Chương 7: Diễn đạt cái bất khả diễn đạt

Osho - Tự truyện (Cuộc đời Luận sư Osho)
Phần I
Chương 7: Diễn đạt cái bất khả diễn đạt:
những khoảng im lặng giữa những lời nói


Trong 35 năm, tôi đã liên tục nói mà không có mục đích gì cả. Với việc nói chuyện nhiều như vậy, tôi đã có thể trở thành một vị tổng thống, một thủ tướng; không có gì khó cả. Với việc nói chuyện nhiều như thế, tôi đã có thể làm một cái gì đó. Nhưng mà tôi đã đạt được cái gì?
Trước hết, tôi không nhằm vào lợi lộc – tôi ưa thích công việc của mình. Đây là hội họa của tôi, đây là ca khúc của tôi, đây là thi ca của tôi. Ngay những khoảnh khắc đó, khi tôi đang nói, và tôi cảm thấy sự giao cảm xảy ra, những khoảnh khắc khi mà tôi thấy đôi mắt bạn bừng sáng lên, khi tôi thấy rằng bạn đã hiểu điều mấu chốt… chúng cho tôi niềm vui quá lớn lao đến nỗi tôi nghĩ, nó tràn đầy quá rồi, không cần thêm gì vào nó nữa.
Bạn không biết về hằng ngàn những người chứng ngộ, họ đã sống và chết đi, bởi vì họ không có tài năng gì đặc biệt, để người bình thường thấy được họ. Có thể họ đã có một cái gì đó độc đáo; chẳng hạn, có thể họ đã đạt tới một "trạng thái" im lặng bao la, nhưng cái đó thường không được lưu ý  nhiều.
Tôi biết một người chứng ngộ tại Bombay khi tôi ở đó, và tài năng duy nhất của ông là làm những bức tượng đẹp bằng cát. Tôi chưa bao giờ thấy những bức tượng đẹp như thế. Suốt ngày ông thường làm chúng trên bãi biển, và hằng ngàn người thấy chúng và ngạc nhiên. Họ đã nhìn thấy tượng Phật Gautama, Krishna, Mahavira, nhưng không có sự so sánh. Và ông không đang làm việc trên cẩm thạch, chỉ bằng cát biển. Người ta thường ném những đồng rupee; ông không hề bận tâm. Tôi đã nhìn thấy những người khác lấy đi những đồng bạc đó; ông cũng không bận tâm về chuyện đó. Ông quá bị hút vào việc nắn những bức tượng. Nhưng những bức tượng đó không tồn tại lâu. Chỉ một làn sóng biển đến, và vị Phật cát biến đi.
Trước khi chứng ngộ, ông sinh sống bằng cách đó, di chuyển từ thành phố này sang thành phố nọ và làm những bức tượng cát. Và chúng quá đẹp, đến nỗi không thể không tặng ông một cái gì đó. Ông kiếm đủ sống, đủ cho một người.
Bây giờ ông đã chứng ngộ – nhưng ông chỉ có một tài năng duy nhất, làm tượng cát. Dĩ nhiên, ông sẽ làm những bức tượng cát, chúng trỏ về phía sự chứng ngộ, nhưng đó là sự hiến tặng duy nhất mà ông có thể làm. Sự hiện hữu sẽ sử dụng cái đó. Những bức tượng của ông đều toát lên chất thiền. Chỉ đơn giản ngồi bên cạnh những bức tượng cát của ông, bạn có thể cảm thấy rằng, ông đem đến cho bức tượng một sự cân đối, một hình thể nào đó, một khuôn mặt nào đó, nó tạo ra một cái gì đó bên trong bạn.
Tôi hỏi ông, "Tại sao ông tiếp tục làm tượng Phật Gautama, Mahavira? Ông có thể làm tượng Rama, ông có thể làm tượng Krishna. Ông có thể kiếm được nhiều hơn – bởi vì đất nước này không phải là nước Phật giáo, và có rất ít người Jaina..."
Nhưng ông nói, "Chúng sẽ không phục vụ cho mục đích của tôi; chúng không chỉ mặt trăng. Chúng sẽ là những bức tượng đẹp – tôi đã làm tất cả những bức tượng đó trước đây – nhưng bây giờ, tôi chỉ có thể làm cái mà nó là một lời giáo huấn, cho dù nó sẽ không khả thị đối với hằng triệu người, hầu như đối với tất cả mọi người."
