.
Và bạn hẳn sẽ ngạc nhiên: câu trả lời rất lạ lùng. Tôi rời khỏi Athens vì họ không cho phép tôi ở lại dù chỉ một đêm trong khách sạn hay ở sân bay dưới sự giám sát của họ.
Khi tôi đi rồi, họ lập tức truy nã Amrito. Bà ấy hẳn đã biết tin này từ nguồn nào đó: "Giờ đến lượt bà - tại sao bà lại mời Osho đến đây, dù biết hắn ta nguy hiểm?".
Amrito đã phải trốn khỏi nước mình. Và cảnh sát thì vẫn tiếp tục truy nã bà ấy.
Amrito là một người giản dị và đằm thắm. Bà ấy không giàu; bà chỉ có một quán giải khát nhỏ. Và cảnh sát vẫn đến quán của bà để nắm bắt tình hình, phát hiện những dấu hiệu lạ mà lúc trước họ chẳng buồn để tâm - rằng cái quán này không được sạch sẽ.
Tất nhiên là nó không được sạch rồi, vì bà ấy đã rời khỏi đất nước được ba ngày. Nó không sạch vì trong suốt 15 ngày bà ấy ở Crete để gặp tôi, vậy nên chỉ còn một nhân viên trông coi quán. Nhưng như thế không phải là phạm pháp - ít nhất việc đó cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cảnh sát. Có lẽ cơ quan địa phương quản lý vệ sinh trong nhà hàng, khách sạn phải đến giải quyết - nhưng họ không đến; người phát hiện sai phạm về vấn đề vệ sinh ở quán này lại là cảnh sát.
Tôi khuyên bà ấy quay về và đấu tranh, vì bà ấy chẳng làm gì sai trái cả. Phần sai là thuộc về chính phủ. Vì họ không thể hãm hại tôi, sợ rằng chuyện này sẽ gây ảnh hưởng quốc tế, nên họ tìm một người chịu đòn: họ có thể tấn công bà ấy, họ có thể tra tấn người phụ nữ ấy, một người đã ly dị, có một đứa con nhỏ và một bà mẹ già, và là trụ cột kiếm sống của gia đình. Mà một cái quán giải khát như thế thì kiếm được bao nhiêu cơ chứ?
Những người này lúc nào cũng đẩy tội cho quần chúng - và quần chúng thì câm hết. Còn lịch sử thì toàn dối trá: cách sách sử chứa đựng nhiều dối trá hơn bất kỳ đâu. Chuyện không có gì nhưng nó cho thấy rất nhiều.
Tôi không bước chân ra khỏi nhà, tôi không nói tiếng Hy Lạp. Người dân ở đó không hiểu được tôi. Những người hiểu được thì toàn là người ngoại quốc. Người ta cáo buộc tôi làm suy đồi tư tưởng của giới trẻ, phá hủy đạo đức, truyền thống quốc gia, nhà thờ, gia đình... nhưng những người nghe tôi nói lại không phải là người Hy Lạp. Làm sao tôi gây ảnh hưởng lên đạo đức của họ, tôn giáo của họ được?
Nhưng dường như bọn quan liêu không hề suy nghĩ; chúng chỉ hành động theo nỗi sợ của chúng. Và nỗi sợ đó là: ai đó sẽ nêu lên những câu hỏi về gốc rễ xã hội của họ. Nhưng điều đó thật ngu xuẩn vì tôi có đi đến đâu thì tôi vẫn làm thế, và lời nói của tôi sẽ bay đi khắp nơi trên thế giới này.
Tôi có thể làm được gì khi gốc rễ của họ đã thối nát? Tôi làm được gì khi nền đạo đức của họ không phải là đạo đức mà chỉ là một sự giả tạo? Tôi làm được gì khi hôn nhân của họ chỉ là đạo đức giả chứ không phải là tình yêu? Tôi làm được gì khi gia dình đã quá đát và cần được thay thế bằng thứ khác tốt đẹp hơn? Gia đình đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nó đã làm được một ít việc tốt mà những việc đó vẫn có thể được thực hiện theo cách khác. Nó đã làm một số việc hết sức nguy hiểm và độc hại mà những việc đó có thể tránh được.
Cái kiểu gia đình tồn tại bao thế hệ qua không được phép tồn tại lâu thêm nữa. Nếu nó vẫn tồn tại thì loài người phải chết. Để cứu lấy loài người, chúng ta phải thay đổi cấu trúc xã hội mà loài người đang sống trong đó, để đem lại những con người mới - vì cái cũ đã thất bại hoàn toàn.