Vào thời gian tôi đến sống thường trú tại Bombay, ông đã mất, nhưng trước đó, bất cứ khi nào tôi đến đó, tôi tự nhủ, thế nào cũng phải đến viếng thăm ông. Ông làm việc trên bãi biển Juhu vào thời điểm đó. Suốt ngày nơi đó im lặng, người ta chỉ đến vào buổi chiều và vào lúc đó, những bức tượng đã sẵn sàng. Suốt ngày, không có sự quấy rầy nào.
Tôi nói với ông, "Ông có thể làm những bức tượng, tại sao ông không dùng cẩm thạch? Chúng sẽ tồn tại mãi mãi."
Ông nói, "Không có gì thường hằng cả" – đó là một câu trích dẫn từ đức Phật – "và những bức tượng cát này tái hiện đức Phật tốt hơn bất cứ bức tượng cẩm thạch nào. Một bức tượng cẩm thạch có một sự thường hằng nào đó, còn những bức tượng này thì phù du – chỉ một cơn gió mạnh, và chúng biến đi, một làn sóng biển, và chúng biến đi. Một đứa trẻ chạy đến vấp vào bức tượng, và nó biến đi."
Tôi nói, "Ông không cảm thấy tiếc hay sao – khi  ông làm việc suốt ngày, và bức tượng chỉ sắp xong, và rồi một cái gì đó xảy ra và công trình của một ngày biến mất?"
Ông nói, "Không. Tất cả mọi hiện hữu đều phù du; không có vấn đề phẫn chí. Tôi ưa thích việc tạo ra nó, và nếu một làn sóng biển ưa thích việc phá hủy nó, thì cả hai chúng tôi đều thích thú! Tôi thích thú tạo ra nó, làn sóng thích thú phá hủy nó. Do vậy, trong hiện hữu luôn có những niềm vui kép, cả hai cùng vui – thì tại sao tôi lại phải phẫn chí? Làn sóng có nhiều quyền lực đối với cát như tôi có; có lẽ có nhiều hơn."
Khi tôi đang nói chuyện với ông, ông nói, "Anh hơi kỳ lạ một chút, bởi vì không có ai nói chuyện với tôi. Người ta chỉ ném những đồng rupee. Họ ưa thích những bức tượng, nhưng không ai ưa thích tôi. Nhưng khi anh đến, tôi cảm thấy quá phúc lạc, vì có một ai đó ưa thích tôi, một ai đó không chỉ quan tâm đến bức tượng, mà còn quan tâm đến cái ý nghĩa bên trong của nó, đến việc tại sao tôi đang làm nó. Tôi không thể làm bất cứ cái gì khác. Suốt đời tôi vẫn chỉ làm những bức tượng; đó là nghệ thuật duy nhất mà tôi biết. Và bây giờ tôi phó thác cho sự hiện hữu; bây giờ sự hiện hữu có thể sử dụng tôi."
Những người này sẽ vẫn mãi không được nhận ra. Một vũ công có thể là một vị Phật, một ca sĩ có thể là một vị Phật, nhưng những người này sẽ không được nhận ra, vì lý do đơn giản là những sự việc mà họ làm không thể trở thành một lời dạy. Nó không thể giúp người ta thực sự tỉnh dậy khỏi giấc ngủ của mình. Nhưng họ đang cố hết sức; bất cứ cái gì họ có thể làm, họ đang làm.
Số rất ít người mà trở thành đạo sư, là những người trong nhiều kiếp đã thủ đắc một biện tài nào đó, một tri kiến sâu sắc về từ ngữ, ngôn ngữ, âm của từ, sự đối xứng và thi ca của ngôn ngữ. Nó là một điều hoàn toàn khác. Nó không phải là vấn đề ngôn ngữ học hay ngữ pháp; đúng hơn, đó là vấn đề tìm ra trong ngôn ngữ bình thường một thứ âm nhạc phi thường nào đó, là vấn đề tạo ra phẩm chất của thi ca vĩ đại trong văn xuôi bình thường. Họ biết cách chơi với từ ngữ, để mà có thể giúp bạn vượt lên từ ngữ.