Ít nhất 10 ngàn năm qua, chúng ta cứ đi mãi trên một con đường và chẳng đến được đâu.
Đã đến lúc ta phải hiểu rằng ta đang đi sai đường. Nó cũ rích rồi; nó dẫn đến cái chết. Nó không cho phép người ta hạnh phúc, vui sướng; nó không cho phép người ta ca hát, nhảy múa.
Nó làm cho người ta nặng nề, trịnh thượng - đối với chính mình và những người khác.
Trong gia đình có nhữn mầm mống của tất cả những cuộc chiến, tôn giáo và dân tộc. Chính vì thế mà người ta gọi gia đình là "hạt nhân của nền văn minh".
Chẳng có văn minh nào cả - và hạt nhân thì thối nát. Nó chỉ tạo ra những con người bệnh hoạn mà thôi, những con người được chữa trị bằng đủ các loại liệu pháp tâm lý mà vẫn bệnh hoạn. Chúng ta đã không thể tạo ra những con người tỉnh táo.
Thế nên, bề ngoài thì tôi cho rằng những gì xảy ra ở Hy Lạp có thể cũng sẽ xảy ra ở những nước khác, vì ở đâu cũng chỉ có một kiểu cấu trúc ấy mà thôi - và thực tế nó đã xảy ra ở nước khác.
Rời khỏi Hy Lạp, chúng tôi ghé Geneva để nghỉ qua đêm, và ngay khi nghe nhắc đến tên tôi, người ta tuyên bố ngay: "Không được! Không thể để ông ta vào được". Tôi thậm chí còn không được phép bước chân ra khỏi máy bay.
Chúng tôi đi tiếp đến Thụy Điển. Người ta vẫn nói Thụy Điển tiến bộ hơn tất cả các nước châu Âu khác, thậm chí là tiến bộ nhất thế giới, rằng Thụy Điển cho phép nhiều kẻ khủng bố, nhà cách mạng, chính trị gia tị nạn, rằng Thụy Điển rất độ lượng.
Chúng tôi hạ cánh xuống Thụy Điển. Chúng tôi chỉ muốn nghỉ qua đêm vì các phi công đã sắp hết giờ bay. Họ không thể bay tiếp vì như thế sẽ là phạm pháp. Và chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi gặp người phụ trách ở sân bay... chúng tôi chỉ xin nghỉ lại qua đêm nhưng ông ấy cấp hẳn cho mỗi người một tấm visa 7 ngày. Có lẽ ông ấy say, hoặc ngái ngủ - lúc ấy là nửa đêm, quá nửa đêm rồi.
Người đi xin visa của chúng tôi quay về vui mừng báo tin là chúng tôi được cấp visa những 7 ngày. Thế nhưng, ngay lập tức cảnh sát ập đến và hủy toàn bộ số visa đó, rồi yêu cầu chúng tôi lập tức rời khỏi đất nước họ. "Chúng tôi không thể cho phép người này vào được".
Họ cho phép khủng bố, cho phép những tên giết người, những tên Mafia, và họ cho những người đó tị nạn - thế mà họ không thể cho phép tôi. Mà tôi thì không yêu cầu được tị nạn hay sinh sống lâu dài ở đó, chỉ một đêm nghỉ chân mà thôi.
Chúng tôi quay sang London, vì đơn giản đó là vấn đề về quyền cơ bản của chúng tôi. Và chúng tôi tính toán sao cho tất cả mọi việc đều hợp pháp - chúng tôi mua vé hạng nhất cho chuyến bay ngày hôm sau. Chúng tôi có máy bay nhưng vẫn phải mua vé để phòng trường hợp họ bắt bẻ rằng: "Các ông không có vé bay trong ngày mai nên chúng tôi không thể cho phép các ông lưu lại trong phòng chờ hạng nhất được".
Chúng tôi mua mỗi người một vé, chỉ để nghỉ lại trong phòng chờ, và nói với họ rằng: "Chúng tôi có phi cơ riêng - và cả vé nữa". Nhưng họ nói luật quy định họ có quyền tự quyết định một số việc tại sân bay mà chính phủ hay bất kỳ cá nhân nào cũng không được phép can thiệp: "Chúng tôi có quyền tự quyết định - và chúng tôi không thể cho phép người này lưu lại trong phòng chờ".
Trong phòng chờ, tôi nghĩ: Làm sao tôi phá hủy được nền đạo đức của họ, tôn giáo của họ? Tôi sẽ chỉ ngủ thôi, và đến sáng chúng tôi đã đi rồi.
Nhưng không, cái gọi là các quốc gia văn minh này chỉ là lũ người man rợ và sơ khai. Họ nói: "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cho ông nghỉ qua đêm trong nhà giam".
Và tình cờ một người bạn của tôi nhìn thấy tập hồ sơ của họ. Họ có đầy đủ chỉ đạo từ chính phủ về việc đối xử với tôi như thế nào: tôi không được phép bước vào đất nước của họ bằng bất cứ cách nào, thậm chí chỉ là nghỉ qua đêm trong một khách sạn hay phòng chờ; nếu tôi muốn nghỉ qua đêm tại đây, cách duy nhất là nghỉ trong nhà giam.
Sáng ra, chúng tôi bay đến Ireland. Có lẽ người kia không để ý đến tên tôi trong danh sách hành khách. Chúng tôi đề nghị được lưu lại 2-3 ngày - "Nhiều nhất là 7 ngày, nếu có thể". Chúng tôi cần thời gian vì một quyết định khác đang được xem xét, và họ đang trì hoãn nó, mà hoạt động của chúng tôi phụ thuộc vào quyết định đó.
Người đó rất rộng rãi, hẳn ông ta vừa nốc quá nhiều bia: ông ta cho mỗi người 21 ngày. Chúng tôi đến khách sạn và lập tức cảnh sát đến để hủy những tấm visa kia. Họ nói rằng: "Người này bị điên - ông ta không biết gì cả".
Họ hủy visa của chúng tôi, nhưng họ rơi vào tình huống khó xử? Giải quyết việc này thế nào đây?
Chúng tôi đã nhập cảnh, và đến ở trong khách sạn được mấy tiếng đồng hồ rồi. Họ đã đóng dấu visa 21 ngày vào passport của chúng tôi. Giờ họ đòi hủy chúng, mà chúng tôi thì chưa chuẩn bị sẵn sàng để rời khỏi đấy. Chúng tôi phải chờ thêm mấy ngày nữa. Bạn có thể thấy bọn quan chức che đậy sai trái của họ như thế nào.
Họ nói: "Ông có thể ở lại đây, nhưng không được cho ai biết về chuyện này - không gặp gỡ báo chí, không ai được biết rằng Osho đang ở đây, vì như thế sẽ gây rắc rối cho chúng tôi. Và tất nhiên là chúng tôi chẳng thể làm gì khác vì như thế sẽ làm mọi việc rối tung lên.
"Nếu ông không muốn đi - và chúng tôi đã cho phép ông ở lại trong 21 ngày... Chúng tôi không có cơ sở để hủy nó. Ông chưa làm gì phạm pháp cả - ông chỉ mới nghỉ lại một đêm ở đây. Trừ phi ngủ là một tội ác... Thế nên rất khó cho chúng tôi. Cách duy nhất là, ông giữ im lặng và không được xuất hiện trước công chúng".
Ở lại đây mà không có visa thì đúng là phạm pháp; và cảnh sát đề nghị chúng tôi kín tiếng và không được hở cho ai biết chuyện này - rồi cứ lẳng lặng mà rời khỏi đây. Họ cách ly đám nhà báo, đánh lừa báo giới để họ đi lấy tin ở nơi khác.
Nhưng điều lạ lùng là những người này liên quan trực tiếp với chính phủ.
Trong nghị viện người ta nêu lên câu hỏi: "Chuyện gì xảy ra vậy? Phi cơ của họ đậu ngoài sân bay. Họ đã nhập cảnh vào đất nước - thế thì họ biến đi đâu rồi?". Và ông bộ trưởng đơn giản nói dối rằng: "Họ có đến nhưng đã đi rồi". Chúng tôi vẫn còn ở trong đất nước của họ mà nghị viện lại được thông tin là chúng tôi đã đi...
Toàn bộ chuyến đi này đã vạch trần các bộ máy quan liêu.
Và bây giờ tôi nhận được thông tin là các nước châu Âu đã cùng nhau đưa ra quyết định là ngay cả máy bay của tôi cũng không được hạ cánh xuống bất kỳ sân bay nào thuộc châu Âu.
Chuyện tiếp xăng cho phi cơ thì hại gì đến nền đạo đức của họ? Thế nhưng đơn giản là họ muốn tách tôi ra khỏi nhân loại. Điều kiện của họ rất rõ ràng: họ muốn tôi ở lại Ấn Độ - tất nhiên là họ không thể chối bỏ tôi, đó là quê hương của tôi. "Ông có thể ở lại", họ nói. "Nhưng ông không được liên lạc với các môn đệ người ngoại quốc của ông, và không được tiếp xúc với báo chí".