Không phải là họ đã chọn việc làm đạo sư, và cũng không phải là sự hiện hữu đã chọn họ làm đạo sư. Đó chỉ đơn giản là một trùng hợp ngẫu nhiên: trước khi chứng ngộ, họ đã là những "giáo thụ" vĩ đại và họ trở nên đạo sư bởi vì họ đã chứng ngộ. Bây giờ họ có thể biến việc dạy của họ thành một "thiện nghệ” – và chắc chắn đó là cái phần khó khăn nhất.
Những ai mà vẫn cứ im lặng và biến mất một cách bình an, mà không ai biết đến họ, những người đó có một con đường dễ dàng; nhưng một người giống như tôi, không thể có một con đường dễ dàng. Nó không dễ dàng khi tôi là "giáo thụ" – làm thế nào nó có thể dễ dàng khi tôi là một đạo sư? Nó nhất thiết là phải khó khăn.
Vấn đề nảy sinh cho hầu hết mọi người, là cái cách tôi nói chuyện thì khá kỳ lạ. Không có diễn giả nào trên thế giới nói giống như tôi – về mặt kỹ thuật, nó sai; nó phải mất gần như gấp đôi thời gian! Nhưng những diễn giả đó có một mục đích khác hẳn – mục đích của tôi thì hoàn toàn khác với mục đích của họ. Họ nói bởi vì họ được chuẩn bị cho việc đó; họ chỉ đơn giản lặp lại một cái gì đó mà họ đã diễn tập. Thứ hai, họ đang nói để áp đặt một ý thức hệ nào đó, một ý tưởng nào đó lên bạn. Thứ ba, đối với họ, nói là một nghệ thuật – họ tiếp tục tinh luyện nó.
Trong trường hợp của tôi, thì tôi không phải là cái mà họ gọi là một diễn giả, hay một nhà hùng biện. Đối với tôi, nó không phải là một nghệ thuật, hay là một kỹ thuật; về mặt kỹ thuật, tôi tiếp tục trở nên càng ngày càng tệ! Nhưng những mục đích của tôi và của họ thì hoàn toàn khác nhau. Tôi không muốn gây ấn tượng lên bạn, để "thao túng" bạn. Tôi không nói với mục đích là để thuyết phục bạn. Tôi không nói để "cải đạo" bạn thành người Kytô giáo, thành người Hindu giáo, hay Hồi giáo, thành một người hữu thần hay vô thần – đây không phải là những mối quan tâm của tôi.
Việc nói năng của tôi thực sự là một trong những "thủ thuật” của tôi cho việc thiền định. Việc nói năng chưa bao giờ được sử dụng trong cách này: tôi nói không phải để trao cho bạn một thông điệp, mà để làm cho tâm trí của bạn ngừng vận hành.
Tôi không nói điều gì đã được chuẩn bị trước – chính tôi không biết cái từ kế tiếp sẽ là từ nào; do vậy, tôi không bao giờ phạm một sai lầm nào. Người ta phạm sai lầm nếu người ta được chuẩn bị. Tôi không bao giờ quên bất cứ cái gì, bởi vì người ta quên nếu người ta vốn hằng nhớ nó. Do vậy, tôi nói với một sự tự do mà có lẽ không ai khác từng có khi nói.
Tôi không quan tâm về việc mình có nhất quán hay không, bởi vì đó không phải là mục đích của tôi. Một người mà muốn thuyết phục bạn, và thao túng bạn qua việc nói của y, thì y phải nhất quán, phải hợp logic, phải chinh phục lý trí của bạn. Y muốn thống trị qua lời nói.
Một trong những cuốn sách rất nổi tiếng của Dale Carnegie là về việc nói và gây ảnh hưởng trên mọi người, xem đó là một nghệ thuật – nó được bán chạy chỉ sau Kinh Thánh – nhưng tôi sẽ rớt những kỳ thi của ông. Ông thường điều hành những khóa học tại Mỹ để huấn luyện những nhà truyền giáo, những giáo sư đại học, và những nhà hùng biện. Tôi sẽ rớt trên nhiều phương diện. Trước hết, tôi không có động cơ muốn cải đạo bạn; tôi không có ước muốn "gây ấn tượng" trên bạn, ở bất cứ nơi đâu. Và tôi không nhớ tôi đã nói gì ngày hôm qua, cho nên tôi không thể bận tâm về việc phải nhất quán – cái đó gây ra quá nhiều lo lắng. Tôi có thể tự mâu thuẫn một cách dễ dàng, bởi vì tôi không đang cố truyền thông với cái tâm trí mang tính tri thức, hợp lý tính của bạn.