Đó là cách để tách tôi ra khỏi thế giới, khỏi môn đệ của tôi, và thậm chí khỏi các phương tiện truyền thông, để không ai biết tôi còn sống hay đã chết. Đó là cách để biến tôi thành một kẻ gần như đã chết - dù tôi vẫn đang sống - để cắt đứt mối liên hệ của tôi với tất cả mọi người.
Tôi không chấp nhận điều kiện của họ. Tôi chưa bao giờ sống theo bất kỳ điều kiện nào, mà đặc biệt là cái thứ điều kiện xấu xa đó thì lại càng không. Tôi rời khỏi Ấn Độ và đi đến Nepal - vì đó là quốc gia duy nhất tôi có thể đến mà không cần visa; chứ nếu không thì chính phủ Ấn Độ hẳn đã thông báo đến tất cả các đại sứ quán là không được cấp visa cho tôi để tôi không thể rời khỏi Ấn Độ. Họ đã ký hiệp ước với Nepal và vì thế tôi không cần visa vẫn có thể vào được nơi đó.
Tuy nhiên, Nepal là một nước nhỏ và nghèo - nghèo nhất - và chịu áp lực rất lớn từ Ấn Độ... Ấn Độ có thể chiếm nó bất cứ lúc nào. Nepal không có đến một quân đội cho ra hồn.
Tôi nhận được tin này từ một nguồn đáng tin cậy: chính phủ Ấn Độ buộc Nepal hoặc là bắt giữ tôi, hoặc trục xuất tôi về Ấn Độ. Thế là tôi phải rời khỏi Nepal. Chuyện này chẳng thể thay đổi được tôi.
Nhưng nó đã thay đổi rất nhiều thái độ của tôi về xã hội mà chúng ta đang sống. Thật là một xã hội xấu xa, man rợ, vô văn hóa, kém văn minh.
Vì thế mà tôi nói: "Nhiều - và không gì cả".

Osho yêu quý,
Tôi thấy câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe về Mahavira khi ngài đi khất thực thật kỳ quặc. Chuyện ngài đặt ra những điều kiện cho cuộc sống để nhận thức ăn hàng ngày đối với tôi dường như chỉ là chuyện tưởng tượng, chứ bình thường chẳng ai có thể sống theo cách đó cả. Có lẽ tôi đã hiểu sai ngụ ý của câu chuyện. Ông nói rằng chúng ta không cần phải vội vã trong cuộc kiếm tìm của mình; nhưng quanh ông lúc nào tôi cũng cảm thấy thời gian thật quý giá, và tôi muốn tận dụng thời gian tối đa. Và đối với tôi, cứ mỗi lần chuẩn bị nêu lên một câu hỏi là tôi lại lưỡng lự, vì sợ bộc lộ là mình ngu dốt. Tôi thực sự muốn đứng trước mặt ông, "trần trụi, trống rỗng và một mình".
Câu chuyện về Mahavira luôn bị hiểu sai - không chỉ mình bạn hiểu sai đâu - vì chúng ta nhìn nhận sự việc bằng lý trí của mình. Nếu bạn sống vào thời Mahavira thì có thể đó là việc đặt điều kiện cho cuộc sống, nhưng đối với Mahavira thì không phải như vậy, đó không phải là ra điều kiện cho cuộc sống.
Theo Mahavira, đơn giản ngài chỉ muốn có được một tín hiệu từ cuộc sống - liệu mình có nên tiếp tục tồn tại, ha là mình không còn cần thiết nữa. Ngài không bao giờ than phiền. Có khi ngài nhịn ăn ba tháng liền nhưng không hề phàn nàn một tiếng nào.
Nếu ngài ra điều kiện cho cuộc sống thì hẳn ngài phải mệt mỏi và kêu ca chứ. Nếu ngài muốn điều khiển cuộc sống thì hẳn ngài phải cảm thấy sự thất bại của mình. Ba tháng ròng ngài không nhận thức ăn - nhưng không một lời ca thán. Ngài là một trong những sinh linh đáng kính, tĩnh lặng và bình an nhất.
Tại sao ngài lại đưa ra quyết định như thế sau một buổi sáng hành thiền? - đơn giản là để mình không trở thành gánh nặng của hiện hữu. Ngài để cho hiện hữu quyết định. Ngài không ra điều kiện cho hiện hữu; ngài cho phép hiện hữu nắm giữ toàn bộ cuộc đời ngài, thậm chí cả hơi thở và thức ăn của ngài. Ngài đặt tất cả vào bàn tay của hiện hữu.