Mục đích của tôi thì quá “đặc biệt” – tôi đang dùng những từ ngữ chỉ để tạo ra những khoảng trống im lặng. Những từ ngữ thì không quan trọng, cho nên tôi có thể nói bất cứ điều gì mâu thuẫn, bất cứ điều gì phi lý, bất cứ điều gì không ăn nhập, bởi vì mục đích của tôi chỉ là tạo ra những khoảng trống. Những từ ngữ là thứ yếu; những khoảng im lặng giữa những từ ngữ đó mới là chủ yếu. Đây chỉ là một "thủ thuật" để cho bạn một thoáng nhìn về thiền định. Và một khi bạn biết rằng nó là điều khả dĩ đối với bạn, thì bạn đã đi xa về hướng bản thể của riêng bạn.
Hầu hết mọi người trên thế giới không nghĩ rằng tâm trí có thể im lặng. Bởi vì họ không nghĩ rằng nó có thể, họ không cố. Làm thế nào để cho người ta nếm một chút thiền vị – đó là lý do căn bản của tôi, tại sao tôi nói chuyện; do vậy, tôi có thể tiếp tục nói chuyện vĩnh viễn – tôi nói cái gì, điều đó không quan trọng. Cái quan trọng, là tôi cho bạn một ít cơ hội để im lặng, một điều mà bạn thấy khó khăn khi ban đầu bạn thực tập một mình.
Tôi không thể cưỡng bách bạn im lặng, nhưng tôi có thể tạo ra một "thủ thuật", trong đó một cách tự phát, bạn buộc phải im lặng. Tôi đang nói, và giữa một câu, khi bạn đang mong đợi một từ khác theo sau, thì không có gì theo sau, ngoài một khoảng trống im lặng. Tâm trí bạn đang chăm chú để lắng nghe, chờ đợi một cái gì đó theo sau, và không muốn bỏ sót nó – tự nhiên nó trở nên im lặng. Cái tâm trí đáng thương có thể làm gì? Nếu nó biết rõ tại những điểm nào tôi sẽ im lặng, nếu bạn được thông báo rằng, tại những điểm như thế , như thế, tôi sẽ im lặng, thì bạn có thể xoay xở để suy nghĩ – bạn sẽ không im lặng. Rồi bạn biết: "Đây là cái điểm nơi mà ông ấy sắp im lặng, bây giờ mình có thể tán gẫu một chút với chính mình." Nhưng bởi vì nó đến một cách hoàn toàn bất ngờ… Chính tôi không biết tại sao tôi ngừng lại tại những điểm nhất định nào đó.
Bất cứ cái gì giống như thế này, ở bất cứ một nhà hùng biện nào trên thế giới, sẽ bị chỉ trích. Bởi vì một nhà hùng biện mà cứ ngừng lại nhiều lần, thì có nghĩa là anh ta không được chuẩn bị tốt, anh ta đã không làm "bài làm ở nhà". Nó có nghĩa là, trí nhớ của anh ta là không đáng tin cậy, là đôi khi anh ta không thể tìm ra cái từ thích hợp phải dùng. Nhưng bởi vì nó không phải là hùng biện, tôi không quan tâm về những người mà sẽ chỉ trích tôi – tôi quan tâm đến bạn.
Và nó không chỉ ở đây, mà ở chốn xa xôi… bất cứ nơi nào trên thế giới mà ở đó người ta sẽ lắng nghe băng ghi hình hay ghi âm của tôi, thì họ sẽ đi tới cùng một sự im lặng tương tự. Thành công của tôi không phải là việc thuyết phục bạn, thành công của tôi là cho bạn nếm một chút thiền vị thực thụ để mà bạn có thể trở nên tin chắc rằng, thiền định không phải là một hư cấu; rằng trạng thái "vô–trí" không phải chỉ là một ý tưởng triết học, mà nó là một thực tại; rằng bạn có khả năng hành thiền, và nó không cần bất cứ điều kiện chuyên môn đặc biệt nào.
Có thể bạn là một kẻ tội lỗi, có thể bạn là một vị thánh – cái đó không thành vấn đề. Nếu kẻ tội lỗi có thể trở nên im lặng, hắn ta sẽ đạt tới cùng một "sự tỉnh thức" như vị thánh.
Sự hiện hữu thì không quá hà tiện, quá keo kiệt như các tôn giáo vẫn hằng dạy bạn. Sự hiện hữu thì không giống như KGB hay FBI – quan sát mọi người để xem bạn đang làm cái gì, để xem bạn có đang đi xem phim với chính vợ bạn không, hay với vợ ai khác. Sự hiện hữu không quan tâm chút nào cả. Đó chỉ là một vấn đề nhân tạo. Trong sự hiện hữu, không có cái gì giống như hôn nhân. Bất kể là bạn đang ăn cắp tiền, lấy từ két sắt của một ai đó, hay từ chính két sắt của mình, sự hiện hữu không và không thể quyết định sự khác biệt. Bạn đang lấy tiền từ két sắt – đó là một sự kiện – nhưng két sắt thuộc về ai, đó hoàn toàn không phải là mối quan tâm của sự hiện hữu.
Một lần George Bernard Shaw được hỏi, "Một người có thể sống một cách quá lười biếng, chỉ đơn giản thọc tay vào túi mình và hưởng thụ không?" Shaw trả lời, "Vâng, chỉ có điều, đó phải là cái túi của một ai khác!"
Thọc tay vào túi của riêng mình, bạn không thể sống sót! Và sự kiện là, hầu hết mọi người đều thọc tay vào túi của một ai khác. Và cái gã đó có thể thọc bàn tay của hắn vào túi của một ai khác, cho nên hắn không thể ngăn chặn bạn, bởi vì, bằng cách ngăn chặn bạn, hắn sẽ bị ngăn chặn. Do vậy, hắn phải chấp nhận nó, và nếu hắn thọc bàn tay mình vào  một cái túi "nặng" hơn, thì hắn không quan tâm về bạn: "Hãy cứ  tiếp tục làm bất cứ cái gì mà bạn đang làm, chỉ đừng tạo ra một sự rối loạn."
Sự hiện hữu không có một "đạo đức tính" như thế – nó là "phi luân".  Đối với sự hiện hữu, không có gì sai và không có gì đúng. Chỉ có một điều đúng – việc bạn tỉnh giác và "tỉnh thức".  Rồi thì bạn được phúc lạc.
Thật kỳ lạ, rằng không có tôn giáo nào định nghĩa "cái đúng" như là phúc lạc, hay định nghĩa "đức hạnh" như là phúc lạc.  Nếu họ định nghĩa nó y hệt như cách tôi đang định nghĩa nó, thì họ sẽ gặp khó khăn – bởi vì họ lo ngại khi thấy rằng, trên thế giới, những người mà họ nghĩ là những kẻ tội lỗi, thì lại có vẻ như hạnh phúc hơn những người mà họ nghĩ là những vị thánh! Những vị thánh nom có vẻ hoàn toàn bất hạnh. Và nếu họ nói rằng sự phúc lạc là tiêu chí để phân biệt đúng hay sai, thì họ sẽ phá hủy toàn bộ cái siêu cấu trúc của họ. Những vị thánh sẽ nom có vẻ giống như những kẻ tội lỗi, và những kẻ tội lỗi sẽ nom giống như những vị thánh.
Nhưng cái này là tiêu chí của tôi, bởi vì tôi không quan tâm về những kinh điển, tôi không quan tâm về những nhà tiên tri, tôi không quan tâm về quá khứ – đó là việc của họ, vấn đề của họ. Tôi có đôi mắt của riêng mình để nhìn, tại sao tôi lại phải lệ thuộc vào đôi mắt của ai khác? Và tôi có "ý thức" của riêng tôi, mà tôi phải nhận biết, thì tại sao tôi lại phải lệ thuộc vào Phật Gautama, hay Bồ Đề Đạt Ma, hay Jesus Christ? Họ sống đời họ theo sự hiểu biết và thị kiến của họ; tôi sống đời tôi theo sự hiểu biết và thị kiến của tôi.