Nhưng làm thế nào ngài biết được? Giữa bạn và hiện hữu không giao tiếp bằng ngôn ngữ; chỉ có thể giao tiếp biểu tượng - và chuyện ấy không gì khác hơn là giao tiếp biểu tượng. Ngài chỉ muốn có một dấu hiệu.
Một điều cần nhớ là, những người như Mahavira, Parsunatha, đức Phật Cồ Đàm là những đấng độc nhất vô nhị. Họ đi con đường riêng của họ, và con đường đó phù hợp với nhân cách của họ một cách hoàn hảo.
Thời nay thì tôi sẽ chẳng bao giờ làm một việc giống như vậy. Tôi là một người hoàn toàn khác - nhưng tôi không hiểu sai về Mahavira. Tôi chấp nhận sự độc nhất của ngài, và tôi tôn trọng cách ngài sống cuộc đời ngài - không hề đòi hỏi. Đó không phải là đòi hỏi - rằng hiệu hữu phải đáp ứng điều kiện này - đơn giản đó chỉ là một thỏa thuận: "Vì không thể hình dung ngôn ngữ nên tôi chọn một dấu hiệu nhất định và rồi mọi thứ tùy thuộc hiện hữu quyết định". Ngài tuyệt đối đặt mình vào lòng bàn tay hiện hữu đến nỗi ngài thậm chí còn không muốn thở một hơi thở của chính mình.
Còn tôi là một người hoàn toàn khác, gần như trái ngược với Mahavira. Tôi sẽ không bao giờ chờ mong ở hiện hữu một việc như thế. Con đường của tôi là buông xả - thế thì có gì phải bận tâm? Một lần và mãi mãi, để hiện hữu định đoạt, và khi hiện hữu không cần đến bạn, bạn sẽ tan vào vũ trụ. Không nhất thiết phải hỏi hết ngày này đến ngày nọ - thế thì chẳng khác gì mè nheo cả. Tôi đã làm điều đó một lần rồi, và chỉ một lần đó thôi. Tôi sẽ không làm hai lần, vì làm hai lần có nghĩa là lần đầu bạn chưa buông xả hết; chứ không thì việc gì phải làm lại? Bạn chỉ có thể buông xả một lần mà thôi.
Lúc còn bé chúng tôi phải giải rất nhiều câu đố, và đặc biệt chúng tôi rất hay hỏi thầy giáo - thầy của chúng tôi là một người lầm lì ít nói - và những việc đơn giản thôi cũng đủ làm ông suy nghĩ.
Chẳng hạn, khi chúng tôi hỏi ông: "Một người tự tử bốn lần. Vậy người đó thành công vào lần thứ mấy? - lần thứ nhất, lần thứ hai... anh ta thành công lần nào?".
Và ông ấy vắt óc suy nghĩ, rồi nói: "Làm sao thầy biết được?". Nếu thành công thì lần cuối cùng thực ra là lần đầu tiên.
Theo cách hiểu của tôi, bạn chỉ buông xả một lần mà thôi. Nếu bạn phải làm lại, thì có nghĩa đó là lần thứ nhất... Bạn định che mắt ai kia chứ? Và lấy gì đảm bảo là lần thứ hai sẽ không như lần trước? Buông xả là hiểu chứ không phải là làm.
Đó không phải là điều bạn có thể nói với hiện hữu; đơn giản nó chỉ là sự hiểu: "Tôi sẽ không bơi ngược dòng, đơn giản vì việc đó là ngu dốt". Bạn sẽ sớm đuối sức và không bao giờ thắng được dòng chảy. Hiểu được điều đó, bạn chấp nhận thuận theo dòng. Đó là buông xả.
Lúc này, dù dòng sông có đưa bạn đi đến nơi nào... bạn không cần phải hỏi; bạn chỉ đơn giản trôi theo dòng sông ấy. Một ngày nào đó - bất cứ lúc nào - bạn sẽ ra đến đại dương, bạn sẽ tan biến.
Thế nên tôi sẽ không khuyên người ta làm theo những gì Mahavira đã làm. Mahavira có sự hiện hữu độc đáo của ngài.
Tên thật của ngài không phải là Mahavira; Mahavira nghĩa là "chiến binh vĩ đại". Ngài tên thật là Vardhanana, nhưng không ai nhớ được cái tên đó vì một lẽ đơn giản: phương pháp của ngài là phương pháp của một chiến binh, một đấu sĩ. Thậm chí ngài cũng chiến đấu không ngừng nghỉ với hiện hữu. Ngài nói: "Ta chỉ sống chừng nào ta còn được chào đón. Không được chào đón thì ta không còn muốn sống nữa dù chỉ là một phút giây".