Nỗ lực của tôi ở đây – khi nói chuyện với bạn – là trao cho bạn một cơ may để thấy rằng bạn có khả năng trở thành một "vô–trí" như Phật Gautama – rằng, nó không phải là một phẩm chất đặc biệt ban cho một ít người, rằng nó không phải là một tài năng. Mọi người không thể là một họa sĩ và mọi người không thể là một nhà thơ – đó là những tài năng. Mọi người không thể là một thiên tài – đó là những phẩm chất được ban cho từ lúc chào đời. Nhưng mọi người đều có thể chứng ngộ – đó là điều duy nhất mà về nó chủ nghĩa cộng sản có lý. Và thật khá kỳ lạ, đó là cái duy nhất mà chủ nghĩa cộng sản phủ nhận.
Sự chứng ngộ là điều duy nhất, kinh nghiệm duy nhất, nơi mà mọi người đều bình đẳng – có khả năng ngang nhau . Và nó không tùy thuộc vào những hành vi của bạn, nó không tùy thuộc vào những lời cầu nguyện của bạn, nó không tùy thuộc vào việc bạn có tin Thượng đế hay không. Nó chỉ tùy thuộc vào một điều, và đó là nếm một chút hương vị – và đột nhiên bạn trở nên tin chắc rằng bạn có khả năng thực hành nó. Việc nói chuyện của tôi chỉ là để trao cho bạn sự tin tưởng. Do vậy, tôi có thể kể một câu chuyện, tôi có thể buông ra một lời nói đùa – hoàn toàn không ăn nhập!
Mọi người trí thức sẽ chê bai tôi; họ nói, "Đây là loại ‘thuyết giảng’ gì thế?" Nhưng mà anh ta đã không hiểu mục đích của tôi; nó không phải là một bài diễn thuyết. Nó chỉ là một "dụng cụ" để mang niềm tin tưởng đến cho bạn và trái tim bạn, rằng bạn có thể im lặng. Bạn càng trở nên tin tưởng, bạn sẽ càng có năng lực để làm điều đó. Không có việc nói chuyện của tôi, bạn sẽ bắt đầu tự mình tìm kiếm những dụng cụ. Chẳng hạn, bạn có thể tiếp tục lắng nghe những con chim – chúng đột nhiên ngừng lại, chúng đột nhiên cất tiếng hót.  Hãy lắng nghe… không có lý do tại sao con quạ này gây ra những tiếng ồn, rồi ngừng lại. Nó chỉ đơn giản trao cho bạn một cơ hội. Bạn có thể tìm thấy những cơ hội này, một khi bạn biết cách – thậm chí tại nơi họp chợ, nơi mà có quá nhiều sự ồn ào, mọi sự đang diễn ra, điên rồ.
Việc nói chuyện của tôi không có tính chất hùng biện; nó không phải là một học thuyết mà tôi đang rao giảng cho bạn. Nó chỉ là một dụng cụ võ đoán, để cho bạn nếm một chút, để biết "hương vị" của sự im lặng là gì, và để làm cho bạn xác tín rằng, nó không phải là một tài năng – rằng nó không thuộc về những người có chuyên môn đặc biệt nào, rằng nó không thuộc về những sự khổ hạnh lâu dài, rằng nó không thuộc về những người tự gọi mình là đức hạnh. Nó thuộc về mọi người, không có điều kiện nào cả; bạn chỉ phải nhận biết nó. Đó là toàn bộ mục đích của tôi trong việc nói chuyện với bạn.
Một khi bạn đã chắc chắn rằng bạn có thể im lặng, thì toàn bộ tiêu điểm của bạn sẽ thay đổi. Nó không phải là một vấn đề kỷ luật, nó không phải là một vấn đề cầu nguyện, không phải là vấn đề tin vào Thượng đế và mọi loại vớ vẩn. Nó là vấn đề cảm nhận chính khả tính của bạn, và một khi đã biết khả tính đó và trở nên xác tín về nó, thì toàn bộ nhãn quan của bạn sẽ có một mầu sắc khác.
Kinh nghiệm của riêng tôi là, bạn có thể im lặng, và nếu bạn có thể vượt lên tâm trí, và "tâm thức" của bạn có thể tăng trưởng, thì không quan trọng vấn đề bạn đang làm cái gì; những hành động của bạn không được tính đến một chút nào, chỉ "tâm thức" của bạn mới là quan trọng. Hành động chỉ là những chuyện rất nhỏ, nhưng cho đến nay, mọi tôn giáo đều vẫn đang xem trọng những hành động của bạn, chứ không phải "tâm thức" của bạn. Các tôn giáo đã và đang huấn luyện bạn cách nào để hành động đúng, và cái gì cần phải tránh. Nhưng không ai đang nói rằng, trừ khi “sự tỉnh thức” của bạn khởi lên, bạn sẽ không có tính tôn giáo đích thực.
Nhưng một điều ngạc nhiên với tôi, là,  khi bạn trở nên im lặng, khi bạn trở nên có tỉnh thức, tỉnh giác hơn, thì những hành động của bạn bắt đầu thay đổi – chứ không phải ngược lại. Bạn có thể thay đổi những hành động của mình, nhưng cái đó sẽ không làm cho bạn tỉnh thức hơn. Khi bạn trở nên tỉnh thức hơn, thì hành động của bạn sẽ thay đổi – cái đó là hoàn toàn đơn giản và khoa học. Bạn đang làm một cái gì đó xuẩn ngốc; nhưng khi bạn trở nên tỉnh giác hơn, và nhiều tỉnh thức hơn, bạn không thể làm nó.
Đó không phải là một vấn đề thưởng và phạt. Chính sự tỉnh thức của bạn, sự im lặng của bạn, sự bình an của bạn, là cái khiến cho bạn nhìn thật xa và thật sâu sắc vào trong mọi sự mà bạn làm. Bạn không thể làm hại bất cứ ai; bạn không thể bạo động, bạn không thể giận dữ, tham lam, bạn không thể tham vọng. "Sự tỉnh thức” của bạn đã cho bạn quá nhiều phúc lạc… sự tham lam có thể cho bạn cái gì ngoài những lo âu? Lòng tham vọng có thể cho bạn cái gì? Chỉ là một cuộc đấu tranh liên tục để lên cao trên một chiếc thang nào đó.
Khi "tâm thức" của bạn trở nên càng ổn định, thì tất cả mọi mẫu mực sống của bạn sẽ thay đổi. Cái mà những tôn giáo đã gọi là tội lỗi, sẽ biến đi từ cuộc đời bạn, và cái mà chúng gọi là đức hạnh, sẽ tự động tuôn chảy từ bản thể của bạn, từ những hành động của bạn. Nhưng các tôn giáo đã và đang làm ngược lại: trước hết, thay đổi những hành vi. Nó như thể là bạn đang ở trong một ngôi nhà tối tăm và bạn đang té vấp vào đồ đạc, và bạn được bảo rằng, trừ khi bạn ngừng vấp té, thì không thể có ánh sáng. Cái mà tôi đang nói, là: hãy mang đến ánh sáng, và sự vấp té sẽ biến đi, bởi vì khi có ánh sáng, thì tại sao bạn lại vấp té vào đồ vật chứ? Mỗi lần mà bạn vấp té, mỗi lần mà bạn đụng đầu vào tường, nó gây đau đớn. Tự nó là một sự trừng phạt – một hành vi sai tự nó là một sự trừng phạt; không có ai đang ghi chép những hành vi của bạn cả. Và mọi hành động đẹp đẽ, tự nó là một phần thưởng. Nhưng trước hết, hãy mang ánh sáng vào cuộc đời bạn.
Thiền định là một nỗ lực mang lại ánh sáng, niềm vui, sự im lặng và phúc lạc, và từ thế giới đẹp đẽ này của thiền định, bạn không thể làm bất cứ điều gì sai.