Ngài tranh đấu tự trong sâu thẳm, nhưng sự tranh đấu của ngài có vẻ đẹp riêng của nó. Ngài ở bên trong nó - đó là vẻ đẹp. Nó không phải là cuộc đấu tranh nửa vời, nó trọn vẹn. Và bí quyết là, những cái trọn vẹn sẽ chuyển hóa bạn; sự buông xả của bạn, nếu là trọn ven, nó sẽ chuyển hóa bạn; cuộc tranh đấu của bạn, nếu trọn vẹn, nó sẽ chuyển hóa bạn.
Cái đem đến sự chuyển hóa không phải sự buông xả hay tranh đấu của bạn mà chính là sự trọn vẹn của bạn.
Thậm chí đến nay vẫn có những người tu hành đi theo con đường của Mahavira. Số này không nhiều vì sau khi Mahavira chết họ bị phân hóa. Có nhiều người chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến như vậy. Và trong số này có khá nhiều thầy tu. Họ thỏa hiệp nhiều thứ mà Mahavira hẳn sẽ không chấp nhận.
Chẳng hạn, họ mặc quần áo; Mahavira thì không. Họ sống trong nhà; Mahavira không bao giờ sống ở nơi nào có mái che. Trời có mưa, có nắng, có lạnh cóng đi chăng nữa, ngài vẫn chỉ đứng dưới gốc cây. Thế nên những ai muốn thỏa hiệp đều không thể thỏa hiệp hồi ngài còn sống. Ngài là một người vô cùng mạnh mẽ. Nhưng đến ngày ngài chết thì những đệ tử của ngài lại bị phân hóa.
Thế là những người chính thống, những người vẫn đi theo con đường của Mahavira đến nay chỉ còn lại 22 người - đó là hồi tôi còn ở Ấn Độ; đến nay có lẽ một vài người trong số họ đãc hết, vì họ đều đã già rồi. Và thật khó mà tìm được người thay thế khi họ đã chết rồi.
Còn tốp kia, những người thỏa hiệp, có tới gần 5 ngàn người - và đến nay số này ngày càng nhiều hơn. Và họ sẽ vẫn thỏa hiệp như thế.
Đầu tiên là họ mặc quần áo; rồi vào ở trong nhà người ta. Giờ họ còn đi cả máy bay nữa. Cả cuộc đời Mahavira chỉ có đi bộ, không bao giờ sử dụng một loại xe cô nào. Tôi từng thấy những người thỏa hiệp này lén lút dùng bàn chải đánh răng nữa; Mahavira thì không bao giờ đánh răng cả.
Tôi còn biết những thầy tu này cứ có dịp là họ tranh thủ tắm nữa; Mahavira không bao giờ tắm, trừ khi trời mưa và lúc đó ngài đứng dưới gốc cây. Có lần tôi thấy nơi ở của một thầy tu nọ... người này rất thân thiện với tôi và không nghĩ là tôi sẽ vạch trần ông ta.
Ông ta nói: "Ông dùng gì? - Fanta hay Coca Cola?". Tôi hỏi lại: "Anh dùng gì cơ?".
Ông ta đáp: "Nhưng đừng cho ai biết nhá!" - rồi ông ta mở tủ ra, trong đó giấu đầy những lon Coca Cola và Fanta. Sự thỏa hiệp không có giới hạn. Nhưng nó có hại gì đâu? - nó là những thứ đồ uống hoàn toàn phi bạo lực; bạn có thể uống được.
Tuy nhiên số người theo Mahavira ngày càng ít đi; một người chết thì cũng không có người nào thay thế. Ngay cả những người này, theo cách nào đó, cũng đã thỏa hiệp rồi. Thật khó mà làm giống hệt Mahavira được - đó là điều tôi muốn nói, nối gót là điều không thể.
Những người này sau buổi hành thiền cữ sáng cũng đặt ra điều kiện. Nhưng những điều kiện đó rất hạn chế - 6 hay 8 gì đó - và tất cả mọi người đều biết điều kiện đó là gì, vậy nên nếu họ đến một thành phố, họ sẽ đến tất cả những gia đình Kỳ-na giáo và tất cả những gia đình đó sẽ đáp ứng những điều kiện khác nhau. Và những người này đặt ra những điều kiện hết sức đơn giản.