Do vậy, tôi đã thay đổi nó một cách hoàn toàn. Những tôn giáo đang nhấn mạnh trên hành động; sự nhấn mạnh của tôi là trên "sự tỉnh thức” – ý thức và sự tỉnh thức chỉ tăng trưởng trong im lặng. Im lặng là miếng đất thích hợp cho sự "tỉnh thức". Khi bạn ồn ào, bạn không thể rất tỉnh giác và "tỉnh thức." Khi bạn tỉnh thức và tỉnh giác, bạn không thể ồn ào – chúng không thể đồng hiện hữu.
Do vậy, việc nói chuyện của tôi không nên được đưa vào một phạm trù với bất cứ loại hùng biện nào. Nó là một "thủ thuật" cho thiền định, để mang đến sự tin tưởng trong bạn, sự tin tưởng mà đã bị những tôn giáo lấy mất. Thay vì là sự tin tưởng, chúng đã cho bạn mặc cảm tội lỗi, nó kéo bạn xuống và kềm giữ bạn trong nỗi buồn. Một khi bạn đã trở nên tin tưởng rằng, những điều vĩ đại đang ở trong tầm tay của bạn, bạn sẽ không cảm thấy tự ty, bạn sẽ không cảm thấy tội lỗi – bạn sẽ cảm thấy phúc lạc. Bạn sẽ cảm thấy rằng, sự hiện hữu đã chuẩn bị cho bạn trở thành một trong những đỉnh cao của “sự tỉnh thức”.
Phải mất một ít thời gian để đạt tới sự tin tưởng – đó là lý do tại sao tôi đã và đang nói, sáng chiều, liên tục trong gần 30 năm. Có lẽ 2 – 3 lần trong 30 năm này, tôi đã ngừng lại bởi vì tôi không được khỏe; nếu không thế, thì đã không có sự đứt quãng. Nhưng bởi vì tôi không thể tiếp tục nói suốt ngày để giữ cho bạn ở trong những khoảnh khắc thiền định, tôi muốn bạn trở nên có trách nhiệm. Chấp nhận rằng bạn có khả năng im lặng, cái đó sẽ giúp bạn khi bạn thiền định một mình. Biết được năng lực của bạn… và người ta đi tới chỗ biết năng lực của mình chỉ khi nào người ta thể nghiệm nó. Không có cách nào khác.
Hãy chú ý nhiều hơn đến nó, đến việc tại sao bạn trở nên im lặng. Đừng bắt tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự im lặng của bạn, bởi vì điều đó sẽ tạo ra một khó khăn cho bạn. Một mình, bạn sẽ làm gì? Rồi thì nó trở thành một loại nghiện ngập, và tôi không muốn bạn bị "nghiện" tôi. Tôi không muốn mình là một loại ma túy đối với bạn.
Những người mệnh danh là đạo sư và "giáo thụ" của những tôn giáo trên toàn thế giới – tôi đã gặp hầu hết mọi loại và mọi phạm trù các vị giáo thụ – đều muốn đệ tử của mình "nghiện" họ, lệ thuộc vào họ. Đó là cái "cái ngáng quyền lực" của họ. Tôi không muốn cái "ngáng quyền lực" nào cả. Tôi yêu mến bạn, bất luận bạn có ở cùng tôi hay không. Tôi muốn bạn độc lập, và xác tín rằng, bạn có thể đạt tới những khoảnh khắc quý giá này, một cách tự mình.
Nếu bạn có thể đạt tới chúng với tôi, thì không có lý do gì mà bạn lại không thể đạt tới chúng mà không có tôi, bởi vì tôi không phải là cái nguyên nhân tạo ra chúng. Bạn phải hiểu cái gì đang xảy ra: lắng nghe tôi, bạn đặt tâm trí bạn sang một bên. Lắng nghe đại dương, hay lắng nghe tiếng sấm của những đám mây, hay lắng nghe tiếng mưa đang rơi nặng hạt, chỉ đơn giản đặt cái ego của bạn sang một bên, bởi vì nó không cần thiết. Đại dương không định tấn công bạn, cây cối không định tấn công bạn – không cần phải tự vệ chút nào. Để cho mình mở ra – dễ bị tổn thương –  với cuộc đời như nó là thế, với sự hiện hữu như nó là thế, bạn sẽ có được những khoảnh khắc này một cách liên tục – chẳng bao lâu, nó sẽ trở nên chính cuộc đời  bạn.
Xem tiếp Chương 8 Quay về Mục lục