Chẳng hạn, nếu trên cửa nhà có treo hai quả chuối thì họ sẽ nhận được thức ăn. Và mọi người biết như vậy, thế là các gia đình Kỳ-na giáo đều treo hai quả chuối lên cửa nhà mình, và những người này đều rồi nhận thức ăn - điều kiện đã được đáp ứng - những điều kiện nhỏ nhặt được những người thầy tu đó đặt ra và công bố cho tất cả mọi người biết.
Họ không thể nhận thức ăn từ những người không theo Kỳ-na giáo. Họ không thể ở lại một nơi lâu hơn 3 ngày được, vì theo Mahavira - và tôi cảm nhận là ngài đã đúng - thì cứ sau ba ngày, sự vướng bận sẽ xuất hiện.
Thí dụ, ngày đầu tiên bạn thấy nơi ấy không thích hợp cho bạn. Có thể bạn ngủ không ngon giấc, có thể bạn bị căng thẳng chút ít. Nhưng sau ngày thứ ba, mọi thứ bắt đầu đâu vào đấy; và sau ngày thứ 21 bạn trở nên quen thuộc với nơi đó, tựa như bạn được sinh ra ở nơi đó vậy.
Cần có thời gian nhất định để điều chỉnh, vì thế mà Mahavira không cho phép vượt quá 3 ngày. Và ở Ấn Độ, đệ tử Kỳ-na giáo rất ít, thế nên có rất nhiều nơi không có một đệ tử Kỳ-na giáo nào - vậy vị thầy tu kia sẽ phải làm sao? Hai mươi gia đình Kỳ-na giáo đem xe cộ, lều trại đi theo ông ta, và ở những nơi không có người Kỳ-na giáo, họ dựng một khu trại nhỏ rồi treo chuối ngoài lều của mình... và cả 8 điều kiện đều được đáp ứng. Sau đó nhà nào cũng chuẩn bị thức ăn - và ông này chỉ việc lấy ra một điều kiện trong số 8 điều kiện ấy - rồi nhận thức ăn.
Bề ngoài thì ông ta đi theo Mahavira, nhưng Mahavira không làm như vậy. Mahavira đi theo con đường hoàn toàn khác. Đó không phải là buông xả; ngài không phải là người cổ vũ buông xả, ngài là một chiến binh.
Theo ngài, sự thật phải được chinh phục, và để chinh phục nó bạn phải chiến đấu trọn vẹn. Câu chuyện tôi kể với các bạn là một phần cuộc chiến của ngài. Cả cuộc đời ngài là con đường tranh đấu. Tôi sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện nữa.
Suốt 20 năm ngài không nói tiếng nào cho đến khi ngài giác ngộ. Trong 20 năm đó ngài trải qua biết bao thử thách. Một ngày nọ ngài đang hành thiền... và ngài không hành thiền ở tư thế thoải mái. Ở phương Đông thường, người ta hành thiền ở tư thế hoa sen, và về mặt sinh lý thì tư thế hoa sen là tư thế thoải mái nhất khi bạn đã quen với nó, vì xương sống của bạn được giữ thẳng và trọng lực được giảm đến mức thấp nhất, nó giúp cơ thể bạn nương trên cột sống thẳng nhẹ nhàng như tấm lụa.
Mahavira thiền đứng. Trong mọi thái độ của mình ngài đều là chiến binh. Có những người thiền nhắm mắt - như thế dễ chịu hơn. Có những người thiền mở mắt, nhưng theo một cách tự nhiên - họ vẫn chớp mắt. Như vậy cũng không phải là chiến đấu. Mahavira thiền mắt nửa nhắm nửa mở và không chớp mắt.
Trong hai mươi năm ấy, một ngày nọ khi ngài đứng thiền bên bờ sông, chợt một người đàn ông lại gần và nói với Mahavira rằng: "Ông đứng đây ngó chừng đàn bò giúp tôi nhé. Tôi phải về nhà có việc gấp; mẹ tôi ốm và người ta báo tinc ho tôi là bà ấy đang hấp hối. Tôi sẽ quay lại ngay, nhưng... ông đứng đây cả ngày, vậy phiền ông trông chừng đàn bò, đừng để chúng đi lạc vào rừng".
Và Mahavira vẫn lặng thinh, vì ngài không thể nói. Còn người đàn ông nọ thì đang vội quá - mẹ ông đang hấp hối - ông ấy không để ý là Mahavira không nói gì. Đơn giản ông ấy hiểu sự im lặng của người kia nghĩa là đồng ý.
Một hai tiếng sau, ông ta quay lại, Mahavira vẫn đứng đó nhưng đàn bò không còn con nào. Ông la lên: "Ông là loại người gì vậy? Ông đứng đây cả ngày chỉ có việc trông chừng đàn bò. Vậy giờ chúng đi đâu cả rồi?".
Và ngài vẫn không nói, người đàn ông kia lại càng giận hơn: "Vậy là ông giả câm giả điếc hả?". Rồi ông ta bèn lấy hai chiếc que đâm vào tai Mahavira, sau đó lấy đá đập mạnh vào hai tai ngài để làm cho ngài điếc hoàn toàn. Thế nhưng Mahavira vẫn không mở miệng, cũng không hề chớp mắt.
Người nọ nghĩ: "Hình như lão này bị điên. Người bình thường ắt đã phải lên tiếng...". Rồi ông ta đi vào rừng tìm đàn bò của mình. Đêm xuống, lúc ấy giờ đàn bò phải về chuồng, ông ta quay ra khỏi khu rừng và đập vào mắt ông là đàn bò đang ngồi ngoan ngoãn quanh Mahavira ngay bên bờ sông.
Ông ta nói: "Ông thật là...! Tôi chọc thủng tai ông mà ông cũng không chịu hé môi! Làm tôi tìm khắp trong rừng, thế mà đàn bò lại đang ngồi đây! Ông giấu chúng ở đâu thế?". Rồi ông ta đánh Mahavira - ngài trần truồng. Nhưng ngài vẫn cứ đứng như vậy. Người nọ thầm nghĩ có lẽ ông này điên thật rồi - đánh hắn ta cũng chẳng nhằm nhò gì... bạn chẳng thể làm bất cứ điều gì với hắn ta, hắn chẳng phản ứng gì đâu. Đó chính là sự tĩnh lặng tuyệt đối - dù chuyện gì xảy ra, ngài vẫn giữ tập trung và không phản ứng gì. Đó không chỉ là vấn đề về việc mở miệng nói hay giữ im lặng.
Đây là một câu chuyện đẹp. Đến đây thì nó vẫn là câu chuyện thật nhưng có một kết thúc hoang đường. Ở Ấn Độ người ta thờ rất nhiều thần, họ không tin vào một thần duy nhất, vì như thế giống như là đi theo một kẻ độc tài; như thế là không dân chủ - trên thực tế người ta thờ tới 33 triệu vị thần. Đó là dân số của Ấn Độ thời các vị thần được tưởng tượng ra: mỗi người có một vị thần. Thế âu cũng là lẽ tự nhiên.
Một trong những vị thần, đó là Indra, cảm thấy rất đau lòng và phẫn nộ trước những chuyện xảy đến với Mahavira - một con người tĩnh lặng không làm gì hại đến ai. Những con bò tự chúng đi rồi lại về và ngài hoàn toàn vô định.
Indra xuất hiện - các vị thần có thể nói mà không phát ra thành tiếng - ngài nói với Mahavira: "Ta có thể cho ngươi hai vị thần bảo hộ, vì chuyện này thật không thể tin nổi, không thể tưởng tượng được! Không nên để chuyện như thế xảy ra". Và đối với các vị thần, bạn không cần phải nói, họ có thể đọc được suy nghĩ của bạn.
Indra đọc suy nghĩ của Mahavira: "Hãy để tôi yên. Tôi không cần sự giúp đỡ của người nào hết, tôi muốn tự mình chiến đấu. Tôi không muốn nợ ai - hãy bỏ qua cho. Dù chuyện gì xảy ra tôi vẫn sẽ chiến đấu một mình cho đến ngày chiến thắng".
Đến đây thì chiến thắng của ngài nghe có vẻ lạ lẫm đối với những người đã quen với ý niệm buông xả, đầu hàng hiện hữu. Thế nhưng bạn cần nhớ rằng: Hãy thương xót kẻ khác, sự độc nhất của họ. Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải đi theo con đường của họ; đơn giản là bạn cần có một sự thấu hiểu sâu sắc rằng, mỗi người là độc nhất; và một khi người ta là độc nhất thì con đường của họ cũng độc nhất. Và đôi khi những con đường trái ngược lại dẫn về cùng một đích.
Chỗ này rất dễ bị hiểu sai, nhưng tôi muốn các bạn hiểu rằng có những con đường khác nhau, những con người khác nhau, và những sự độc nhất khác nhau. Tất cả những điều đó sẽ giúp mở mang trái tim của bạn, tình thương của bạn, sự thấu cảm của bạn. Và dù cho bạn đi theo con đường nào thì điều đó cũng có ích. Đây chính là sự mở mang - nó có thể chứa đựng mâu thuẫn.
Xem tiếp Chương 6 – Quay về Mục lục